2016/04/08

Trả Lời Câu Hỏi Kết Quả Của Thỏa Hiệp 27-1-1973

Nguyễn Mạnh Quang



Đây là lá thư (2) gửi quí vị cựu giáo sư và học sinh
Trường Kiểu Mẫu Thủ Đức 

Ngày 31/5/2009

Thưa quý vị giáo sư,

BH và các em học sinh KMTD thân mến,

Trước hết, tôi xin thành thật cám ơn em BH đã đặt ra một số thắc mắc. BH thấy tôi làm thinh cho rằng tôi giận, nhưng không phải thế. Thắc mắc là động thái của một người có lý trí. Tôi luôn luôn đón nhận những thắc mắc có tính cách suy lý như trường hợp này. Có như vậy, chúng ta mới có thể cùng nhau tìm ra những bí ẩn làm cho lịch sử bị chia ra hai dòng. Tôi chỉ e ngại rằng khi bài tôi gửi ra sẽ làm phật lòng một số anh chị dù tôi không hề nhắm đến cá nhân ai cả; lại bị lãnh thêm những lời chỉ trích cá nhân, và có thể BH bị đổ tội là người “gây sóng gió”. Vì thế tôi mới đình hoãn thư trả lời cho đến nay, vừa lúc không khí lắng dịu, và cũng là để giữ lời hứa với BH. Biết làm sao hơn, khi tôi quan niệm rằng những hận thù cá nhân hay xúc cảm của một thiểu số của dân tộc phải nhường chỗ cho tiếng nói cho sự thật của lịch sử. 

Tôi xin đi ngay vào phần trả lời 3 vấn đề trong thư BH để khỏi mất thì giờ, đồng thời cũng xin những ai không thích thì nên bấm delete để khỏi phiền lòng.


BH viết: “Em đang đọc về tay Việt gian ác ôn khét tiếng Ngô Đình Khả, cám ơn thầy Quang thật nhiều:
Vai trò của tên Việt gian Ngô Đình Khả (phụ thân của Ngô Đình Khôi, Ngô Đình Thục, Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu, Ngô Đình Cẩn, Ngô Đình Luyện) cùng với Nguyễn Thân trong chiến dịch tấn công và tiêu diệt căn cứ nghĩa quân kháng chiến của nhân dân ta dưới quyền chỉ huy của nhà ái quốc Phan Đình Phùng. Ngô Đình Khả và Nguyễn Thân là hai người chủ động trong việc đào mả cụ Phan Đình Phùng lấy hài cốt đem đốt thành tro, lấy tro trộn với thuốc súng, rồi bắn xuống sông Lam Giang để trả thù cho những chiến dịch “Bình Tây Sát Tả” của nghĩa quân ta trước đó. Cái truyền thống đào mả kẻ thù những người đã chết để trả thù là của đạo Ca-tô đã có ở Âu Châu từ thời Trung Cổ.”

Em đang suy nghĩ lại về ông Ngô Đình Diệm ! Cám ơn thầy Quang đã dạy em điều MỚI LẠ này, lần đầu tiên em được biết :Cái truyền thống đào mả kẻ thù những người đã chết để trả thù là của đạo Ca-tô đã có ở Âu Châu từ thời Trung Cổ.”

Em bàng hoàng: Gia Long ! Thì ra Gia Long đã học cái MAN RỢ này từ đạo Ca-tô thời Trung Cổ, đem ra áp dụng với người Anh Hùng Áo Vải Tây Sơn: QUANG TRUNG HOÀNG ĐẾ! Gia Long là thằng TIỂU NHÂN ĐỐN MẠT ! "Thiên tử" chó gì .”

Có thể việc Vua Gia Long đào mả Vua Quang Trung là trường hợp cá biệt, nhưng cũng rất có thể Gia Long đã học được cái ác tính hành hạ hài cốt của kẻ thù này trong thời gian thân thiết với ông Giám-mục Pigneau de Béhain (Bá Đa Lộc). Gia Long đã kết thân và tôn Bá Đa Lộc lên làm quân sư từ khỏang giữa năm 1785 cho đến khi ông ta qua đời vào ngày 9 tháng 10 năm 1799. Hơn nữa, Bá Đa Lộc cũng là người vận động quân viện cho Gia Long trong cuộc chiến cướp đoạt ngai vàng của triều đình Tây Sơn. Với địa vị quan trọng và công lao quá lớn như vậy đối với Gia Long, tất nhiên những hành động dã man của Gia Long đối với Vua Quang Trung và triều đình Tây Sơn rất có thể là do ảnh hưởng của Bá Đa Lộc mà ra, dù rằng nhà tu hành thực dân xâm lược này đã qua đời trước đó chưa đầy hai năm. 

Nói đến cái truyền thống đào mồ của những người đã chết để trả thù trong đạo Ca-tô, tôi xin ghi lại dưới đây một vài trường hợp trong hàng rừng chuyện cực kỳ dã man này:

1.- Tân giáo hoàng đào mả giáo hoàng tiền nhiệm, lấy xác cho ngồi vào ghế bị cáo rồi lập phiên tòa xử và hành hạ để trả thù. Sự kiện này được sách The Decline and Fall of The Roman Church ghi lại với nguyên văn như sau:

Giáo Hoàng Formosus (891-896) chết và đã chôn được hơn 11 tháng rồi. Theo ý muốn của bà Agiltruda (một bà Hoàng có thế lực trong giáo triều Vatican), tân Giáo Hoàng Stephen VII (896-897) ra lệnh quật mồ Ngài, lấy xác đem về Dinh Lateran cho mặc áo choàng của Giáo Hoàng và để ngồi vào chiếc ngai vàng của giáo triều, rồi cùng các ông hồng y và giám mục trong Tòa Thánh Vatican tiến hành phiên tòa xử tội. Đây là một phiên tòa lừng danh về việc xử một cái xác chết của người bị thù ghét Bà Agiltruda muốn có phiên tòa này đã từ lâu. Đó là lý do khiến cho bà đem theo cô bé Morozia cùng đi với bà tới Dinh Lateran và bà vui cười sung sướng vào lúc này. Trong phòng xử, mọi sự việc đều tiến hành đúng như dự trù. Chính Giáo Hoàng Stephen VII và một công tố viên của giáo triều đối chất với xác chết đã rữa thối này. Có một thanh niên trợ tế 18 tuổi run rẩy đứng bên cạnh để trả lời thay cho xác chết theo lời đã dặn trước. Phiên xử bắt đầu khi Giáo Hoàng Stephen VII quát tháo với vẻ mặt xanh xám trong cơn giận dữ: “Tại sao mày lại tiếm đoạt ngôi vị giáo hoàng?” Cậu thanh niên trợ tế trả lời thay cho xác chết của Giáo Hoàng Formosus: “Vì tôi là kẻ xấu.” 

