2016/12/22

Hoan hô đại biểu Nguyễn Sỹ Cương

Chiềng Chạ


Từ Fb Đào Tuấn đăng tải bức thư của Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội gửi tới ông Trương Minh Tuấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin & truyền thông. 

Nội dung thư xung quanh ông Cương kiến nghị Bộ thông tin & truyền thông nên xem xét nghiêm túc việc phê chuẩn ông Nguyễn Ngọc Hiển, nguyên Phó Tổng biên tập báo Lao động lên cương vị Tổng biên tập báo này theo đề nghị của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam. Lí do được ông Cương đưa ra cho kiến nghị này là: Trong sự việc báo Lao động bị xử lý trước đó do mở các chuyên mục sai tôn chỉ, mục đích hoạt động đặt ra, cá nhân ông Hiển với tư cách là Phó Tổng biên tập đã để lọt nhiều bài viết bị Ban Tuyên giáo Trung ương nhắc nhở mà nguyên nhân là do ý thức chính trị kém nên không phân biệt đúng sai, cho đăng lên báo, tác động tiêu cực đến người đọc. Ông Cương cũng nêu một vài ví dụ chứng minh cho điều mình nói ra. 

Thông tin về ông Nguyễn Sỹ Cương (Nguồn: Internet), 
Ngoài ra, ông Cương cũng cho biết thêm: "Sau khi Bộ trưởng (ông Trương Minh Tuấn - Mõ) có ý kiến, báo Lao động đã tổ chức kiểm điểm và xử phạt các cán bộ có trách nhiệm trong đó có Phó Tổng biên tập Nguyễn Ngọc Hiển"

Sau khi bức thư được đăng tải đã có nhiều ý kiến trái chiều, không đồng thuận với kiến nghị của ông Cương, thậm chí một số trường hợp như nhà báo Phạm Ngọc Tiến còn cho rằng ông Cương lạm dụng "giấy tờ của ủy ban đối ngoại quốc hội như một cái thư tay để can thiệp việc khác với chức trách" và kiến nghị thêm: "Báo Lao Động lẽ ra phải làm rõ việc này để bảo vệ nhà báo của mình. Nếu đúng đây chỉ là ý kiến cá nhân chứ không phải kiến nghị của Ban đối ngoại quốc hội thì ông Cương đã phạm lỗi lạm dụng danh nghĩa tổ chức nhà nước nhất là cơ quan lập pháp là quốc hội. Còn nếu đây là ý kiến của Ban đối ngoại thì tôi không bình phẩm nữa chỉ thương cho các nhà báo một cổ trăm ách thế này thì ngòi bút muốn thẳng là vô cùng khốn khổ. Tôi từng trả giá vì ngòi bút của mình rồi nên muốn chia sẻ với các bạn báo Lao Động. Những ai hay ném đá vơ đũa cả nắm chửi nhà báo nên vào mà đọc công văn này để hiểu nhà báo hơn trước khi chửi họ cho có sự hiểu biết". 

Có thể nhà báo Phạm Ngọc Tiến đã đúng khi nói rằng ông Cương đang lạm dụng giấy tờ của ủy ban đối ngoại quốc hội như một cái thư tay bởi toàn bộ nội dung được nói đến ông Cương không hề nhân danh Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội; ông chỉ kiến nghị trên phương diện cá nhân mình với tư cách là một đại biểu Quốc hội. Tuy nhiên, ngoài lỗi này thì Mõ hết sức đánh giá cao những ý kiến rất đỗi tâm huyết của ông Cương. Mặc dù ông không được phân công theo dõi lĩnh vực này, cũng không phải là một người từng làm nghề nhưng với trách nhiệm của một đại biểu Quốc hội chuyên trách ông đã lên tiếng khi thấy những điểm không phù hợp trong kiến nghị của Tổng liên đoàn Lao động về việc phê chuẩn ông Nguyễn Ngọc Hiển, nguyên Phó Tổng biên tập lên vị trí Tổng biên tập do có các sai phạm trước đó. 

Mặt khác, cũng cần thấy rằng, không ai trong đội ngũ những người làm báo dám khẳng định mình không sai, không vi phạm quy tắc nghề nghiệp. Và đã sai thì phải sửa chữa và nhất thiết phải cần một thời gian nhất định nhưng cái tréo ngoe mà Tổng liên đoàn Lao động là kiến nghị bổ nhiệm chức vụ cao hơn cho một người vừa dính sai phạm. Vả lại, sai phạm đó xảy ra quá gần với thời điểm ông Hiển được kiến nghị bổ nhiệm. Cái bất bình mà ông Cương muốn chuyển tải là thế. Cho nên, nói rằng ông Hiển đã nhận thức được sai lầm và hứa sẽ sửa chữa cũng xem chừng là chưa đủ bởi nó sẽ vô tình động chạm đến những nguyên tắc trong công tác tổ chức cán bộ. Đó là một hệ lụy lớn mà không phải ai cũng nhận thức được. 

Trong ý kiến của nhà báo Phạm Ngọc Tiến, ông này có nói đến một chi tiết: "Còn nếu đây là ý kiến của Ban đối ngoại thì tôi không bình phẩm nữa chỉ thương cho các nhà báo một cổ trăm ách thế này thì ngòi bút muốn thẳng là vô cùng khốn khổ". Nghĩa là theo nhà báo này, nếu trước đây chỉ có Bộ Thông ti & truyền thông điều chỉnh hoạt động báo chí thì nếu ý kiến của ông Cương là đại diện cho Ban đối ngoại Quốc hội thì người làm báo thật sự khốn khổ khi nay sẽ có thêm một cơ quan nữa là các cơ quan chuyên trách của Quốc hội. Vậy nhưng, xin ông Phạm Ngọc Tiến đừng vội kêu la và oán thán bởi ngoài đây là một ý kiến của cá nhân (mặc dù có hơi lạm dụng) thì với những sai phạm xảy ra đã bị xử lý thì đã đến lúc công tác quản lý báo chí cần được siết chặt thêm. Và trong khi sự siết chặt về cơ chế chưa được thực hiện thì sự giám sát của những người dân, nhất là những người đại diện cho quyền lợi  và tiếng nói của người dân như ông Nguyễn Sỹ Cương là hết sức cần thiết!

No comments:

Post a Comment