2016/09/24

Vụ án Ba Sàm: Đôi điều về quy tắc ứng xử của luật sư nơi công đường

Qua phiên tòa xét xử hình sự phúc thẩm hai bị cáo Nguyễn Hữu Vinh (blog Ba Sàm) và Nguyễn Thị Minh Thúy một lần nữa cho thấy quy tắc ứng xử của luật sư Việt Nam tại phiên tòa cần có cái nhìn nghiêm túc hơn.




Không ít cách hành xử của luật sư Việt Nam tại phiên tòa đã làm xấu đi hình ảnh luật Việt Nam không chỉ đối với giới luật sư trong nước mà đến ngay luật sư nước ngoài cũng phải "ngán ngẩm". Rất nhiều câu chuyện về việc một luật sư giỏi có tiếng ở Việt Nam nhưng lại hành xử với đồng nghiệp, với thân chủ của mình như một tên xã hội đen. Hẳn chúng tôi không cần phải nhắc đến nhân vật này thì ai cũng rõ vì vụ việc luật sư đánh đồng nghiệp ngay tại phiên tòa ở Thành phố Hà Nội khi bị chính thân chủ tố cáo "lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" và "trốn thuế" vào tháng 11 năm 2014. Và cũng còn nhiều vụ việc khác mà bản thân luật sư cũng phải xấu hổ khi có những hành vi lệch chuẩn ở cả trong và ngoài công đường như: Cãi lộn lẫn nhau, quát tháo, chửi đổng, nhổ nước bọt,..

Trong vụ án xét xử phúc thẩm hình sự hai bị cáo Nguyễn Hữu Vinh và Nguyễn Thị Minh Thúy do Tòa cấp cao Thành phố Hà Nội tiến hành vào ngày 22/9 vừa qua lại cho thấy có luật sư chưa giữ được mình để rồi "lệch lạc" trong hành vi và lời nói dẫn đến để Chủ tọa phiên tòa -thẩm phán Ngô Hồng Phúc phải "dùng biện pháp mạnh" để "mời ra". Vậy, điều đáng bàn ở đây là gì khi mà ngày càng nhiều những thế hệ luật sư có kinh nghiệm, tuổi cao lại có những biểu hiện vi phạm chuẩn mực về hành vi ứng xử theo "Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam (Ban hành kèm theo Quyết định số 68/QĐ-HĐLSTQ ngày 20 tháng 7 năm 2011 của Hội đồng luật sư toàn quốc)"  ?



Bị cáo Nguyễn Hữu Vinh và Nguyễn Thị Minh Thúy tại phiên tòa hình sự phúc thẩm Tòa cấp cao Thành phố Hà Nội

Có lẽ, những quy chuẩn về quy tắc ứng xử của luật sư ở Việt Nam còn quá mới mẻ và thiếu thực tiễn khi quy định ra nhưng không có luật sư nào bị xử lý khi vi phạm và cũng phải chăng quy định được Hội đồng luật sư toàn quốc ban hành ra cũng chỉ để cho có, cho đủ ? 

Theo chúng tôi, dù có hay không quy tắc ứng xử này thì bản thân luật sư hành nghề trước hết phải có "tâm và tầm". Cho dù, luật sư có giỏi đến mấy "cái tầm" mà không có "tâm" thì cũng không làm được việc, hỏng việc và ngược lại, có "tâm" mà không có "tầm" thì cũng chỉ "vô dụng" cũng giống như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói cán bộ phải có "đức và tài". 

Mặt khác, phải thường xuyên trau dồi đạo đức nghề nghiệp với ý thức hoàn thiện bản thân. Nếu đạo đức làm nghề mà không thường xuyên được tu dưỡng, rèn luyện thì cũng dễ bị xa ngã, biến chất, thoái hóa,...

Nơi công đường là nơi "tôn nghiêm" với những nội quy, quy định chặt chẽ chắc không phải là "cái chợ" nên một số luật sư nhầm lẫn khi đứng nơi công đường để bảo vệ công lý lại nhầm như đang ở phòng hội thảo hay đang ở trong phòng học mà mình là "thầy" mà có thể tự tung, tự tác về hành vi ? Khi có dấu hiệu vi phạm nội quy, quy định phiên tòa Thẩm phán đã nhắc nhở mà vẫn vi phạm thì luật sư sẽ phải bị "mời" ra khỏi công đường đó là quy định. Song, việc để cho Chủ tọa phải dùng biện pháp mạnh để "mời" ra ngoài thì luật sư cũng nên phải suy nghĩ: Lý do mình bị mời ra khỏi phiên tòa mà không phải là những luật sư khác cùng tham gia bào chữa với mình? Chắc có lẽ luật sư sẽ rút ra kinh nghiệm cho bản thân nhiều hơn khi lần sau lại đứng dưới công đường. 

Qua vụ việc của bị cáo blogger Ba Sàm, chúng tôi nhận ra rằng hành vi thô lỗ của luật sư như: quát tháo, mắng chửi, hùng hổ, náo loạn,... là những hành vi không thể chấp nhận được ở bất kỳ chỗ nào chứ chưa nói đến là ở nơi công đường. Phải chăng, luật sư đuối lý hay bế tắc mới sinh "nổi đóa" để "cả vú lấp miệng em". Cũng giống như luật sư mà chúng tôi đề cập ở trên vì luật sư đàn em của mình thực hiện bào chữa tốt hơn, lại bảo vệ cho chính người mình đã từng bảo vệ và vụ việc lại do thân chủ tố cáo nên mới sinh cơ sự "đánh đồng nghiệp tại phiên tòa". 

Trước những điều báo động về quy tắc ứng xử của luật sư nói chung và ở nơi công đường nói riêng đã đến lúc Hội đồng luật sư toàn quốc nên đề cập đến vấn đề này để xem xét và có phương án xử lý đối với những luật sư không giữ gìn phẩm chất đạo đức, quy tắc ứng xử nghề nghiệp góp phần loại bỏ những luật sư có tài mà không có đức và ứng xử kém văn hóa. Có như vậy, mới đảm bảo xây dựng một tổ chức luật sư vững mạnh xứng tầm với các tổ chức luật sư khác trên thế giới. 

VT 

No comments:

Post a Comment