2016/04/06

Về Con Người Trương Vĩnh Ký

BS Nguyễn Văn Thịnh

 

LTS (Tuần báo Văn nghệ TP Hồ Chí Minh): Bến Tre có nhiều nhân vật xứng đáng là niềm tự hào chẳng những của một xứ dừa mà còn là của cả nước ta về lòng TẬN TRUNG VỚI NƯỚC, TẬN HIẾU VỚI DÂN như Nguyễn Đình Chiểu, Phan Văn Trị, Nguyễn Thị Định, Ca Văn Thỉnh…. Tuy nhiên trên Tạp chí Văn nghệ Hàm Luông, số Xuân Bính Thân 2016 với bài “Xứ dừa – nơi sinh ra những con người huyền thoại” của tác giả Đinh Hữu Quang đã đưa Phan Thanh Giản, Trương Vĩnh Ký sánh ngang tầm những tên tuổi ấy là một việc làm lộn xòng lịch sử. Chuyện này xưa rồi nhưng lâu lâu lại rộ lên theo dòng thời cuộc nên “người yêu sử” đành tra lại tích cũ trình với bà con Bến Tre và bạn đọc gần xa về hai nhân vật lịch sử đầy tai tiếng này. 
 
Giữa lúc tổ quốc ta bị xóa tên trên bản đồ thế giới, dân ta làm nô lệ. Trước sức giặc bạo cường, để giành độc lập và chủ quyền dân tộc, thì cụ Sào Nam quyết liệt: “Đúc gan sắt để dời non lấp biển/ Xối máu nóng rửa vết nhơ nô lệ”, cụ Tây Hồ chủ trương “Hưng dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”, trong khi họ Trương suốt đời tận tâm tận tụy dùng cái tài cái trí của mình nhằm “Mục tiêu biến đổi và đồng hóa dân tộc An Nam!”, cũng như chính tay ông viết ra những lời gan ruột: 


“Tôi càng phải tỏ ra biết ơn nước Cộng hòa (Pháp) không những đã công nhận tôi là đứa con nuôi mà thôi, lại còn cho tôi nhiều vinh dự, và nhất là đã tin cẩn tôi lắm lắm!”,
“Tôi là người Pháp từ trái tim và sẵn sàng để trở thành người Pháp thực sự”,
“Nước Pháp mà tôi phụng sự và hoàn toàn thuộc về nó”…
chớ đâu phải do ai đó ác ý gán cho ông! Ba con người tài cao nhưng chí hướng đối nghịch nhau như vậy mà ông Nguyên Ngọc lại rước ngồi chung trên một bệ thờ liệu có chạnh lòng cả người đang sống lẫn người đã chết?!
Trong trào lưu hội nhập, dựa vào sự bảo trợ của các thế lực nước ngoài, lợi dụng quyền tự do dân chủ, gần đây rộ lên những dư luận trái chiều lịch sử. Trước hết là đủ các thứ “nhà” hết lời tán tụng ông thầy dòng đã vứt bỏ chiếc áo choàng tu núp dưới nhãn hiệu văn hóa để thực hiện những mưu đồ của quân cướp nước. Trách ai cứ khơi ra, dẫn người ta lẫn lộn điều phải trái, chính tà, chẳng những đã lỗi với lịch sử mà còn là điều trái đạo trong việc gây dựng những lớp người sau có tình yêu thương và trách nhiệm với dân với nước. Người khuất bóng mong được nằm yên mà những ai gây ra điều ngang trái để vì lòng tự trọng dân tộc buộc phải nói ra khiến nỗi giận khôn nguôi mà lòng cảm thương khoan thứ lại vơi đi!
   Nhà giáo lão thành Nguyễn Thái An, học trò trường Trương Vĩnh Ký thập niên 1950, từng một thời coi tiền nhân Trương Vĩnh Ký như là thần tượng, đã cùng bè bạn gom nhặt tư liệu và các huyền thoại về ông. Nhập thế lại theo nghiệp làm thầy, dạy môn Kiến thức xã hội tại trường Trung học kiểu mẫu Thủ Đức nổi tiếng từ 1965 đến 1975. Trải một đời tìm hiểu và chiêm nghiệm, ông đưa ra nhận xét như sau:          
- Người học giỏi có nhất thiết đồng nghĩa là người yêu nước? Trong lịch sử Việt Nam đầy dẫy những tên tuổi trí thức lớn mà hợp tác đắc lực với quân cướp nước bức hại đồng bào. Trần Ích Tắc vừa là hoàng thân, vừa là đại trí thức rất có ảnh hưởng trong xã hội đương thời nhưng vì khiếp nhược trước sức mạnh bạo cường của giặc Nguyên-Mông đã phản bội quê hương nòi giống, lê tấm thân tàn, gửi xương nơi xứ người xa lạ, để lại tấm gương xỉ nhục muôn đời.
- Có thật là học giả họ Trương sống một cuộc đời bần hàn mà thanh sạch như học giả Hồ Hữu Tường ca tụng? Thực ra trong khi nhà nước thực dân mặc sức làm những điều “bại nhân nghĩa nát cả đất trời, vùi con đỏ dưới hầm tai vạ” thì Trương được giao trọng trách, trả lương hậu hỹ và hàng trăm đầu sách viết ra đều được bao thầu trọn gói! Trước khi chết dư của dựng nhà thờ, phần mộ uy nghi tráng lệ.        
- Những người ủng hộ ông Trương Vĩnh Ký đã tâng bốc, bôi bóng ông ta đến mức lố bịch. Thực ra Trương chỉ là một bộ mặt sáng láng trong đám collabo thời đó? (collabo đồng nghĩa với aide à l’ennemi, có nghĩa là tay sai cho kẻ thù). Nếu vẫn khẳng định Trương Vĩnh Ký không phản quốc thì phải đánh giá lại Trương Công Định như một tên bất lương, phá rối trị an!
- Ở đất Sài Gòn này không thiếu những trí thức con nhà giàu, tây học, vào làng Tây nhưng không hợp tác với Tây như bác vật Lưu Văn Lang, không ít người lại chống Tây quyết liệt tới mức sẵn sàng hy sinh mạng sống của mình như Luật sư Thái Văn Lung, Kỹ sư Nguyễn Ngọc Nhựt, Nhà ngoại giao Nguyễn Văn Kỉnh… Còn như ông Trương Vĩnh Ký không vào làng Tây là mưu sâu kế độc của ông ta đã bộc lộ ra với quan thầy:“Lúc đã gia nhập quốc tịch Pháp, tôi sẽ mất hết uy tín, mất thế lực, chẳng còn được vua, triều đình và dân chúng An Nam tín nhiệm nữa”!
Luật sư Thái Văn Lungkỹ sư nguyễn ngọc nhựt
▪ - ▪ - ▪ - ▪ - ▪ - ▪ - ▪ - ▪ - ▪ - ▪ - ▪ - ▪ - ▪ - ▪ - ▪ - 
 
