2016/10/03

ĐẠO ĐỨC NGHỀ LÀM BÁO

Nắng Mới



Trong sự phát triển của nhân loại ngày nay để có sự đóng góp to lớn của tất cả các ngành, nghề, lĩnh vực trong xã hội. Mỗi ngành, nghề lại có những đặc thù, tính chất riêng biệt và đóng góp vào sự phát triển ở những khía cạnh nhất định. Ở Việt Nam cũng vậy, có rất nhiều ngành, nghề khác nhau và đem lại những giá trị khác nhau. Tuy nhiên, xã hội luôn trân trọng những ngành nghề chân chính và cao quý. Người Việt Nam rất coi trọng và tôn kính nghề giáo. Bởi đây là nghề đem lại những giá trị về cả mặt đạo đức, văn hóa, tri thức và kỹ năng cho con người để bước vào cuộc sống một cách dễ dàng, thuận lợi và đúng chuẩn mực hơn. Bên cạnh đó, còn rất nhiều nghề khác cũng được xã hội rất trân trọng, kính mến như nghề y, nghề công an, quân đội, nghề văn, nghề báo… 

Ở Việt Nam, nghề báo ra đời cũng được hơn 9 thập kỷ và mang lại những đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc. Trong công cuộc xây dựng và đổi mới đất nước, nghề báo tiếp tục phát huy vai trò và sứ mệnh lịch sử của mình để phục vụ cho quá trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa. Có thể nói, tuy chưa cao quý và lâu đời như nghề giáo nhưng nghề báo cũng có những nét tương đồng giống nghề giáo. Đó là người làm báo cũng phải căng sức, gồng mình, để thu thập, tìm kiếm những thông tin, tài liệu, rồi phân tích xử lý, cho ra đời những bài có giá trị với bạn đọc. Để có chỗ đứng trong lòng độc giả, đòi hỏi nhà báo cũng phải say sưa tìm tòi những thông tin có giá trị, có ý nghĩa, đôi khi là đối mặt với nguy hiểm để lựa chọn những cách viết, cách truyền tải hợp lý nhất, hấp dẫn nhất trong bài viết của mình. 

Trong thời đại ngày nay, báo chí luôn được mọi tầng lớp quần chúng nhân dân hướng đến, tìm đọc để phục vụ cho công việc và cuộc sống. Đó là tình cảm của xã hội với báo chí và nghề báo. Nhưng không có nghĩa là để có được tình của xã hội dành cho mình mà người làm báo lại có thể bất chấp mọi thủ đoạn, hành vi. Thực tế trong nghề làm báo đang diễn ra một tình trạng như vậy, đặc biệt là trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, xu hướng thương mại hóa đang dần ăn sâu vào các ngõ ngách của các ngành nghề khác nói chung và nghề báo nói riêng. Đã xuất hiện nhiều tờ báo, tạp chí không còn giữ đúng tôn chỉ mục đích của mình, các bài báo đã mất đi sự trong sáng và đang dần đi lạc hướng, trong đó có nhiều tờ báo quan trọng và được nhân dân yêu mến.

Một thực tế hiện nay đó là số lượng các bài báo có cách viết giật tít, câu like, mang tính giật gân để thu hút sự chú ý của mọi người ngày càng nhiều. Điều này dẫn đến thực tế là độc giả bị đánh lừa bởi những thông tin không có thật hoặc những thông tin mang tính chất hết sức hời hợt không như tựa đề bài báo. Đó có thể những thông tin mà người đọc quên ngay sau khi đọc hay những thông tin rùng rợn, kinh dị, ám ảnh, hãi hùng về những vụ giết người man rợn. Bên cạnh đó, các bài viết điều tra, phân tích mang tính cảm quan, nhận định của cá nhân tác giả cũng có xu hướng gia tăng. Điều này đã làm cho bạn đọc bị hướng đến lối tư duy, suy nghĩ theo cách suy luận của tác giả, nó hết sức nguy hiểm và sẽ gây ra nhiều hậu quả tác hại khi suy luận của tác giả là không đúng. Điển hình đó là trong vụ thảm sát 6 người một gia đình tại Bình Dương xảy ra vào năm 2015. Đã rất nhiều bài báo của các tờ báo đồng loạt đưa tin về cách ra tay man rợn của hung thủ Nguyễn Hải Dương và đồng bọn. Cũng có nhiều bài viết phân tích, điều tra nhận định về thủ đoạn, hướng tấn công, xâm nhập và ra tay của thủ phạm. Một số bài báo còn đưa ra những phân tích đánh giá về nguyên nhân để xác định thủ phạm. Trong khi thực tế thì hiện trường vụ án đã được cơ quan công an phong tỏa, mọi thông tin còn đang được cơ quan điều tra giữ kín.




