2016/08/08

TS. Nguyễn Đức Thùy: KHÔNG CÓ THUYẾT TỰ DO TÔN GIÁO TUYỆT ĐỐI


Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là một trong những quyền cơ bản của con người, được ghi nhận tại Điều 18 trong Tuyên ngôn Nhân quyền thế giới năm 1948 và được phát triển trong Công ước quốc tế về các quyền Dân sự và Chính trị năm 1966 của Liên hợp quốc.
video
Lợi dụng tôn giáo, không ít chức sắc đã kích động giáo dân xuống đường tuần hành (Nguồn: Internet). 

Theo đó, mọi người đều có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; không ai bị ép buộc làm những điều tổn hại đến quyền tự do lựa chọn một tôn giáo, một tín ngưỡng; quyền tự do thực hành tín ngưỡng, tôn giáo có thể bị giới hạn.

Như vậy, theo quan điểm của Liên hợp quốc và cộng đồng quốc tế, mặc dù là một quyền cơ bản của con người, nhưng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo không phải là tuyệt đối mà là một quyền có giới hạn, nếu việc thực hiện quyền này xâm hại tới an ninh quốc gia, trật tự xã hội, sức khỏe cộng đồng hoặc quyền và tự do cơ bản của người khác.

Với tinh thần đó, trong Hiến pháp và những văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam cũng như trên thực tế, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân luôn được Nhà nước ta tôn trọng, bảo đảm.

Thế nhưng, các thế lực thù địch vẫn tìm mọi cách tung ra những luận điệu cho rằng, ở Việt Nam không có tự do tôn giáo, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo bị vi phạm, bóp nghẹt.

Sở dĩ những “nhà dân chủ” lớn tiếng rêu rao luận điểm này, bởi họ đã cố tình vin vào cái gọi là thuyết nhân quyền tự nhiên về quyền tự do tuyệt đối, vĩnh hằng, không bị giới hạn, không phụ thuộc các thiết chế xã hội và nhà nước để ngụy biện cho quyền tự do tuyệt đối về tôn giáo.

Theo quan điểm của họ, quyền con người, kể cả quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là quyền bẩm sinh, không phụ thuộc vào văn hóa hay ý chí cá nhân, giai cấp, cộng đồng hay nhà nước; không một chủ thể nào, kể cả nhà nước, có thể ban phát hay tước bỏ các quyền con người bẩm sinh, vốn có của các cá nhân.

Đây là nhận thức chủ quan, thiếu tính thực tiễn, bởi trong xã hội, nếu không có hoạt động quản lý của nhà nước (thông qua hiến pháp và pháp luật) thì các quyền tự do cơ bản của con người không thể thực hiện trong cuộc sống.

Chính vì lẽ đó, Liên hợp quốc - tổ chức quốc tế lớn nhất và uy tín nhất hành tinh - cùng nhiều quốc gia trên thế giới đã không xem xét quyền con người dưới góc độ các quyền tự nhiên mà đặt nó dưới góc độ quyền pháp lý.

Mặt khác, theo học thuyết về quyền pháp lý, không có quyền tự do nào là tuyệt đối, không bị giới hạn bởi con người và các quyền của nó là một bộ phận của xã hội, chịu sự chế ước của xã hội nên chúng đều là các quyền tương đối.

Các quyền đó đều bị giới hạn bởi các trách nhiệm đối với cộng đồng và xã hội, bởi sự thừa nhận và tôn trọng đối với quyền và tự do của người khác và phù hợp với những đòi hỏi chính đáng về đạo đức công chúng, an ninh quốc gia, trật tự công cộng, sức khỏe và phúc lợi chung.

Các quyền và các hạn chế đó còn phải được ghi nhận trong hiến pháp và được bảo vệ bằng pháp luật của nhà nước. Điều đó càng có sức thuyết phục khi mỗi tín đồ tôn giáo đồng thời là công dân, có các quyền và tự do cơ bản, được thực hiện các quyền của mình nhưng phải thực hiện các nghĩa vụ công dân, tuân thủ pháp luật nhà nước.