- Cái việc người Pháp đặt tên trường Petrus Ky không phải là để vinh danh công trình sáng tác đa dạng của ông ta mà là để đề cao một thuộc hạ tận tâm với nhà nước thực dân. Trái lại trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống ách đô hộ phương tây, nhiều thế hệ thầy trò trường Petrus Ky đã không ngại gian khổ hy sinh, đồng hành cùng dân tộc, trái hẳn với những việc làm của Trương học giả. Bởi họ vẫn tiếp bước truyền thống quật cường của dân tộc Việt Nam dù bị đặt trong hoàn cảnh éo le! 

Nhân thân và tư liệu về Trương Vĩnh Ký (1837 – 1898) còn lưu nhiều trong thư khố là bằng chứng hiển nhiên để so với những lời tôn vinh lắt léo lộn xòng tô đen thành trắng tới mức độ nào. Xin giới thiệu một số tư liệu để bạn đọc tham khảo và cũng là để nhắn nhủ tới những ai vì những động cơ bất chính nào đó đã bất chấp sự thật lịch sử dể đánh lừa công chúng:

1/ Petrus Ký giỏi cỡ nào?
Trước lời ca tụng học giả họ Trương được liệt vào hàng “thế giới thập bát văn hào”, cố TS Vật lý Trần Chung Ngọc làm việc tại ĐH Wisconsin - Madison (Mỹ) và là nhà nghiên cứu lịch sử, tôn giáo được cảm mến, bình luận qua một đoạn văn giản lược như sau

“Bảo rằng Petrus Ky là “nhà bác ngữ học kỳ tài đa năng, đa diện trên nhiều lãnh vực khoa học” nhưng không đưa ra bất cứ tác phẩm khoa học, văn chương tiêu biểu nào của Petrus Ky? Và tổ chức nào đã bầu chọn Petrus Ky vào hàng đầu danh nhân thế giới? Cố gắng tìm qua internet tôi chỉ thấy trên trang mạng của Huỳnh Ái Tông http://vietsciences.free.fr/vietnam/danhnhan/tacgia/truongvinhky.htm viết về Petrus Ky nhưng không cho biết tài liệu xuất xứ, như sau:

“Trong khoảng năm 1873-1874, ông (Trương Vĩnh Ký) được liệt vào hàng “thế giới thập bát văn hào”, theo mẫu tự như sau: Bác sĩ Allemand, Banadona d’Ambrum, Bonhomme, Cazot, Đại tướng Chambron, Bá tước Chambord, Christophie, Conte, Desmaze, Duprat, Dupuy, Garnier-Pages, Guizot, Lafayette, Lefèvre-Pontalis, Marcon, Pétrus Ký, Thống chế Saldonha Oliveirae Daun”. 

