TP - Nhiều người ở Hà Tĩnh cho rằng, ông Võ Kim Cự là kiểu người “ngã xuống rồi vùng dậy chạy”, gan lì, quyết liệt đến lạ lùng. Bao phen gặp bão tố ông đều vùng vẫy thoát nạn. Lần này bão tố lại đến với ông dữ dội hơn. Một cơn bão mà ít ai, kể cả ông Cự tiên lượng hết được hậu quả...
“Duyên” và “Nợ”
Một “phát hiện” khá thú vị là, ông Võ Kim Cự vừa có “duyên” vừa có “nợ” với báo Tiền Phong.
Khi biết chúng tôi muốn tìm hiểu về ông Võ Kim Cự, một lãnh đạo Hà Tĩnh cũ đã có một gợi ý mà theo đó, chiều 26/7, tôi đến Sóc Sơn gặp nhà thơ Dương Kỳ Anh. Ông tên thật Dương Xuân Nam, bút danh Dương Kỳ Anh gắn với tên quê hương ông. Không chỉ lấy tên quê làm bút danh cho mình mà cả con trai ông là Dương Thái Hà (Hà Tĩnh) và con gái Dương Anh Xuân (xã Kỳ Xuân, Kỳ Anh) cũng mang tên quê nội.
Ông Nam có mối quan hệ thân tình với ông Cự. Khi học ở Liên Xô, qua một người đồng hương Hà Tĩnh giới thiệu, ông Nam gặp ông Cự cũng đang tham dự lớp ngắn hạn tại trường Đoàn bên đó. Ông Nam hơn ông Cự cả chục tuổi. Năm 1987, tại Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ 5, ông Nam được bầu vào BCH, Ban Thường vụ T.Ư Đoàn, được phân công phụ trách khối Báo chí - Xuất bản của Đoàn và làm tổng biên tập báo Tiền Phong và giữ vị trí đó hơn 20 năm. Sau đại hội, hai người lại có duyên gặp gỡ.
Khi ấy, Đoàn Thanh niên phát động phong trào thanh niên lập nghiệp; đang là bí thư Huyện Đoàn Cẩm Xuyên, ông Cự mạnh dạn đi đầu thành lập một xí nghiệp thanh niên phát triển kinh tế. Ông Hà Quang Dự (lúc đó là Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn) khi về làm việc với tỉnh Đoàn, đi khảo sát mô hình của Võ Kim Cự đã nhận xét “cậu này hăng hái...”. Sau đó, ông Hà Quang Dự trao đổi với ông Nam nên tìm cách giúp Võ Kim Cự vượt qua khó khăn ban đầu, phát triển kinh tế, thắp sáng nhân tố mới, tạo sức lan toả trong thanh niên.
“Báo Tiền Phong cho Võ Kim Cự vay một số tiền đáng kể thời điểm đó để xây dựng xí nghiệp…”, ông Nam nói. Sau này, ông Nam và báo Tiền Phong, T.Ư Đoàn tiếp tục quan tâm giúp đỡ chàng thanh niên hăng hái Võ Kim Cự trong công tác Đoàn cũng như phát triển xí nghiệp thanh niên và trong cuộc sống. “Mấy lần Cự nằm viện ở Hà Nội, tôi đều đến thăm, chia sẻ”, ông Nam nhớ lại.
Ông Võ Kim Cự.
Thêm một cái duyên nữa! Trước đây, khi Formosa mới vào đầu tư, Tiền Phong đăng bài dài kỳ nêu “được - mất” ở đại dự án này. Thời điểm đó, Hà Tĩnh có văn bản phản ứng nhiều thông tin và chi tiết trong loạt bài này. Toà soạn đã cử đoàn công tác vào làm việc. Ông Cự nhớ rõ buổi tiếp đoàn công tác báo Tiền Phong lần ấy. Lần gặp mới đây, ông còn nhắc lại tên nhà báo Phạm Đình Thắng (Trưởng ban Kinh tế), nhà báo Trần Công Hùng (Trưởng ban Pháp luật), nhà báo Nguyễn Phong Cầm (phụ trách Ban Thanh niên) và khá “ấn tượng” với buổi làm việc ấy.