Vào lúc gay cấn nhất của phiên tòa, các ông Hồng Y Sergius, Benedict, Paschalis, Leo, John và nhiều nhân vật khác trong hàng giáo phẩm chạy ào tới xác chết lột bỏ áo choàng (dành riêng cho giáo hoàng) và xé rời 3 ngón tay của bàn tay mặt ra khỏi bàn tay. (Giống như các ông giáo hoàng khác, khi còn sống, Giáo Hoàng Formosus thường dùng 3 ngón tay này để ban phước lành trong khi làm lễ.) Sau đó, họ lôi xác chết này ra khỏi phòng xử. Khi các ông hồng y và tu sĩ khác xúm nhau lôi xác chết này ra khỏi Dinh Lateran và kéo lê theo dọc đường phố thì cô bé Marozia cũng có mặt ở đó… Rồi thì họ liệng cái xác chết đó xuống sông Tiber làm cho nước sông bắn tung tóe lên. Sau đó, Giáo Hoàng Stephen VII sai Hồng Y Sergius đem 3 ngón tay đã xé rời khởi xác chết dâng lên cho bà Agiltruda theo lời yêu cầu của bà ta.” [i]

2.- Giáo sĩ của nhà thờ Vatican đào mả những người đã chết lấy xác rồi đốt thành tro để trả thù. Chuyện này được ông Trần Quý kể lại trong cuốn Lòng Tin Âu Mỹ Đấy! như sau:
 “Vào thế kỷ 13, dân ở vùng Toulouse, miền Nam nước Pháp ngày nay nhận thấy Giê-hô-va độc ác, đúng là quỉ Satan mạo nhận là Thiên Chúa, chớ không phải là Thiên Chúa thật. Họ thấy vị thần ấy gớm ghiếc qua, bỏ không thờ nữa tuy họ vẫn kính thờ Jesus. Họ lập thành Giáo Hội Ca-tha-ri. Giáo Hội Công La (Giáo Hội La Mã) kết tội họ là tà đạo. Năm 1209, Giáo Hoàng Innocent III (1198-1216) ra lệnh thánh chiến để diệt họ. Vua chúa ở miền Bắc đất Pháp, ở đất Đức tuân lời, phái binh lính đến làm thành Thập Tự Quân để đánh bọn tà đạo. Rất đông tín đồ Jesus phe giáo hoàng tới trợ lực Thập Tự Quân. Đám quân này dưới quyền chỉ huy của giáo sĩ Amaud Amauri, đại diện giáo hoàng, bao vây thành Béziers. Thành bị hạ vào ngày 22 tháng 7 năm 1209. Toàn dân ở trong thành bị giết hết kể cả đàn bà và trẻ con. Tòa án đạo Jesus theo đuổi trừng phạt cả những người bị kết tội là tà đạo dù họ đã chết rồi. Chẳng hạn, năm 1329, tòa án đạo Jesus ở Carcassonne cho đào mả bẩy người phạm tội tà đạo, móc xác lên đốt đi; của cải của họ bị tịch thu, dòng dõi họ bị trừng phạt.[ii]
 
3.- Tàn sát những người thuộc các tôn giáo một cách cực kỳ dã man gọi là trả thù cho Chúa. Chuyện được sách The Decline And Fall of The Roman Church ghi lại như sau:
"Vị tướng chỉ huy chiến dịch tiêu diệt dân tà giáo Albigences tuyên bố: "Bất kể nam hay nữ, già hay trẻ, chức vụ lớn hay nhỏ, trước lưỡi gươm, họ đều như nhau." Hiệp sĩ ngoan đạo Ca-tô tên là Roland, khi chỉ huy đạo quân tiêu diệt người Moors (Hồi Giáo) đã hô lớn khẩu hiệu "Tà giáo là những người xấu xa. Tín đồ Gia-tô là những người công chính ngay thẳng." Khi tiến tới bao vây kinh thành Jerusalem, những người lính thập ác trong cuộc chiến Thập Ác Thứ Nhất hăng say với niềm tin rằng thiên thần đại diện cho Chúa đang chiến đấu bên cạnh họ. Thành tích của họ là 17 ngàn dân Hồi Giáo bị tàn sát dưới lưỡi gươm của họ ở ngay nơi đền thờ Solomon và tất những người Do Thái ở trong các giáo đường đều bị thiêu sống." [iii] .

Và còn rất nhiều các chuyện khác nữa cũng dã man không khác gì những chuyện trên đây. Trong Cuốn “Nói Chuyện Với Tổ Chức Việt Nam Cộng Hòa Foundation” (Houston, TX Đa Nguyên, 2004) và trong sách Tâm Thư Gửi Chính Quyền Việt Nam (Chương 13) có trình bày đầy đủ những chuyện này. Chương sách này có thể đọc online trên sachhiem.net.


BH viết:  “Em đọc thư thầy Quang nữa nè. Em phát biểu linh tinh nữa nè .

“Cùng một ý như trên, Tổng Thống Hoa Kỳ Eisenhower cũng tuyên bố: “Kẻ thù của kẻ thù là bạn của chúng ta, và bạn của kẻ thù là kẻ thù của chúng ta.” Vì quan niệm như vậy, cho nên từ giữa thập niên 1950 cho đến đầu thập niên 1970, Hoa Kỳ coi miền Nam Việt Nam là tiền đồn chống lại làn sóng Cộng Sản đang dâng tràn từ phương Bắc và triệt để thi hành chính sách Chống Cộng. Vì theo đuổi chính sách này mà họ bỏ ra hàng trăm tỉ Mỹ Kim để nuôi dưỡng chính quyền và quân đội miền Nam làm công cụ phục vụ cho nhu cầu chiến lược chống Cộng này của họ. Nhưng đến đầu thập niên 1970, sau khi đã kết thân được với Trung Cộng (trở thành bạn của Hoa Kỳ), Hoa Kỳ không còn cần sử dụng miền Nam để làm tiền đồn cho nhu cầu chống Cộng nữa. Cũng vì vậy mà Hoa Kỳ mới quyết định bỏ rơi miền Nam, và không cần phải bỏ tiền ra nuôi nợ chính quyền và quân đội miền Nam nữa. Do đó mới có biến cố ngày 30/4/1975.” 

