2016/01/14

Văn hóa - Văn minh


Trong cuộc sống, con người dù ở hoàn cảnh nào, ở vị trí nào trong xã hội thì cũng cần phải có những hành xử đẹp. Những hành xử đẹp đẽ đó sẽ là thước đo để đánh giá trình độ văn hóa, phẩm giá của mỗi người.
Chuyện nẹt pô xe trước cổng bệnh viện, bấm còi tin tin vào giữa đêm khuya, vượt thứ tự trong xếp hàng nơi công cộng... , những chuyện tưởng chừng như rất nhỏ ấy lại thể hiện một tầm nhận thức thiển cận, một chuẩn văn hóa thấp kém khiến người khác miệt khinh ta...

Văn hóa không phụ thuộc vào trình độ học vấn, học vị, học hàm mà nó phụ thuộc vào ý thức, nhận thức của từng cá nhân. Người có trình độ học vấn cao không hẳn là người đó có văn hóa cao và ngược lại. Trong thực tế hàng ngày, chúng ta phải chứng kiến rất nhiều những hành vi không lấy gì làm đẹp mắt của một số người ở mọi lĩnh vực và địa điểm khác nhau, tạo cho chúng ta một cảm giác rất khó chịu, phản cảm. Những hành vi sau đây là những hành vi mà chúng ta thường thấy nhất.
1. Ý thức bảo vệ môi trường và giữ gìn vệ sinh nơi công cộng

Khi tham gia giao thông, chúng ta thường bắt gặp nhiều người có hành vi vô văn hóa như khạc nhổ bừa bãi trên đường phố, gây mất vệ sinh nơi công cộng. Đôi khi không kịp né, chúng ta bị lãnh trọn hậu quả bởi hành vi thiếu văn hóa đó.

Phải nói rằng ở nước ta, ý thức giữ gìn vệ sinh nơi công cộng của người dân chưa được cao nên tình trạng rác xả một cách… vô tư ở những nơi công cộng như khu vui chơi giải trí hoặc ở những bến xe, bến tàu là rất phổ biến. Đó là mới điểm qua những hành vi "nho nhỏ" thật đáng trách của những người dân làm ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, ảnh hưởng đến môi trường. Nhưng những hành vi hủy diệt môi trường như khai thác gỗ tận diệt rừng già, xả chất thải công nghiệp của những tập đoàn lớn như Tập đoàn Vedan và nhiều công ty, doanh nghiệp khác thì đó mới là vấn đề đáng bàn, vì hậu quả của nó để lại cho môi trường sống thật khó kể hết.
2. Văn hóa xin lỗi, cảm ơn

Chúng ta thường nghe những lời phàn nàn từ những người cao tuổi hoặc những người ngoại quốc, đặc biệt là những người từ các nước phát triển đến Việt Nam. Họ nói rằng người trẻ bây giờ sao ít thấy thể hiện sự biết ơn và biết lỗi.

Không ít người thản nhiên bỏ qua không một lời xin lỗi khi mình đã gây ra những lỗi lầm khiến người khác phải chịu những tổn thương về tinh thần cũng như thân thể. Họ sẳn sàng nói xấu người khác cho đã miệng mà không thấy xấu hỗ. Họ chẳng quan tâm việc họ nói không biết có đúng không? Hay chỉ “nghe qua nghe lại”. Cũng có người thản nhiên đón nhận, hưởng thụ những thành quả mà người khác đã tạo ra cho mình nhưng không hề có sự biểu lộ cảm xúc biết ơn và một lời cảm ơn. Có người nói một cách bi quan rằng, văn hóa cảm ơn và xin lỗi là một thứ văn hóa "xa vời" và "xa xỉ"hiện nay. Mong điều đó không phải là sự thật.
3. Văn hóa xếp hàng

Từ thời bắt đầu biết cắp sách đến trường, mỗi người trong chúng ta đã được học bài học đầu tiên về phép lịch sự tối thiểu nơi công cộng, đó là xếp hàng vào lớp. Từng lớp một với những hàng lối ngay thẳng đi vào lớp học rất trật tự. Nhưng đó là thời trẻ con đi học và những việc làm đó dưới sự giám sát của thầy cô giáo. Còn khi con người đã lớn lên, bước vào đời thì rồi người ta có quan niệm rằng "trâu chậm thì uống nước đục" nên không ít người dễ dàng đạp lên nó, giành giật, chen lấn để mong một cách ích kỷ được "uống được nước trong".

