2016/01/06

Cảnh giác với tin đồn



Mõ Làng
Từ lâu, tin đồn cứ như những làn gió độc được khởi nguồn từ những trang mạng, những đài phát thanh được điều hành bởi những con người và đồng tiền đen tối cứ len lỏi đến khắp hang cùng ngõ hẻm qua thói tò mò, hóng hớt của một bộ phận dân chúng.

Tin đồn đều có tính chất bôi lem. Đối tượng bôi lem, bắn phá đều tập trung vào giới chóp bu của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Thời điểm cao trào là vào trước kỳ những sự kiện chính trị quan trọng trong đời sống chính trị như bầu cử Quốc Hội, Đại hội Đảng.

Phương thức là "ném cát bụi tre", trúng đâu thì trúng, lặp đi lặp lại theo kiểu chiến tranh tâm lý làm người ta từ chỗ không tin đến ngờ vực rồi tin đó là sự thật.

Thủ đoạn là dựa vào những hiện tượng, sự việc có thật rồi gắn nội dung bịa đặt mà không thể xác minh nguồn tin.

Tin đồn có đất để tồn tại và phát triển là mâu thuẫn xã hội về lợi ích, lòng tin của dân chúng vào chính thể cùng với sự tiếp tay của kém minh bạch thông tin, kém nhạy bén của truyền thông.

Chỉ điểm lại vài đợt sóng tin đồn gần đây đã tỏ ra quá lợi hại khi nó nhằm xói mòn lòng tin của dân chúng.

Từ sau vụ xuất bản hai tập sách "Bên thắng cuộc" của Huy Đức rồi sau này là "Đèn cù" của Trần Đỉnh. Với lối cung cấp thông tin nửa kín nửa hở, nhiều vấn đề lịch sử bị lật lại theo hướng bóp méo, xuyên tạc. Rộ lên là chiến dịch "hạ bệ thần tượng" nhằm vào ĐCS, vào những nhân vật chủ chốt của Đảng và chính phủ VN trong cuộc chiến tranh giải phóng. Những thêu dệt về "đạo đức suy đồi", "máu lạnh" của vị Tổng bí thư Lê Duẫn, trưởng ban Tổ chức Lê Đức Thọ... thậm chí dựng lên hoài nghi về lý lịch nhân thân của Chủ tịch Hồ Chí Minh là do một người Trung Quốc đóng giả! Chỉ đến khi cư dân mạng chân chính lên tiếng phản bác, chỉ ra những thứ bịp bợm của nó thì dư luận mới lắng xuống.

Năm 2011, qua loạt bài "Tổng thống Nguyễn Tấn Dũng" được đăng tải trên mạng, do Phạm Chí Dũng viết, dư luận bắt đầu đồn đại về chuyện thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có âm mưu lên Tổng bí thư rồi sau đó gạt Đảng Cộng Sản sang một bên, thâu tóm toàn bộ quyền lực để làm tổng thống. Cùng với đó là vở kịch nội bộ của chính quyền đang chia rẽ thành hai bè phái, một bên là do ông Dũng đứng đầu, một bên là ông Sang và ông Trọng đứng đầu.
Đã vài năm, những thông tin về "Mật nghị Thành Đô" khẳng định chính phủ Việt Nam đã có giao ước bán nước với Trung Quốc được đăng trên các trang mạng không tên tuổi, nhưng đến năm 2015 thì được khơi dậy qua thông tin ngụy tạo bằng cái "tem đảm bảo" Wikileaks. Tuy nhiên, Wikileaks cũng không chính thức xác nhận văn bản này với bằng chứng về nguồn tin (không có bản chụp văn bản hay băng ghi âm). Như thế, thông tin này không hề chính xác.

Tháng 5/2014 ông Nguyễn Bá Thanh bị bệnh rối loạn sinh tủy (ung thư máu) được đưa đi Singapo rồi sau đó sang Mỹ chữa bệnh. Tin đồn về một vụ đầu độc bằng phóng xạ được đồn thổi một cách nhanh chóng. Lần này mũi nhọn được hướng vào TT Nguyễn Tấn Dũng cùng một số ông chủ các ngân hàng nhằm "diệt khẩu" để che đậy, răn đe những ai đang muốn đào bới sai lầm, khuất tất của họ. Mãi cho đến khi bệnh tình của ông Nguyễn Bá Thanh được công bố, ông mất nhưng các vụ về Vinaline, Vinashin cùng hàng loạt ông chủ ngân hàng vẫn bị xử lý, tin đồn mới mất. 

