Kính Chiếu Yêu
Mấy ngày liền cư dân mạng sôi sục về phát ngôn thiếu thận trọng của Bộ trưởng Cao Đức Phát về thực trạng thực phẩm bẩn. Ông Cao Đức Phát đã phải xin lỗi nhân dân. Điều đó chứng tỏ dân chúng đã quá phẫn nộ về vấn đề thực phẩm bẩn, sự phẫn nộ chính đáng.
Từ diễn đàn Quốc Hội đến báo chí, mạng xã hội, tin đồn, đâu đâu cũng nói đến thực phẩm bẩn và lên án nó. Người ta còn ví thực phẩm bẩn đáng sợ hơn cả khủng bố. Thực phẩm bẩn trực tiếp và gián tiếp đe dọa sức khỏe và sinh mạng hầu hết mọi người, cả nòi giống, cả một quốc gia, thậm chí còn cả nhân loại.
Theo thống kê của Bộ Y tế, mỗi năm ở Việt Nam có khoảng 250-500 vụ ngộ độc thực phẩm với 7.000-10.000 nạn nhân và 100-200 ca tử vong. Con số này cho thấy thực phẩm bẩn đang dần trở thành một vấn nạn và ngày càng khó quản lý. Dường như mỗi ngày khi đi chợ, các bà nội trợ đều lo lắng với câu hỏi, ăn gì, uống gì để bảo đảm sức khỏe? Đại biểu Quốc hội Trần Trọng Vinh, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng nói từ năm ngoái: “Chưa bao giờ con đường từ dạ dày đến nghĩa địa lại nhanh và dễ dàng như bây giờ...”
Chưa có năm nào số vụ kinh doanh, buôn bán thực phẩm bẩn lại bị phát hiện và bắt giữ nhiều như những ngày cuối năm 2015 và đầu năm 2016 với quy mô ngày càng lớn, tính nguy hại ngày càng cao.
Đến cả Salbutamol một chất cấm, được nhập khẩu có điều kiện để dùng làm thành phần bào chế thuốc trị hen suyễn lại xuất hiện tràn ngập trên thị trường và được sự dụng tràn lan trong ngành chăn nuôi. Điều này đang khiến người tiêu dùng hoang mang, lo lắng bởi nếu chỉ bằng mắt thường thì chẳng người tiêu dùng thông thái nào có thể phân biệt đâu là thực phẩm sạch và đâu là thực phẩm bẩn.
Mới đây Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế khẳng định là chưa có bằng chứng và tài liệu chứng minh rằng Salbutamol đã được bán ra thị trường làm thức ăn chăn nuôi. Tuy nhiên trong báo cáo trả lời công văn hỏa tốc của Văn phòng thường trực 389 quốc gia hôm 30/3, Bộ Nông nghiệp Phát triển nông thôn đã cho biết: Do khâu quản lý chưa chặt chẽ nên chất cấm đã được tuồn ra ngoài, để người chăn nuôi mua và sử dụng. Báo cáo còn nêu rõ, một số công ty dược phẩm đã nhập khẩu các chất kích thích tăng trưởng Salbutamol , Clenbuterol và Ractopamine rồi bán ra thị trường làm chất tạo nạc trong chăn nuôi.
Tuyên truyền cũng đã nhiều, hầu như ai cũng biết về thực phẩm bẩn. Kiểm tra cũng có, xử phạt hành chính cũng đã được thực thi, song như muối bỏ bể. Người sản xuất, buôn bán vì lợi nhuận vẫn coi tính mạng đồng loại như cỏ rác. Chẳng lẽ bất lực? Cuối năm 2015 Quốc Hội đã bổ sung vào Bộ luật Hình sự và sẽ có hiệu lực vào tháng 7 này hình thức xử phạt người bán, cung cấp thực phẩm mà biết rõ là thực phẩm có sử dụng chất cấm với mức phạt tiền từ 50 – 200 triệu đồng, hoặc phạt tù từ 1 – 5 năm. Nếu hành vi trên gây hậu quả nặng hơn, làm chết 1 người hoặc gây tổn hại sức khỏe cho 1 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên sẽ bị phạt tiền 200 - 500 triệu đồng, phạt tù 3 - 7 năm. Làm chết 2 người hoặc gây tổn hại sức khỏe của 2 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên phạt tù 7 - 15 năm. Làm chết 3 người trở lên phạt tù 12 - 20 năm.
Chắc sau 1/7/2016, bất cứ tổ chức cá nhân nào khi sản xuất, kinh doanh, tàng trữ, sử dụng chất cấm sẽ cân nhắc hơn, sẽ không đáng vì lợi nhuận để ngồi tù. Tuy nhiên, tội phạm chỉ bị xử lý khi bị phát hiện còn lòng tham và vô nhân tính chưa hẳn đã bị loại trừ - tội phạm ma túy chẳng hạn. Vì vậy, vấn đề có tính quyết định là công tác quản lý.
Thực tiễn cho thấy, trong các khâu từ sản xuất, thu mua, bảo quản, chế biến, lưu thông, phân phối thì khâu sản xuất là căn nguyên và quan trọng bậc nhất trong quản lý thực phẩm bẩn. Trong lúc đó, mảnh ruộng, ao nuôi, chuồng trại... không phải là bí ẩn. Mọi cơ sở ấy đều nằm trên một địa bàn nhất định, dưới quyền quản lý của một tổ chức chính quyền, cơ quan chức năng tầng tầng lớp lớp nhất định thì sao lại vô can. Tại sao chỉ xử lý người bán, cung cấp thực phẩm bẩn?
Những người ăn thuế nhân dân đóng góp để thực thi trách nhiệm quản lý, nhất là cán bộ địa phương mà không thực hiện tốt trách nhiệm của mình mới là đối tượng xử phạt đầu tiên và nặng hơn thì may ra mới giảm được nạn giết người không gươm đao này. Đấy là đáp án tối ưu.
No comments:
Post a Comment