Cám ơn thầy Quang. Dạ trò hiểu hết đoạn trên đây . Em chỉ thắc mắc mấy con số ngày tháng năm ở câu cuối : Theo Em, câu đó phải là: Do đó mới có ngày 27/1/1973.”

BH nói như thế có phần cũng đúng nếu liên kết Thỏa Hiệp ngày 27/1/1973 với Hiệp Định Geneva 1954. Nhưng trong thực tế, chiến tranh Việt Nam đã không thể dừng lại ngay sau ngày Thỏa Hiệp vì đó là cuộc nói chuyện giữa Mỹ và Bắc Việt, chứ đâu phải giữa Bắc và Nam.  

Theo lẽ tất yếu của lịch sử, tất cả các quốc gia bị lâm vào tình trạng chia đôi thì phải tìm phương cách thống nhất để đem giang sơn về một mối. Thiết nghĩ cũng cần biết ai đã cố ý vi phạm điều khoản tổng tuyển cử để thống nhất đất nước đã được quy định trong Hiệp Định Geneva 1954, biết một chút về Thỏa Hiệp Paris 27/1/1973 và tại sao có ngày 30/4/1975.

Từ Hiệp Định Geneva 1954 đến Thỏa Hiệp Paris 27/1/1973: 

Từ lúc bắt đầu đóng vai đô hộ thay cho Pháp, Mỹ luôn cố gắng tìm một chiếc áo “chính nghĩa” cho miền Nam bằng cách phối hợp với bộ máy tuyên truyền của Nhà Thờ Vatican đánh bóng chính quyền Sàigòn và các cựu quan chức tay sai của Pháp trước đây với những thuật ngữ “chính quyền Quốc Gia”, “người Việt Quốc Gia” chiến đấu cho “chính nghĩa Quốc Gia” và “tự do dân chủ” dưới “ngọn cờ vàng ba sọc đỏ” ,….

Tuy các khẩu hiệu trên đây vẫn được dùng hằng ngày qua nhiều năm, nhưng vẫn không đi đến đâu. Trong thực tế, chính quyền miền Nam không có khả năng tạo ra được chính nghĩa. Điều này đã được chứng minh rải rác ở trong nhiều tác phẩm của tôi. Một trong những tác phẩm này là quyển “Chân Dung Người Việt Quốc Gia.” Quyển sách này có thể đọc online trên sachhiem.net. 

Ngay từ thời điểm 1968 (có lẽ vào giữa năm 1967), người Mỹ đã nhìn ra sự thực là không thể nào tạo ra được chính nghĩa để tiếp tục theo đuổi cuộc chiến.  Vì chính quyền miền Nam không tạo được chính nghĩa và không được lòng dân, cho nên dù có chi viện cho miền Nam đến hàng ngàn tỉ Mỹ Kim thì cũng chỉ là đem tiền đổ xuống biển.

Thấy rằng nhân dân thế giới và nhân dân Hoa Kỳ phản đối và lên án kịch liệt việc Hoa Kỳ theo đuổi chiến tranh Việt Nam, chính quyền Mỹ thay đổi sách lược bằng cách “Việt Nam Hóa” cuộc chiến này. Chữ “Việt Nam hóa” do người Mỹ dùng, nghĩa là họ chính thức thừa nhận đó là cuộc chiến của Mỹ từ trước.  

Đồng thời, tình hình thế giới xoay chuyển, Hoa kỳ nhìn thấy rõ xích mích giữa Liên Sô và Trung Quốc (đã có từ năm 1964 hay trước đó).  Hai yếu tố trên kết hợp với nhau làm cho họ thay đối chiến lược chống lại Khối Cộng Sản bằng cách tìm phương kế kết thân với Trung Cộng, rồi tìm cách trút gánh nặng cuộc chiến Việt Nam cho chính quyền và người dân miền Nam để rút lui qua chủ đề “Viêt Nam hóa chiến tranh”.  Cuối cùng là họ đã thực sự kết thân được với Trung Cộng vào năm 1972.  Chỉ còn việc đẩy mạnh thương thuyết với chính quyền miền Bắc để đạt được một thỏa hiệp mà cả hai bên cùng có thể chấp nhận được. Kết quả là Thỏa Hiệp Paris 27/1/1973 ra đời có sự tính tóan này. 

Chương trình Việt Nam hóa được thực hiện bằng cách:  Tăng cường quân số miền Nam để thay thế cho quân đội Mỹ và đồng minh rút lui. Tài trợ cho việc tái tổ chức và trang bị cho chính quyền và quân đội miền Nam bao gồm cả các đồ thiết bị, trang bị vũ khí và lương bỗng cho tất cả nhân viên chính quyền và quân nhân các cấp trong quân đội. 

Có hai điều khoản chính yếu của thỏa hiệp 27/1/1973: (1) Hoa Kỳ sẽ phải rút hết quân ra khỏi miền Nam, và (2) hai bên trao trả tù binh hiện còn đang giam giữ (hiểu ngầm là  Bắc Việt phải trao trả hết tù binh Hoa Kỳ và các nước đồng minh của Hoa Kỳ). Có làm được như vậy, thì chính quyền Hoa Kỳ mới không bị nhân dân Hoa Kỳ và nhân dân thế giới chống đối. Nếu không làm được như vậy, thì chính đảng cầm quyền ở Hoa Kỳ sẽ thất bại lớn trong kỳ bầu cử kế tiếp.

Câu hỏi đặt ra là: Giả sử sau thỏa hiệp Paris 27/1/1973, Hoa Kỳ rút hết quân lực và cắt đứt kinh viện (không chi viện tài chánh, tức là không trả lương tháng cho nhân viên chính quyền và quân đội), nhưng vẫn tiếp tục viện trợ dồi dào vũ khí cho quân đội miền Nam Việt Nam hơn cả vũ khí mà miền Bắc đã tiếp nhận viện trợ của Liên Sô và Trung Cộng, liệu chính quyền và quân đội miền Nam có thể đứng vững và tồn tại được hơn 2 tháng không? Trả lời được câu hỏi này là đã hiểu được thực chất của chính quyền và quân đội miền Nam trong những năm 1954-1975. 

Có thể nói ngay khi không nhận được tiền lương từ tháng đầu, quân lính miền Nam sẽ trở thành một thứ Quốc Quân Trung Hoa ở Hoa Nam (vào những năm 1949-1950), và nhân dân miền Nam Việt Nam sẽ trở thành nạn nhân khốn khổ của các đạo quân này.  Những sự kiện sau đây có thể chứng minh điều đó.

