Nhân Mã
Thời gian gần đây, nhiều tổ chức nước ngoài tiếp tục lợi dụng danh nghĩa "nhân quyền" để ra các tuyên bố phi lý, yêu cầu Việt Nam thả tự do vô điều kiện cho một số cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật. Điển hình: Ngày 16/12/2016, các tổ chức Phóng viên không biên giới, Văn bút Quốc tế, Electronic Frontier Foundation (EFF), Lawyers for Lawyers (L4L), Medial Legal Defence Initiative (MLDI), Lawyers' Rights Watch Canada (LRWC) đã xây dựng một bản kiến nghị gửi lên Ủy ban Điều tra về Bắt giữ Tùy tiện của Liên Hiệp Quốc và yêu cầu Việt Nam trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện đối với Nguyễn Văn Đài. Ngày 22/12/2016, Dân biểu Liên bang Frank Schwabe, phát ngôn nhân về Chính sách Nhân quyền của Khối Dân biểu đảng Dân chủ Xã hội Đức (SPD) tuyên bố Khối Dân biểu đảng Dân chủ Xã hội Đức đòi hỏi cho bà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh được tự do tức khắc và vô điều kiện. Những yêu cầu này hoàn toàn vô căn cứ, đi ngược lại những nguyên tắc, chuẩn mực ngoại giao quốc tế, can thiệp trắng trợn vào công việc nội bộ của Việt Nam.
Ảnh: Các tổ chức nước ngoài như tổ chức Phóng viên không biên giới thường xuyên có những tuyên bố can thiệp trắng trợn vào công việc nội bộ Việt Nam |
Các tổ chức nước ngoài cho rằng các cá nhân như Nguyễn Văn Đài, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh chỉ thực hiện quyền tự do ngôn luận của mình, không vi phạm pháp luật nên phải được trả tự do ngay lập tức. Cái quyền tự do ngôn luận mà các tổ chức này đưa ra có lẽ là quyền phát ngôn bất chấp tất cả, tùy tiện, không phải tuân theo luật pháp nào. Tuy nhiên, họ đã bỏ qua một điều rằng, kể cả Liên Hiệp quốc trong các Tuyên ngôn, Công ước của mình cũng ra các quy định nhằm kiểm soát việc phát ngôn của cá nhân trên cơ sở tôn trọng lợi ích cộng đồng. Khoản 2, Điều 29 của Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền được thông qua ngày 10/12/1948 quy định: “Trong việc hành xử nhân quyền và thụ hưởng tự do, mọi người chỉ phải chịu những hạn chế do luật định, và những hạn chế này chỉ nhằm mục tiêu bảo đảm sự thừa nhận và tôn trọng nhân quyền, và quyền tự do của những người khác, cũng như nhằm thỏa mãn những đòi hỏi chính đáng về luân lý, trật tự công cộng, và nền an sinh chung trong một xã hội dân chủ". Điều 19 của Công ước quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị do Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua ngày 16-12-1966 cũng quy định: “Mọi người có quyền tự do ngôn luận. Quyền này bao gồm tự do tìm kiếm, tiếp nhận và truyền đạt mọi thông tin, ý kiến, không phân biệt lĩnh vực, hình thức tuyên truyền bằng miệng, bằng bản viết, in, hoặc dưới hình thức nghệ thuật, thông qua bất kỳ phương tiện thông tin đại chúng nào tùy theo sự lựa chọn của họ”. Việc thực hiện những quyền trên phải: “Kèm theo những nghĩa vụ và trách nhiệm đặc biệt. Do đó, việc này có thể phải chịu một số hạn chế nhất định. Tuy nhiên, những hạn chế này phải được quy định trong pháp luật và là cần thiết để: a) Tôn trọng các quyền hoặc uy tín của người khác, b) Bảo vệ an ninh quốc gia hoặc trật tự công cộng, sức khỏe hoặc đạo đức của xã hội”.
