2016/09/05

Có cần thiết phải thần thánh hóa "Mẹ Teresa thành Calcutta" trước lúc phong thánh?

Mẹ Đốp


Theo thông tin từ nhiều trang tin đạo Công giáo, ngày 04/9/2016 vừa qua, tại quảng trường Thánh Peter, Giáo hoàng Francis chủ trì buổi lễ phong thánh cho Nữ tu Teresa (1910 - 1997, trong gia đình có bố mẹ là người Albania, và tên khi sinh là Agnes Gonxha Bojaxhiu, bà lớn lên tại nơi nay trở thành thủ đô của Macedonia, thành phố Skopje và người Công giáo quen gọi người là Mẹ Teresa thành Calcutta). 
Trước khi được phong thánh, người phụ nữ này đã từng được phong chân phước vào năm 2003, động thái có tính bắt buộc để dẫn đến sự kiện Phong thánh. 

Ghi nhận, đánh giá công lao của người phụ nữ được phong thánh này, tại chính lễ phong thánh, Đức Hồng Y Angelo Amato, Tổng trưởng bộ Tuyên Thánh, đọc trước Đức Thánh Cha Phanxicô trong thánh lễ tại quảng trường Thánh Phêrô lúc 10h25 sáng Chúa Nhật như sau: 
"Têrêsa Calcutta, nhủ danh Gonxha Bojaxhiu Agnes, sinh tại Skopje, Albania, ngày 26 Tháng Tám năm 1910, là người con thứ năm và cũng là con út của ông bà Nikola và Drane Bojaxhiu. Cô đã được rửa tội vào ngày hôm sau và được rước lễ lần đầu khi lên năm tuổi rưỡi. Từ thời điểm đó trở đi, tâm hồn cô tràn ngập tình yêu dành cho các linh hồn.
Năm 1928, với mong muốn được phục vụ như là một nhà truyền giáo, cô bước vào Tu hội Chị em Loreto ở Ireland. Năm 1929, cô đến Ấn Độ, và khấn lần đầu vào tháng 5 năm 1931 và khấn trọn vào tháng Năm năm 1937. Trong suốt hai mươi năm sau đó, cô đã giảng dạy ở Ấn Độ, và được nhiều người biết đến vì lòng bác ái, lòng nhiệt thành, sự tận tâm và sự vui tươi.
Ngày 10 tháng 9 năm 1946, cô nhận được từ Chúa Giêsu lời mời gọi “để lại tất cả mọi thứ phía sau và phục vụ Ngài nơi những người nghèo nhất trong số những người nghèo”. Năm 1948, cô nhận được sự cho phép của Giáo Hội để bắt đầu sứ vụ tông đồ của mình trong các khu ổ chuột của thành phố Calcutta. Dòng Thừa Sai Bác Ái đã trở thành một Tu Hội của giáo phận vào ngày 07 tháng 10 năm 1950, và đã được nâng lên thành một Tu Hội giáo hoàng vào ngày 1 tháng 2 năm 1965. Đặc sủng riêng của Tu Hội là để thỏa mãn cơn khát vô hạn của Chúa Giêsu đối với tình yêu và đối với các linh hồn bằng cách hoạt động cho sự cứu rỗi và sự thánh thiện của những người nghèo nhất trong những người nghèo.
Để mở rộng sứ mệnh tình yêu này, Mẹ Têrêsa đã mở thêm các nhánh khác bao gồm dòng các Tu huynh Thừa Sai Bác Ái, vào năm 1963, dòng các nữ tu sĩ chiêm niệm vào năm 1976, dòng các Tu huynh chiêm niệm (1979), và dòng các Cha Thừa Sai Bác Ái vào năm 1984, cũng như các Hiệp hội các cộng tác viên, Hiệp hội các cộng sự viên đồng lao cộng khổ, và phong trào Corpus Christi cho các linh mục.
Tại thời điểm Mẹ Têrêsa qua đời vào ngày 05 tháng Chín năm 1997, dòng có đến 3,842 chị em làm việc tại 594 nhà ở tại 120 quốc gia. Mặc dù, phải chịu đựng một kinh nghiệm đau đớn của bóng tối nội tâm, Mẹ Têrêsa đã đi khắp mọi nơi, có liên quan, như Đức Maria trong trình thuật Thăm Viếng [bà Elizabeth], để truyền bá tình yêu của Chúa Giêsu trên khắp thế giới. Do đó, Mẹ đã trở thành một biểu tượng của dịu dàng và tình yêu thương xót của Thiên Chúa cho mọi người, đặc biệt là đối với những người không được yêu thương, bị khước từ và bỏ rơi. Từ trên Thiên Đàng, Mẹ tiếp tục “thắp lên một ánh sáng cho những người sống trong bóng tối trên trái đất này.”
Qua những dòng đánh giá này, chúng ta thấy rằng, sở dĩ Tòa thánh phong chân phước và tiến tới phong thánh cho nữ tu này bởi những hành động rất đỗi đời thường nhưng đượm lòng nhân ái, yêu thương con người. Nhất là trong thời gian bà được mục vụ tại Ấn Độ với sứ mệnh chăm sóc, giúp đỡ những người nghèo tại đây. 