Mười tám tên tuổi trên có phải là các văn hào thế giới? Dupuy, Guizot là chính trị gia. Còn bác sĩ, đại tướng, thống chế, bá tước… là những đại văn hào của nước Pháp thời kỳ nào? Tại sao không thấy điểm danh các đại văn hào của Pháp trong thế kỷ XIX quen thuộc nhất như: H.B Stendhal, A. Lamartine, H. Balzac, A. Dumas, V. Hugo, P. Mérimée, G. Sand, A. Musset, T. Gautier, C. Baudelaire, G. Flaubert, A. Daudet, E. Zola; G. Maupassant?

Tác phẩm của các đại văn hào này đều có trong mọi thư viện của các đại học lớn, nổi tiếng nhất trên thế giới, được dùng trong học trình đại học. Sao không tìm được tác phẩm nào của Petrus Ky trong số đó”? Và TS Trần Chung Ngọc đã kết luận: Tôi cho đó là một danh sách “dỏm”. Pétrus Ký chỉ được các quan thầy thực dân Pháp và Vatican biết đến mà thôi”!

[xem Giáo Sĩ Đắc-Lộ & Chữ Quốc Ngữ Của : Minh Vân (của Trần Chung Ngọc)]

2/ Mục đích Petrus Ky viết sách để làm gì?
Nhà nghiên cứu Phạm Long Điền viết:“Trong suốt 28 năm sáng tác, Trương Vĩnh Ký cho ra đời 121 tác phẩm Việt có, Pháp có. Hầu hết các tác phẩm của ông đều phục vụ cho quyền lợi của nhà nước thuộc địa và chính ông cũng đã công khai nhìn nhận chủ đích này”. Trong cuốn Ngàn năm soi mặt” (Văn Hóa – 2002), góp phần nghiên cứu về Trương Vĩnh Ký, Tiến sỹ Sử học Nguyên Vũ (Vũ Ngự Chiêu) đặt ra nhiều vấn đề: Có thật là Trương Vĩnh Ký biết tới 26 thứ tiếng không? Giá trị nội dung các tác phẩm của ông? Không ít cái gọi là tác phẩm mà thực ra chỉ là 5-10 trang viết khảo luận sơ sài. Và kết luận:

 

Các công trình sáng tác và trước tác khá đồ sộ, lại có cả sách bằng Pháp ngữ, nhưng chưa ai thực sự kiểm kê và lượng giá toàn bộ công trình của ông. Riêng tác phẩm khá dày về “bài giảng sử” bằng Pháp ngữ, khó thể gọi là một công trình sử học. Đa số chi tiết đều là tin đồn, ngày tháng hỗn loạn.  Khoảng thời gian từ nhà Tây Sơn đến Vua Tự Đức – vì sử dụng truyền khẩu sử của các nhà truyền giáo Pháp và trên quan điểm hợp thức hóa tân trào – đầy rẫy sai lầm kỹ thuật cũng như sai lầm có tư tâm, bất chấp sự thực lịch sử”! (Nguyên Vũ, Văn Hóa – 2002, “Ngàn năm soi mặt”)

Sau này học giả Nguyễn Văn Vĩnh là người hăng hái tiên phong trong việc Quốc ngữ hóa chữ Nôm ở Bắc kỳ, nói lên sự thật dù không hẳn nhằm vào một ai nhưng mà chua chát: 

“Các đại huynh đã qua nước Đại Pháp, chắc cũng đã biết là dân xứ ấy, những người như anh em ta có rất nhiều, đã hơn gì con kiến chưa? Nếu anh em mình ở đó, chỉ vào bậc đánh giầy, thế mà về đến đây đã là người biết tên, biết tuổi, có danh, có tiếng, đã cực chưa?”.

Học giả Phạm Quỳnh cũng mặc phẩm phục đại triều và hợp tác đắc lực cho người Pháp không ngần ngại buông một lời chê: “Sách của Trương Vĩnh Ký viết chỉ để trẻ con xem”

3/ Xét từ việc làm cụ thể của Trương Vĩnh Ký trong bối cảnh lịch sử nước Nam ta thời đó:
Trương Vĩnh Ký, được giáo hội Kito đào tạo căn cơ từ tuổi ấu thơ. 19 tuổi (1856) được thụ phong linh mục tại giáo chủng Penang (Malaixia). Năm 1859, Về Sài Gòn, Trương lập tức gửi thư tới viên đô đốc Page khẩn cầu động binh đánh lại “kẻ thù của chúng ta” (?) và bộc lộ ra gan ruột: 

“Không một người Việt Nam nào theo Kito giáo lại ngần ngại xin gia nhập làm lính dưới cờ Pháp. Ông vua Việt Nam không theo đạo (Kito) không phải là vua của họ” (Văn khố Hải quân Pháp, Paris: SUM Vincennes). 

