2021/08/25

Những người “ăn mày” sự sống và những kẻ đánh cắp lương tâm


1. Từ thảm họa Vũ Hán, nhân loại phải hứng chịu những đợt sóng đại hồng thủy dịch bệnh. Khủng hoảng y tế, khủng hoảng an sinh xã hội, khủng hoảng kinh tế giống như liên minh ma quỷ đe dọa sự tồn vong của mọi quốc gia.

Trong cơn bĩ cực thế gian, mỗi quốc gia, từng thể chế chính trị đều tìm phương sách ứng phó, chống chọi, cứu vớt sự sống cho người dân. Bất luận là mô hình chế độ xã hội nào, cũng cần sự chia sẻ cùng nhau, vì cuộc chiến này mang tính toàn cầu, vi rút gây bệnh không có quan điểm chính trị.

Đảng, Nhà nước Việt Nam thấu hiểu điều đó, nên đã sớm hành động phòng, chống dịch bệnh với tư duy chiến lược: dựa vào sức mình là chính, nhưng đồng thời phải tranh thủ sự chia sẻ, ủng hộ của bạn bè thế giới, và cùng nỗ lực đóng góp vào việc phòng, chống dịch toàn cầu. Tuy điều kiện tài chính và trang thiết bị y tế còn khiêm tốn, song Việt Nam là một trong những nước trở thành điểm sáng trong sáng tạo và đúc kết kinh nghiệm "5K" cho cộng đồng quốc tế tham khảo, học tập.

Việt Nam cũng đảm đương tốt vị trí, vai trò là Chủ tịch ASEAN và Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an liên hợp quốc, với sáng kiến kêu gọi cộng đồng quốc tế cùng sát cánh cùng nhau lập quĩ vắc xin, chia sẻ vắc xin và thiết bị y tế, cứu trợ nhân đạo. Sự viện trợ khẩu trang của Việt Nam tới một số quốc gia là nghĩa cử cao đẹp, khích lệ tinh thần chống dịch. Sự chi viện lương thực, thiết bị y tế và kể cả chuyên gia của Việt Nam đối với Lào, Cam pu chia, Cu Ba càng thắm đượm tình cảm quốc tế cao đẹp.

Việt Nam cũng là một trong những nước chủ động sớm triển khai nghiên cứu, thử nghiệm vắc xin. Trong khi vắc xin chưa đủ đáp ứng, biến thể chủng mới Covid-19 luôn gia tăng mức độ hủy diệt, đặt sự sống con người trên khắp hành tinh vào tình thế bị dồn vào chân tường, buộc từng quốc gia phải định liệu thủ thế vắc xin như một loại vũ khí chủ lực phòng, chống đại dịch Covid-19.

Việt Nam đang đứng trước nhiều thử thách của đợt bùng phát đại dịch lần thứ 4, muốn đẩy lùi đại dịch thì không có cách nào khác là phải phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của toàn dân tộc, kết hợp với sức mạnh của cộng đồng quốc tế. Chiến lược ngoại giao vắc xin của Việt Nam là một trong những phương sách đúng đắn và hiệu quả hiện nay. Việt Nam không ỷ lại hoặc trông chờ thế giới chống dịch giúp mình, mà trong cơn hoạn nạn, Việt Nam cần sự chia sẻ, động viên của bạn bè quốc tế. Nhiều nước đã thể hiện trách nhiệm, tình cảm thân thiện với Việt Nam, bất chấp toan tính chính trị. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ coi nguồn vắc xin ủng hộ Việt Nam không kèm theo điều kiện chính trị, đó là nghĩa cử của bạn bè. Trong mọi diễn đàn quốc tế, trong mọi cuộc tiếp xúc ngoại giao, lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn coi việc tìm kiếm vắc xin từ các nguồn nhanh nhất, nhiều nhất có thể để tiêm phòng trong nước. Đó là điều đáng trân trọng. Hy vọng sang tháng 9 tới, vắc xin trong nước sẽ là nguồn lực mới cho Việt Nam và tham gia chia sẻ cùng cộng đồng quốc tế.

2. Trong cơn hoạn nạn, các thế lực thâm thù chính trị lại tung hết chiêu trò công kích, nhằm hạ uy tín lãnh đạo Đảng, Nhà nước, bôi nhọ hệ thống chính trị của Việt Nam. Các thế lực phản động rêu rao rằng, Lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam “ăn mày” vắc xin về tiêm cho quan chức… Đúng là những kẻ ngậm máu phun người.

Dẫu biết rằng, cuộc phòng chống dịch đã và đang như ngàn cân treo sợi tóc, không phải chỉ với TP. Hồ Chí Minh, mà có thể lan ra nhiều địa phương khác nếu như không kiểm soát được. Trong cuộc chiến này, tư tưởng chính trị vẫn là một loại vắc xin vô hình, nó giúp cả hệ thống chính trị, toàn dân cùng chung sức đồng lòng, tạo nên thành lũy kiên trung, niềm tin, hi vọng, lòng tương thân tương ái giữa người trong một nước là phao cứu sinh dân tộc. Dù là nguồn vắc xin viện trợ từ bên ngoài hay cân gạo, gói mì tôm, rau, củ, quả… từ mọi miền quê gửi vào cứu trợ đồng bào TP. Hồ Chí Minh đều trĩu nặng nghĩa tình.

Trong cơn hoạn nạn, người Việt Nam càng tỏa sáng những giá trị lương tri và nhân phẩm. Sự hi sinh của những người nơi tuyến đầu chống dịch cũng như sự đồng cảm, sẻ chia của những người ở hậu phương tuy chưa đủ khỏa lấp nỗi đau của người bệnh, chưa đủ che chỗ cho những người đang chịu tác động trực tiếp bởi đại dịch; nhưng đó là nhựa sống cho tương lai.

Thấu hiểu tình cảnh của người dân TP. Hồ Chí Minh vào lúc này, thì nghĩa cử thánh thiện nhất là làm những điều có ích như: chấp hành qui định phòng, chống dịch, đừng để lây lan dịch bệnh tới mức mất kiểm soát; quyên góp, ủng hộ, chi viện sức người, sức của kịp thời nhất có thể; không dùng mạng xã hội kích động, vu cáo, xuyên tạc. Những kẻ nào đem cảnh đau buồn, khốn khó của đồng bào mình làm màu cho bức tranh đen, ảm đạm, u sầu hòng tấn công “chế độ Cộng sản Việt Nam” – đó là tội ác. Khi đã giở thủ đoạn đánh cắp lương tâm thì đừng nên mở miệng rao giảng đạo lý.
* TY.


No comments:

Post a Comment