Sự dấn thân hết sức tự nguyện và không đòi hỏi cho đến giây phút cuối cùng của cuộc đời của bà đã khiến những ai đã từng gặp bà dù chỉ 1 lần cũng phải cảm phục. Và điều bà để lại không chỉ là những dấu ấn cá nhân của mình mà sự lan tỏa từ những hành động ngỡ như đời thường nhất từ bà đã khiến cho bà trở nên vĩ đại và bất tử. 

Mõ nghĩ rằng, với một xã hội đang trở nên xô bồ, nhiều tiêu cực như hiện nay thì bà hoàn toàn xứng đáng và việc phong thánh cho bà sẽ khiến cho tình thương, lòng bác ái được lan tỏa và sẽ có nhiều người học tập, noi gương bà hơn trong chính đời sống đức tin. 

Tuy nhiên, trong khuôn khổ Entry này, Mõ thấy có 02 điều mà thiết nghĩ rằng sẽ không cần nói ra khi nói về "Mẹ Teresa thành Calcutta" thì bà vẫn vĩ đại như thường. Nghĩa là chính bản thân và hành động của bà đã khiến bà xứng đáng với những gì được Giáo hội Công giáo hoàn vũ giành tặng, ban cho và những người yêu kính bà không cần thiết phải thần thánh bà dù bà đã được Giáo hội liệt vào hàng các thánh giống như Thánh Phê rô và Phao lô tông đồ! 

Điều/ chi tiết thứ nhất là nguyên cớ khiến Giáo hoàng Gioan Phaolồ đệ nhị (John Paul II) nói ra trong lễ phong chân phước cho "Mẹ Teresa thành Calcutta". Theo đó, Giáo hoàng John Paul II đã công nhận một phép lạ đầu tiên vẫn được gán cho "Mẹ Teresa thành Calcutta" khi một phụ nữ bộ tộc Bengali, Monica Besra đã được chữa khỏi nhờ được đặt một bức ảnh của mẹ Teresa lên bụng. 

Trên thực tế, ngay sau khi được công bố, phát hiện này bị chỉ trích vì được cho là không có thật và nhóm duy lý ở Bengal dựng lên để đảm bảo rằng bà được Phong chân phước và tiến tới được phong Thánh như ngày hôm qua. Nói như thế để thấy rằng, bản thân việc thần thánh hóa "Mẹ Teresa thành Calcutta" hoàn toàn không có dụng ý xấu mà nó còn hướng tới những mục tiêu lớn hơn, tốt hơn cho xã hội và giáo hội Công giáo hôm nay. Tuy nhiên, Mõ  hoàn toàn đồng ý với quan điểm bài viết "Chuyện Bức Tượng Đức Mẹ Khóc Ra Máu Tại Bolivia - Có Cứu Vãn Đức Tin Được Chăng?" được đăng tải trên Sách hiếm: "Để duy trì và củng cố đức tin giáo hội Công giáo nói chung không thể cứ mãi trông chờ vào những điều mà nó có thể bị bại lộ bất cứ lúc nào dưới ánh sáng của khoa học công nghệ hiện đại. Mà tốt hơn hết, để giải quyết một vấn nạn thì tốt hơn hết là giải quyết chính căn nguyên, gốc rễ gây nên vấn nạn đó. Đây cũng là thông điệp mà người viết muốn gửi đến những người có chức trách trong giáo hội Công giáo trong hành trình tìm lại chính mình!". 

Hay nói cách khác, cần phải có một sự rạch ròi nhất định trong việc Vinh danh, "Phong thánh" cho một con người với việc sử dụng chính họ để  củng cố, làm giàu đức tin. Và xin thưa rằng, tự thân những con người vĩ đại như thế, bản thân họ đã làm rất tốt điều đó. Cho nên, sẽ không oan uổng nếu nói rằng, chính việc "thần thánh hóa" một con người theo xu hướng siêu nhiên đã làm hao hụt giá trị của "Mẹ Teresa thành Calcutta". 

