2015/10/22

XÉT XỬ ĐẠI ÁN LÀM THẤT THOÁT GẦN 1000 TỈ ĐỒNG Ở ARGRIBANK

Dù biết hợp đồng vay vốn của doanh nghiệp không đủ điều kiện, nhưng nguyên giám đốc Agribank Chi nhánh 6 đã chỉ đạo cấp dưới giải ngân, gây thất thoát gần một nghìn tỷ đồng của Nhà nước.


Sáng nay (22/10), TAND TP.HCM đưa đại án tham nhũng xảy ra tại Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển Nông thôn – Chi nhánh 6 (viết tắt là Agribank Chi nhánh 6) ra xét xử.

Đây là một trong 8 đại án được Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng chỉ đạo đưa ra xét xử trước Đại hội lần thứ XII của Đảng.

11 bị cáo bị đưa ra trước vành móng ngựa và bị truy tố về các tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Cố ý làm trái”, “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”.

Cụ thể, các bị cáo Dương Thanh Cường (SN 1966, nguyên Tổng Giám đốc công ty cổ phần Tập đoàn Bình Phát), Thái Cường (SN 1969, nguyên Giám đốc Công ty TNHH đầu tư xây dựng Tấn Phát), cùng hai đồng phạm là Lê Sơn Hùng, Phạm Hoàng Thọ (đều là nguyên phó giám đốc Công ty TNHH sản xuất xây dựng thương mại Thanh Phát) bị cáo buộc tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.

Liên quan đến vụ án, các bị cáo Lê Thành Công (SN 1954, nguyên Tổng giám đốc Công ty dệt kim Đông Phương), Đỗ Trọng Nhân (SN 1964, nguyên Giám đốc Công ty TNHH Siêu mẫu Việt) bị truy tố tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Dương Thanh Cường từng bị tuyên tù chung thân trong một vụ lừa đảo 15 tỷ đồng của Agribank - chi nhánh Bình Chánh.

Đối với nhóm cán bộ lãnh đạo, nhân viên Agribank Chi nhánh 6, bị can Hồ Đăng Trung (SN 1953, nguyên Giám đốc Agribank Chi nhánh 6) bị truy tố về tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”.

Bị cáo Hồ Văn Long (nguyên trưởng phòng tín dụng Agribank Chi nhánh 6) cùng 3 nhân viên là Trương Quốc Bảo, Trương Nhật Quang và Nguyễn Hoàng Quốc Thụy bị truy tố về các tội“Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”.

Theo cáo trạng, người cầm đầu vụ án là bị cáo Dương Thanh Cường dù không có khả năng về tài chính, nhưng đã thành lập nhiều công ty, thuê nhiều người làm giám đốc, lập nhiều hồ sơ vay vốn ngân hàng để đầu tư bất động sản.

Năm 2006, Bộ Tài chính chấp thuận cho Công ty Dệt Kim Đông Phương chuyển mục đích sử dụng hơn 17.000 m2 đất tại số 10, đường Âu Cơ (quận Tân Phú, TP.HCM) để làm dự án xây dựng Trung tâm thương mại, dịch vụ và chung cư cao tầng.

Dương Thanh Cường đứng ra nhận huy động vốn để đầu tư xây dựng và khai thác dự án cùng với công ty Đông Phương.

Để có tiền đầu tư xây dựng, Thanh Cường chỉ đạo cho cấp dưới là Thái Cường lập hồ sơ vay 170 tỷ đồng của Agribank Chi nhánh 6, tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất tại số 10 đường Âu Cơ của Công ty Đông Phương cùng với một bất động sản khác tại quận 8 do công ty của Thanh Cường đứng tên.

Khi nhận được hồ sơ vay vốn, Hồ Đăng Trung chỉ đạo cấp dưới lập báo cáo thẩm định. Thuộc cấp của Trung dù biết dự án Trung tâm thương mại số 10 Âu Cơ chưa được phê duyệt, tài sản đảm bảo là giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với bất động sản này chỉ là chứng nhận tạm thời không được thế chấp, cầm cố,… nhưng vẫn thẩm định “dự án có hiệu quả khả thi”.

Sau khi có báo cáo thẩm định, bị cáo Trung đã ký duyệt, tự ý lấy quyết định nâng quyền phán quyết cho vay của dự án khác để hợp thức hóa hồ sơ vay vốn, giải ngân 170 tỷ đồng cho công ty của Thanh Cường.

Đến tháng 10/2007, Thanh Cường thực hiện dự án Khu biệt thự nhà vườn tại xã Phong Phú, huyện Bình Chánh nên chỉ đạo Lê Văn Tuấn (Giám đốc công ty Thanh Phát do Cường thuê) lập hồ sơ vay 628 tỷ đồng của Agribank Chi nhánh 6. Tài sản thế chấp để vay vốn là 3 bất động sản tại quận 12, quận Bình Tân và quận 8 cùng 23 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại xã Phong Phú, huyện Bình Chánh.

Trong phi vụ này, bị cáo Trung dù biết dự án Khu biệt thự nhà vườn mà Thanh Cường sắp triển khai chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt. 23 bất động sản mà Cường đem thế chấp chưa được chuyển nhượng cho Công ty Thanh Phát nhưng Trung vẫn phê duyệt cho vay.

Khi Agribank Chi nhánh 6 đang giải ngân cho công ty Thanh Phát vay, Thanh Cường chỉ đạo cho thuộc cấp là Lê Sơn Hùng, Phạm Hoàng Thọ mượn 23 tài sản thế chấp nói trên từ ngân hàng để hoàn tất thủ tục chuyển nhượng.

Tuy nhiên, sau đó Cường không đem trả lại các giấy tờ này cho Agribank Chi nhánh 6 mà tiếp tục đem đến thế chấp cho Ngân hàng Phương Nam để vay tiền.

Đến hạn trả nợ cho Ngân hàng Phương Nam, Cường và đồng phạm không có khả năng chi trả nên gán luôn các quyền sử dụng đất trên cho ngân hàng này dẫn đến Agribank Chi nhánh 6 bị thiệt hại.

Đến thời điểm bị khởi tố vụ án (9/2012), hành vi của các bị cáo đã gây thiệt hại cho Agribank Chi nhánh 6 hơn 966 tỷ đồng.

Liên quan đến kẻ cầm đầu vụ án Dương Thanh Cường, hồi tháng 6 vừa qua, Cường bị xử phạt tù chung thân về hành vi lừa đảo chiếm đoạt 15 tỷ đồng của Agribank Chi nhánh Bình Chánh.

Dự kiến phiên tòa kéo dài trong 1 tuần. Viện KSND TP.HCM thừa ủy quyền của Viện KSND tối cao giữ quyền công tố tại phiên tòa.

Công Thư

No comments:

Post a Comment