2016/04/17

Báo chí tự do giật tít- đọc giả bổ chửng!

Kính Chiếu Yêu
Khởi đầu là một tờ báo mạng Tintuc.vn chạy tít Đại gia Việt "giấu" 7,3 tỉ USD ở nước ngoài nội dung thì "treo đầu dê bán thịt chó" nhưng nhiều tờ báo chính thống khác cũng vào hùa như mơ ngủ. Chỉ có dư luận là bị dắt mũi tạo ra những phản ứng tiêu cực.
Nội dung bản tin nói: "Tính tới cuối năm 2015, lượng tiền gửi ở nước ngoài của người Việt gia tăng đột biến, lên mức 7,3 tỉ USD, trong khi các nhà băng lớn vẫn phải đi vay ngoại tệ của nước ngoài để đáp ứng nhu cầu trong nước. Số liệu này được đưa ra trong Báo cáo kinh tế Việt Nam quý I/2016 do Viện Nghiên cứu Kinh tế & Chính sách (VEPR) công bố chiều 12/4".
Hai ngày sau, bản tin của VTV có phản ứng: "Nguồn tin từ NHNN cho biết, lượng tiền gửi USD từ các tổ chức tín dụng ra nước ngoài vào quý III/2015 chỉ dao động trung bình từ 2 - 3 tỉ USD. Đây là diễn biến tương đối ổn định, không có gì bất thường như con số 6 tỉ USD mà Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách đưa ra trước đó". Thông tin về 6 tỉ USD được các đại gia tuồn ra nước ngoài là bịa.
Thực ra, báo cáo của VEPR không nói như vậy mà chỉ thông tin rằng: "Tuy nhiên, một nhân tố mới xuất hiện là dòng vốn đầu tư khác mà cấu phần chủ yếu là tiền gửi ở nước ngoài, vốn không đáng kể ở những giai đoạn trước, gia tăng đột biến lên mức 7,3 tỷ USD". Nhưng báo chí giật tít câu viu thành "đại gia Việt" làm người đọc cứ nghĩ các ông bà nhà giàu chuyển ngân lậu ra nước ngoài đến 7,3 tỷ đô-la.
Thực ra, báo cáo của VEPR cũng chỉ dựa vào nguồn cơ sở dữ liệu CEIC, một cơ sở dữ liệu thu thập thông tin kinh tế của 128 nước, phải trả tiền mới vào tra cứu được. Còn số liệu cán cân thanh toán quốc tế của Việt Nam thì NHNN vẫn đang công khai.
Theo NHNN Việt Nam, việc cán cân thanh toán bỗng chuyển sang thâm hụt như trên chính là do cán cân tài chính. Tuy nhiên ở đây phải làm rõ một ý: tiền và tiền gởi của các khu vực khác giữa hai quý hầu như không thay đổi (tức hoàn toàn không có chuyện đại gia Việt nào giấu tiền ở nước ngoài cả); chỉ có tiền gởi của các tổ chức tín dụng đem ra gởi ở nước ngoài tăng đột biến: tăng từ mức 1,12 tỉ đô-la lên gần 6 tỉ đô-la. Có thể đây là kết quả của chính sách siết lại việc cho vay ngoại tệ trong nước hay cũng là hoạt động đầu tư cho các khoản dự trữ ngoại tệ như mua trái phiếu chính phủ nước khác. Thật ra việc các ngân hàng trong nước gởi tiền ở ngân hàng nước ngoài là chuyện bình thường và con số này tăng giảm tùy vào nhu cầu từng thời điểm.
Càng ngày càng cho thấy đội ngũ phóng viên, biên tập viên các báo càng đuối, hiểu biết các lĩnh vực chuyên môn sâu rất hạn chế nhưng lại thích chơi chữ, vô trách nhiệm. Họ cứ mặc sức giật tít câu viu còn hiệu ứng dư luận như thế nào mặc kệ, vô can là sao?

No comments:

Post a Comment