Giáo hội Kito tại Việt Nam tỏ ra rất sáng suốt chuyển Trương sang ngạch thông ngôn cho quân đội Pháp. Trương đã kịp bày tỏ lòng trung thành với mẫu quốc Pháp và mau chóng được nhà nước thực dân nâng lên bậc “thông ngôn hạng nhất”. Tất nhiên phải có mặt trong hầu hết các hội nghị quan trọng giữa Bộ Tham mưu quân đội Pháp với triều đình An Nam lúc đó. Một sự tình cờ lịch sử, Phan Thanh Giản và Trương Vĩnh Ký mau cặp kè nhau trong mối quan hệ buổi đầu giữa Nam triều với Pháp. Trương tuy thuộc lớp hậu sinh nhưng cùng quê Vĩnh Long. Một trí thức trẻ tân học tháo vát giỏi giang đã hiến mình cho Chúa và một lòng trung thành với mẫu quốc kè bên viên quan già gian xảo và bạc nhược. Một đội quân viễn chinh dày dạn đi xâm lược làm sao không nhận ra điều đó. Hẳn không là sự sắp xếp vô tình khi Trương từng được chọn làm thông ngôn cho phái bộ Phan-Lâm để đi đến sự ra đời của hàng ước Nhâm Tuất (1862) nhục nhã tại Sài Gòn, và sau đó lại tháp tùng phái đoàn An Nam cũng do Phan làm Chánh sứ sang Paris và Rhoma để xin lại đất! Phan, Trương thành đôi bạn vong niên mà như cặp bài trùng. Cả hai đều lập công lớn với nước mẹ Đại Pháp vào buổi đầu chinh phục Việt Nam.

Paul Bert 1833-1886
Paul Bert 1833-1886

Chuyến công du qua trời Tây một công đôi việc. Ở Ý, Trương đã làm một việc rất khôn ngoan là tới thăm viếng nơi lưu giữ hài cốt các cố đạo tử nạn khi đi giao giảng kinh phúc âm tại xứ Viễn Đông và danh tiếng của ông lại được đề cao bởi được Giáo hoàng tiếp đón. Trương có dịp làm quen với chính giới văn hóa Pháp, đặc biệt là Paul Bert, vừa là nhà khoa học, vừa là chính khách thực dân cực tả. 

Tất nhiên chàng trí thức trẻ khôn ranh tỏ lòng hết mình cho nước mẹ Đại Pháp, đã tạo được mối thiện cảm với một nhân vật tiếng tăm. Năm 1864, trở về Nam kỳ đã là thuộc địa của Pháp, Trương được giao nhiều trọng trách đúng theo tinh thần “đồng hóa chỉ có thể thực hiện được bằng giáo dục và học vấn”. Điều khiển trường Thông ngôn, trường Sư phạm. Rồi được trao toàn quyền tờ “Gia Định báo” – tờ báo chữ Quốc ngữ đầu tiên ở Việt Nam. Việc phổ biến chữ Quốc ngữ là nằm trong sách lược của nhà nước thực dân. Lanessan nói toạc ra: “Ngày nào còn sỹ phu, ngày đó ta còn lo sợ vì họ là những người yêu nước, làm sao chấp nhận được sự đô hộ của ta?”. Giám mục Puginier, là mẫu điển hình cho sự hợp tác chặt chẽ giữa nhà nước thực dân với giáo hội Kitô, không cần giấu giếm: Thay thế chữ Nho bằng chữ Quốc ngữ, Hội Thừa sai nhằm cô lập các giáo hữu. Những người này cũng không thể thư từ gì được với bất cứ sỹ phu Tàu hay Ta nào, các thầy giảng người bản xứ sẽ chỉ có thể đọc một số hiếm những sách do các thừa sai viết bằng Quốc ngữ cho họ dùng và trong đó chỉ bàn đến những vấn đề thuần túy tôn giáo”.
Với cả bộ máy thực dân thống trị trên mọi lĩnh vực và bằng nhiều hình thức, giới sỹ phu Việt Nam không thể bảo vệ được văn tự truyền thống của mình. Chữ Hán-Nôm bị bức tử thay vì chữ Quốc ngữ, văn hóa Việt bị mất nhiều hơn được! Thơ văn Hán-Nôm truyền thống dần trở nên “lép vế” và mai một. Năm 1873, Trương lại được giao đào tạo lớp cai trị người Pháp và tay sai bản xứ tại Trường Cai trị (Collège des Stagiaires) mở ra tại Sài Gòn. Từ đó bước chân vào “Hội đồng học chính cao cấp” để giúp người Pháp lo liệu lâu dài sau cuộc chinh phục xứ này bằng võ lực. 

