2017/01/01

DÂN CHỦ HÓA - KHÁI NIỆM ĐIÊN RỒ!

Karel Phùng

Dân chủ hóa, tiếng Đức là Demokratisierung, một trong những khái niệm điên rồ nhất trong cuối thế kỷ 20, đầu thế kỷ 21. Nó cũng đồng nghĩa với việc bần cùng hóa tầng lớp đa số của các nước đang phát triển, tạo điều kiện cho giới tài phiệt quốc tế thâu tóm tài nguyên và mọi nguồn lợi quốc gia. Trớ trêu thay phần lớn những kẻ hô hào dân chủ hóa đất nước ở đâu cũng vậy, phần đa chúng lấy mô hình của Mỹ và phương tây ra làm khuôn mẫu. Vậy mô hình đó hiện giờ ra sao?

GIAI ĐOẠN CUỐI CỦA CHỦ NGHĨA TƯ BẢN

Trước tiên nhìn sang nước Mỹ chúng ta có thể thấy, nước Mỹ đang ở giai đoạn cuối của chủ nghĩa tư bản. Giới nhà giàu co cụm trong những biệt khu với trường đại học riêng, nhà trẻ riêng, thậm chí ngân hàng riêng và có những người phục vụ riêng và không phải ai cũng bước chân vào được.
 
Giới trung lưu ở Mỹ đang bị giảm đi trông thấy khi tầng lớp vô gia cư, những người có việc làm phải nhận thêm Food Stamp mới đủ sống ngày càng tăng lên. Con số 50 triệu người nhận Food Stamp cho thấy, cho dù ông Trump hay bà Clinton có lên nắm quyền cũng không thể nào có những thay đổi đột biến cho xã hội của nước Mỹ trong những thập niên tới đây. Và cho dù bạn không tin thì những gì mà người dân ở đông Âu, cụ thể đông Đức cũ có được cách đây 30 năm, về nhà ở, giáo dục và y tế, với 50% người dân Mỹ hiện giờ chỉ là trong mơ. (Chưa kể tới người về hưu ở Hy Lạp chẳng hạn, chỉ trong mơ mới có được cuộc sống của những người hưu trí thuộc đông Đức cách đây 30 năm)
 
Trong khi đó an ninh đường phố ở nhiều nơi tình trạng vô cùng nguy hiểm. Người dân nghèo ở Mỹ tự cầm súng bắn giết, tranh giành quyêng lợi với nhau khiến cho mỗi ngày có tới 80 người bị chết, chưa tính 3 người bị cảnh sát bắn chết vô cớ. Bạn thử nhìn xem các nước khi có số người bị bắn chết mỗi ngày vài chục người là cái gì? Thưa: rõ ràng chỉ có thể là nội chiến! Chỉ có điều ở nước Mỹ cuộc nội chiến là do chính dân nghèo bị kích động bắn giết lẫn nhau bằng súng đạn của giới nhà giàu sản xuất và bán cho họ.
 
Giai đoạn cuối của chủ nghĩa tư bản là sự cách ly giữa các tầng lớp, là nội chiến, là tiềm ẩn sự bất ổn hàng ngày trong xã hội. Điều đó đã khiến cho nước Mỹ bây giờ không chỉ hỗn loạn mà chính quyền cũng không còn cách nào đối phó khác bằng việc tống cổ vào tù khiến cho cả nước Mỹ trở thành một nhà tù khổng lồ. Số tù nhân của nước Mỹ hiện nay cao hơn bất cứ nước nào khác trong thế kỷ trước và đầu thế kỷ này. Liên Xô, Trung Quốc, bắc Triều Tiên,.... tất cả chỉ đáng làm học trò của Mỹ bây giờ.
 
CHỦ NGHĨA TƯ BẢN VÀ DÂN CHỦ: MỐI TÌNH CƯỠNG ÉP 
 
Có một sự thật mà ít người hiểu được rằng, chủ nghĩa tư bản và dân chủ không bao giờ là mối tình đẹp và kết thúc có hậu. Các nước như Thụy Điển, Đan Mạch,... sở dĩ họ có cuộc sống khá giả, không bị ảnh hưởng nhiều cuộc khủng hoảng tài chính hiện thời là vì ít tư bản hơn, yếu tố nhà nước lớn hơn, đất rộng người thưa, tài nguyên giàu có. Người dân ở các nước đó họ đóng thuế rất cao và như thế hệ thống an sinh xã hội cho người dân nghèo bảo đảm hơn gấp nhiều lần so với ở Mỹ. 
 