Điều/ chi tiết thứ hai được nói ra vào tháng 12 năm 2015 khi Giáo Hoàng Francis đã công nhận phép lạ thứ hai của "Mẹ Teresa thành Calcutta" sau khi có thông tin một người đàn ông Brazil đã được chữa lành bệnh u não vào năm 2008 sau khi linh mục cầu nguyện để có được sự can thiệp của Mẹ Teresa với Chúa Trời.

Xét về mặt bản chất thì Điều/chi tiết thứ hai ("Việc công nhận phép lạ thứ hai) này không khác là mấy so với "việc công nhận phép lạ thứ nhất". Mục đích của những người thêu dệt nên câu chuyện cũng là để thần thánh hóa, siêu nhiên hóa một con người bình thường. Nghĩa là sự giả dối lại được tiếp tục lần thứ hai cho dù lần thứ nhất đã gây ra nhiều tranh cãi, đồn đoán không hay. 

Giải thích bên lề điều này, những người hiểu chuyện cho rằng, sở dĩ bản thân Tòa thánh tiếp tục công nhận "phép màu từ "Mẹ Teresa thành Calcutta" bởi "Thường phải mất nhiều thập kỷ trước khi một người có thể được phong thánh sau khi qua đời, nhưng việc phong chân phước cho bà đã được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II thông qua rất nhanh và Đức Giáo Hoàng Francis được biết là rất muốn hoàn thành quá trình này trong Năm Thánh của Giáo Hội, sẽ kết thúc vào tháng 11 năm 2016" (Theo BBC). 

Và cũng như chi tiết thứ nhất, bản thân nội tại hành động này không hề xấu mà ngược lại. Tuy nhiên, những ai tinh ý sẽ thấy rằng, bản thân Tòa thánh vẫn luôn bị ám thị, thúc bách bởi tiến độ phong thánh cho "Mẹ Teresa thành Calcutta". Vậy nguyên nhân của sự thúc bách khiến họ phải thần thánh hóa người phụ nữ vĩ đại này trước lúc phong thánh là gì? 

Và như đã nói/ khẳng định ở trên, với những việc đã làm được cho giáo hội/ xã hội "Mẹ Teresa thành Calcutta" hoàn toàn sẽ được phong thánh, vấn đề chỉ còn là vấn đề của thời gian. Đó là phần thưởng xứng đáng cho một nữ tu chân chính dấn thân vì sự tốt đẹp của xã hội này. 

Trong bối cảnh lí do trực tiếp liên quan bị loại bỏ thì chỉ còn duy nhất lí do Giáo hội trông đợi gì sau lần phong thánh cho "Mẹ Teresa thành Calcutta" vẫn là vấn đề đức tin đang trong thời khắc khủng hoảng mà giáo hội Công giáo hoàn vũ đang phải đối diện. Họ muốn thông qua việc phong thánh này để tái thiết lập những giá trị mà họ xét thấy cần phải có để các tín hữu gắn bó hơn với giáo hội, phấn đấu vì những giá trị thuộc về giáo hội. 

Cũng như đã đề cập ở trên, tổng thể các động thái "thần thánh hóa" "Mẹ Teresa thành Calcutta" hoàn toàn tốt. Vậy nhưng, liệu nó có cần thiết và đúng đắn không khi nó chưa chắc đã giải quyết được bài toán mà giáo hội Công giáo hoàn vũ đang gặp phải? Thậm chí, từ những điều nhỏ nhặt và không cần thiết như thế này, trong lòng giáo hội sẽ diễn ra một cuộc cãi vã xung quanh điều này. Và khi đó tôi tin rằng, nó sẽ không những không có tác dụng củng cố đức tin mà nó còn ngược lại. Việc phong thánh cho "Mẹ Teresa thành Calcutta" vì thế sẽ không đi đến trọn mục đích. 

Và thiết nghĩ, để củng cố đức tin, giáo hội Công giáo hoàn vũ phải tự loại bỏ những điều huyễn hoặc như thế. Giáo hội các tôn giáo nói chung, giáo hội Công giáo nói riêng đã đến lúc nhập thế 100% chứ không nên nghĩ đến chuyện lừa mị người dân bằng những sự tích, những câu chuyện thần thoại. Đó cũng là con đường để các giáo hội có thể phát triển trong bối cảnh mới! 

No comments:

Post a Comment