4/ Chuyến công du Bắc kỳ:
Năm 1872, bất chấp chủ quyền của Việt Nam, lái buôn J. Dupuis ngược ngạo đưa tàu theo sông Hồng, mở đường lên Vân Nam. Quân Pháp được một số giáo dân giúp sức, mở rộng đánh chiếm Bắc kỳ, buộc triều đình Huế phải ký hòa ước Giáp Tuất năm 1874. Cục diện chống Pháp trở nên quyết liệt, tiêu biểu là phong trào Văn thân với hịch “Bình tây sát tả”. Nam triều chủ trương nhờ Thanh triều, quân Cờ đen Lưu Vĩnh Phúc vào giúp sức. Quân Pháp đã bị thiệt hại nặng, nên chính quốc không muốn “sinh sự ở Bắc kỳ”. 

Năm 1876, theo lệnh Đô đốc Duperré, Trương Vĩnh Ký được ứng trước ba tháng lương, để dưới danh nghĩa du lịch Bắc kỳ, Trương Vĩnh Ký tiến hành một chuyến đi mà căn cứ vào việc đã làm thì không khỏi nghi ngờ đó là chuyến đi do thám, tìm hiểu các vấn đề lịch sử, địa lý, thổ nhưỡng và dân tình trước khi quân Pháp có quyết định tiếp theo? Xin trích vài báo cáo của Trương từ Tonquin (Bắc kỳ) gửi các quan cai trị Nam kỳ (Cochichine): 

Tôi thiết tưởng có bổn phận, cũng nhân dịp này, cống hiến cho ngài: Tư tưởng của những người phiến loạn An Nam mà tôi có thể tìm hiểu ở những nơi có tàu đi qua. Những kẻ phiến loạn, như tôi đã từng nhiều dịp trình với ngài, họ có lý do cho chủ nghĩa ái quốc của họ: Sự hận thù đối với các con chiên (công giáo) mà họ cáo buộc là hàng ngũ bên cạnh người Pháp, được dùng như những kẻ đưa đường chỉ lối”, “Các quan lại Nam triều thường nói với tôi rằng nước Pháp cố ý xâm chiếm xứ này. Tôi đã trả lời là không!... Tất cả quý vị đều phải thấy rằng nếu nhà cầm quyền Pháp có ý muốn xâm chiếm xứ này, họ có thể làm việc đó từ lâu một cách dễ dàng, không cần bàn cãi gì cả. Quý vị phải hiểu rằng quý vị là những kẻ yếu, thật sự quá yếu, cần sự giúp đỡ của ai đó để gượng dậy. Và tốt hơn, quý vị chỉ nên tin vào người bạn đồng minh tiếng tăm, phải dựa vào họ một cách thành thật để đứng lên, nhưng phải thẳng thắn, không hậu ý, không mưu tính kín đáo, dang cả hai tay ra với họ chứ không phải một cái chìa ra còn bàn kia thì giữ lại. Bằng ngược lại, mệt trí vì những do dự, những điều nói nửa lời đầy âm mưu của quý vị, nước Pháp buộc lòng phải ngưng che chở, bỏ mặc quý vị với số phận”, “Tổng quát, tất cả đều tin chắc rằng không thể chống lại người Pháp và nếu nước Pháp muốn lấy xứ này, có thể làm mà không phải mất nhiều khó khăn, tốn kém”. 

Khẩu khí ấy là của loại người nào, có xứng là của “người thầy, nhà văn hóa lớn của dân tộc”? Để thưởng công lao ấy, năm 1877 Trương là người Việt Nam đầu tiên duy nhất được vào ngồi trên một trong mười cái ghế danh giá của Hội đồng cai trị thành phố Sài Gòn, lương bổng của Trương đứng hàng thứ ba sau hai người Pháp chóp bu cai trị Nam Kỳ lúc đó?!