Thời buổi hiện nay là phải sống nhanh, sống vội. Ít ai nghĩ đến lối sống chậm để mà có văn hóa xếp hàng. Hẳn chúng ta không ngạc nhiên lắm khi thấy người ta chen lấn giành giật nhau bởi một món hàng khuyến mãi hay một tấm vé vào khu vui chơi. Người viết xin được kể câu chuyện sau đây mà tình huống của nó không biết nên cười hay nên khóc. Câu chuyện diễn ra tại cổng Dinh Thống Nhất, TP.HCM. Hôm ấy tôi đưa một người bạn ở nước ngoài về đi tham quan di tích này, chúng tôi và một số người nước ngoài đang xếp hàng đợi đến lượt mua vé vào tham quan Dinh thì bỗng có một tốp người từ đằng sau thản nhiên chen lên trước để mua vé, vốn dĩ người Việt Nam mình thấp bé nhẹ cân nên những thao tác của họ rất nhanh nhẹn. Thấy vậy, những người nước ngoài cao to đang đứng đợi xếp hàng chỉ xì xồ mấy câu rồi cười vì nghĩ rằng những người kia là trẻ em nên ưu tiên cho mua trước. Cảm giác của tôi lúc đó xấu hổ không thể nói lên lời.
4. Văn hóa nơi công sở

Cơ quan làm việc là nơi mọi người phải tuân thủ các nội quy quy chế một cách nghiêm ngặt nhất. Thế nhưng ở một số đơn vị thì bản nội quy chỉ mang tính hình thức, treo lên cho "vui mắt" mà thôi.

Chúng ta thấy hầu hết các cơ quan, ngay từ cổng ra vào đã có một bảng hướng dẫn "xin vui lòng xuống xe, tắt máy, dẫn bộ" nhưng ít thấy ai thực hiện. Các công chức hoặc khách mời cứ vô tư phóng cái vèo một phát qua mặt bảo vệ.

Ngay ở các bệnh viện cũng vậy. Có nhiều bệnh viện không có nhà gửi xe phía ngoài khuôn viên bệnh viện nên phải gửi xe bên trong. Để đảm bảo sự yên tĩnh cho bệnh nhân đang điều trị, người ta cũng đặt bảng hướng dẫn tương tự như trên nhưng chẳng mấy ai thực hiện cả. Rồi còn nhiều những hành vi không tốt khác như hút thuốc lá nơi công sở, đi trễ về sớm…
5. Văn hóa giao thông

Trên các nẻo đường thành phố vào những giờ cao điểm, người và xe chật như nêm cối. Hình ảnh nhiều người cho xe leo lên cả lề đường dành cho người đi bộ là hình ảnh quá đỗi bình thường. Công bằng mà nói, trong hoàn cảnh đường phố thì chật chội mà người lại đông đúc, lô cốt giăng chắn lối đi, nếu không tranh thủ chen lấn từng centimet đường thì nguy cơ đến cơ quan trễ hoặc chậm giờ đón con là rất cao. Bởi vậy nếu không thấy bóng dáng cảnh sát giao thông thì việc vượt đèn đỏ hay đi vào đường cấm là chuyện bình thường hóa của rất nhiều người.

Trong chúng ta, mỗi người luôn tồn tại hai mặt: mặt tốt và mặt xấu. Vấn đề là chúng ta có nhận diện được các mặt trong chính con người chúng ta hay không mà thôi. Nếu biết cách nhận diện được nó rồi thì cái tốt ta phải phát huy, cái xấu từ từ từng bước ta loại trừ nó. Đó cũng là một phương pháp thực hành "tránh ác làm lành" mà Đức Phật đã dạy cho con người. Chúng ta thấy rằng, một đất nước nhỏ bé xinh đẹp, dân số ít như Singapore mà cũng phải cần đến 50 năm phát triển mới trở thành một đất nước xanh sạch đẹp và hiện đại như ngày hôm nay. Vậy ở Việt Nam ta với hơn 85 triệu người dân thì phải cần đến bao. nhiêu năm mới đạt đến mức phát triển như nước bạn? Phải chăng bắt đầu từ ý thức giữ gìn, phát huy và những hành xử hướng đến cái đẹp của mỗi người để góp phần xây dựng đất nước phát triển, xã hội văn minh.

