2016/04/17

“Đại biểu không Quốc hội” và “Bộ trưởng không lên báo”

Bùi Hải

Ông Trần Đăng Tuấn đã chính thức trở thành “người xem” trong cuộc đua ứng cử vào cơ quan quyền lực cao nhất – Quốc hội.
Khi quyết định ứng cử vào phút chót, ông Tuấn đã vượt qua được nỗi e ngại không trúng cử.
Ông bảo: “Tôi quyết định không bỏ qua cơ hội nhỏ làm những việc hữu ích lớn.
Nếu cơ hội nhỏ đó không thành hiện thực, thì tôi sẽ vẫn luôn có những cơ hội lớn để làm các việc hữu ích nhỏ”.
Vì thế, khi đang rong ruổi trên những nẻo đường làm từ thiện ở Điện Biên, nghe tin mình bị loại, ông Tuấn “thấy bình thường” vì biết mình còn rất nhiều cơ hội lớn để làm những việc hữu ích lớn nhỏ.
Từ khi xin từ chức Phó TGĐ VTV, tiếng nói của ông Tuấn còn có sức lan tỏa lớn hơn hồi ông đương chức. Đó là một sự thật.
Và từ thời điểm bị loại này, tôi tin rằng những ý kiến của ông Tuấn, thậm chí còn có sức tác động tích cực đến xã hội lớn hơn trước đó.
Làm đại biểu Quốc hội sẽ đóng góp được nhiều, nhưng không chỉ có người ở cơ quan dân cử, mới có thể trở thành “đại biểu của nhân dân”.
“Công dân Trần Đăng Tuấn” đã trở thành vị đại biểu trong lòng dân khi gửi tâm thư chấn động đến Bộ trưởng GD&ĐT về chính sách cho mầm non, đến Bộ trưởng Nội vụ về quỹ “Cơm có thịt”, đến chủ tịch Nguyễn Thế Thảo về đề án triệt hạ cây xanh, gửi TGĐ hãng tin Nga RIA Novosti đề nghị gỡ bỏ bài báo xuyên tạc Việt Nam.
Vị TS tuổi gà ấy cũng đã cần mẫn lao động để tạo lập được một mạng lưới từ thiện vào loại hiệu quả và lay động nhân tâm nhất Việt Nam – “cơm có thịt”.
Hôm qua, trong Lễ bàn giao của một Bộ trưởng vì dân, đóng góp rất nhiều cho đất nước, có một tuyên bố chắc nịch.
Phát biểu trước Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và người tiền nhiệm được dân tin yêu Bùi Quang Vinh, tân bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nói:
“Cái tôi muốn là không cần phải nói quá nhiều, mà phải bằng hành động thực tiễn, bằng hiệu quả công việc cụ thể…
Phát biểu chỉ để lên hình lên báo, thực sự tôi không thích…Đã nói, đã hứa thì phải làm, làm là phải được, còn được thì cũng phải được đàng hoàng”.
Cựu Bộ trưởng Bùi Quang Vinh chọn cách “nói nhiều” để lay động và cảnh báo xã hội. Người kế nhiệm ông lại có một cách tiếp cận khác.
Nhưng tôi tin, dù cách tiếp cận nào, thì ông Dũng cũng sẽ đi tới được cái đích mà ông đã hứa:
“Làm sao để làm tốt hơn anh Vinh là một áp lực rất lớn đối với tôi…Đó cũng là câu hỏi quá lớn đối với tôi…nhưng chúng tôi sẽ đồng tâm hiệp lực, chung sức chung lòng để ít nhất bằng anh Vinh, còn nếu có vượt thêm chút ít thì cũng mong anh vui vẻ, thông cảm”.
Nói ít hay tuyên ngôn nhiều; chăm lên báo hay ít lên hình; là đại biểu QH chính thức hay không…đều không phải là lực cản, nếu những người ấy đặt lợi ích của nhân dân, đất nước lên trên hết và dốc lòng phụng sự.
Trong bài thơ “từ quan” của ông Trần Đăng Tuấn cách đây 6 năm (ngày 3/11/2010), ông Tuấn có câu kết làm nhiều người nổi da gà.
Câu thơ đó vẫn đang song hành với cuộc đời ông.
Mong rằng, ngày càng có nhiều hơn quan chức biết "gần hơn bao thân phận mất còn" như ông Vinh, ông Tuấn.
CÓ MỘT NGÀY
Có một ngày
Rời chậu cảnh, cây ra ngoài đất bãi
Đất cằn hơn và bãi rộng hơn
Có một ngày
Không vui sướng cũng không ngần ngại
Tôi rẽ vào ngả đời
Gập ghềnh hơn mà thanh thản hơn!
Tết này có ai cho rượu ngoại?
Càng thấu tình men lá rượu ngô trong
Xuân này thôi họp hành lễ lạt
Cha dắt con đi chơi non biếc nắng hồng
Giờ như bao chú cô bác khác
Cha loay hoay tìm việc để nuôi con
Chút gian khó của đời cha sẽ nếm
Để gần hơn bao thân phận mất còn!
3/11/2010
Trần Đăng Tuấn

No comments:

Post a Comment