Thực tế là sau khi Mỹ Việt Nam hóa chiến tranh năm 1973, Mỹ chỉ rút quân đội về nước, nhưng vẫn còn tiếp tục viện trợ vũ khí và kinh viện để trả lương cho chính quyền và quân đội cho đến ngày chót. Nhưng Chính quyền và quân đội miền Nam  đã bắt đầu “mất tinh thần” từ sau hội nghị này; cuối cùng rã ngũ tan hàng. Trong thời gian này, chính quyền và quân đội miền Nam đã bắt đầu ở vào tình trạng “Tướng đầu cuốn gói ba quân ngỡ ngàng”. Vì thế, chúng ta không thể bỏ qua khoảng thời gian từ ngày 27/1/1973 cho đến ngày 30/4/1975.

Khoảng đầu năm 1975, có lẽ vào cuối tháng 2, đã có dấu hiệu cho thấy Quốc Hội Hoa Kỳ sẽ giảm kinh viện cho tài khóa 1975-1976 xuống mức tối thỉểu vào khoảng 700 triệu Mỹ Kim, rồi mấy ngày sau đó lại quyết định ngưng luôn khoản tiền này. Xin đọc bản văn ghi trong sách Khi Đồng Minh Tháo Chạy của tác giả Nguyễn Tiến Hưng. [iv]
 
Tin xấu này làm cho các nhân viên cao cấp trong chính quyền và các tướng tá nắm giữ các chức vụ chỉ huy trong quân đội miền Nam mất hết tinh thần, không còn nghĩ đến chiến đấu nữa và tính đường cuốn gói ra đi. Sự kiện này thể hiện ra trong buổi họp tại Dinh Độc Lập vào ngày 13/3/1975 do Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu triệu tập và chủ tọa. Buổi họp chuẩn bị đào tẩu này được Phó Đế Đốc Hồ Văn Kỳ Thoại ghi lại như sau:
Ngày 13/3/1975, tại dinh Độc Lập tổng thống Thiệu họp với thủ tướng Trần Thiện Khiêm, đại tướng Cao Văn Viên, trung tướng Đặng Văn Quang, trung tướng Ngô Quang Trưởng và trung tướng Nguyễn Văn Toàn. Trong buổi họp này tổng thống Thiệu cũng đã nhận định rằng không cách nào với ngân khoản viện trợ Hoa Kỳ bị cắt giảm, chính phủ Việt Nam Cộng Hòa có thể giữ được sự vẹn toàn lãnh thổ miền Nam. Tổng Thống Thiệu lấy viết gạch một đường từ Ban Mê Thuột xuống Tuy Hòa và nói đó là ranh giới mới của miền Nam. Tổng Thống Thiệu còn căn dặn tướng Trưởng giữ kín, không tiết lộ cho các tư lịnh Sư Đoàn, các tỉnh trưởng cũng như Hải Quân và Không Quân biết việc bỏ miền Trung.”[v]  

Sau cuộc họp lịch sử này, Giám Mục Phạm Ngọc Chi ra lệnh cho  Tướng Lâm Quang Thi đến nói với Tướng Ngô Quang Trưởng, Tư Lênh Quân Khu I, bỏ ngỏ Đà Nẵng. (BH có nhìn ra chế độ thần quyền chỉ đạo thế quyền, và lý do của chữ “liên minh Mỹ-Vatican” chưa?)  Sau đó, các tướng dân Chúa  như Tướng Lâm Quang Thi,  Chỉ Huy Bộ Tư Lệnh Tiền Phương của Quân Đòan I, Tướng Hoàng Văn Lạc, Tư Lệnh Phó Quân Đòan I, Tướng Nguyễn Đăng Khánh, Tư Lệnh Sư Đòan I Không Quân, Tướng Lý Tòng Bá, Tư Lệnh Sư Đòan 25 (trú đóng tại Củ Chi) bỏ trốn nhiệm sở mà quân lính dưới quyền không biết gì hết.  

Từ khi hai ông tướng (Lâm Quang Thi và Hoàng văn Lạc) này bỏ đi rồi, Tướng Trưởng như mất luôn cả hai cánh tay, không còn cựa quậy được gì nữa. Việc này được coi như nguyên nhân chính gây ra những hậu quả dây chuyền với diễn biến như sau:

1.- Tướng Trưởng buộc lòng phải cho giải tán Bộ Tham Mưu Quân Đoàn I của ông. [vi] .

2.- Hậu quả trực tiếp là quân lính theo gương hai ông tướng Lâm Quang Thi và Hoàng Văn Lạc cũng bỏ đơn vị tìm cách thoát thân. Tình trạng này đã khiến cho vị tướng tư lệnh Sư Đoàn 1 Bộ Binh là Tướng Nguyễn Văn Điềm ra lệnh giải tán sư đoàn của ông.  [vii]
 
Tình trạng rã ngũ tan hàng như trên xẩy ra từ các đơn vị thuộc Quân Đoàn I. Khởi đầu ở Quảng Trị và Huế, rồi Đà Nẵng, và lan theo hướng Nam tiến đến Hội An, Nha Trang, Phan rang, Phan Rí, Phan Thiết, Bình Tuy và Xuân Lộc nhanh như gió thổi. Tướng Nguyễn Vĩnh Nghi và Phạm Ngọc Sang trong Bộ Tham Mưu của Bộ Tư Lệnh Tiền Phuơng Quân Khu III đang trên đường lên máy bay để tẩu thoát, thì quân đội miền Bắc tóm được.  Tướng Lý Tòng Bá, Tư Lệnh Sư Đoàn 25,  vội vã bỏ đơn vị, cởi bỏ vũ khí và quân trang, chỉ mặc có chiếc quần đùi đang bì bọp lội trốn ở một ruộng lúa, thì bị dân quân địa phương bắt được. Đại Tá Hà Mai Việt, Tư Lệnh Phó Sư Đòan 25, đã bỏ đơn vị từ trước và đã cùng toàn thể gia đình lên phi cơ Mỹ thóat khỏi Sàigòn vào ngày 26/4/1975. Đến sáng ngày 30/4/1975, quân đội Miền Bắc tiến vào Sàigòn hầu như không gặp một sức kháng cự nào cả. 

