2016/06/07

Đừng lẫn lộn hòa giải tha thứ và tự tôn dân tộc

Kính Chiếu Yêu

Chương trình học bổng Fulbright do Thượng Nghị sĩ Mỹ J. William Fulbright đề nghị, khởi xướng và được thành lập năm 1946 nhằm tăng cường sự hiểu biết giữa người Mỹ và các dân tộc khác trên thế giới. Tin vui là năm nay chính phủ Hoa Kỳ quyết định mở hẳn một dại học Fulbright tại Việt Nam.

Đại học Fulbright (FUV) theo giấy chứng nhận đầu tư, trụ sở chính của trường đặt tại Khu công nghệ cao TP.HCM với diện tích 15 ha. FUV được xây dựng với mô hình là một cơ sở giáo dục ĐH có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động không vì lợi nhuận. Vốn đầu tư thực hiện dự án là 70 triệu USD. Trong đó, mức đầu tư giai đoạn đầu (đến năm 2016) là 5,3 triệu USD, giai đoạn 2 (2017 - 2020) 20 triệu USD, giai đoạn 3 (2020 - 2030) là 44,7 triệu USD.

Tài chính được huy động từ 3 nguồn: tài trợ ổn định hằng năm của chính phủ Mỹ; tiền thiện nguyện, tài trợ của các tổ chức, cá nhân tại nước Mỹ; nguồn tài trợ của doanh nghiệp, cá nhân tại VN.

Trường do một hội đồng tín thác (Board of Trustees) độc lập quản lý. Hội đồng này sẽ thuê hiệu trưởng để điều hành trường. Về nguyên tắc, trường là của xã hội, của cộng đồng. Mọi giá trị thặng dư tạo ra sẽ được dùng để quay ngược trở lại đầu tư cho trường.

Sự kiện cựu binh Mỹ Bob Kerrey, người đã từng chỉ huy một đơn vị thảm sát dân lành Việt Nam trong chiến tranh, được bầu chọn làm Chủ tịch tín thác Đại học Fulbright Việt Nam đang làm phân hóa dư luận người Việt làm hai cực.

Một số thì ủng hộ quan điểm tha thứ, hòa giải, khuyến khích họ (cựu binh Mỹ) hành động thiết thực để xoa dịu nỗi đau của cả hai bên. Đây cũng là quan điểm của chính phủ Việt Nam được tỏ rõ qua phát ngôn của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình. Ông nói: “Những đau thương mất mát mà người dân Việt Nam trải qua trong chiến tranh là rất to lớn và không có gì có thể bù đắp được. Hậu quả chiến tranh là vấn đề mà Chính phủ và nhân dân Việt Nam đã và đang không ngừng nỗ lực giải quyết. Với truyền thống hòa hiếu của dân tộc Việt Nam và trên tinh thần gác lại quá khứ, vượt qua khác biệt, phát huy tương đồng, hướng tới tương lai, chúng tôi luôn nỗ lực hợp tác, tăng cường hiểu biết và thúc đẩy quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ”

Một số cựu chiến binh Hoa Kỳ đã và đang cùng người dân Việt Nam nỗ lực khắc phục hậu quả chiến tranh, tiến tới hợp tác trên mọi phương diện. “Như các bạn đã biết, một số cựu chiến binh Hoa Kỳ đã từng tham chiến tại Việt Nam cũng đã có những đóng góp tích cực trên nhiều lĩnh vực như ngoại giao, văn hóa, giáo dục, khắc phục hậu quả chiến tranh để thúc đẩy quan hệ hai nước và hàn gắn vết thương chiến tranh".

Đối lập lại quan điểm nói trên, một số cho rằng: Sự trở lại VN của hàng ngàn cựu chiến binh Mỹ với sự ăn năn, làm một chút gì đó cho những nạn nhân chiến tranh, với những giọt nước mắt trên gương mặt họ là hoàn toàn thực tâm, không hề giả tạo. Nhưng Bob Kerrey đã trở thành Thống đốc một bang tại Mỹ vào năm 1992 sau khi chính ông ta đã ra lệnh tàn sát hàng chục phụ nữ trẻ em VN trong chiến tranh và bây giờ lại đang được chọn làm Giám đốc ĐH Fulbrigh tại VN là điều không thể chấp nhận được. Vì sao vậy?

