2016/07/11

Câu chuyện Formosa cút đi và văn hóa em bé

facebook của Di Li



Sau khi Formosa bị phạt 500tr USD, nhiều người hô Formosa cút đi.

Lần lại khởi thủy của vấn đề, mình thấy như này: Trong sách dạy con của người Mỹ, Pháp, Do Thái, Nhật Bản..., họ cùng thống nhất là nếu đứa trẻ bị vấp ngã, hãy khuyến khích nó tự đứng lên. Còn ở VN, nếu em bé ngã, bà bảo “Ôi thương, bà đánh chừa cái đất này làm em ngã”, mẹ ôm choàng bảo “Ôi mẹ thương, em có làm sao không?” và mắng cô ô sin trông em thế nào mà để em ngã. Trẻ em ở VN từ bé tí chưa bao giờ có ý thức rằng việc mình làm mình phải tự chịu trách nhiệm, bởi vì “Em bé, em có biết gì đâu nào”.

Đến tiểu học, em bé bị bạn bắt nạt, 1 tuần thì 4 buổi về nhà thâm tím, mẹ em sẽ rủa thằng bạn vũ phu mất dạy, sau đó đến gặp cô giáo, gặp mẹ của bạn vũ phu, và tiện thể gặp luôn cả bạn ý răn đe, tuyệt đối không hề ngạc nhiên rằng tại sao cả lớp có 50 đứa mà nó chỉ nhè mỗi con mình bắt nạt chứ không phải hơn 40 đứa còn lại, dù con mình về chiều cao và cân nặng còn to hơn nó. Nếu không tìm ra căn nguyên để hướng dẫn con kỹ năng sống đối mặt với những bóng ma học đường thì e rằng dẹp thằng nhóc này lại nảy nòi thằng nhóc khác bắt nạt. Lên cấp 3 chúng còn có trò hội đồng ngoài cổng trường man rợ hơn nhiều.

Nếu em bé học không tốt, mẹ bé nghĩ phần lớn là do cô giáo (nên sẽ mang cân cam đến nhà cô giáo). Nếu học trò học không tốt, cô giáo nghĩ là do học trò dốt chứ không do mình. Thầy hiệu trưởng ở giữa dàn xếp bằng việc đưa thông điệp làm thế nào thì làm, đừng để trường này thành cái mặt mo trên Sở. Vì thế điểm trường nào cũng cao như nhau, nên có tên là trường điểm.

Con lên cấp 3, nhỡ ra chơi bời lêu lổng, mẹ bảo là do nó bị bạn bè lôi kéo. Mình có ông anh hơn 40 tuổi, đi nhậu về khuya mẹ vợ còn bảo vợ “Gọi mấy cái thằng bạn nó mắng cho trận, chỉ toàn rủ rê.”

Con lớn lên có gia đình, vợ chồng cãi nhau trăm trận nhất định không trận nào phân thắng bại vì không ai có lỗi thì sao ra kết quả được. Không ai có lỗi làm sao xin lỗi.

Sống với nhau 1 thời gian xuất hiện con kỳ đà chen vào giữa, vợ (hoặc khối ông chồng cũng theo cách này) thậm chí còn bí mật không cho chồng/vợ biết là mình phát hiện ra, bí mật đi gặp địch thủ để làm cho ra nhẽ, bởi vì vợ chồng ta là vô can trong chuyện này, lỗi là do nó quyến rũ, không có nó ta đã trùng phùng hạnh phúc. Kỷ lục có những chị phụ nữ dành cả cuộc đời để đi gặp cả thảy gần chục người đàn bà của chồng lận. Dàn xếp chưa xong vụ này đã phải lo sang vụ khác. Sau hàng xóm bảo Thôi kệ nó, chân nó nó đi, già rồi nó về với mình chứ có đi được mãi không. Chị tức tối bảo mình: Chờ lão ngồi im một chỗ là đến 90 á.

Sống lâu là sẽ thành đạt, từ em bé tiểu học đỗ đạt rồi thăng quan tiến chức, rồi ứng cử, rồi sẽ đi họp quốc hội. Tại sao lại phải nhận lỗi trước quốc hội, mình có lỗi đâu mà nhận, cái này không phải lỗi của Bộ X nhà mình, là lỗi của Bộ Y, Bộ Y bảo lỗi Bộ Z, Bộ Z bảo lỗi Bộ A, Bộ A bảo đích thị là lỗi của XYZ. Kết thúc phiên chất vấn là thấy không ai sai, chỉ có dân là sai vì phiên nào cũng cứ bật tivi lên rồi dán mắt vào mà xem.

