2021/08/22

NGUỴ SỬ LẬT SỬ ĐANG HIỆN HỮU VÀ ĐANG MANH NHA BÉN RỄ VÀO XÃ HỘI. MỘT ĐÁM LỬA NHỎ CỦA HIỆN TẠI NẾU KHÔNG DẬP TẮT BẰNG CÁC BIỆN PHÁP KIÊN QUYẾT, TRIỆT ĐỂ, THÌ TƯƠNG LAI SẼ LÀ ĐÁM CHÁY LỚN THIÊU RỤI CẢ CƠ ĐỒ DÂN TỘC

 Xin chia sẻ bài viết của Thiếu tướng Hoàng Kiền, Anh hùng LLVTQĐND Việt Nam, tố cáo âm mưu viết lại Lịch sử bởi ý đồ xuyên tạc, bôi nhọ lịch sử oai hùng của Dân tộc.

——

Mấy năm nay đang diễn ra những phát ngôn, ý định, quan điểm, và cả mưu mô viết sử lật lại lịch sử! Đòi tôn vinh lính ngụy… Hai vấn đề rộ lên:

– Công nhận ”Việt Nam cộng hoà” là một chế độ đã tồn tại trong lịch sử, bỏ cụm từ “ngụy quân”, “ngụy quyền”.

– Vinh danh cho 74 binh sĩ ngụy quân chết trong trận Hải chiến Hoàng sa năm 1974.

Cả hai vấn đề trên gắn với nhau đều nhằm mục đích lật sử để viết lại lịch sử với mưu mô sai trái, rất nguy hiểm. Nó diễn ra liên tục và ngày càng ráo riết. Ban đầu từ việc nói Lê Văn Tám là không có thật, rồi Pháp chiếm Việt Nam không phải xâm lược mà chỉ mượn Việt Nam làm bàn đạp để tiến công Trung Quốc. Khi viết bộ sử 15 tập họ đưa vấn đề công nhận chế độ Việt Nam cộng hoà, bỏ cụm từ “ngụy quân”, “ngụy quyền“ vào, hiện nay họ chủ trương quyết đưa nội dung sai trái này vào bộ Quốc sử 30 tập đang viết.

Các vấn đề trên đều do các PGS, GS – TS ngành sử học đưa ra. Đặc biệt, trong dịp kỉ niêm ngày chiến thắng 30 tháng 4 năm 2019, GS.TS Vũ Minh Giang – Phó chủ tịch HKHLS, quyền TBT bộ Quốc sử đã trả lời phỏng vấn báo chí. Trong các bài báo ông ấy nêu lên mấy vấn đề : Một là ông ta nhắc lại hiện nay có sự việc đấu tranh giữa một bên bỏ cụm từ “ngụy”… với một bên không bỏ. Hai là ông ta cho rằng kỷ niệm ngày 30/4 các Cơ quan truyền thông không nên bàn đến chuyện thắng – thua mà hãy cùng chung tay đoàn kết xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, có nghĩa là đừng có tổ chức lễ mừng chiến thắng nữa; ông cho rằng ta hoà giải với Mỹ dễ hơn với người phía bên kia. Từ những vấn đề đó ông có ngụ ý rằng những người đã từng cầm súng chống Mỹ cứu nước thì việc bỏ thù hận là khó đối với họ… Ông ta nói cuộc chiến tranh vừa qua là giữa người Việt Nam với nhau, có sự hiện điện của bên thứ ba là người Mỹ, tức là Việt Nam dân chủ cộng hoà xâm lược Việt Nam cộng hoà, Mỹ tham gia ủng hộ Việt Nam Cộng Hoà; Có nghĩa là không có cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước mà chỉ có cuộc nội chiến.

Trước hết nói về bỏ cụm từ “ngụy quân”, “ngụy quyền” trong viết sử là trái với tư tưởng chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”. Vấn đề này đã có rất nhiều bài viết phân tích rồi.