Khi cơn bão thông tin Formosa nổi lên, Tiền Phong cũng là tờ báo đầu tiên nêu đích danh ông trong bài “Ba lần đụng ông Võ Kim Cự”, cũng là tờ báo có phóng viên tiếp xúc đầu tiên với ông sau một thời gian ông bị coi là né báo chí. Sau bài phỏng vấn đó, Tiền Phong tiếp tục đặt vấn đề “ông Cự cần phải xin lỗi dân”…
Những lần ngã xuống, suýt bị khởi tố…
Trước sự cố Formosa, ông Võ Kim Cự từng ba lần vấp ngã trên quan lộ của mình.
Lần thứ nhất là vào cuối những năm 1970, khi ông Cự đang là ủy viên BCH Đảng bộ huyện Cẩm Xuyên. Thời Người đi xây hồ Kẻ Gỗ, Võ Kim Cự chỉ huy các đơn vị làm kênh mương thủy lợi kết hợp làm kinh tế. Ông chỉ huy đoàn viên thanh niên nhặt hàng trăm tấn mảnh bom đem bán rồi xây ngôi nhà hai tầng làm trụ sở Huyện Đoàn. Đây là ngôi nhà tầng đầu tiên trong 30 trụ sở huyện, thị Đoàn thời Nghệ Tĩnh. Có người cho rằng: “Bí thư Huyện Đoàn ở trên nhà cao tầng chẳng khác nào ngồi trên đầu bí thư Huyện ủy”. Lại thêm chuyện “xé rào”, đi tắt trong kết nạp đảng viên mới nên Võ Kim Cự bị giáng cấp, ra khỏi BCH đảng bộ huyện. Sau đó một thời gian, ông được phục hồi tham gia BCH Đảng bộ huyện, tiếp tục làm bí thư Huyện Đoàn.
Lần thứ hai, tháng 10/1989, chỉ trong vòng 10 ngày, ba cơn bão liên tục đổ bộ vào phía nam huyện Kỳ Anh. Dưới Hoành Sơn - Đèo Ngang, các xóm làng tiêu điều, xơ xác; dân dựng nhà tạm, lót ổ rơm để ngủ. Võ Kim Cự vào Đèo Ngang mang máy quay ghi lại những hình ảnh tiêu điều, rồi liên hệ với linh mục Nguyễn Đình Thi (quê Hương Khê, Hà Tĩnh) đang định cư ở Pháp. Dự định của ông Cự là bay sang Pháp cùng ông Thi vận động bà con Việt kiều quyên góp tiền về xây nhà cho dân tránh bão. Khi ông Cự quay phim thì bị một số người đề nghị Biên phòng tạm giữ người, tịch thu phương tiện.
Thời đó, Đồn trưởng Biên phòng Đèo Ngang Lê Hữu Thành (cháu của Anh hùng - Liệt sỹ Lý Tự Trọng) chỉ tạm thu giữ phim, sau đó trả lại. Khi đã làm xong thủ tục chuyến bay sang Pháp, lên máy bay yên vị, Võ Kim Cự bị an ninh mời xuống.
“Chúng tôi nhận được điện báo từ Hà Tĩnh chuyển vào yêu cầu ông quay về, không được phép xuất cảnh”. Ông Cự hỏi lý do, an ninh sân bay trả lời: “Chúng tôi được Hà Tĩnh yêu cầu báo cho ông quay về. Còn lý do thì ông về Hà Tĩnh sẽ biết”. Ông Cự yêu cầu an ninh sân bay lập biên bản về việc buộc ông trở lại. Trong khi lập biên bản, an ninh mở va ly ghi nhận có mấy bộ quần áo và những tấm ảnh ghi về cảnh tàn phá của bão tố. Sau lần “hăng hái ấy”, cán bộ Đoàn Võ Kim Cự bị phê bình.
Lần thứ ba, khoảng năm 1992, khi đó Hà Tĩnh được tái lập, ông Võ Kim Cự được bầu vào Tỉnh ủy, HĐND tỉnh Hà Tĩnh, làm Tổng giám đốc điều hành Liên doanh Austinh với Australia. Phía Hà Tĩnh góp vốn bằng sản phẩm tinh luyện ti-tan, phía Australia góp vốn bằng máy móc. Sản phẩm của ta làm ra bị tính giá rẻ mạt, còn máy móc cũ kỹ, thậm chí thải loại thì họ tính giá cao.Võ Kim Cự bị lừa, doanh nghiệp thua lỗ nặng, cơ sở sản xuất bị đổ vỡ.