Em bé nào sau này không thành đạt về đường chính trị thì sẽ thành đạt ngạch nghệ thuật. Nổi tiếng rồi mà nhỡ bị tai tiếng là đích thị do lỗi của báo chí, vì “Nếu báo chí mà không nhúng vào làm cho to chuyện lên thì đã không rắc rối đến thế”, quên mất một điều rằng báo chí sinh ra chỉ có mỗi một việc là nhúng mũi vào chuyện người khác, báo chí không đưa chuyện thiên hạ thì chả lẽ tự kể chuyện trưa nay phòng phóng viên và ban trị sự liên hoan món gì à.

Em bé nào sau làm ngành xây dựng mà cầu đường, công trình chậm trễ tiến độ thì hoặc là do lỗi người tiền nhiệm, hoặc lỗi của đối tác, hoặc lỗi thầu phụ, hoặc lỗi dự án thiếu vốn. Em bé nào làm đạo diễn mà phim đích thị là dở đi rồi (do cán mốc 99% bình chọn phim dở) thì là do lỗi nhà nước đầu tư ít, Trương Nghệ Mưu và Steven Spielberg đầu tư gần 200tr đô/phim thì mới thu được tỷ đô chớ. Thi thoảng thì do lỗi dân trí thấp nên không biết cách xem.

Em bé nào không thành đạt lắm thì vẫn có thể đổ lỗi cho thằng đi ngoài đường. Ra đường lỡ đụng xe là chỉ có choảng nhau vì lỗi do mày đi hoắng chớ chả lẽ tau xuống xe cởi mũ bảo hiểm để trịnh trọng xin lỗi mầy à.

Quay lại câu chuyện Formosa, xưa nay Formosa vẫn có nhà máy ở nhiều nước trong đó có Mỹ (Bang Texas, Louisana, Illinois) và đương nhiên là Đài Loan. Thi thoảng For cũng gây ra ô nhiễm và phải đền bù ở mức nhỏ nhoi so với 500 triệu đô. Chứng tỏ mức độ ô nhiễm họ gây ra là 1% so với ở VN. Nếu ta bỏ cái “văn hóa em bé” đi thì phải nhìn nhận rằng công nghiệp là cần thiết và công nghiệp tồn tại ở bất kỳ nơi nào phát triển. Nước nào không phải nước công nghiệp thì gọi là... nước nông nghiệp. Mình không mạnh về đầu tư ngân hàng, tài chính, du lịch..., vì thế thu hút đầu tư công nghiệp lại càng cần thiết, nhưng vấn đề là mình ứng xử với nó thế nào, các chế tài thanh tra, quản lý môi trường, hành chính, thuế khóa và hành lang pháp lý ra làm sao. Ấy là tự hỏi lại mình, vì sao ở xứ người nó không xả rác (được) hoặc lượng xả rất thấp (mình đã viết ở stt trước), mà sang đến nhà mình nó xả lắm thế, hết thằng công nghiệp này đến công nghiệp khác điềm nhiên xả thải như ị bậy vỉa hè. Bảo tại vì nó công nghiệp nặng, cần đuổi thẳng cổ những thằng công nghiệp nặng hay gây ô nhiễm ấy đi. Những thằng công nghiệp nhẹ như Coca Cola, nó không có tật “ị bậy” thì lại bị tật khác, 20 năm nay Coca trốn thuế “đúng luật” không đóng một xu. Và còn nhiều doanh nghiệp nước ngoài trốn thuế nữa, mà nếu cộng tổng tiền thuế phải đóng cũng đủ để xây khối trường học, bệnh viện, cầu đường. Đã kinh doanh là bác nào cũng muốn có tí gian, nếu ngay từ đầu phía mình đàm phán, ràng buộc và quản lý, thanh tra lỏng lẻo (hoặc thiếu kinh nghiệm, hoặc dùng từ nôm là “kém”, hoặc vì cố tình kém để... hì hì hì) thì ai cũng muốn gian gian một tí, không gian cái này thì gian cái khác. Ở Mỹ và Anh, Coca cũng trốn thuế nhưng không đến nỗi trốn không đóng 1 xu như nhà mình. Các nước công nghiệp như Anh, Pháp, Mỹ, Canada, Nhật Bản... có trăm ngàn nhà máy, trong đó rất nhiều tập đoàn cũng đều có cơ sở ở VN, nếu cũng cùng cách quản lý như VN thì chắc dân xứ Huê Kỳ đã ung thư hết vì ô nhiễm... Mình không xem lại cơ chế của mình mà hơi tí dọa đuổi Vedan cút đi, Formosa cút đi, Coca cút đi, tất cả lũ công nghiệp nặng nhẹ, lũ tư bản giãy chết cút đi, tống cổ chúng đi hết thì mình quay lại với cơ chế tự cung tự cấp trồng cây hoa màu à. Hay ta làm theo hướng chọn mặt gửi vàng, áng xem thằng nào trông đỡ gian thì nhận vào đầu tư. Cơ mà chỉ sợ đuổi được thằng Formosa này lại tòi ra ông Formosa khác (Ấy là còn bao nhiêu doanh nghiệp nước ngoài đang tiếp tục làm hỏng đất hoa màu và ô nhiễm khí quyển chưa bị rờ đến vì báo chí còn mải “nấu” Formosa). Rồi tiếp tục theo truyền thống, cái gì không quản lý được thì cấm, thì đuổi. Mà cứ ngỡ cấm với đuổi dễ. Cấm ca sĩ ăn mặc hở hang còn được chứ đuổi cả một tập đoàn quốc tế không phải cứ thích đuổi là đuổi được ngay. Các dự án có khả năng gây ô nhiễm môi trường cao là phải được thanh lọc từ lúc duyệt dự án chứ không phải cứ nhận ào cho người ta làm, xong quản lý không được là đuổi.

