2016/07/27

Lê Bình đã gây nên "cuộc chiến bàn phím" của cư dân mạng và chị đã thua

Mõ Làng


Cư dân mạng đang mở cuộc chiến bàn phím sau Ký sự "Syria phía trong cuộc chiến" của VTV24. Nguyên nhân là gì vậy, do kịch bản chưa tốt hay do trình độ nhận thức của ê kíp? Cả hai và đều đáng trách.

Đúng là có những khiếm khuyết của ê kíp thực hiện của Lê Bình mà nhiều facebooke đã chỉ ra, nhưng dù sao phủ nhận sạch trơn, thậm chí chỉ trích, quy kết nâng lên tầm tư tưởng của VTV thì không nên.

Khách quan mà nói, ký sự cũng đã có giá trị nhất định khi lên án chiến tranh, cảm thông với một dân tộc đang chịu thương đau do cuộc chiến gây ra. Ê kíp của những người chưa nếm mùi chiến tranh cũng đã can đảm đối diện với nó.

Để đi một chuyến như thế -hẳn được chuẩn bị chu đáo- với mục đích mang đến cho bạn đọc một thông điệp "phía trong cuộc chiến" thì nó chưa đáng đồng tiền bát gạo. Hơn nữa, cung cách quảng cáo của đồng nghiệp VTV liên tục, nhiều ngày, với những ngôn từ khoa trương "ba lần đối diện cái chết" trước giờ phát sóng với thực tế ký sự đã làm đọc giả nổi giận sau khi xem.

Phía sau cuộc chiến ở Syria là cái gì vậy? Đau thương, chết chóc ư, cuộc chiến nào chẳng thế (thông tin tràn ngập trên mạng). Cuộc trình diễn vũ khí bên này, bên kia ư, cuộc chiến nào chẳng thế. Ký sự vẫn chưa có lời giải đáp thỏa đáng. Đó là điểm yếu cốt tử của ê kíp. 

Cuộc nội chiến ở Syria kéo dài đến nay đã được 5 năm. Syria là biến cố cuối cùng (cho đến nay) của kế hoạch “Mùa xuân Arab” do Nhà Trắng chỉ đạo CIA thực hiện (chính Tổng thống Mỹ đã công khai công nhận sai lầm). Nó trở thành “mùa xuân” dài nhất trong tất cả các loại “Mùa xuân Tunis”, “Mùa xuân Tripoli”, “Mùa xuân Cairo”. 

Chính sự kéo dài đó đã biến một dân tộc yên bình, cổ kính với nền văn hóa lâu đời trở thành bãi chiến trường nồi da xáo thịt của nhiều thế lực chính trị. Về phía đối lập chống lại chính phủ Bashar Al Assad có lực lượng “Nhà nước Hồi giáo Iraq và Cận đông” (ISIL), còn được biết đến dưới các tên khác như “Nhà nước Hồi giáo Iraq và Syria” ISIS hay sau này đơn giản là “Nhà nước Hồi giáo” (IS). Cùng tham gia còn có Quân đội Syria tự do (FSA), còn gọi là lực lượng ôn hòa và tổ chức Mặt trận al-Nusra, một chi nhánh của Al-Qaeda tại Syria. 

Về phía mình Damas cũng có một đồng minh có điều kiện là lực lựng vũ trang của Đảng Công nhân người Kurd (PKK) đang chiếm giử vùng Đông Bắc Iraq và Bắc Syria giáp giới Thổ Nhĩ Kỳ.


                   Bản đồ Syria khi cuộc chiến khởi đầu

Từ ngày Liên hiệp quốc bât đèn xanh để các nước can thiệp vào, Syria đã biến thành chiến trường thi thố sức mạnh của 2 phe (chính phủ và chống đối), 3 bên (chính phủ, chống đối và IS) với sự hỗ trợ, chống lưng của 8 quốc gia bên ngoài bao gồm: Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Iran, Arab Saudi. Qatar, Thổ Nhĩ Kỳ.

Mỹ, Anh, Pháp, Qatar, Arab Saudi thì ủng hộ lực lượng ôn hòa phe nổi dậy. Chống lại chính quyền Tổng thống al-Assad và IS.

Thổ Nhĩ Kỳ thì chống chính quyền al-Assad, IS và người Kurd.

Nga và Iran thì chống IS và quân nổi dậy, ủng hộ chính quyền al-Assad.

Duy nhất chỉ có IS là kẻ thù chung.

Nhìn vào cái cách ủng hộ và chống đối của cái gọi là "liên minh các quốc gia" đủ thấy những sự hỗn loạn trên mặt trận. Điều này đã bộc lộ ngay ngày thứ nhất khi nước Nga tham chiến, Mỹ đã cáo buộc Nga không đánh IS mà tấn công lực lượng nổi dậy chống chính phủ. Còn Nga thì cho rằng Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tay, nuôi dưỡng cho những kẻ khủng bố, cho IS. 