Ở Đức, cụ thể là tây Đức, trong suốt thời gian từ sau chiến tranh cho tới cuối thập niên 1960 yếu tố nhà nước luôn rất lớn. Ngân hàng không được tự do áp dụng lãi xuất mà nhà nước sẽ ra qui định khi gửi tiết kiệm hay vay lãi thì mốc lãi xuất bao nhiêu. Cho tới cuối thập niên 1990, thuế doanh nghiệp vẫn ở mốc cao, thuế dành cho người thu nhập cao vẫn rất lớn đủ để bảo đảm cho ngân sách nhà nước dành cho an sinh xã hội. Sau nhiều lần thay đổi, tới năm 2004 là mốc mà nước Đức giảm thuế người thu nhập cao, giảm thuế doanh nghiệp tới 50%, giảm lương hưu và nới lỏng luật giám sát cho đồng lương của người làm thuê và kể từ thời điểm đó, việc phân chia tài sản trong xã hội ngày càng trở nên bất công. Người giàu lại càng giàu, trong bất kể hoàn cảnh nào và người nghèo lại càng nghèo thêm. Tầng lớp trung lưu bấp bênh tới mức, chẳng có gì bảo đảm rằng họ sẽ trở thành người nghèo khi khoảng cách giữa tầng lớp trung lưu và dân nghèo chỉ có vẻn vẹn 15 tháng: 3 tháng báo nghỉ việc, 12 tháng nhận thất nghiệp. 

Qua những điều đó chúng ta có thể thấy, càng phát triển tư bản mạnh, càng để cho thị trường tự do và càng giảm yếu tố của nhà nước thì xã hội càng bất công, người nghèo càng lắm và chính sách của nhà nước càng theo chiều hướng có lợi cho người giàu, thiểu số rất nhỏ trong đất nước. Vậy một đất nước mà luật pháp cũng như chính sách thuế chỉ có lợi cho thiểu số, bỏ mặc quyền lợi của đa số đâu phải là dân chủ? 
 
DÂN CHỦ HÓA: CHIẾC BÁNH VẼ
 
Ai quan tâm tới chính trị thời gian qua hẳn thấy các sự kiện ở Hungary, Ba Lan, Bulgarie,... vì sao có nhiều thay đổi trái ngược với trước kia, vì sao người dân xuống đường và vì sao mỗi ngày có quá nhiều người bỏ nước ra đi.
Ở Bulgari người ta từng tranh cãi về việc các công ty nhà nước làm ăn thua lỗ, không hiệu quả và như vậy cần phải thay đổi, ví dụ về ngành điện lực. Một công ty làm ăn về nguyên tắc để có lợi nhuận chỉ có hai cách: Giảm giá mua và tăng giá bán. Ngành điện của Bulgari trước khi bán cho các ông chủ tư bản thuộc về nhà nước, tăng giá điện là điều mà không ai dám làm vì ảnh hưởng quyền lợi đa số, giảm lương công nhân cũng tác động đến đời sống của hàng trăm ngàn người làm việc và đó là nguyên nhân dẫn tới việc nhà nước phải bù lỗ. Thế nhưng xét về quyền lợi, dù thua lỗ bao nhiêu thì vẫn là người dân Bulgari được hưởng lợi. 
Hiệu ứng đám đông tương tự như EVN của Việt Nam đã khiến cho chính quyền Bulgari phải bán cho tài phiệt nước ngoài. Kết quả là những vụ xuống đường ở Bulgari kéo dài và điện trở thành hàng xa xỉ với tầng lớp đa số dân chúng.
Ở Ba Lan tình trạng kinh tế cũng tương tự như ở Hungari, Bulgari. Ngoài việc là công xưởng giá rẻ cho các nước như Đức, Ba Lan chẳng còn gì cho riêng mình. Giới tài phiệt quốc tế thâu tóm các công ty, tập đoàn nhà nước đã khiến cho thu nhập của nhiều người dân không được cải thiện và họ, đặc biệt là giới trẻ phải bỏ quê hương xứ sở mà ra đi. 
 
Một thống kê cho thấy, số người Ba Lan bỏ nước ra đi tìm công ăn việc làm bước sang năm 2016 đã gấp ít nhất 2 lần so với cuối thập niên 1980. Có nhiều nơi dân số giảm đi quá nửa, có những làng mạc và thành phố nhỏ trở nên hoang tàn, cây cỏ mọc trở lại sau 3 thập niên dân chủ hóa và thứ người ta thấy rõ nhất là thú hoang đã trở lại để tạo ra một vùng thiên nhiên hoang tàn như chưa bao giờ có ai ở đó qua. Các nước như Bulgari, Rumani, Albani,... tình trạng thậm chí còn tệ hơn nhiều so với Ba Lan cho thấy công cuộc dân chủ hóa ở khu vực đông Âu cũ với tầng lớp đa số dân chúng đã thất bại. Có chăng chỉ là những kẻ cơ hội, giới cầm quyền và những tên tài phiệt quốc tế được lợi, làm giàu. 
 
Với tầng lớp đa số dân chúng, dân chủ hóa rồi có gì? Có quyền bầu cử, có quyền tự do đi lại?  Quyền bầu cử, cầm lá phiếu nhưng nào có thay đổi được số phận vậy thì bầu cử để làm gì? Quyền tự do đi lại nhưng vấn đề là không có tiền để đi lại thì tự do hay không tự do có ý nghĩa gì? Hay phải chăng người ta phải kéo nhau lũ lượt bỏ quê hương xứ sở để tìm miếng ăn đó là dân chủ? 
Hay phải  chăng bạn muốn dân chủ hóa kiểu Ukraina, Syria, Lybia, Ai Cập,....? 

No comments:

Post a Comment