Cuteo@
Nhà tôi ở ven QL70, chạy qua rừng, rễ cây rừng ăn ra đường làm mặt đường kênh lên, vỡ ra và xuất hiện nhiều ổ gà, nhất là ở mép đường - nơi mà nhựa thường được rải mỏng hơn ở giữa. Tất nhiên không loại trừ trường hợp đơn vị thi công ẩu, ăt bớt vật liệu, làm chất lượng đường kém và ổ gà xuất hiện. Mỗi khi ổ gà xuất hiện bằng cái chậu nhôm, chúng tôi thường tự mình lấp đất cho phẳng với mục đích tránh làm ổ gà to thêm, tránh đọng nước, tránh bụi, tránh té nước vào nhà, và cũng là để phòng tai nạn xảy ra ngay trước cửa nhà mình. Quê tôi, ai cũng làm vậy.
Đối với chuyện anh Thảo vá đường, tôi cho rằng, đó là chuyện bình thường ở các vùng quê.
Trước tiên cần phải nói, cơ quan chuyên môn nhất là đội tuần kiểm để xảy ra tình trạng ổ gà xuất hiện hàng năm mà không sửa là chuyện đáng trách.
Nhưng chuyện người dân, tức anh Thảo vá đường xong, rồi quay clip tung lên mạng chê nhà nước không làm và có ý đề cao cá nhân mình thì không nên. Nhất là sau khi clip được tung lên, đoàn thanh tra đến có ý kiến, anh lại tiếp tục ghi hình và lại tiếp tục cho lên mạng để bóc mẽ người khác thì càng không nên.
https://www.youtube.com/watch?v=SoglCkisgLM
Tôi trân trọng những ai tự mình lẳng lặng vá đường trong khi cơ quan chuyên môn chưa làm được, nhưng cũng bức xúc với những trường hợp mượn chuyện vá đường để nhằm mục đích cá nhân.
Có người hỏi, anh Thảo nói ổ gà đó xuất hiện đã hàng năm, gây tai nạn cho mọi người, vậy sao anh lại không lấp ngay mà phải đợi đến khi làm nhà, mới mang lượng bê tông còn thừa khi đổ mái lấp vào ổ gà?
Nếu anh không làm nhà, hoặc anh không thừa bê tông thì anh có lấp ổ gà đó không?
Tôi không tin lượng bê tông thừa đó là chất thải rắn cần phải tiêu hủy nơi khác mà tin vào thành ý một công đôi việc của anh.
Loại bỏ yếu tố chuyên môn, dưới con mắt người dân, việc đổ bê tông thừa vào ổ gà là có thể chấp nhận được, nhưng tôi băn khoăn anh quay clip tung lên mạng với những lời bình đề cao cá nhân và hạ thấp cơ quan đường bộ là có ý gì?
Về mặt chuyên môn, anh Thảo không biết được rằng, bê tông xi măng và bê tông nhựa là hai vật liệu khác nhau, việc vá ổ gà này không những không tốt mà còn gây hại (tăng khả năng phá hủy mặt đường), đặc biệt trong điều kiện thời tiết nắng nóng, lớp nhựa của mặt đường sẽ bị chảy mềm ra trong khi khối xi măng không thay đổi cùng với việc các phương tiện đi qua sẽ làm khối xi măng ăn sâu và phá hỏng kết cấu của mặt đường.
Dưới góc độ luật pháp, việc sửa đường là việc của cơ quan chuyên môn. Luật pháp cũng cấm cấm đổ thải và tự ý sửa đường trái quy định.
Ông Nguyễn Quang Hưng cũng nói rất đúng mực: "Việc người dân chủ động sửa chữa mặt đường là rất tốt nhưng việc sửa chữa các công trình giao thông là trách nhiệm của cơ quan có chuyên môn". Ông Hưng cũng khẳng định: “Ổ gà mà ông Thỏa dùng xi măng láng lại, mới xuất hiện do đợt mưa liên tục đầu tháng 7; ổ gà này mới phát sinh hư hỏng chưa kịp sửa chữa và đã được cán bộ tuần kiểm chi cục thống kê, yêu cầu sửa chữa đột xuất trong tháng 7/2016”.
Dưới góc độ pháp luật, việc làm của anh Thảo (mặc dù với ý định tốt và tôi đồng tình với anh) nhưng cũng có vẻ như đang vi phạm Nghị định 34.
Nghị định số 34/2010/NĐ-CP của Chính phủ về Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, tại Chương II, mục 2, quy định về "vi phạm kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ" đã quy định khá rõ.
Là người không sành luật, nhưng tôi thấy anh Thảo vi phạm điểm (a) và (b) khoản (3) Điều 15 về "Xử phạt cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm về sử dụng, khai thác trong phạm vi đất dành cho đường bộ": (a) Đổ, để trái phép vật liệu hoặc chất phế thải trên đất của đường bộ hoặc hành lang an toàn đường bộ ở đoạn đường ngoài đô thị; (b) Tự ý đào, đắp, san, lấp mặt bằng trong hành lang an toàn đường bộ. Theo đó mức phạt sẽ là từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng .
Anh Thảo cũng có thể sẽ vi phạm điểm (c) khoản (4) Điều 18 về "Xử phạt cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ": Tự ý tháo dỡ, di chuyển, treo, đặt, làm sai mục đích sử dụng hoặc làm sai lệch biển báo hiệu, đèn tín hiệu giao thông, rào chắn, cọc tiêu, cột cây số, vạch kẻ đường, dải phân cách, mốc chỉ giới, cấu kiện, phụ kiện của công trình đường bộ". Theo đó mức phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm. (riêng điều 18 tôi không chắc, mà chỉ phân tích cảm tính).
Vậy nên, ý tốt chưa hẳn đã hợp pháp và hành động với ý tốt chưa chắc đã là hay.
No comments:
Post a Comment