Nhận xét về những hành động hèn nhát trốn khỏi nhiệm sở và rời bỏ quân ngũ để tẩu thóat cho mau với hy vọng được yên thân như trên của các nhân viên cao cấp chính quyền Sàigòn và các tướng tá nắm giữ những chức vụ chỉ huy trong quân đội miền Nam, ông Vân Xưa (tức cụ Hồ Sĩ Khuê) viết trong bài đầu hàng với nguyên văn như sau: 

Cho đến khi không còn hy vọng tiếp tục vơ vét thêm được nữa, tập đoàn này đã phân tán chạy như một bầy chó đạp phải lửa, hối hả tháo thân cho kịp trước ngày Sài Gòn sụp đổ. Để lại an hưởng tài sản đã thụ đắc năm này qua năm khác, lúc cầm quyền trong nước, trên xương, trên máu, của lính, của dân, mà tiếp tục cuộc sống đế vương ở nước ngoài. Cố nhiên nay ra nước ngoài, bọn họ thừa tài sản, thừa học thức, thừa bộ hạ tay chân, thừa phương tiện. Chỉ thiếu có liêm sỉ, nên không ngần ngại sử dụng đủ mọi thứ mánh khóe, kể cả mánh khóe văn hóa, báo có, sách có, để hài cái tội đầu hàng của Dương Văn Minh

Một cách để nói mà không phải nói là: bọn họ vô tội, không phản bội đất nước, vì không đầu hàng, như Dương Văn Minh (bởi đã trốn kịp ra nước ngoài). Chỉ Dương Văn Minh là kẻ đã bán đứng miền Nam cho Cộng Sản.”  [viii]
 
Còn nhiều chi tiết khác nữa. Xin đọc bài Đầu Hàng của Vân Xưa trên sachhiem.net.  

Trong khúc phim ở trên người ta thấy rõ tinh thần chiến đấu của VNCH nằm ở túi tiền (chứ không phải vũ khí) của Mỹ để trả lương cho nhân viên chính quyền và quân nhân các cấp trong quân đội miền Nam. Hoàn toàn không thấy thế nào là chính nghĩa khi mà VNCH thấy “hết tiền” thì “hết vía” luôn.

Như vậy, nếu nói như BH rằng “Do đó mới có ngày 27/1/1973 ”  thì chỉ đúng với thời điểm trên bàn hội nghị giữa Bắc Việt và Hoa Kỳ mà thôi, chứ không nói lên được cái ý nghĩa thực sự của cuộc chiến.


BH viết: “Trong bản Hiệp Định Paris ký ngày 27/1/73, có ghi rõ: “Nhằm mục đích tái lập hòa bình ở Việt Nam trên cơ sở tôn trọng các quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Việt Nam và quyền tự quyết của nhân dân Miền Nam Việt Nam góp phần củng cố hòa bình ở Châu Á và thế giới.“

Thì để nhân dân Miền Nam Việt Nam tự quyết đi: Tổng Tuyển Cử; hay là nhà ai nấy ở, hàng rào là cây cầu Hiền Lương ? Như vậy thì đâu có ngày 30/4/75?”

Tôi xin trình bày như thế này.  Cuộc chiến 1954-1975 giống như cuộc chiến Việt Nam 1945-1954 giữa một bên là chính quyền thực dân xâm lược Pháp liên kết với Nhà Thờ Vatican và một bên là nhân dân Việt Nam dưới quyền lãnh đạo của chính quyền Kháng Chiến Việt Nam do cụ Hồ Chí Minh lãnh đạo và làm chủ tịch.
Trong Hội Nghị Geneva 1954, chỉ có phái đòan của chính phủ Kháng Chiến Việt Minh đàm phán hay thảo luận trực tiếp với chính quyền Pháp với sự góp ý  của các nước tham dự Anh, Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Ba Lan, v.v…  Phái đòan của chính quyền Quốc Gia thời ông Bảo Đại không có một tiếng nói nào trong các cuộc thảo luận về các điều khoản trong thỏa hiệp này.  Tương tự như thế, trong bàn Hội Nghị Paris 1968-1973, việc bàn thảo mọi điều khỏan trong thỏa hiệp này đều do hai phái đòan Mỹ và miền Bắc Việt Nam trực tiếp thảo luận với nhau, chứ chính quyền Nam không có tiếng nói gì hết. 

Tưởng cũng cần nhắc lại những trang đầu lịch sử của các cuộc chiến giữa một bên là hai liên minh xâm lược trên đây và một bên là nhân dân Việt Nam dưới quyền các vị anh hùng dân tộc lãnh đạo các lực lượng nghĩa quân của nhân dân ta.  Khi xua quân tấn công Việt Nam vào năm 1858, Liên Minh Xâm Lược Pháp – Vatican đã có dã tâm cưỡng chiếm Việt Nam làm thuộc địa. Ngay từ khi liên quân Pháp – Vatican chiếm được ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ vào năm 1862, thì nhân dân ta (bất kể là có hay không có lệnh của triều đình Huế) đã vùng lên tổ chức lực lượng võ trang đánh đuổi quân cướp ngoại thù ra khỏi quê huơng. 

Khởi đầu là các anh hùng nghĩa sĩ ở miền Nam như các cụ Trương Công Định, Nguyễn Trung Trực, Thủ Khoa Huân, Thiên Hội Dương, rồi lan dần ra miền Trung và miền Bắc. Ở Trung có các lực lượng của các nhà ái quốc Mai Xuân Thưởng, Phan Đình Phùng, Đinh Công Tráng. Ở Bắc có các cuộc nổi dậy của cụ Hoàng Hoa Thám, Trịnh Văn Cấn,… cho đến Đảng Cộng Sản Việt Nam và Mặt Trận Việt Minh. Rõ ràng là giặc tấn công đến đâu, thì ở đó dân ta nổi lên chiến đấu chống lại và chống liên tục từ năm 1858 cho đến tháng 7 năm 1954. Tất cả đều có một mục đích chung là đánh đuổi giặc ngoại xâm ra khỏi đất nước để đòi lại toàn thể lãnh thổ Việt cho dân tộc, chứ không phải chỉ đòi lại có một nửa nước từ vĩ tuyến 17 trở ra Bắc.
Sở dĩ có tình trạng chia đôi là vì dưới áp lực của ngọai cường quá mạnh, cho nên chính quyền Kháng Chiến Việt Nam mới tạm chấp nhận Thỏa Hiệp Genève 1954 với hy vọng đất nước sẽ được thống nhất qua một cuộc tổng tuyển cử lẽ ra phải được tổ chức vào tháng 7 năm 1956. Vấn đề thống nhất đất nước qua một cuộc tổng tuyển cử trên toàn thể lãnh thổ Việt Nam được nói rõ trong điều 7 của bản Tuyên Ngôn Cuối Cùng của Hội Nghị Genève 1954 vào ngày 21/7/1954 (Final Declaration of the Geneva Conference (July 21, 1954). Xin đọc đoạn văn nói về vấn đề này như sau:

Hội Nghị tuyên bố rằng, “dựa trên các nguyên tắc tôn trọng các quyền tự do căn bản về độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước, việc giải quyết vấn đề chính trị tại Việt Nam phải cho phép người dân Việt Nam được hưởng những quyền tự do căn bản bằng tổ chức một cuộc tổng tuyển cử tự do và bỏ phiếu kín trên toàn thể lãnh thổ để thiết lập các cơ chế (chính quyền) dân chủ cho cả hai miền. Để có thể bảo đảm rằng việc này có thể tiến hành tốt đẹp trong một nền hòa bình vừa mới được tái lập, rằng tất cả những điều kiện cần thiết cho việc nói lên ý chí của nhân dân toàn quốc, cuộc tổng tuyển cử sẽ phải được tổ chức trên toàn thể lãnh thổ vào tháng 7 năm 1956 dưới sự giám sát của một ủy hội quốc tế. Ủy hội này gồm có đại diện của các quốc gia thành viên của Ủy Hội Quốc Tế Kiểm Soát Đình Chiến đã được nói trong thỏa hiệp đình chiến. Mọi sự tham vấn hay thăm dò để tổ chức tổng tuyển cử sẽ được đại diện của chính quyền của hai miền quyết định.” [ix]
 
Hiệp Định Geneva 1954 đã quy định rõ ràng như vây. Thế nhưng, sau khi đã đưa ông Ngô Đình Diệm lên cầm quyền ở miền Nam Việt Nam, Liên Minh Xâm Lược Mỹ - Vatian ra lệnh cho chính quyền Ngô Đình Diệm từ chối, nhất định không thảo luận với chính quyền miền Bắc về việc tổ chức tổng tuyền cử để thống nhất như Thỏa Hiệp Genève 1954 đã quy định. Xin xem tiếp trong phần Ý Chí Thống Nhất Đất Nước của Các Dân Tộc Khi Lãnh Thổ Bị Qua Phân nơi Chương 81 (Mục XXIII, Phần VI, trong sách Lịch Sử và Hồ Sơ Tội Ác Của Giáo Hội La Mã) của tác giả Nguyễn Mạnh Quang. Chương sách này có thể đọc online trên sachhiem.net.

Ngô Đình Diệm không ký vào Tuyên Ngôn Cuối Cùng của Hiệp Định Geneva 1954 vì không có chính danh và cũng không có tư cách pháp lý nào cả. Ông Diệm chỉ là lá bài gian lận của Mỹ và Vatican bất ngờ đưa ra, thay thế lá bài bị cháy Bảo Đại của Pháp.

Mỹ và Diệm không phải là thế lực đối đầu với Việt Minh vào lúc đó, mà hai thế lực chính là Pháp và chính quyền Việt Nam dưới quyền lãnh đạo của Việt Minh. Diệm nương theo thế lực của Mỹ và không chịu Tổng Tuyển Cử vì Mỹ tin chắc rằng Diệm sẽ thua.

- Chính Tổng Thống Mỹ Eisenhower lúc đó cũng công nhận như thế. Xin đọc "Context of 'July 1956: South Vietnamese President Blocks Unifying Elections'"
And US President Dwight Eisenhower admits, “I have never talked or corresponded with a person knowledgeable in Indochinese affairs who did not agree that had elections been held as of the time of the fighting, a possible 80 per cent of the population would have voted for the communist Ho Chi Minh as their leader.” [EISENHOWER, 1994, PP. 372]
 
Nhiều người Mỹ cũng biểu tình phản đối ông Diệm. Biểu ngữ ở trên ghi: "Chuyện gì xảy ra cho Tổng Tuyển Cử ở Việt Nam? Chỉ là vì: " rồi dẫn lời của Tổng thống Hoa Kỳ Dwight Eisenhower: "Nếu bầu cử được tổ chức vào thời điểm giao tranh hồi năm 1954 thì 80% dân số đã bỏ phiếu cho lãnh đạo cộng sản HCM." Câu chót: "Tổng Tuyển Cử bị đình hoãn do Diệm, bù nhìn của Hoa Kỳ. Tự do đâu, thưa ông Johnson?" Lúc đó, Johnson là Tổng Thống Hoa Kỳ. Ảnh http://baomai.blogspot.com/

- Ngoài ra, Giáo sư Mortimer T. Cohen đã châm biếm trong cuốn From Prologue To Epilogue In Vietnam , xuất bản năm 1979, trang 227 như sau:

“Nhưng Eisenhower biết rằng trong một cuộc bầu cử tự do, 80% dân chúng sẽ bầu cho Hồ Chí Minh thay vì Bảo Đại. Diệm có khá gì hơn Bảo Đại không? Làm sao mà khá hơn? Không một người nào ở Việt Nam có thể thắng Hồ Chí Minh trong cuộc Tổng Tuyển Cử tự do. Ông ta là George Washington của nước Việt Nam. Giáo sư Brown gọi ông ta là một kẻ “phản bội”, nhưng trong 15 năm, từ 1954 đến khi ông ta chết vào tháng 9/1969, cái tên phản bội này sẽ thắng bất cứ ứng cử viên nào khác. Các ông không thể đánh bại một người có tên tuổi bằng một người không tên tuổi... Lý do Diệm không muốn có cuộc Tổng Tuyển Cử là vì ông ta nghĩ rằng mình sẽ thua...” [trong bài "Luận Điệu Phi Dân Tộc của Kẻ Phản Dân Tộc" (Trần Chung Ngọc) ]


Trong những năm 1954-1956 (trong thời kỳ chờ đợi tổng tuyển cử thống nhất đất nước) trên danh nghĩa, chính quyền miền Nam kiểm soát gần như toàn bộ dân số miền Nam. Nhưng từ cuối năm 1956 trở về sau, hầu hết người dân miền Nam đều bất mãn với chính quyền miền Nam ngoại trừ nhóm thiểu số: dân Chúa, nhóm thiểu số cựu quan lại thời Pháp thuộc, nhóm thiểu số phú hào và nhóm thị dân tiểu tư sản (phần lớn sống trong các thành phố và các trại định cư của người Bắc Kỳ 1954). Có 3 lý do: (1) chính quyền này do Hoa Kỳ và Vatican dựng nên, tức là không có chính nghĩa, (2) những thành phần lãnh đạo vốn là những người đã từng là Việt gian cộng tác với Liên Minh Pháp – Vatican, được Liên Minh Mỹ - Vatican đưa lên cầm quyền để phục vụ cho quyền lợi của Mỹ và Vatican, (3) bất tài, kém đức và tham nhũng. 