Hình ảnh của đất nước đẹp hay không lệ thuộc vào cách ứng xử, chất lượng trong nhận thức, lời nói và hành vi của mỗi người công dân, từ gia đình cho đến nơi công cộng. Nền tảng của một xã hội văn minh được bắt đầu từ những điều nhỏ nhặt và rất đỗi bình thường đó.

"Bên cạnh những cái "được" dễ thấy của người Việt trẻ như kiến thức rộng, tiếp thu nhanh các tiến bộ khoa học kỹ thuật, tư duy nhạy bén... thì cũng có những điều trái khoáy: các bạn "thiếu văn hóa" một cách trầm trọng trong ứng xử. Chúng ta vẫn thường nghe "Thanh niên là rường cột của nước nhà", là "hy vọng của quốc gia" và nhiều nữa. Vậy thì Việt Nam ta rồi sẽ về đâu, với một thế hệ trẻ thừa-kiến-thức nhưng lại thiếu-văn-hóa?

Chuyện các bạn trẻ chửi thề, nói tục có vẻ như không còn thuốc chữa bởi những ngôn từ ấy đã trở thành một thói quen mất rồi. Và, có lẽ là để chứng tỏ sự... sang trọng, sành điệu, đẳng cấp của mình, các bạn đã chửi thề bằng cả tiếng ngoại quốc nữa kia. Chuyện có thật trong một quầy bida, sau khi cô gái tóc nhuộm vàng hoe đánh hụt một cơ, cô giậm chân: "Oh, shit!". Chàng trai đi cùng cô, cũng đánh hụt một cơ, cũng vung cây cơ, buông tiếng "Damn it!". Chắc các bạn nghĩ rằng phải vậy mới là người văn minh mà lại không hiểu rằng đó là một sự phỉ báng tiếng Việt - ngôn ngữ là niềm tự hào của dân tộc. Các bạn đâu biết khi buông lời như thế, các bạn đang phỉ nhổ vào chính bản thân mình.

Cứ thế, những minh chứng cho lối ứng xử thiếu văn hóa của người Việt trẻ vẫn đầy dẫy, mà nếu tôi liệt kê chắc cũng được vài trăm hay vài nghìn trang giấy. Vâng, bạn có thể cho là tôi quá lời. Nhưng hãy cứ thử nhìn ra kia mà xem. Trên những chatroom, forum trực tuyến vẫn nhan nhản những lời lẽ cục súc,. Đến cả những em bé đang theo bậc tiểu học vẫn sử dụng tiếng chửi thề làm tiếng đệm đầu môi. Nếu hỏi chúng từ đâu mà biết những từ ngữ như thế, chúng sẽ trả lời cho ta rằng chúng học được từ cha mẹ, anh chị... Từng ngày từng giờ, chúng ta đang làm nhơ nhuốc tâm hồn của trẻ thơ mà không hề cảm thấy đó là tội ác. Thậm chí khi dạy cho các em bé tập nói ta lại càng khuyến khích trẻ chửi thề qua những câu như: "Chửi nó đi con!".

Mang nỗi lòng ấy trò chuyện với vài bạn trẻ, tôi lại thêm bẽ bàng khi các bạn nhìn tôi như nhìn một sinh vật lạ từ hành tinh nào đấy. Và câu trả lời tôi nhận được là: "Chuyện bình thường thế mà cũng lôi ra nói. Điên à?". Vâng, tôi điên nên mới trăn trở về một thế hệ trẻ - tương lai của nước nhà. Tôi điên nên mới nói về những cái mà các bạn mặc nhiên thừa nhận như là chuyện thường ngày và chẳng có gì sai. Tôi điên?

Chuyện văn hóa không chỉ dừng lại đó khi ta nhìn thấy cảnh chen lấn trước quầy vé tàu, xe, chuyện những chàng trai vô tư "ôm cây đợi thỏ" sau những cuộc nhậu triền miên, chuyện nẹt pô xe trước cổng bệnh viện, chuyện bấm kèn tin tin vào giữa đêm khuya khi ta trở về nhà... Những chuyện tưởng chừng như rất nhỏ ấy lại thể hiện một tầm nhận thức thiển cận, một chuẩn văn hóa thấp kém khiến bạn bè các nước miệt khinh ta...".

No comments:

Post a Comment