Chợ Đồng Xuân có tiếng với “kẻ cắp chợ Đồng Xuân”. Kẻ cắp móc túi bạn là việc sai, pháp luật sẽ xử lý chúng, nhưng chờ được vạ thì má đã sưng, bởi vì hàng ngày cả nghìn người đi chợ nhưng có phải ai cũng bị móc túi đâu. Bạn mất trước hết là vì bạn đã không cẩn thận. Chờ tống kẻ cắp vào tù thì tiền cũng mất, tật cũng mang rồi, sao lấy lại được nữa. Giờ biển không những mang vị mặn mà còn có mùi chết chóc. Chưa kể chờ phạt vạ cũng còn chả xong, vì có thấy ai xin lỗi, nhận lỗi gì đâu ngoài Formosa.

Thế gian thì đầy rẫy cạm bẫy (thế giới không cạm bẫy thì đã là thiên đường XHCN), các cá nhân và quốc gia mà không bao giờ (muốn) lần tìm căn nguyên gốc rễ vấn đề ở đâu, chỉ thích đổ lỗi cho người khác chứ tuyệt nhiên mình vô can thì không hiểu sao lại cứ thích sánh vai cùng cường quốc năm châu, lại cứ muốn “công nghiệp hóa” theo kỳ vọng của các loại nghị quyết.

Lâu lắm rồi mình không nghe thấy ai xin lỗi, đến học trò của mình đi học không chịu làm bài nó cũng bảo do nó mất vở, do hôm qua nó nghỉ học nên không biết, do hôm qua nó ốm. Nó mà đến muộn thì nhất định là do lỗi của giao thông, lỗi của xe Wave Tàu chất lượng vô lương tâm nên hay hỏng dọc đường, do mấy cây xăng được đặt ở vị trí rất kém thông minh. Mình đi dạy 17 năm tròm trèm 1 vạn học trò mà chưa từng nghe thấy trò nào xin lỗi cô một câu vì hai lỗi đi muộn và “quên” học bài cho cô mát lòng mát dạ.

Cái văn hóa “Em bé em có biết cái gì đâu” khiến gần thế kỷ trước thi sĩ Tản Đà có vẻ cũng bất mãn lắm về... giáo dục nên mới phải thốt lên: Dân hai nhăm triệu ai người lớn/ Nước bốn nghìn năm vẫn trẻ con. (Giờ dân 90 triệu rồi cụ Tản ạ)

Có lẽ mình phải bắt đầu với con gái mình: Sau này có con và lên chức mẹ, chức bà, mầy mà còn “Đánh chừa cái đất nó làm đau em” thì mày chết với tau.

P/S: Nói miệng lý thuyết nhoay nhoáy thế thui chứ mình cũng bản tính dân tộc đậm đà sâu sắc lắm. Già rồi vẫn cứ trẻ con. Vì hồi bé mẹ mình cũng hơi tí ôm choàng con gái bảo Ôi mẹ thương. Mình mà bị bố mẹ hàng xóm mang con đến kiện vì tội mình vả con họ đỏ cả má thì mẹ mình bảo do mấy con ranh hàng xóm, bố mình bảo lỗi con hư tại mẹ mình, cháu hư tại bà mình chứ chưa bao giờ mình có lỗi. Nên nếu mọi người cứ bảo mình lên truyền hình cấm khi nào trông cho ra hồn thì ấy nhất định là do máy quay của đài chất lượng cổ lỗ sĩ, do đồng chí quay phim đánh ánh sáng chưa chuyên nghiệp, do hệ thống đầu HD và thu phát của nhà đài chưa thống nhất nên mặt cứ phính ra, do phông nền nó tối, do cô chuyên viên trang điểm hôm ấy mặt ngơ ngơ không tập trung, do hôm trước mình mất ngủ vì sáng tác chứ thực ra mặt thật của mình nó không đến nỗi thế đâu, và còn do bẩm sinh mình không ăn hình nữa chớ ở ngoài... hơn thế nhiều. Mà tiên nhân lũ bạn hắc ám của mình nó cứ bắt mình phải “nhận lỗi”: Ơ mặt thế nào thì lên hình nó ra thế chứ biết làm sao được.

No comments:

Post a Comment