Cuối tháng 7/2015, khi ông Phùng Quang Thanh đi chữa bệnh ở Pháp, lại một loại "tin nội bộ" được tung ra trên facebook Nguyễn Thùy Trang nói rằng, ông Phùng Quang Thanh bị phe của Nguyễn Tấn Dũng ám sát vì Phùng Quang Thanh là nhân sự cốt cán của phe Chủ tịch nước và Tổng bí thư, được Trung Quốc ủng hộ. Tuy nhiên, chẳng bao lâu ông Phùng Quang Thanh chữa trị xong và về nước, xuất hiện ở sân bay Nội Bài, và tiếp tục tham dự nhiều buổi gặp gỡ người dân. Vậy là vỡ mộng của những kẻ tung tin về một chính phủ Việt Nam chia rẽ, hãm hại nhau.

Gần đây, tin đồn liên quan đến ông Nguyễn Xuân Phúc, phó Thủ tướng được đăng tải trên các blog, facebook với nội dung tố cáo khối tài sản khổng lồ ở trong và ngoài nước của ông, cùng với những móc ngoặc chính trị bên trong. Lần này, truyền thông đã kịp thời vào cuộc để chỉ ra tên tuổi, địa chỉ, của người tố cáo là giả mạo. Khối tài sản được minh họa cũng là giả mạo nốt. Dư luận lắng xuống. 
Mấy ngày nay, bức thư tố cáo của một người ký tên là Trịnh Văn Lâu, với chức phận khá cao là Nguyên Uỷ viên BCHTW Đảng khóa VI, VII, Bí thư Tỉnh ủy Tây Ninh, Vĩnh Long, Cửu Long… vừa được đăng tải trên trang Ba Sàm. Bức thư này nhắc lại kiến nghị buộc tội Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vi phạm nguyên tắc, điều lệ Đảng, những quy định tiêu chuẩn của Uỷ viên Ban chấp hành TW Đảng.

Minh họa cho nó là bức thư 9 trang được đăng trên Ba Sàm và được cho là của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gửi Tổng bí thư và Bộ chính trị, thì những lời đồn đoán này lại càng rộ lên. Các trang mạng, trong đó có Dân Luận, Bauxite Việt Nam... đều hăng say bàn về bức tranh đấu đá giữa các phe cánh trong nội bộ trước kỳ Đại hội Đảng. Họ bàn tán sôi nổi về việc ông Sang và ông Trọng đang o ép ông Dũng đến mức nào, ông Dũng phản đòn ra sao, Trung Quốc có động thái như thế nào. Và rồi cùng đi đến kết luận chung: Không nên tin Đảng Cộng Sản, dẹp nó đi, hãy hướng tới dân chủ và nhân quyền kiểu Mỹ...


Những tin đồn dạng này ngày một lan rộng trên mạng nhờ phương thức truyền thông lặp đi lặp lại trên một loạt các trang thù địch như Tạp chí Tổ Quốc, Dân Luận, Ba Sàm, Bauxite, fanpage của Việt Tân..., các công cụ truyền thông như SBTN, BBC Việt ngữ, RFA, VOA, RFI. Chủ nhân của những trang ấy thì đã bị vạch mặt từ lâu. Nhưng nguy hiểm hơn cả vẫn là Việt Tân, tổ chức khủng bố trong "Terror in Little Saigon". Mục đích sau cùng của họ là tô vẽ chính phủ Việt Nam giống như tay sai của Trung Quốc, "độc tài, tàn ác". Khi đã phân tâm được người dân Việt, chúng sẽ thông qua các tổ chức "xã hội dân sự" trong nước biểu tình, gây bất ổn để tạo dựng "cách mạng màu" ở Việt Nam.

Không ít dân Việt vốn thích buôn chuyện và hóng hớt, đặc biệt là những câu chuyện có tính chất "thâm cung bí sử" và không có thói quen kiểm chứng thông tin. Nắm bắt được tâm lý này của người dân, một số trang truyền thông lề trái đã vẽ ra những câu chuyện có màu sắc "thâm cung bí sử" và đóng dấu chứng nhận "tin nội bộ" bằng nhiều cách để lan truyền.

Hãy cảnh giác với tin đồn và để chống lại nó thì không nên thu nhận thông tin từ những nguồn không đáng tin cậy, thù địch, phải có ý thức kiểm chứng thông tin từ các nguồn tin cậy. Cùng với đó, thiết nghĩ các chính khách, truyền thông nhà nước cần phải nhanh nhạy minh bạch thông tin đừng chậm chạp và úp mở khiến tin đồn có cơ hội phát tán.

No comments:

Post a Comment