5/ Hợp tác với Paul Bert:                                                                         
Sau chiến tranh Pháp - Phổ (1870), nước Pháp tuy thắng trận song cũng lao đao. Cuộc bình định Viễn Đông xa xôi gặp nhiều trắc trở và tốn kém. Chính giới Pháp nản lòng. Hạ nghị viện đòi rút quân về. Trong số 33 ủy viên đặc trách bàn thảo vụ Bắc kỳ, chỉ có 6-7 người khăng khăng đòi duy trì sự chiếm cứ, trong đó có P. Bert. P. Bert hô hào vì danh dự, quyền lợi thương mại và chính trị… buộc nước Pháp phải ở lại đây! Đầu năm 1886, P. Bert đến Sài Gòn, móc nối ngay với Trương Vĩnh Ký. Trương đã nhanh nhảu đáp ứng yêu cầu rất hữu hiệu. Trên đường ra Bắc kỳ, Paul đưa Trương ra Huế, “khéo léo rấm vào Cơ mật viện và Hội đồng nội các của nhà vua”. Chính sách cai trị “lạt mềm buộc chặt” chứng tỏ tài điều hành của một kẻ thực dân có học thức. Vua Đồng Khánh rộng lòng trao cho Trương Vĩnh Ký chức Hàn lâm viện thị giảng học sỹ. Và sau đây là vài đoạn thư Trương gửi cho P. Bert cho thấy thực chất quan hệ giữa hai “nhà bác học Pháp - Nam” là gì: 

Trong cái nhìn đặc biệt về lợi ích của nước Pháp, việc Đồng Khánh lên ngôi quả là may mắn. Vị vua trẻ hoàn toàn bị chinh phục bởi nước Pháp mà tôi đã dạy cho nhà vua biết và yêu thích tiếng Pháp. Cần phải lợi dụng các bản chất tuyệt hảo và trung thành của nhà vua. Về phần tôi, xâm nhập vào Cơ mật viện của nhà vua, vai trò của tôi là làm cho nhà vua và triều thần hiểu được ý tốt của chính phủ Pháp cũng như điều động chính sách của chính phủ An Nam đi gần với chính sách của nước Pháp”, “Tôi sẽ trấn áp những hãnh thần (là người có tư tưởng chống Pháp), sẽ bao vây lấy nhà vua. Tôi cũng sẽ gom những người thật sự có khả năng cho Viện cơ mật”, “Tôi xin nhắc lại ngài cái dự án bình định với những phương tiện hành động đã được mật ước, để tiến tới thành quả mà chúng ta có thể phô trương. Về phần tôi, ngài có thể luôn luôn cậy vào sự giúp sức nhỏ yếu của tôi, vì dù sao những cảm tình của giờ phút đầu tiên đã trở thành một mối nhiệt tâm chân thành đối với ngài”. 

Một mặt, Trương hối thúc Đồng Khánh đào kinh biệt sở Mang Cá để giữ an toàn nơi đồn trú của binh lính Pháp; thúc đẩy nhà vua hãy bắt thật nhiều “xâu” mở nhanh con đường ra Quảng Bình, vào Quảng Nam giúp lính Pháp hành binh tiễu trừ nghĩa sỹ Cần vương ở những vùng xa xôi hẻo lánh; xúi hoàng thượng “làm ra năm mười khoản ước đưa ông P. Bert nghị lại mà tính với nhau” định rõ quyền hạn của Nam triều và Bảo hộ (Bắc kỳ) nhằm hoàn thành nghị trình thâu tóm Việt Nam theo hòa ước 1884. 

Trương Vĩnh Ký cũng khéo giấu mặt trong việc giúp Đồng Khánh ra “Dụ chiêu hồi” các thủ lĩnh nghĩa quân với lời dụ dỗ ngon ngọt và răn đe nghiêm khắc. Kết quả là Phò mã Hoàng Kế Viêm, một thời nổi danh chống Pháp ở phía Bắc, trở thành “hồi chánh viên”, được khai phục hàm Đông các đại học sỹ, giúp việc rất đắc lực cho việc bình định ở Trung kỳ. Một mặt Trương bày mưu cho Toàn quyền P. Bert: “Hãy nhanh chóng thành lập các đoàn lạp binh và võ trang cho họ. Ngài không có điều gì phải quan ngại vì những quân khí do ngài cung cấp, cho mượn hoặc bán, đều thuộc trách nhiệm trực tiếp của nhà vua, và chính phủ Nam triều sau vụ bạo hành tháng 7.1885 (tức ngày  24.5 năm Ất dậu - ngày thất thủ kinh thành Huế), nay chỉ còn cách thần phục nước Pháp. Xứ Trung kỳ mà ngài vừa ban cho nền tự trị sẽ phải bắt buộc ở dưới sự giám hộ của người bảo hộ nó”. 

Để P. Bert yên tâm Trương mách: “Bọn phiến loạn (nghĩa quân Cần vương) không đáng sợ; họ chỉ có những khí giới cổ lổ của chính quyền An Nam và vài võ khí mới mua lại được của bọn buôn lậu Trung Hoa”. 