Các quyền tự do tôn giáo, hoạt động tôn giáo về nguyên tắc là tự do thực hiện những gì mà pháp luật không cấm hay những gì mà pháp luật cho phép, tức là trong khuôn khổ pháp luật mà nhà nước định ra. Không có tự do ở ngoài trách nhiệm xã hội, ngoài pháp luật và chống lại pháp luật.

Tuy nhiên, với những toan tính và mưu đồ chính trị, các thế lực thù địch đã ra sức nhào nặn, đánh tráo và đồng nhất các khái niệm “không thể bị giới hạn”, “đình chỉ” và “hạn chế” đối với một số quyền (theo tài liệu “Các nguyên tắc Siracusa về các điều khoản giới hạn và thực hiện quyền trong Công ước về các quyền Dân sự và Chính trị”) để xuyên tạc thành “quyền tuyệt đối” về tôn giáo.

Đồng thời, diễn giải, đánh đồng các quyền không thể bị hạn chế, đình chỉ, như: Quyền sống, quyền không bị tra tấn, bắt giữ làm nô lệ, bỏ tù vì không hoàn thành nghĩa vụ theo hợp đồng… quyền được công nhận là thể nhân trước pháp luật với quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là các quyền tuyệt đối, không thể bị đình chỉ trong mọi điều kiện.

Đây là sự suy diễn nhằm cố ý tạo ra một loại “quyền tuyệt đối” làm vũ khí đấu tranh chính trị trên lĩnh vực nhân quyền, bao gồm lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo đầy phức tạp, nhạy cảm.

Điều nguy hiểm là, lợi dụng việc một số tín đồ tôn giáo quá khích, vi phạm pháp luật bị chính quyền xử lý, các “nhà dân chủ” phương Tây đã lớn tiếng phán rằng: Việt Nam đàn áp tôn giáo, bắt bớ tín đồ chỉ vì họ bày tỏ đức tin, từ đó, đòi quyền tự do tôn giáo “không thể bị giới hạn...".

Thực tiễn đã chứng minh, ở nhiều quốc gia có nền kinh tế phát triển, như: Nhật Bản, Áo, Đức,… quan niệm về tự do tín ngưỡng, tôn giáo cũng luôn đặt trong mối quan hệ với nhà nước và pháp luật.

Ví dụ ở Đức, Điều 9 (Khoản 2) của Hiến pháp nước này đã quy định: Hoạt động của một tổ chức tôn giáo có thể bị giới hạn hay bị cấm nếu như mục đích và hoạt động của tổ chức đó vi phạm các quy định của luật hình sự hay chống lại chế độ xã hội đã được xác định trong Hiến pháp.

Điều đó càng khẳng định tầm quan trọng của vấn đề tôn giáo trong hoạt động quản lý nhà nước. Các quan điểm nhằm biện hộ cho quyền tự do tôn giáo tuyệt đối không chỉ phá vỡ cấu trúc hiến pháp của quốc gia, mà còn kích động sự vi phạm pháp luật hiện hành về tôn giáo và phủ định sự quản lý của nhà nước đối với tôn giáo. Thực ra, đó là một mưu đồ chính trị.

Theo Luật Nhân quyền quốc tế, Nhà nước ta có ba nghĩa vụ chính: Tôn trọng, bảo vệ và thực hiện các quyền con người nói chung và quyền tự do tôn giáo nói riêng.

Theo đó, Nhà nước tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm trên thực tế việc thụ hưởng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân. Về trách nhiệm bảo vệ, Nhà nước thực thi quyền ngăn chặn sự vi phạm các quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của bên thứ ba.

Trong nghĩa vụ thực hiện, Nhà nước có những biện pháp, chế tài nhằm hỗ trợ cho công dân được hưởng đầy đủ các quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Ngoài ra, Nhà nước còn chủ động đưa ra các kế hoạch, chính sách, đề án, chương trình cụ thể để mọi công dân được hưởng mức cao nhất các quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.

Như vậy, việc Nhà nước hoàn thiện hệ thống pháp luật và chính sách về vấn đề tôn giáo không phải là để “can thiệp”, “hạn chế” tự do tôn giáo như một số quan điểm mà nhằm bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân được thực thi.

No comments:

Post a Comment