2015/11/04

Ồn ào về khủng hoảng nợ công

Mõ Làng

http://molang0205.blogspot.com/2015/11/on-ao-ve-khung-hoang-no-cong.html

Diễn đàn Quốc hội đang nóng và làm nóng cả dư luận xã hội chung quanh vấn đề nợ công. Cảnh báo về nguy cơ vỡ nợ là cần thiết, nhưng cũng không nên thái quá làm dân chúng lo lắng.

Nợ công là khoản nợ của nhà nước khi việc đầu tư và chi tiêu công vượt quá khả năng tài chính, ngân sách. Nợ công ở mức bình thường thì sau một thời gian nhất định, nhà nước sẽ thanh toán và giải quyết. Nhưng nếu nợ công quá lớn, hơn cả tổng sản phẩm quốc nội và nhà nước không thể chi trả, khi đó sẽ xảy ra khủng hoảng nợ công. 

Trong cơn khát vốn cho phát triển, chuyện vay mượn để đầu tư là bình thường của mỗi nước, bất luận đó là nước nghèo hay giàu. Hãy nhìn vào diễn biến ở một số nước thuộc Liên minh châu Âu hiện nay và cả nước Mỹ giàu có về khủng hoảng nợ công để thấy rõ hơn diện mạo của nó. 

Nguyên nhân bên ngoài dẫn đến nợ công châu Âu là kết quả của việc Mỹ thực hiện quyền bá chủ kinh tế tài chính, lôi kéo EU hội nhập sâu vào hệ thống vốn ảo toàn cầu do Mỹ chủ đạo. Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 bùng phát tại Mỹ làm sụp đổ hệ thống tài chính ảo ở Mỹ và kéo theo sự sụp đổ hàng loạt các ngân hàng châu Âu. 

Bên trong châu Âu, do Eurozone từ khi thành lập năm 1999, đã mở rộng quá lớn trong khi trình độ phát triển ở các nước thành viên không đồng đều. Sức cạnh tranh của các nền kinh tế như Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và Italia có xu hướng giảm, tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại, khi cuộc khủng hoảng tài chính thế giới nổ ra, các nước này bị suy sụp nhanh hơn và nợ đọng thêm chồng chất. 

Khủng hoảng nợ công ở châu Âu nói chung và đặc biệt ở các nước kể trên thực sự là một thảm họa. Tại Hy Lạp và Tây Ban Nha, hiện nay cứ bốn người lao động thì một người bị thất nghiệp. Tình trạng thất nghiệp nhiều nhất là lớp trẻ. Hiện tại, tỷ lệ thất nghiệp của giới trẻ ở Hy Lạp hơn 59%, Tây Ban Nha hơn 56%, Italia 38,4% và Bồ Đào Nha 38,3%. Thu nhập bình quân của các gia đình đã giảm 17% ở Hy Lạp trong ba năm qua và giảm 8% ở Tây Ban Nha. Tại Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha tình trạng thất nghiệp cũng gia tăng, đời sống người lao động sụt giảm nhanh chóng. Trong 17 nước châu Âu thuộc khu vực đồng euro, nạn thất nghiệp đã lên tới 11,8% và sô" người lao động không có việc làm lên tới gần 19 triệu người; tỷ lệ thất nghiệp chung của 27 nước thành viên EU là 10,7%, tức là 26 triệu người. Những con số thống kê và khảo sát thực tại khiến người ta dễ dàng hình dung được nỗi đau khổ và thất vọng to lớn của hàng chục triệu gia đình trên khắp châu lục, mức nghèo khổ hiện nay ở châu Âu là chưa từng thấy kể từ cuộc đại khủng hoảng kinh tế năm 1929-1933. Trong cơn khủng hoảng đó, châu Âu lại đang phải gồng mình đối phó với cơn lũ di cư của người dân Trung Đông, bắc Phi, khó khăn thêm chồng chất khi những khoản chi ngoài dự kiến cứ đến.

Ngay tại nước Mỹ giàu có, nợ công cùng mối lo vỡ nợ vần hiện hữu. Trong khi cuộc khủng hoảng ngân sách liên bang đang làm đảo lộn, thậm chí ngừng trệ mọi hoạt động của chính phủ, thì nước Mỹ phải đối mặt với một nguy cơ khác còn lớn hơn, đó là vấn đề trần nợ công và có thể dẫn tới vỡ nợ. 