Ngoài ra, cách thu thập thông tin, tài liệu để viết bài của các phóng viên nhà báo hiện nay cũng là điều đáng phải nói. Ngày trước, chúng ta đã có những nhà báo cách mạng thâm nhập nơi chiến trường, cùng chiến đấu và thu thập những thước phim tư liệu để xây dựng những bài báo có giá trị. Nhưng ngày nay, số lượng các nhà báo ít thâm nhập thực tiễn ít hơn, có chăng chỉ là minh họa để rồi cho ra những bài báo theo kiểu đạo văn, cóp nhặt, chưa phản ánh đúng hiện thực. Mà “Ký sự Syria” của phóng viên Lê Bình có thể là một ví dụ. Những tưởng chúng ta có thể được tận mắt chứng kiến về một cuộc chiến tranh tại Syria mà do đích thân nữ phóng viên của Việt Nam có thể xâm nhập vào mảnh đất đạn lửa này để đưa về những thuốc phim chân thực, quý giá nhất thì sự thật là không phải hoàn toàn là như vậy. Sau khi bộ phim được phát sóng thì đã có rất nhiều thông tin bình luận, phân tích cho rằng đây là một ký sự được sao chép, chỉnh sửa từ những thước phim khác và xuất hiện nhiều chi tiết bất bình thường so với thực tiễn.

Hay mới đây nhất là cách thu thập thông tin, tư liệu của nhà báo Quang Thế, phóng viên báo Tuổi trẻ. Phóng viên Quang Thế đã bất chấp những quy định của pháp luật, cố ý xông vào hiện trường của vụ án mà lực công an đang tiến hành bảo vệ và khám nghiệm để đòi thông tin. Mặc dù đã được lực lượng công an giải thích nhưng nhà báo Quang Thế vẫn có những lời lẽ khiêu khích thách thức khiến lực lượng công an phải “ra tay” với nhà báo này. Không phải là nhà báo Quang Thế không hiểu pháp luật mà là anh ta đang cố tình vi phạm pháp luật dưới nhiều khía cạnh, điều này hoàn toàn đi ngược lại với đạo đức của một nhà báo. Và còn một vụ việc khác cũng liên quan đến đạo đức của người làm báo trong cách viết và cách thu thập thông tin mà tác giả chưa có điều kiện đề cập hết trong bài viết này. Qua đây, chúng ta có thể thấy được thực trạng suy giảm về đạo đức trong một bộ phận người làm báo ở Việt Nam hiện nay.

Hơn bao giờ hết, độc giả lại mong mỏi về lương tâm, đạo đức của người làm báo như bây giờ. Bạn đọc không còn muốn mình tiếp tục sẽ là nạn nhân của những thông tin lừa dối, khách hàng của những tin bài rẻ rúng, vô vị. Hãy trả lại sự trong sáng, tươi đẹp cho báo chí, hãy cảnh tỉnh đạo đức, lương tri người làm báo; đây chính là điều mà các độc giả muốn chuyển đến với các cấp làm công tác quản lý báo chí và những người làm báo chân chính. Hãy để chúng ta tiếp tục có niềm tin vào nghề báo chí Việt Nam.

No comments:

Post a Comment