Về việc nhiều cán bộ trẻ làm lãnh đạo tại các tỉnh, thành, ông Dương Trung Quốc cho rằng: Đừng vì lý lịch mà đánh giá người ta!
Nói về việc nhiều cán bộ trẻ làm lãnh đạp, ĐB Dương Trung Quốc cho rằng quan trọng là giám sát và hậu đề bạt
Trao đổi với báo chí về việc thời gian qua có nhiều cán bộ trẻ làm lãnh đạo tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước, bên hàng lang Quốc hội tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII, ĐB Dương Trung Quốc (Đồng Nai) cho rằng, bản chất sự việc không thể đánh giá từ một chiều, mà phải có sự xem xét một cách tổng thể.
Xu hướng cán bộ trẻ là tích cực
Vừa qua, nhiều cán bộ trẻ được bầu vào BCH Đảng bộ các tỉnh, thành phố và giữ chức danh lãnh đạo. Nhiều trường hợp là con của những cán bộ đang giữ các chức vụ trong bộ máy nhà nước khiến dư luận băn khoăn. Ông có ý kiến gì về vấn đề này?
Hiện tượng nhiều cán bộ trẻ được đề bạt vào những chức vụ quan trọng, trước hết phải xem lại quan niệm thế nào là trẻ. Trẻ về tuổi tác, hay trẻ về quá trình tham gia. Khi đã bàn về trẻ thì không nên tuyệt đối hóa nó mà phải thấy nhiều thế hệ kế cận nhau. Tôi thấy xu hướng trẻ hiện nay là tích cực.
Trước đây, Tổng Bí thư đầu tiên – Tổng bí thư Trần Phú của chúng ta chỉ có 27 tuổi, ông Võ Nguyên Giáp trở thành Bộ trưởng Bộ nội vụ vào năm 1945 mới 34 tuổi. Tôi cho rằng, hiện tượng một số cán bộ trẻ lại gắn với con của các vị lãnh đạo cao cấp nếu trong một xã hội lành mạnh thì đó là điều bình thường, thậm chí là điều tốt.
Như ở Mỹ có Tổng thống Bush, sau đó con ông Bush cũng trúng cử làm Tổng thống Mỹ, hay ở Singapore có ông Lý Quang Diệu là Thủ tướng, sau đó đến con trai ông này là Lý Hiển Long cũng được bầu làm Thủ tướng.
Còn ở nước ta, có lẽ chúng ta rơi vào tâm lý mất lòng tin, hệ thống giá trị không chuẩn nên bất kỳ hiện tượng nào, sự kiện nào, người ta cũng đặt câu hỏi đằng sau đó có gì không, khuất tất không, có lợi ích nhóm không, có cái gì là “cha truyền con nối” không. Chính vì thế phải minh bạch.
Chủ nghĩa lý lịch
Trong thời gian vừa rồi, liên quan đến công tác nhân sự thấy có 2 hiện tượng đối lập nhau. Có người trình độ giỏi, nhưng lý lịch không chính thống cho nên bị loại ra và những người con của những người rất chính thống lại được đề bạt. Theo quan điểm của tôi phải bỏ qua tư tưởng vin vào chủ nghĩa lý lịch, đừng vì lý lịch mà đánh giá người ta, mà phải tập trung vào bản thân người cán bộ đó xem có đúng chuẩn không. Đương nhiên chuẩn ở đây là phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác nữa, đó là quy định của nhà nước, pháp luật, phương thức minh bạch hóa, tranh thủ ý kiến dân chủ.
Quan trọng là có đề bạt thì phải có "hạ bệ" nếu như anh không hoàn thành nhiệm vụ.
Dư luận băn khoăn là số cán bộ trẻ được bầu làm lãnh đạo một số tỉnh, thành lại đều rơi vào đúng con em “con nhà nòi”. Ông có bình luận gì về việc này?
Rõ ràng phải giám sát để bảo đảm khách quan để xem việc đề bạt đó có đúng hay không. Nhưng có lẽ chúng ta không nên e ngại mà hãy để thực tế trả lời, miễn sao làm nghiêm túc. Như anh giao một nhiệm vụ không tương xứng với năng lực thì thực tế sẽ trả lời. Tôi cho rằng, quan trọng là phải giám sát tốt hậu đề bạt.
Nếu so sánh với vị trí “bấp bênh” của 600 Phó Chủ tịch xã đang làm việc tại 64 huyện nghèo của cả nước, sau khi Đề án kết thúc, dư luận càng cho rằng chỉ “con ông cháu cha” mới được bổ nhiệm khi tuổi còn trẻ?
Tôi nghĩ rằng, thực tiễn diễn ra đòi hỏi phải xem xét lại cách làm của chúng ta. Đương nhiên phải chấp nhận những thử nghiệm, nhưng đừng để lại những hậu quả nặng. Cũng như câu chuyện của Đà Nẵng là một thành phố rất năng động trong việc đào tạo cán bộ nhưng sự thực diễn ra không như anh muốn. Sự thực đó không phải hoàn toàn tiêu cực.
Việc người ta muốn có điều kiện làm việc tốt hơn là chuyện hết sức bình thường, chính đáng, nhưng rõ ràng lại chênh với chủ trương. Việc đòi thu hồi lại đầu tư cũng chính đáng. Cả hai vấn đề đó đều chính đáng, vậy rõ ràng là do chính sách chưa lường hết được các yêu tố đó.
Chúng ta đã có tiêu chí rất cụ thể khi lựa chọn cán bộ, nhưng việc áp dụng khiến dưluận băn khoăn, thưa ông?
Tất nhiên từ chữ nghĩa văn bản đến vận dụng là một khoảng cách rất lớn và khoảng cách đấy là có hai cách là công khai minh bạch cho mọi người biết; thứ hai là thực nghiệm, kiểm nghiệm. Thực nghiệm, kiểm nghiệm không chỉ là liên quan đến nhân sự ấy mà còn liên quan đến cả bộ máy, cơ cấu và những người chịu trách nhiệm, không để xong rồi hòa cả làng và ai đã lên cứ lên, không đánh giá chất lượng của việc đề bạt.
Tức là phải công khai minh bạch để người dân giám sát khi giới thiệu đề bạt cán bộ?
Công khai là cần thiết, nhưng không phải cái gì cũng công khai. Công khai với những người có trách nhiệm với vấn đề này, và có những việc thì công khai để toàn dân biết. Nếu vấn đề gì cũng công khai như đẽo cày giữa chợ thì lại khó. Công khai, minh bạch cũng có phương thức của nó và là một công nghệ để vận dụng.
No comments:
Post a Comment