2016/03/09

Bài học về sự đồng thuận

Kính Chiếu Yêu



Đã hơn hơn 10 ngày (từ ngày 26/2 đến nay đã là 7/3) những rối ren ở Sầm Sơn coi như được tháo gỡ khi Bí thư tỉnh ủy Thanh hóa Trịnh Văn Chiến đối thoại với dân. Tại cuộc đối thoại, Bí thư Trịnh Văn Chiến nói: “Việc xảy ra như những ngày vừa qua là rất đáng tiếc. Dù bất cứ ở góc độ nào, với cương vị là người lãnh đạo cao nhất của tỉnh Thanh Hóa, tôi thấy có khuyết điểm và có trách nhiệm với bà con ngư dân thị xã Sầm Sơn".

Đồng thời, ông Chiến khẳng định: "Biển là của đất nước, trong đó có người Sầm Sơn. Biển phải có Nhà nước quản lý bằng pháp luật hiện hành và phát triển đi lên gắn với lợi ích của nhân dân. Không có chuyện tỉnh thu bờ biển giao cho bất kỳ doanh nghiệp nào". Vì vậy, "Thứ nhất, bà con nào đồng ý với chủ trương chính sách của tỉnh thì nhận tiền. Thứ hai, bà con nào mà vì nhiều lý do khác nhau, chưa thông với chủ trương của tỉnh thì vẫn làm bình thường như lâu nay, cứ đi thuyền, cứ khai thác và cứ đậu thuyền. Thứ ba, cấp ủy, chính quyền các cấp từ tỉnh, đến thị xã Sầm Sơn, tập trung chỉ đạo, đảm bảo cuộc sống bình yên của nhân dân, tổ chức điều tra những cá nhân vi phạm quy định của Nhà nước, hỗ trợ ngư dân sớm ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế xã hội".

Mọi người thở phào nhẹ nhõm vì ngòi nổ rối ren đã được tháo nhưng bất đồng thì còn đó. Bất đồng vì nhận thức về bảo tồn và phát triển còn nhiều điều cần bàn đến. Việc những làng chài nằm xen kẹt trong các khu du lịch sang trọng ngày đêm xả thải, phả vào gió mùi cá nướng, mực khô, nước mắm rất khó chịu. Ngược lại, việc những bãi tắm đẹp vốn là tài sản thiên nhiên chung bị các khu rì sọt bao lại, thả phao không cho người dân vào tắm, thậm chí không cho đánh cá, bịt lối đi ra biển của ngư phủ cứ mâu thuẫn nhau, xung đột triền miên.

Nói là chính quyền Thanh Hóa bán biển cho FLC là oan. Đại dự án của FLC bao gồm khu quần thể văn hóa - du lịch với nhiều hạng mục như khu vui chơi, giải trí, nghỉ dưỡng cao cấp, sân golf.  Hạng mục trung tâm của đại dự án là sân golf 18 lỗ FLC Samson Golf Links với mục tiêu trở thành điểm đến hấp dẫn của các golfer trong nước và quốc tế. Theo đánh giá của Nicklaus Design, FLC Samson Golf Links là địa điểm có vị trí tiềm năng hiếm có, độc đáo, nơi giao thoa giữa cửa biển và dòng sông Mã, giáp khu du lịch biển Sầm Sơn.
Lý do người dân tập trung là để phản đối việc thu hồi đất khu vực neo đậu bến thuyền phía Đông đường Hồ Xuân Hương, xã Quảng Cư, giáp khu nghỉ dưỡng của FLC để giao cho đơn vị này xây dựng lại bờ biển đẹp, hài hòa với khu du lịch lân cận. Chủ trương này, theo người dân là sẽ làm mất đường ra biển kiếm kế sinh nhai và nơi neo đậu tàu, thuyền của ngư dân.

Dự án khi đang trong giai đoạn hình thành đã được thông báo rộng rãi trong dân. Và để giải phóng mặt bằng, nhà đầu tư đã đưa ra mức hỗ trợ đối với hộ gia đình có tàu, thuyền, bè khai thác hải sản có công suất máy chính dưới 20CV (chỉ đánh bắt gần bờ) giải bản (phá bỏ), thì được hỗ trợ 70 triệu đồng/bè; 50 triệu đồng/mủng; Hỗ trợ hộ gia đình có tàu, thuyền khai thác hải sản công suất máy chính dưới 20CV giải bản ổn định đời sống trong thời gian 6 tháng, cứ một nhân khẩu được tính bằng tiền tương đương 300kg gạo tẻ/tháng; Hỗ trợ mỗi hộ tìm nghề mới là 12 triệu đồng/bè và 8 triệu đồng/mủng... Hỗ trợ đóng mới tàu từ 50CV trở lên từ 125 triệu đến 250 triệu. Một số hộ dân đã đồng ý với chủ trương. Tuy nhiên, còn nhiều hộ chưa đồng tình, dẫn đến khi triển khai dự án thì bị phản đối.