Đại học Fulbright được giới thiệu tới công chúng là cơ sở giáo dục phi lợi nhuận, hoàn toàn độc lập với các chính phủ. Tuy nhiên chương trình Fulbright đã và đang sống bằng tiền của chính phủ Mỹ, qua ngân sách mà Quốc Hội Mỹ phê duyệt. Nó không "phi lợi nhuận" về tiền bạc nhưng lại tạo ra một "lợi nhuận" khổng lồ về chính trị.

Kỳ vọng về một Harvard tại Việt Nam sẽ đào tạo với quy mô lớn và ổn định trong cung cấp nguồn lực quản lý chất lượng cao theo mô hình Mỹ để thúc đẩy nhanh hơn quá trình Mỹ hóa là rất rõ rệt. Thống kê cho thấy đã có hơn 50,000 cán bộ trung và cao cấp Việt Nam đã và đang học tập và nghiên cứu theo chương trình Fulbright tại Mỹ.

Trên thực tế, các loại học bổng và quỹ kiểu như Fulbright, thì ở các chính phủ phương Tây nào cũng có. Các chương trình này được tạo ra mục đích là để phục vụ cho thực hiện quyền lực mềm đối với các nước. Các đối tượng sau khi được cấp học bổng, được đi học sẽ trở thành những mục tiêu tiếp cận cho chính phủ cung cấp tài chính. Khi họ về nước nắm giữ những vị trí chủ chốt trong chính quyền hoặc các doanh nghiệp lớn là những cơ sở xã hội quan trọng để phương Tây tác động, phục vụ cho những mục đích kinh tế, chính trị của mình. 

Fulbright Việt Nam cũng vậy, nội dung chương trình đào tạo mà nó mang đến không phải là khoa học tự nhiên mà là những vấn đề văn hóa - xã hội như: Văn hóa Mỹ, Khoa học chính trị, Luật, Kinh tế thị trường, Giáo dục, Quản lý dự án, Quản lý công, Chính sách công, Y tế cộng đồng, Nghề nghiệp cộng đồng, Xã hội học, Quy hoạch đô thị / nông thôn, Kinh tế Nông nghiệp… những vấn đề mang tính quản lý hành chính nhà nước. Nói cách khác, đây là nguồn nhân lực cho bộ máy hành chính là chủ yếu.
Bob Kerrey sẽ điều hành một trung tâm đào tạo như vậy. Nó không như một doanh nghiệp chỉ làm ra sản phẩm tiêu dùng mà là tạo ra sản phẩm quản lý, sản phẩm con người cho một quốc gia. Vì vậy, người có quá khứ như Bob Kerrey là không phù hợp.
Với tình huống này ở các xứ "văn minh', dân trí tốt và tự tôn dân tộc thì không cần phải nói nhiều, Bob phải tự xách vali mà cuốn xéo chứ chẳng cần phải dư luận có ý kiến. Những người ủng hộ Bob Kerrey là những kẻ cuồng Mỹ đến mức bệnh hoạn, không cần biết đến máu người Việt đã đổ, đã chết oan uổng bởi những kẻ như Bob mà lẫn lộn giữa hòa giải tha thứ với tự tôn dân tộc thì sớm muộn dân tộc đó sẽ lại gặp tai họa!

Hòa hợp và tha thứ là cần thiết nhưng, truyền thống và tự tôn dân tộc không cho phép chúng ta chấp nhận một kẻ mà hai bàn tay từng vấy đầy máu dân lành VN như Bob Kerrey làm lãnh đạo một trung tâm đào tạo con người như Fulbright!

No comments:

Post a Comment