2021/09/05

VỀ VIỆC CẤP GIẤY ĐI ĐƯỜNG TẠI HÀ NỘI

 Đắc Chí

Việc giao Công an Thành phố hướng dẫn xét duyệt việc cấp giấy đi lại được đưa ra trong Chỉ thị của UBND TP Hà Nội ngày 3/9 vừa qua đang nhận được nhiều ý kiến từ dư luận. Bên cạnh những ý kiến ủng hộ việc triệt để giãn cách, siết chặt kiểm soát đi lại thì vẫn có những ý kiến bày tỏ lo ngại việc thay đổi quy định về cấp giấy đi đường có thể gây phiền toái cho người dân hay phiền hà cho chính lực lượng chức năng với lý do được cho là “thủ tục mới phải trải qua nhiều bước, rối rắm”… Thậm chí, nhiều đối tượng giả danh dân chủ và một số đài báo nước ngoài thiếu thiện chí với Việt Nam đã đăng tải nhiều bài viết với nội dung chưa được kiểm chứng, gây hiểu lầm, hiểu sai vấn đề, ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Xung quanh vấn đề này cần thấy rằng: Trong bối cảnh đợt dịch lần thứ 4 vẫn đang diễn biến theo chiều hướng phức tạp, nhiều thách thức với đa ổ dịch, đa nguồn lây và đa biến chủng, đặc biệt là biến thể Delta; trong khi đó, nguồn cung và việc triển khai tiêm vaccine nhằm đạt miễn dịch cộng đồng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu thì việc phong tỏa nguồn bệnh, ngăn chặn lây lan vẫn được xem là giải pháp quan trọng và cấp thiết nhất tại thời điểm này. Tại Hà Nội, sau gần 3 đợt giãn thực hiện giãn cách xã hội đã giúp thành phố giữ vững thành quả chống dịch, hạn chế được rất nhiều nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng, giúp tình hình dịch bệnh dần được kiểm soát.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được việc thực hiện giãn cách xã hội vẫn còn những tồn tại, hạn chế trong đó có việc nhiều người dân ở Hà Nội ra đường không có lý do chính đáng làm ảnh hưởng đến hiệu quả việc thực hiện giãn cách. Trong khí đó, việc cấp giấy đi đường do Ủy ban các xã, phường, thị trấn hoặc công ty, đơn vị sử dụng lao động thực hiện thời gian qua cũng đã nảy sinh nhiều bất cập, thậm chí tiêu cực, đặc biệt là vấn đề cấp giấy đi đường tràn lan, không đúng đối tượng… Từ 6/9 tới đây, Hà Nội sẽ thực hiện thiết lập 3 vùng theo mức độ nguy cơ dịch Covid-19, theo đó tiếp tục giãn cách ở "vùng đỏ" và điều chỉnh các biện pháp cao hơn nguyên tắc Chỉ thị 15 với vùng “cam, xanh”. Và để công tác phòng, chống dịch đi vào thực chất, hiệu quả thì một trong những giải pháp đó là siết chặt lại quy định cấp giấy đi đường, giao lực lượng Công an thành phố chủ trì thực hiện được xem là cần thiết trong lúc này. Lực lượng Công an thành phố, trực tiếp là các cán bộ cảnh sát khu vực là những người quản lý địa bàn nên sẽ nắm rõ được tình hình dân cư cũng như hoạt động của các cơ quan, doanh nghiệp thiết yếu trên địa bàn được phép hoạt động trong thời gian thực hiện giãn cách để từ đó xem xét, duyệt cấp giấy đi đường đảm bảo đúng quy định, đúng đối tượng.

Để tạo thuận lợi cho cho các tổ chức, doanh nghiệp, đơn vị, cơ quan, cá nhân có nhu cầu xin cấp giấy đi đường, đồng thời để hạn chế tối đa việc tiếp xúc trực tiếp, tránh nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh, ngày 5/9, Công an thành phố Hà Nội đã ra thông báo về đối tượng, trình tự thủ tục duyệt cấp giấy đi đường có nhận dạng, thẻ đi mua hàng thiết yếu phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong vùng 1; trong đó, việc tiếp nhận hồ sơ, giải quyết thủ tục cấp giấy đi đường sẽ được thực hiện thông qua thư điện tử (email) theo quy trình 4 bước rất cụ thể và minh bạch.  

Đến nay, Hà Nội đã chuẩn bị trải qua đợt giãn cách thứ 3, việc ở trong nhà một thời gian dài hẳn là điều không dễ chịu đối với mỗi người. Ai cũng thèm ra đường và hơn cả là nhu cầu làm việc kiếm tiền để chăm lo cho cuộc sống của gia đình, người thân. Những nhu cầu trên đều là chính đáng trong hoàn cảnh bình thường, nhưng không phải trong lúc này, khi việc phong tỏa nguồn bệnh, ngăn chặn lây lan được coi là quan trọng và cấp thiết nhất. Và để việc giãn cách xã hội được thực sự hiệu quả trong thời gian tới đây, vấn đề cốt lõi lúc này là phải hạn chế thấp nhất việc người dân ra ngoài đường không có lý do chính đáng, vì vậy việc siết chặt lại quy định cấp giấy đi đường rõ ràng là cần thiết, mang tính cấp bách. Mặc dù, cũng giống như các biện pháp phòng, chống dịch khác, do đây là những hoạt động chưa có tiền lệ, đồng thời chịu tác động của nhiều yếu tố bao gồm cả khách quan và chủ quan, theo đó việc triển khai thực hiện cấp giấy đi đường trong thời gian tới đây có thể sẽ không tránh khỏi những hạn chế, bất cập. Tuy nhiên, sai thì sửa, vấn đề nào bất cập thì điều chỉnh, tháo gỡ tất cả vì mục tiêu sớm kiểm soát và tiến tới khống chế dịch, bảo vệ an toàn sức khỏe, tính mạng của người dân, sự phát triển của thành phố.

Thiết nghĩ, trong khi tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, công cuộc chống dịch không chỉ cần sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, của tất cả các cấp, các ngành, mà còn rất cần sự chung sức, đồng lòng, sự cảm thông, chia sẻ, góp ý của mỗi người dân trong việc khắc phục những khó khăn và bất cập trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Đây là sức mạnh to lớn, là cơ sở vững chắc để Hà Nội sớm chiến thắng dịch bệnh Covid-19./

No comments:

Post a Comment