Do quan điểm ủng hộ, chống đối khác nhau nên cách thức can thiệp cũng khác nhau: 

Nước Mỹ thì thực hiện không kích nhằm vào IS, các nhóm cực đoan, huấn luyện và trang bị cho lực lượng nổi dậy Syria. Nước Anh, do quốc hội nước này phản đối mạnh mẽ việc can thiệp quân sự vào Syria nên chỉ tiến hành không kích IS ở Iraq. Pháp gần đây hứng chịu khủng bố mới quyết định tăng cường vai trò trong liên minh quốc tế, mở rộng không kích IS từ Iraq sang Syria.

Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu chiến dịch không kích và can thiệp quân sự từ tháng 7/2015, chủ yếu ở miền bắc Iraq nhằm vào lực lượng của đảng công nhân người Kurd (PKK). Cho phép liên minh quốc tế sử dụng các căn cứ không quân. Cho phép các tay súng và hàng cung cấp cho các nhóm nổi dậy chống Assad di chuyển qua lãnh thổ và tị nạn.

Qatar và các quốc gia vịnh Arab hỗ trợ tài chính, vũ khí cho phe nổi dậy chống chính quyền al-Assad. Qatar còn là nơi đặt trụ sở điều hành các chiến dịch không kích của liên minh quốc tế, chống IS.

Nội chiến kéo dài 5 năm qua đã tàn phá một quốc gia vốn có cuộc sống khá giả trở nên điêu tàn, chết chóc, ly tán. Dòng người tị nạn ùn ùn đổ về châu Âu, khủng bố lan sang châu Âu, nguy cơ rối ren hiện hữu buộc các nước NATO phải xuống thang, ngồi lại với Nga để giải quyết tình hình. Một kịch bản mới đã được đề ra: Ngừng bắn giữa phe chống đối và chính phủ, tiêu diệt IS, chuẩn bị cho một nhà nước hòa hợp dân tộc giữa chính phủ, quân chống đối và người Kurd.


                     Cục diện ngày nay ở Syria

Nếu nói cuộc chiến ở Syria là "cuộc chiến của những nhân danh" thì rất mập mờ. Nhân danh ai và nhân danh cái gì? Liên minh quốc tế thì nhân danh chống khủng bố. Nước Mỹ thì nhân danh tự do, dân chủ, chống độc tài. Nước Nga thì nhân danh bảo vệ chính quyền hợp hiến. al-Assad thì nhân danh dân tộc. Phe nổi dậy thì nhân danh công lý, tự do. IS thì nhân danh Thượng đế. 

Các nước bên ngoài thì ủng hộ về tinh thần, vật chất, phương tiện chiến tranh cho phía của mình. Chiến đấu trên chiến trường là người Syria, chết chóc, điêu tàn, ly tán là người dân Syria gánh chịu.

Chiến tranh là bậc thang cuối cùng cho mục đích chính trị. Nó chỉ khác nhau ở chỗ trực tiếp đổ quân vào hay gián tiếp qua tay người bản xứ. Rõ ràng, cuộc chiến Syria là “cuộc chiến tranh xâm lược qua tay người bản xứ”. Còn những kẻ chủ mưu gây ra cuộc chiến đó tự cho mình quyền nhân danh là người “chống khủng bố”, “chống độc tài”.

Không phải chỉ có Syria mà ở Afghanistan, Iraq, Lybia đều vậy và nó đã để lại hệ lụy không chỉ người bản xứ gánh chịu mà cả thế giới gánh chịu. Rất dễ để nhận ra nó phải không.

Phóng sự cho thấy sự mơ hồ, lẫn lộn của nhà báo về bản chất cuộc chiến ở Syria; không biết hoặc không cần biết nguyên nhân sâu xa của cuộc chiến, những phe phái, những thế lực trong và ngoài nước đã đẩy đất nước và người dân Syria vào cảnh thương tàn.

Tác giả đã không cần biết những điều đó, không cần biết đến chính nghĩa và phi nghĩa trong cuộc chiến, như Lê Bình trong trả lời phỏng vấn của news.zing.vn ngày 26/7 đã bàng quan tuyên bố: “chúng tôi không có ý định cắt nghĩa về cuộc chiến tranh này." "chúng tôi chỉ biết kể chuyện mà thôi"

Thật khó hiểu khi một nhà báo của một nền báo chí cách mạng, lại nhận thức mơ hồ như vậy về vai trò định hướng của thông tin và không hiểu gì về một trong những điểm nóng như cuộc chiến Syria hiện nay.

Đáng chê trách hơn nữa là Lê Bình và ê kíp đã không dũng cảm nhận khuyết điểm mà lại còn có những phát ngôn khi họp báo sau phát sóng với giới báo chí rằng: "Thành công nhất là chúng tôi đã thoát chết trở về. Về nhà là 2 từ thiêng liêng nhất đối với chúng tôi lúc đó. Chứ nếu biết đi là chết thì bạn có dám đi không, nếu là tôi thì không đâu, tôi thề. Tôi đã thề rồi, nếu chiến tranh mà còn thì tôi sẽ không bao giờ quay lại Syria". 

Các nhà báo đến Syria đâu phải chết cả đâu. Nhà đài cử chị đi có phải là để xử tử chị đâu! Còn những lời thề của chị thì thực sự là sự hèn nhát, những từ không có trong tư cách của phóng viên.

No comments:

Post a Comment