Và kế hiến ấy đã tỏ ra hữu hiệu trong việc đàn áp, truy sát những nghĩa sỹ Cần vương! Thật không quá đáng khi người Huế bấy giờ coi Trương Vĩnh Ký là con người phản phúc! Nhà sử học Chailley đã nhận định: “P. Bert dùng Trương Vĩnh Ký không phải ở tài năng của ông này, cũng không phải vì ông là người Thiên chúa giáo, mà chỉ vì những công tác đã thể hiện rất được việc và nhất là sự trung thành kiên định của Trương đối với nước Pháp”. Trong khi Trương Vĩnh Ký hăng hái bộc lộ ruột gan ra với quân cướp nước thì với đồng bào mình, ông ta viện dẫn câu cách ngôn La tinh “Ở với họ mà không theo họ” (Sic vos non vobis)! Xin hãy đọc mấy dòng mà các quan thuộc địa đánh giá: “Rút cục, đó là người An Nam Pháp hóa và gương mẫu duy nhất mà chúng ta có. Sự trợ giúp của ông thật rất ích lợi cho ảnh hưởng của chúng ta và cho nền học chính nói chung” (Luro - thanh tra, giám đốc trường sư phạm thuộc địa Pháp ở Việt Nam). 

6/ Trời bất dung gian:
Thế rồi P. Bert đột ngột chết bởi ác bệnh vùng nhiệt đới. Chính sách của y không hợp với giới cầm quyền mới sang thay. Ngay cả triều đình An Nam dù lệ thuộc song cũng chẳng ưa gì viên đại quan cậy quyền ỷ thế ngạo mạn hãnh tiến với cái vốn tây học mà tỏ ý khinh thị nền học vấn cổ lỗ phương Đông. Trương trở nên lạc lõng giữa những ông chủ mới và quan lại Nam triều. Quả báo nhãn tiền, trước hết là “những cú đá của con la” từ các ông chủ thực dân dành cho viên đại quan Cơ mật viện mà chính họ từng cài vào, trong khi đó các quan lại Nam triều coi ông là người nguy hiểm. Trương cũng nhận ra: “Trong con mắt của đồng bào tôi, tôi đã bị lên án nặng nề”! Một con người đa tài đang gặp “hội phong vân” mà bị cú vấp đau như vậy thì sinh ra buồn bã, chán nản hẳn là tất nhiên. Trương nại lý do xin về Sài Gòn để dưỡng bệnh, nhưng vẫn không quên hứa: “Khi trở lại đời sống tư, lòng tôi luôn luôn thuộc về nước Pháp, và những công việc phục vụ nhỏ mọn của tôi cũng thuộc về nước Pháp… Người bề tôi tận tâm và vâng lời”. 

Nhiều nhà nghiên cứu đều chung nhận định với ông Mẫn Quốc: “Cái học vấn của Trương càng uyên bác bao nhiêu thì cái tác hại của Trương càng lớn bấy nhiêu, Trương đã tác động tinh thần đám quan lại và đám sĩ phu Việt Nam hãy đừng cưỡng lại người Pháp, nhằm mục đích gì? Đã bao phen Trương tận tụy trung thành, đem hết tâm tư, bầy mưu lập kế, hiến sách lược nọ, dâng đề nghị kia, chỉ vì giặc Pháp… Chúng tôi đặt ra câu hỏi: vì cớ gì mà Trương lại phản quốc, lại làm đặc vụ, tay sai, tình báo cho địch như vậy? Đọc những gì được trích dẫn, không khó nhận ra Trương Vĩnh Ký rất nóng lòng muốn Pháp đồng hóa dân tộc Việt Nam nhanh hơn, toàn diện hơn. Ngoài lương bổng hậu hĩnh, bên cạnh đó ông cũng sẽ kiếm được lợi nhuận do việc chính phủ thực dân Pháp bỏ tiền tài trợ và mua sách, ông sẽ phấn khởi, hăng hái hơn trong việc viết thêm các tác phẩm khác trong tương lai cho mục đích “đồng hóa” nói trên”. 

Một người tài hoa như thế, mưu mô như thế, hãnh tiến như thế mà sao trước lúc lâm chung lại trong tâm trạng bất an, soạn sẵn câu trích trong kinh cựu ước (Job 19:21) nói về Job bị Thượng đế và loài người lìa bỏ, ghi trên mộ chí: 

Miseremini Mei Saltem vos Amici Mei
 (Xin hãy thương tôi, ít ra là những bạn hữu của tôi) 

Cổ nhân có câu: “Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”. Người hiền để cho cái tâm làm sáng cái tài, chẳng như phường giá áo túi cơm để cho cái tài làm tối cái tâm. Giới học giả, văn nhân thế giới không xa lạ tên tuổi Paul de Man - nhà văn, triết gia, nhà tư tưởng nổi tiếng người Đức giữa thế kỷ XX, nhưng khi bị phát hiện từng cộng tác với chính quyền Quốc xã bài Do Thái, ông và toàn bộ sự nghiệp bị đắm đò! Một nhà hoạt động xã hội nổi tiếng những năm 1950 - 1960 là K. Vanheim, từng là Tổng thư ký LHQ, mãn nhiệm kỳ hai khóa, về nước, ông ra ứng cử chức Tổng thống Áo, bị lật tẩy từng theo đuôi quân phát-xít, liền thân bại danh liệt ngay từ đấy. 