Ông bị đình chỉ công tác. Cơ quan điều tra lên kế hoạch khởi tố bắt giam. Võ Kim Cự có đơn kêu đến Thiếu tướng Trịnh Thanh Thiệp (phụ trách an ninh kinh tế đối ngoại). Qua xem hồ sơ, tướng Thiệp cân nhắc, đánh giá và nhận xét: Người Việt mình suốt mấy chục năm lo đánh giặc bảo vệ Tổ quốc, chưa có thời gian nghiên cứu làm ăn bài bản với nước ngoài. Võ Kim Cự là một trong những trường hợp đầu tiên của Việt Nam bắt tay với tư bản.
Do thiếu hiểu biết về thương trường trong hợp tác làm ăn với Tây nên bị lừa. Tướng Thiệp trả hồ sơ về Hà Tĩnh. Võ Kim Cự không bị khởi tố, nhưng cũng không được điều hành Cty, không là tỉnh ủy viên nữa. Liên doanh Austinh được phục hồi lấy tên Tổng Công ty Khoáng sản Thương mại Hà Tĩnh.
Một số người được giao nhiệm vụ điều hành nhưng doanh nghiệp vẫn thua lỗ. Một thời gian sau, có chuyên gia kinh tế đề xuất đưa Võ Kim Cự trở lại làm Tổng giám đốc. Ông Cự đã giúp Tổng công ty thời kỳ 1999-2000 có doanh thu khoảng 200 tỷ đồng, bằng nguồn thu ngân sách cả tỉnh.
Lần thứ tư… Từ thành công trong điều hành doanh nghiệp, ông Võ Kim Cự được bầu vào vị trí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh kiêm Trưởng ban Khu kinh tế Vũng Áng. Sau đó là Chủ tịch UBND tỉnh rồi Bí thư Tỉnh ủy. Ông là người trực tiếp ký giấy phép đầu tư cho Formosa thuê đất 70 năm. Theo Thanh tra Chính phủ, ông ký cấp phép đầu tư như vậy là vượt thẩm quyền. Thêm một lần nữa, sai sót đến từ sự hăng hái, “xé rào”. Nhưng lần “xé rào” này đã gây ra “bão” lớn, khó dự báo, ngay cả người trong cuộc.
Đá nổi trên nước?
Cuộc gặp ngày 24/7, tôi quan sát rất kỹ các động thái của ông Cự.
6h sáng Chủ nhật, 24/7, theo lịch hẹn, tôi đến văn phòng Liên minh Hợp tác xã. Tôi đợi ông ở phòng khách tầng một. Khoảng 5 phút sau, ông xuất hiện, trên tay cầm chiếc cặp và bộ quần áo. Vào phòng làm việc, tôi hỏi: “Anh khỏe chứ?”. “Khỏe. Chiến đấu tốt. Hoàn cảnh nào cũng chiến đấu tốt”, ông vừa trả lời vừa cất bộ quần áo vào tủ, rồi quay lại ghế ngồi cạnh tôi. Ông cầm điện thoại đọc các tin nhắn: “Đây, anh xem, các phóng viên nhắn đây. Mấy ngày nay báo chí gọi nhiều. Bận Đại hội Liên minh HTX nên chưa gặp được, chứ không phải né tránh”. Ông đưa cho tôi xem các tin nhắn đe dọa, mắng chửi…
Vào buổi phỏng vấn, ông trả lời tất cả câu hỏi. Giọng ông chắc nịch, quyết đoán, kể cả một số câu trả lời thông tin chưa đầy đủ, đuối lý. Ông không nổi nóng khi bị tôi hỏi sốc.
Đang trò chuyện thì có vài người bước vào. Ông giới thiệu đó là mấy anh ở Trung tâm Thông tin của Liên minh (cùng tham gia cung cấp thông tin cho tôi) và một người bạn thân từ quê ra. Người này ngồi quan sát, thỉnh thoảng nói thêm vài câu. Câu chuyện về Formosa bị ngắt quãng, khi người bạn thân cùng quê ông nói xen vào đoạn chúng tôi bàn về việc phê duyệt dự án: “Đến thánh thần cũng sai, huống chi con người. Vấn đề là sai thì phải biết sửa. Cự nhớ chuyện Lê Phúc Nhạc không?”. Tôi tạm dừng câu chuyện, nhường chỗ cho hai người tâm sự. Ông Cự nhớ rành rọt các mốc thời gian từ thời nghèo khó xa tít tắp, khiến người bạn ở quê khoái chí vỗ đùi, cười lớn. “Đá còn nổi lên nước cơ mà. Lời nguyền đó cũng đã được phá bỏ”, người bạn nói như để động viên ông Cự.
