2021/08/19

VẠCH TRẦN THỦ ĐOẠN BÓP MÉO SỰ THẬT CÔNG TÁC HỖ TRỢ CHỐNG DỊCH COVID-19

 Đắc Chí

Hiện nay nước ta đang hứng chịu đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 4, đặc biệt, với sự xuất hiện của biến chủng virus mới Delta vô cùng nguy hiểm với tốc độ lây lan nhanh chưa từng có, khiến cho dịch bùng phát ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Trong đó, tại Tp. Hồ Chí Minh và các địa phương phía Nam dịch bệnh đang diễn biến hết sức phức tạp.

Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chỉ đạo về tăng cường công tác phòng, chống dịch, chăm lo đời sống, đảm bảo sức khỏe cho nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên bên cạnh sự nỗ lực đó thì các tổ chức, cá nhân chống phá cùng các cơ quan truyền thống nước ngoài thiếu thiện chí lại lợi dụng diễn biến phức tạp của dịch bệnh “té nước theo mưa”, tung tin giả, bịa đặt, xuyên tạc về tình hình dịch bệnh và công tác chống dịch của nước ta, trong đó có công tác hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả do dịch gây ra nhằm mưu đồ phủ nhận những nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị đang từng phút, từng giờ quyết liệt phòng, chống dịch, bảo đảm cuộc sống và sự an toàn của nhân dân.

Vừa qua, RFA đã đăng tải 02 bài viết với tiêu đề “Ai ở đâu thì ớ đó” - dân sống làm sao” và “Trách nhiệm Nhà nước ở đâu khi kêu gọi “lấy sức dân chăm lo cho dân?” với những nội dung tuyên truyền xuyên tạc, sai sự thật. Nhà đài có “thâm niên” chống Việt Nam này đã vin vào những khó khăn, bất cập trong thực hiện việc hỗ trợ do dịch gây ra ở một số địa phương hay khu cách ly để quy kết rằng “chính quyền chậm trễ, yếu kém trong điều hành, xử lý dịch bệnh”; “Nhà nước thực hiện phong tỏa kéo dài làm đời sống của người dân kiệt quệ”; Nhà nước nói hỗ trợ, dân nói không nhận được”; hay như trắng trợt vu cáo rằng việc phát động phong trào “lấy sức dân chăm lo cho dân” trong việc phòng, chống dịch COVID-19 là “một hành vi vô liêm sỉ và bỉ ổi như thế mà được phát động ngay lúc này, nó vừa lưu manh và trái cả luân lý… Dân giờ trắng tay, doanh nghiệp đóng cửa và cả lúc này họ phải trả lãi ngân hàng trối chết, cầm hết sổ đỏ để trả nợ, người có dư một chút cũng để dành vì hoàn cảnh phong toả không có dấu hiệu dừng”…

Một bài viết có nội dung xuyên tạc sự thật trên RFA (Ảnh chụp màn hình)

Thực tế từ khi dịch bùng phát cho đến nay, hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương đã nhanh chóng, linh hoạt, kịp thời trong lãnh đạo, chỉ đạo; nghiêm túc, chặt chẽ, hiệu quả trong triển khai tổ chức thực hiện công tác phòng chống cũng như hỗ trợ khắc phục hậu quả do ảnh hưởng dịch COVID-19 gây ra.

Đặc biệt, trước những diễn biến hết sức phức tạp của đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 4, gây tổn hại lớn về sức khỏe và tính mạng của người dân, ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế - xã hội và mọi mặt của đời sống, bên cạnh những chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đã được ban hành, triển khai thực hiện trước đó, ngày 1/7/2021, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Khoản trợ cấp 26.000 tỷ được Chính phủ xác định nhằm hỗ trợ cho người lao động và sử dụng lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, góp phần phục hồi sản xuất, kinh doanh, giảm thiểu những tác động tiêu cực của đại dịch, ổn định sản xuất kinh doanh, đảm bảo đời sống và an toàn cho người lao động.

Theo thống kê của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, tiến độ giải ngân gói 26.000 tỷ đang cao gấp ba lần so với gói 62.000 tỷ năm ngoái, cùng thời điểm tháng đầu tiên sau khi ban hành.

Điển hình như tại Hà Nội, thực hiện gói 26.000 tỷ đồng, địa phương này đã duyệt chi kinh phí hỗ trợ hơn 152 tỷ đồng, chi trả trên 143 tỷ đồng, thống kê đến ngày 12/8. Nhóm chính sách về bảo hiểm xã hội đã hỗ trợ cho hơn 1,47 triệu lao động với số tiền trên 121 tỷ đồng. Đáng chú ý, ngoài gói chung, Hà Nội dành 345 tỷ đồng hỗ trợ cho 324.000 người thuộc 10 nhóm đặc thù. Cụ thể hộ nghèo, cận nghèo, người thuộc diện bảo trợ xã hội, người có công với cách mạng, lao động làm việc tại cơ sở giáo dục dân lập... Các nhóm này thường có sẵn danh sách, dễ thống kê. Mức hỗ trợ tùy từng nhóm, từ một đến ba triệu đồng. Thành phố cũng tính phương án giảm 15% tiền nước trong bốn tháng cuối năm 2021 cho người dân. Ngoài ra, các quận huyện có trách nhiệm hỗ trợ nơi ở tạm thời cho lao động ngoại tỉnh không có nơi cư trú.

Trong khi đó, tại Tp. Hồ Chí Minh đang là “điểm nóng” về dịch bệnh, hai tháng qua địa phương này đã đưa ra hai gói hỗ trợ tổng cộng gần 1.800 tỷ đồng, ngoài thực hiện gói chung của Chính phủ. Gói thứ nhất 886 tỷ đồng triển khai từ cuối tháng 6 đã giải ngân gần xong. Gói thứ hai hơn 900 tỷ đồng được thông qua đầu tháng 8. Ngoài những gói hỗ trợ này, Thành phố đã kiến nghị trung ương hỗ trợ gần 28.000 tỷ và 142.000 tấn gạo để chi khẩn cấp cho 4,7 triệu người khó khăn do đại dịch. Nếu được thông qua, 1,5 triệu hộ lao động nghèo sẽ nhận được tiền ăn 50.000 đồng một ngày; 1,5 triệu đồng tiền phòng trọ và 15 kg gạo mỗi người.

Có thể nói, những chính sách hỗ trợ trên không chỉ bám sát thực tiễn, thể hiện tính nhân văn trong chính sách của Đảng, Nhà nước và hệ thống chính quyền các cấp, với phương châm “Không để ai bị bỏ lại phía sau” trong đại dịch, mà còn tạo động lực to lớn để mỗi người dân vượt qua khó khăn, hướng đến một cuộc sống khỏe mạnh, an toàn. Mặc dù quá trình triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ còn tồn tại những hạn chế, khó khăn, vướng mắc nhưng cần nhìn nhận rằng đây là những hoạt động chưa có tiền lệ, đồng thời chịu tác động của nhiều yếu tố bao gồm cả khách quan và chủ quan nên những hạn chế, bất cập khi triển khai áp dụng vào thực tế là điều không thể tránh khỏi. Điều quan trọng khi được phát hiện các cơ quan chức năng đã, đang có những chỉ đạo xử lý, tháo gỡ kịp thời nhằm hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 một cách hiệu quả nhất. Và chính những việc làm cụ thể đó là minh chứng sinh động, vạch trần những thủ đoạn bóp méo sự thật công tác hỗ trợ chống dịch COVID-19./.

No comments:

Post a Comment