Trong bài viết, tác giả Đinh Hữu Quang trích dẫn lời danh nhân Hoàng Bình Trọng: “Lấy Văn làm Đạo, lấy Đạo làm Văn/ Văn tải Đạo cảm hóa Trời Đất”. Thiết nghĩ với vị đại học giả họ Trương, Văn với Đạo không thuận với nhau và nhận xét của vị học giả đồng hương Ca Văn Thỉnh: “Nhân tài thất đức thờ bạo chúa” là rất đúng?!

Người viết chia sẻ với suy nghĩ của nhà giáo lão thành Trần Thanh Đạm:
Phản bội, phản quốc là tội danh chẳng kẻ náo dám nhận. Càng là người có học vấn, có tri thức mà sa vào con đường ấy thì càng có nhiều luận điệu bào chữa xảo trá, tinh vi. Đối với những nhân vật này lúc đương thời thì ranh giới phải trái thường khá rõ ràng. Song về sau do nhiều nguyên nhân khác nhau, nhất là với những người cùng não trạng, sự đánh giá có khi lại trở nên phức tạp, rối rắm, gây nhiều tranh cãi. Như con người này, vào thời buổi ấy, với tài năng ấy, thân phận ấy, tâm tư ấy, để lại cho đời sau nhiều bài học. Như một tấm gương để tôn vinh cảm phục thì không, song để cảm thông xót thương thì có”...
Nguyễn Văn Thịnh 

Những ngày đầy xuân Bính Thân 2016

Tuần báo Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh
 
Số 393 Thứ năm ngày 17 tháng 3 năm 2016
Tư liệu trong bài viết được dùng theo:
- Thư của nhà giáo lão thành Nguyễn Thái An
- Trương Vĩnh Ký, cuốn sổ bình sinh
(Nguyễn Sinh Duy – NXB Nam Sơn –Sài Gòn – Tháng 3/1975).
- Pétrus Ký từ những nhận thức khác nhau (Nhiều tác giả – Giao điểm 2002)
- Petrus Trương Vĩnh Ký tuyển tập của Lê Trọng Văn
- Bài lấy trên Sachhiem.net của Trần Chung Ngọc, Bùi Kha, Vũ Ngự Chiêu:
Nguồn: Bản MS-Word do tác giả gửi
___________________
Bài đọc thêm:
____________________
Các bài của Nguyễn Văn Thịnh: link http://sachhiem.net/VANHOC/N/ListNVTh.inc.php

Các bài của tác giả Nguyễn văn Thịnh


Đừng Gieo Rắc Tai Họa Vào Lịch SửBS Nguyễn Văn Thịnh

Đổi Mới Sử Học Không Có Nghĩa Là Tô Đen Thành Trắng BS. Nguyễn Văn Thịnh

Đọc Cuốn Tiểu Thuyết “HỘI THỀ”!Nguyễn Văn Thịnh

Bàn Tay Không Che Nổi Mặt TrờiBS. Nguyễn Văn Thịnh

Cái Đèn Cù Trần ĐĩnhBS. Nguyễn Văn Thịnh

Cụ Đồ Chiểu Có Làm Thơ Khóc Thương Phan Thanh Giản?BS. Nguyễn Văn Thịnh

Cảm Xúc Tháng Tư - Hòa Bình: Máu Và Nước MắtBS. Nguyễn Văn Thịnh

Kẻ Cướp Khôn Ranh, Người Ngay Khôn KhéoNguyễn Văn Thịnh

Kẻ Láng Giềng Bất Hảo!BS. Nguyễn Văn Thịnh

Lang Tử Dã Tâm!Nguyễn Văn Thịnh

Lại Gạ Dựng Tượng Ông Đắc Lộ Nguyễn Văn Thịnh

Lại Nói Chuyện Lịch Sử - Từ "Tích Hợp" Đế Sang "Ngọn Đuốc"?BS. Nguyễn Văn Thịnh

Nên Chăng Cần Có Một Ủy Ban Bảo Vệ Lịch Sử Việt Nam?BS. Nguyễn Văn Thịnh

Nhận Diện Người Trí ThứcNguyễn Văn Thịnh

Về Con Người Trương Vĩnh KýBS Nguyễn Văn Thịnh

No comments:

Post a Comment