Từ năm 1960, con số dân miền Nam nằm trong vùng kiểm soát của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam (tức là miền Bắc) càng ngày càng nhiều hơn. Tình trạng này càng rõ rệt hơn kể từ đầu năm 1968 trở về sau. Kể từ đó, có tới hơn 50% dân miền Nam nằm trong vùng do Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam kiểm soát. Còn lại 50% dân số ở miền Nam do chính quyền Sàigòn kiểm soát, nhưng con số phần trăm này cũng chỉ là trên danh nghĩa mà thôi. 

Trong thực tế, ngay cả những người làm việc cho chính quyền miền Nam hay cho sở Mỹ ở miền Nam, cũng có rất nhiều người hoặc là có cảm tình với miền Bắc hay Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, hoặc bí mật phục vụ hay làm việc cho chính quyền miền Bắc. Đây là trường hợp của những người như các ông Phạm Ngọc Thảo, Vũ Ngọc Nhạ, Phạm Xuân Ẩn, Huỳnh Văn Trọng, Chuẩn Tướng Nguyễn Hữu Hạnh. Cũng nên biết ông Nguyễn Trung Hiếu là người làm thông ngôn cho vị sĩ quan CIA tên là Frederic Whitehurst, nên bây giờ người ta mới được đọc hai cuốn nhật ký của nữ bác sĩ quân y Đặng Thùy Trâm của quân đội miền Bắc.  Phần còn lại là dân nghèo lao động, tiểu công nghệ, tiểu thương buôn thúng bán bưng, trong đó có nhiều người như phu đạp xích lô, tài xế xe taxi, công nhân lao động tại các nhà máy, v.v…. Phần lớn những người này hoặc là bí mật hoạt động cho Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam hoặc là bí mật ủng hộ hay có cảm tình với miền Bắc. 

Để làm sáng tỏ vấn đề này, chúng ta hãy tìm hiểu 2 chi tiết liên hệ đến việc thắng hay bại cho miền Nam nếu có tổng tuyển cử.

1.- Lãnh thổ miền Nam do Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam (tức miền Bắc) kiểm soát: Theo bản tham luận của đài BBC loan báo trong những ngày 6-12-23/4/ 2005 (được báo điện tử ww.dongduong thoibao.com đăng lại) thì ngay từ mùa đông năm 1964-1965, Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam đã kiểm soát được 80% dân chúng ở miền Nam:

Mùa đông 1964-1965, tình hình chính trị ở Sài Gòn đã đến điểm hỗn độn khi các chính thể liên tiếp thay đổi. Ở nông thôn, lực lượng Việt Cộng tận dụng sự lộn xộn và thực thi chiến thuật chủ động hơn. Theo đánh giá của tình báo Mỹ lúc này, Măt trận giả̉i phóng dân tôc miề̀n Nam kiểm soát 80% tổng số đất đai ở miên Nam.” BBC ngày 6-12-23/4/2005.[x]
 
2.- Về con số nhân dân miền Nam ủng hộ Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam: Xin đọc bản văn  do nhà biên khảo lịch sử Stanley I. Kutler ghi nhận cho chúng ta thấy rõ thực trạng này. Chú thích ([xi]) ở dưới.
Tóm lại, trong cuộc chiến thống nhất 1954-1975, miền Bắc được sự ủng hộ của tuyệt đại đa số (90%) nhân dân ta.  Còn lại thiểu số thuộc các thành phần đã đề cập ở trên. 

Như vậy, về các yếu tố lãnh thổ và được lòng dân, miền Bắc có lợi thế hơn miền Nam rất nhiều. Nếu tổ chức bầu cử vào bất cứ thời điểm nào trong thời gian 1954-1975, miền Bắc chắc chắn là thắng cử. Đây là lý do TẠI SAO, Hoa Kỳ và Nhà Thờ Vatican đã xúi giục chính quyền Ngô Đình Diệm (1954-1963) từ chối, không chịu ngồi họp bàn vơi chính quyền miền Bắc để tổ chức tổng tuyển cử thống nhất đất nước.
Vì chính quyền miền Nam từ chối tổng tuyển cử, cho nên chính quyền miền Bắc mới phát động chiến tranh để đòi lại miền Nam, đem giang san về một mối. 

Đã phải chiến đấu ròng rã gần 20 năm trời mới tống cổ được quân xâm lược Mỹ ra khỏi miền Nam, chẳng lẽ miền Bắ'c lại còn chờ tổ chức tổng tuyển cử nữa hay sao? Trong lịch sử chiến tranh trên thế giới từ cổ chí kim, có nơi nào phe thắng lại dừng lại để tổ chức tổng tuyển cử để cho phe dựa vào thế lực ngoại bang gây hấn và chiến bại có cơ may nhẩy lên nắm chính quyền không? Huống chi, nếu làm như vậy, thì có phải là bất công và vong ơn đối với toàn thể nhân dân Việt Nam đã hy sinh tiền của, công lao, xương máu cho cuộc chiến, và đặc biệt là đối với hàng triệu người con thân thương của tổ quốc đã bỏ mình trong cuộc chiến trường kỳ vô cùng cam go để đem lại thắng lợi và vinh quang cho dân tộc hay không?

Nêu lên những sự kiện trên chỉ là làm sáng tỏ vấn đề mà thôi. Trong suốt thời gian tử năm 1954 cho đến khi chiến tranh chấm dứt, chính quyền miền Nam không hề đề nghị tổng tuyển cử để thống nhất đất nước. Như đã trình bày ở trên, vấn đê tổng tuyển cử để thống nhất đã được miền Bắc chủ động tích cực đề nghị và khẩn khỏan yêu cầu chính quyền miền Nam ròng rã cả hai năm 1955 và 1956. Thỏa Hiệp 27/1/1973 hoàn tòan là sự giàn xếp bằng những thuật ngữ của chính quyền Hoa Kỳ và chính quyền miền Bắc để chấm dứt cuộc chiến sao cho cả hai cùng có lợi. Trong việc giàn xếp này, chính quyền miền Nam và Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam chỉ đóng vai trò ngồi chơi xơi nước, chứ đâu có được góp tiếng nói  vào việc thảo luận hay bàn cãi gì ở trong bàn Hội Nghi Paris! 