Nghe chuyện hai người, tôi được biết, ông Lê Phúc Nhạc là người làng Dư Lạc xưa, nay là xã Cẩm Lạc, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh đỗ nhất giáp chế khoa năm Đinh Sửu (1577) đời vua Lê Thế Tông, niên hiệu Gia Thái, làm quan giữ chức Hữu thị lang bộ Lễ, tước Hầu. Theo lời truyền trong dân gian, khi Lê Phúc Nhạc về thăm quê, trước những lời lẽ xúc phạm ông, ông đã buộc hòn đá vào cổ nhảy xuống dòng Lạc Giang tự vẫn, để lại lời nguyền: “Khi nào thấy hòn đá này nổi lên thì dân Dư Lạc mới có người làm quan”.
Năm 2005, khi nghe câu chuyện đó, ông Võ Kim Cự đã xây lăng, lập mộ cho ông Lê Phúc Nhạc. Năm 2010, Hà Tĩnh có một trận hạn hán rất lớn, dòng Lạc Giang cạn kiệt. Và, cũng mùa hè năm ấy, ông Cự được bầu giữ chức Chủ tịch UBND tỉnh. Hiện, mộ của ông Lê Phúc Nhạc nằm ở phía tây Cầm Kẽm thuộc xã Cẩm Trung, huyện Cẩm Xuyên. Dân địa phương thường gọi ông Lê Phúc Nhạc là Thần Cầu Kẽm. Tại xã Cẩm Lạc, ông Cự xây một miếu thờ để dân làng thờ phụng vị tiến sỹ này.
Ông Võ Kim Cự - người trong “tâm bão”.
Chuyện với người bạn ở quê đang mặn, ông Cự bỗng quay sang tôi: “Không biết lịch sử thì khó mà phát triển”. Ông lại nói một mạch về mảnh đất Kỳ Anh, nằm dưới chân Đèo Ngang mấy chục năm trước dân nghèo kiết xác. Đèo Ngang người ta đọc lái là Đang Nghèo là thế. Ông bảo cả một vùng đất chết, mênh mông cát, không ai dám nghĩ sẽ đầu tư cái gì vào đây được.
Đưa Formosa vào tưởng đổi đời cho dân, ai ngờ, chưa kịp vui... Người bạn ông Cự thêm vào: “Công và tội của Cự phải hậu thế phán xét. Cái nạn trước mắt thì phải chịu, phải tìm cách mà xử lý. Phải cùng với dân vượt qua khó khăn. Người Hà Tĩnh yêu có, ghét có. Tính cách Cự luôn tạo ra yêu ghét rõ thế mà”…
Ông Võ Kim Cự đang đứng trước cơn bão lớn nhất của đời mình. Cơn bão ấy gió nổi từ nhiều phía, lúc gào thét, lúc âm ỉ. “Người đàn ông vấp ngã đứng dậy chạy” sẽ biết sửa chữa khiếm khuyết để vượt qua? Sẽ lại có thêm lần nữa “đá nổi trên nước” như câu chuyện mà ông và người bạn ở quê tâm đắc?
Có lẽ, chỉ khi nào Formosa khắc phục được sự cố, ngư dân lại dong buồm ra khơi, cuộc sống bà con ổn định trở lại… thì ông Võ Kim Cự mới ra khỏi “cơn bão” này. “Người đàn ông vấp ngã đứng dậy chạy” ấy chỉ có một hướng, đó là chạy về phía nhân dân. Nếu Formosa không mang lại cuộc sống tốt đẹp cho dân, ông Võ Kim Cự có thể sẽ mắc kẹt trong “lời nguyền”.
Formosa có thể là “cơn bão” lớn cuối cùng trên quan lộ của ông Võ Kim Cự? Bão tố vốn công bằng với tất cả những ai trong vòng ảnh hưởng. Riêng ông Cự, có thể chịu sức gió lớn hơn, bởi ông được coi là “cha đỡ đầu” của đại dự án này. Nếu Formosa nghiêm túc, có trách nhiệm trong khắc phục sự cố; cơ quan chức năng làm tốt việc giám sát; đời sống nhân dân ổn định trở lại, tương lai không bị ảnh hưởng nữa thì ông Cự mới có thể qua khỏi. Mọi việc không còn do chính ông quyết định nữa.
No comments:
Post a Comment