Trở lại trường hợp của Nguyễn Văn Đài và Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, hành vi của các cá nhân này rõ ràng đã vi phạm các quy định của pháp luật, với âm mưu chống phá chính quyền Việt Nam. Nguyễn Văn Đài đã câu kết với các phần tử chống đối trong và ngoài nước lập nên các hội, nhóm trái pháp luật như “Hội Anh em dân chủ”, “Trung tâm nhân quyền Việt Nam”, “Khối 8406”, “Công đoàn độc lập”, “Liên minh dân chủ nhân quyền Việt Nam”, “Hội Cựu tù nhân lương tâm”… Các hội, nhóm này thường xuyên tụ tập đông người gây rối an ninh, trật tự, tán phát tài liệu tuyên truyền, xuyên tạc tình hình dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam trên các trang web, blog, facbook. Âm mưu của Đài và các cộng sự là tập hợp lực lượng, hình thành, công khái hóa các tổ chức chính trị đối lập với Đảng Cộng sản Việt Nam, kích động người dân xuống đường biểu tình, phá rối an ninh, thực hiện “cách mạng màu”, “cách mạng đường phố”… Nguyễn Văn Đài thường xuyên tổ chức các cuộc hội thảo, huấn luyện cách thức “đấu tranh bất bạo động” tại nhà thờ Thái Hà, Cát Bà và nhiều địa phương khác nhau cũng như trên mạng Internet. Bên cạnh đó, y còn thường xuyên trả lời phỏng vấn, cung cấp tài liệu cho các đài báo nước ngoài thiếu thiện chí với Việt Nam như BBC, RFA… để xuyên tạc vấn đề dân chủ, nhân quyền của Việt Nam; tuyên truyền tư tưởng đa nguyên, đa đảng ở Việt Nam đăng tải trên Internet, đài báo nước ngoài để qua đó vu khống, kích động kêu gọi giới trẻ nổi loạn, hướng dẫn mọi người thành lập, tham gia đảng phái đối lập để “đứng lên giành chính quyền”. Hành vi của Nguyễn Văn Đài đã xâm phạm đến sự thống nhất về tư tưởng chính trị trong xã hội qua đó đe dọa sự vững mạnh của chính quyền nhân dân và chế độ XHCN. Đối chiếu với các quy định của pháp luật hiện hành, việc Cơ quan điều tra khởi tố Nguyễn Văn Đài về tội “Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam” theo điều 88 BLHS là hoàn toàn phù hợp.
Ảnh: Nguyễn Văn Đài từng bị xét xử với tội danh "Tuyên tuyền chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam” theo điều 88 BLHS vào năm 2007 |
Còn trường hợp Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, hành vi vi phạm của đối tượng này cũng quá rõ ràng. Dưới vỏ bọc “đấu tranh dân chủ, nhân quyền” và được tổ chức khủng bố Việt Tân tài trợ, hậu thuẫn, Quỳnh thường xuyên có các hoạt động tuyên truyền chống chính quyền. Quỳnh thường xuyên đăng tải lên Facebook và Blog nhiều bài viết có nội dung xuyên tạc sự thật, xuyên tạc lịch sử, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc, bôi xấu lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các tổ chức bộ máy công quyền, xâm hại đến uy tín của cá nhân, cơ quan tổ chức Nhà nước, làm ảnh hưởng đến lòng tin của quần chúng nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, kích động nhân dân chống lại chính quyền. Quỳnh còn tham gia nhiều hội nhóm trái phép như nhóm “Tuyên bố công dân tự do”, “Mạng lưới blogger Việt Nam”, liên tục kêu gọi tụ tập, biểu tình gây rối an ninh, trật tự trên địa bàn Khánh Hòa và cả nước dưới danh nghĩa “dã ngoại nhân quyền”, “café nhân quyền”, “biểu tình chống Trung Quốc”, đòi trả tự do cho số bị bắt, xử lý bên ngoài phiên tòa… Gần đây, lợi dụng sự cố môi trường nghiêm trọng tại một số tỉnh Miền Trung, được sự kích động và tài trợ từ các cá nhân, tổ chức nước ngoài, Quỳnh ra sức tuyên truyền, kích động, lôi kéo người dân xuống đường biểu tình dưới danh nghĩa bảo vệ môi trường, phản đối Formosa. Mục đích chính của ả là gây mất ổn định tình hình qua đó thực hiện mưu đồ biến cuộc biểu tình, tuần hành đó thành bạo động, biểu tình chống chính quyền. Như vậy, việc Cơ quan ANĐT Công an tỉnh Khánh Hòa ra quyết định khởi tố bị can đối với Ngyễn Ngọc Như Quỳnh với tội danh Tuyên tuyền chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam” theo điều 88 BLHS là hoàn toàn đúng đắn.
Ảnh: Cơ quan An ninh điều tra, Công an tỉnh Khánh Hòa thi hành lệnh bắt khẩn cấp, khám xét nơi ở đối với Nguyễn Ngọc Như Quỳnh ngày 10/10/2016 |
Hành vi vi phạm pháp luật Việt Nam của Nguyễn Văn Đài và Nguyễn Ngọc Như Quỳnh hoàn toàn rõ ràng, việc một số tổ chức nước ngoài yêu cầu Việt Nam trả tự do vô điều kiện cho các cá nhân trên là vô lý, can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ quốc gia. Những tổ chức này không đủ tư cách để gây sức ép đối với Nhà nước Việt Nam. Còn về vấn đề nhân quyền ở Việt Nam phải khẳng định rằng, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn coi trọng và đảm bảo thực thi quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo theo quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật quốc tế mà Việt Nam tham gia.
No comments:
Post a Comment