Trần nợ công là giới hạn tổng số tiền mà Chính phủ Mỹ được phép vay nợ do cơ quan lập pháp là Quốc hội Mỹ đặt ra. Giới hạn đó áp dụng cho các khoản nợ những người mua trái phiếu của Mỹ cộng thêm các khoản nợ các quỹ ủy thác của Chính phủ liên bang như Quỹ An ninh xã hội và y tế. Ngày 17-10- 2013 là thời điểm cuối cùng cho việc quyết định vấn đề này, và nếu các nhà lập pháp không đạt được nhất trí, thì Chính phủ Mỹ không còn khả năng thanh toán các khoản nợ phải trả. Điều đó kéo theo việc Mỹ không thể thu hút các khoản vay mới và như vậy buộc phải chấp nhận và công bố "vỡ nợ".

Nếu như Mỹ vỡ nợ về mặt kỹ thuật xảy ra, tác động đối với nước Mỹ và thế giới sẽ là thảm họa. Trưóc hết, quy mô tác động của thảm họa này sẽ lớn và khốc liệt chưa từng thấy bởi chưa bao giờ tổng những khoản nợ và nợ đến hạn phải trả của Mỹ lại lớn như hiện nay. Cũng chưa bao giờ việc cần thu hút các khoản vay mới lại nhiều như hiện nay. Không tránh được viễn cảnh vỡ nợ, thì không riêng gì nhiều công dân Mỹ mua trái phiếu chính phủ mà rất nhiều người và quốc gia khác cũng liên đới. Từ đó sẽ dẫn tới khủng hoảng niềm tin đối với Mỹ và trực tiếp làm suy giảm uy thế của đồng USD. Nhiều nhà đầu tư lớn sẽ tìm sự an toàn bằng cách thay công cụ thanh toán của mình bằng đồng tiền khác. Kéo theo đó nhu cầu đối với đồng franc Thụy Sĩ, bảng Anh và euro sẽ tăng lên. Sự thay đổi đó tất yếu gây ra những biến động lớn tới thị trường tiền tệ thế giới và kéo theo hệ lụy về kinh tế - xã hội rộng lớn tại Mỹ cũng như trên bình diện quốc tế.

Các nền kinh tế trên thế giới đều quan tâm đến sự kiện trên, nhưng lo ngại nhất vẫn là hai nền kinh tế hàng đầu châu Á là Trung Quốc và Nhật Bản. Theo số liệu chính thức, Trung Quốc hiện sở hữu 1.277 tỷ USD trái phiếu chính phủ Mỹ và Nhật Bản sở hữu ít hơn một chút là 1.135 tỷ USD. Cả Trung Quốc và Nhật Bản đều phụ thuộc rất nhiều không chỉ ở khoản mua trái phiếu mà còn vì đây là hai nền kinh tế xuất khẩu bậc nhất vào thị trường Mỹ. Bất kể tác động nào về việc thanh quyết toán cũng như giá cả của đồng USD đều có thể gây phương hại tới sức cạnh tranh mậu dịch của hai nước.

Tiếp theo Trung Quốc và Nhật Bản, các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu và Nga cũng hết sức lo ngại. Kinh tế các nước Tây Âu có quan hệ chằng chịt với kinh tế Mỹ về tài chính - ngân hàng, đầu tư và thương mại. Mỹ vỡ nợ, Nga cũng chịu tác động nghiêm trọng và điều đó xảy ra làm cho giá dầu và tỉ giá đồng rúp giảm, hàng loạt hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp bị đình trệ và người lao động cũng bị ảnh hưởng.

Thực tế cho thấy kinh tế thị trường vẫn do con người định đoạt chứ không phải do “bàn tay vô hình” nào khác. Suy thoái hay khủng hoảng kinh tế, khủng hoảng nợ công đều do con người gây ra, bởi con người là tác nhân chủ đạo của thị trường và xã hội. Một chế độ xã hội chỉ thịnh vượng khi nền kinh tế được phát triển hài hòa và điều tiết thận trọng bởi một nhà nước thực sự của nhân dân, vì nhân dân. 

No comments:

Post a Comment