Chuyện ở Thanh Hóa chẳng có gì mới. Từ ngày du lịch biển phát triển đã có hàng chục Resort ở khắp nơi độc chiếm biển. Dọc ven biển từ bán đảo Sơn Trà vào Ngũ Hành Sơn thuộc thành phố Đà Nẵng dài 23,4 km đang được hối hả cắm mốc phân lô. Bãi biển thuộc khu di tích Ngũ Hành Sơn cũng san sát mọc lên những dự án án ngữ. Con đường ven biển dài gần 20 km từ Điện Dương, Điện Ngọc vào đến Hội An đã nối đuôi nhau những resort. Nha Trang, Khánh Hòa một thời dân đi ngang qua khu nghỉ ngưỡng Ana Mandara bị xua đuổi. Dọc vùng biển Nam Trung Bộ, đến Mũi Né (Bình Thuận) suốt chiều dài 192 km bờ biển chỗ nào cũng đã được giao cho các nhà đầu tư đã nhiều năm nay. Khu du lịch Hàm Tiến, Mũi Né đã bị các khách sạn, resort lấn hết biển. Người dân và du khách khó tìm được bãi tắm, thậm chí không có đường xuống biển...

Không có chính quyền nào quy hoạch, chuyển giao hay cho phép doanh nghiệp độc chiếm biển cả. Nhưng các doanh nghiệp bỏ tiền đầu tư thích cát cứ là được cát cứ. Luật bất thành văn bờ biển là của các khu resort như một thông lệ ngầm hiểu. Trong khi đó, các cơ quan chức năng khẳng định, chưa bao giờ có chủ trương khóa mặt biển như vậy. Thậm chí như ở Bình Thuận, từ năm 1997 đã có quy hoạch để chừa ra 100m ven biển cho du khách và người dân được xuống biển. Các khu resort, khách sạn tại khu vực Hàm Tiến - Mũi Né xây dựng không theo như quy hoạch đã đề ra nhưng không ai ngăn chặn, xử lý. Giờ đây, gần như toàn bộ diện tích suốt chiều dài 192 km bờ biển của Bình Thuận, chỗ nào cũng đã được giao cho các nhà đầu tư, muốn xử lý được chuyện này không dễ.

Ở TP Đà Nẵng người ta cũng khẳng định, không có cơ quan nào giao bãi biển cho các nhà đầu tư cả và luật cũng không cho phép ai làm điều đó. Không ai giao bãi biển riêng cho từng nhà đầu tư mà bãi biển là của chung, là khu vực công cộng, mọi người cùng thụ hưởng. Nói thì vậy, nhưng đến nay đã hơn một năm trời, chưa rõ chuyện này được thực hiện đến đâu. Ông Phó chủ tịch Hội Kiến trúc sư TP.Đà Nẵng cũng từng kiến nghị, UBND TP. Đà Nẵng nên dành nhiều bãi tắm công cộng cho người dân và trả lại không gian cho những làng chài truyền thống. Nhưng mọi chuyện vẫn chưa đâu vào đâu.

Chuyện các resort cát cứ không gian biển đến nay gần như đã được mặc định trong cả nhận thức của khách du lịch không là khách của resort và cả dân chài xen kẹt trong các khu du lịch. Đấy đã là điều tệ hại của môi trường du lịch thân thiện, trái luật pháp và còn tệ hại hơn khi resort chiếm dụng cả đường ra biển, bến bãi sinh nhai của dân chài truyền thống.

Vậy nên, mỗi khi chưa có sự đồng thuận của dân chúng thì không được triển khai dự án. Nếu làm được như những gì ông Bí thư Thanh Hóa nói và cách nhìn xa trông rộng của người dân để xây dựng một vùng du lịch, nghỉ dưỡng xứng tầm thì mọi việc sẽ êm đẹp.

No comments:

Post a Comment