Tiên trách kỷ hậu trách nhân. Nếu chúng ta có trách, thì phải trách TẠI SAO ngày xưa (1950-1954) ông Ngô Đình Diệm phải cậy cục Nhà Thờ Vatican dẫn đi trình diện các chính khách có thế lực trên sân khấu chính trị Hoa Kỳ để năn nỉ, lạy lục và phải thế thốt với họ rằng tôi: “tin tưởng vào quyền lực của Vatican và chống Cộng một cách tích cực.” Có thề thốt như vậy thì mới được họ đưa lên cầm quyền.[xii] Xin xem thêm các Chương 60, 61, 62 và 63 (Mục XVIII, Phần VI) trong sách Lịch Sử Và Hồ Sơ Tội Ác Của Giáo Hội La Mã. Các chương sách này có thể đọc online trên sachhiem.net.

Thiết nghĩ thư đã khá dài, sợ rằng viết thêm nữa sẽ làm một số quí vị phiền giận vì những sự thật lịch sử quá phũ phàng.  Tôi xin tạm ngưng ở đây và thành thật xin lỗi nếu những điều tôi nói có vô tình đụng chạm đến bạn nào trong chúng ta, thì đó là điều ngoài ý muốn của tôi. 

Thân chúc quý vị thân tâm thường lạc.

Thân mến

Nguyễn Mạnh Quang



Chú thích
[i] Malachi Martin, The Decline And Fall Of The Roman Church (New York: G.P. Putnam's Sons, 1981), tr. 121-122.
[ii] Trần Quý, Lòng Tin Âu Mỹ Ðấy! (Westminster, California: Đồng Thanh & Văn Nghệ, 1996), tr.132-133.
[iii] Malachi Martin, Ibid, tr.111
[iv] Nguyễn Tiến Hưng, Khi Đồng Minh Tháo Cháy (San Jose, CA: Hứa Chấn Minh, 2005), tr 222-223.
[v] Hồ Văn Kỳ Thoại, Can Trường Trong Chiến Bại (Falls Church, VA: TXB, 2007) tr. 183.
[vi] Hồ Văn Kỳ Thoại, Sđd., tr. 284
[vii] Hồ Văn Kỳ Thoại, Sđd., tr. 268.
[viii] Vân Xưa. “Đầu Hàng” sachhiem.net. Ngay 30/5/2009.
[ix] Marvin E. Gettlemen, Vietnam: History, Documents, And Opinions On A Major World Crisis (New York: Fawcett Publications, Inc., 1965), pp. 152-153.
[x] “Những Sự Kiện Lịch Sự Đạii Thắng Mùa Xuân 1975” www.dongduongthoibao.net Ngay 23/5/2006. 
[xi] Stanly I. Kutler (ed.) Encyclopedia of the Vietnam War (New York: Simon & Schuster Mcmillan, 1996), p. 592. 

Tháng 4 năm 1967, người điều khiển chương trình bình định là ông Robert Komer chính thức gọi chương trình này là “Cuộc Chiến Khác: Cuộc Chiến Chiếm Lòng Dân” và đề nghị Hoa Kỷ phải đẩy mạnh chương trình tỵ nạn nhằm để phá tan cơ sở tuyển mộ của Việt Cộng. Trong thực tế, vào khoảng đầu năm 1967, có vào khoảng 40 ngàn “cán bộ bình định”, trong đó vào khoảng 10% là quân lính Hoa Kỳ và 90% là quân lính chính quy của miền Nam đã được sử dụng toàn phần vào chương trình bình định này. Công việc của chương trình này bao gồm cả việc triệt hạ các làng xóm trong các vùng nông thôn, đem những người dân quê ở các làng bị triệt hạ này vào định cư trong các “Ấp Tân Sinh” để bảo đảm an ninh cho họ. Việc làm của chương trình này đã làm cho người dân bất mãn rồi chống đối mạnh mẽ. Vì bị chống đối mạnh mẽ, cho nên vào giữa năm 1967, những dữ kiện do cơ quan USOM thâu thập được cho thấy chỉ có 168 Ấp Tân Sinh trong tổng số 12,537 ấp ở miền Nam Việt Nam nằm dưới quyền kiểm soát của chính phủ (Sàigòn), 3,978 ấp nằm trong tay kiểm soát của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam. Số ấp còn lại được ghi nhận như là những ấp nằm trong sự giằng co giữa hai phe.

Những ấp nằm trong sự giằng co như vậy được người Hoa Kỳ gọi là “vùng da beo”, phần lớn người Việt Nam gọi là “vùng xôi đậu” và những người cách mạng miền Nam gọi là “vùng cái lược”. Thương thường vào ban ngày, quân đội miền Nam đảm nhiệm các cuộc hành quân trong những vùng này để mở rộng vùng đất kiểm soát. Việc làm này quá rõ ràng. Lính an ninh và nhân dân tự vệ được đưa đến thiết lập đồn bót ở trong các làng ấp để bảo vệ an ninh cho dân cư. Các làng hay ấp nầy đều được rào bằng hàng rào giây thép gai có hào cắm cọc nhọn bao chung quanh để ngăn chặn, phòng ngừa cộng sản xâm nhâp và khủng bố. Tiếp theo là các đoàn “cán bộ bình định” đến phát thuốc, vật liệu xây cất, tiền trợ giúp để cho người dân trong ấp cảm thấy họ thực sự có một cuộc sống mới. Như vậy, rõ ràng là một số làng hay ấp do chính quyền miền Nam thiết lập nằm dưới quyền kiểm soát của chính quyền miền Nam.

Thế nhưng, thấy vậy mà không phải vậy. Trong thực tế, chính quyền chỉ kiểm soát được những làng và ấp này vào ban ngày mà thôi; ban đêm, Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam nắm quyền kiểm soát vì rằng về phương diện chính trị, người dân trong làng hay trong ấp ủng hộ Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam. Dân trong làng hay trong ấp đã được tổ chức thành những tổ chức bí mật hay bán công khai và những cán bộ cách mạng đã xâm nhập vào các cấp trong các cơ quan hành chánh và trong quân đội ở trong những làng ấp này. Trong khi các ông xã trưởng và viên chức khác lãnh lương hàng tháng của chính quyền, họ lại thi hành những mệnh lệnh của bên cách mạng. Đáng kể nhất là trong bản phân tích thành quả chương trình bình định toàn niên 1967, Cơ Quan Thẩm Định Ấp Tân Sinh của Hoa Kỳ công nhận rằng phần lớn các vùng nông thôn nằm dưới quyền quản trị của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam.”

[xii] Lê Hữu Dản,  Sự Thật - Ðặc San Xuân Ðinh Sửu 1997 (Fremont, CA: TXB, 1997), tr. 23.

No comments:

Post a Comment