Chính Ngô Đình Diệm đã phá hoại hiệp định Giơnevơ, bác bỏ tổng tuyển cử thống nhất đất nước. Lê máy chém đi khắp miền Nam giết hại hơn hai mươi vạn đồng bào chiến sĩ yêu nước, dìm nhân dân miền Nam trong biển máu. Diệm lập nên chế độ Việt Nam cộng hoà, mở đường cho Mỹ vào gây ra cuộc chiến tranh xâm lược tàn khốc nhất trong lịch sử nhân loại, hàng triệu người hi sinh, mấy triệu sinh mạng người Việt Nam cả hai bên đã ngã xuống, đó là tội lỗi của Diệm và chính quyền tay sai bán nước.

Bà Nguyễn Thị Bình – Bộ trưởng / Bộ ngoại giao của chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam đã công bố với thế giới rằng: Chúng tôi không đàm phán với Việt Nam cộng hoà, vì nó là chế độ tay sai bán nước.

Lời của Bác Hồ, lời của BT Nguyễn Thị Bình, tội ác của Ngô Đình Diệm và bè lũ tay sai, ai cũng thấy. Nếu coi Việt Nam cộng hoà là một chế độ tồn tại trong lịch sử thì phải nói nó là “một chế độ tay sai bán nước”. Đương nhiên chính quyền là “ngụy quyền” thì quân đội là “ngụy quân”.

Nguyễn Văn Thiệu không muốn ký hiệp định Paris. Khi buộc phải ký, hiệp định chưa ráo mực, Thiệu đã mở chiến dịch “tràn ngập lãnh thổ”, xua quân tiến công lấn chiếm vùng giải phóng của ta, phá bỏ hiệp định, phá bỏ việc thống nhất đất nước. Khi ta phản công, tiến công, nguy cơ thất bại, Nguyễn Văn Thiệu với cương vị tổng thống “Việt Nam cộng hoà” kêu gọi người Mỹ ném bom hủy diệt Việt Nam. Trong chiến tranh thế giới lần thứ hai, một viên tướng của Pháp cũng đào tẩu sang Đức, nhưng cũng không dám kêu gọi Đức ném bom hủy diệt nước Pháp, thế mà Thiệu dám làm, không gọi ông ta là tổng thống ngụy quyền Sài Gòn thì gọi là cái gì hỡi các vị giáo sư lật sử.

Một điều hết sức ấu trĩ phát ra từ miệng vị GS-TSKH này là: hai phía bên nào cũng nói mình là yêu nước là hợp pháp, là chính nghĩa .Không hiểu ông ta có biết gì về lịch sử hai cuộc kháng chiến đầy khó khăn gian khổ, vô cùng ác liệt, hy sinh vô cùng lớn lao không?

Chúng tôi cùng tuyệt đại những người yêu chế độ này đã phản bác các quan điểm sai trái của các ông Trần Đức Cường, Nguyễn Nhã, Nguyễn Mạnh Hà và nay là ông Vũ Minh Giang…

Chúng tôi khẳng định những quan điểm lập luận như: bỏ để cho khách quan; bỏ để mọi người dễ chấp nhận; bỏ để tránh miệt thị, tránh biểu cảm; bỏ để có cơ sở pháp lý đòi lại Hoàng Sa, Trường Sa; bỏ để hoà giải, hoà hợp dân tộc; bỏ vì VNCH là một quốc gia độc lập được Liên Hiệp quốc công nhận, họ song song tồn tại cùng VNDCCH; Tất cả những lập luận đó chúng tôi đã phân tích ở trên và phản bác, khẳng định nó là một cách ngụy biện để vực dậy cái thây ma đã thối rữa cách đây đã 46 năm.

Nhìn ra bên ngoài để ngẫm đến ta.


Năm 1987, “Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô
Gôcbachop” đã khởi xướng một trào lưu tư tưởng mang tên “suy ngẫm lại lịch sử”, họ mở một chiến dịch công kích Stalin, họ mô tả Ông như một tên tội phạm khét tiếng… Họ phủ nhận thắng lợi của chiến tranh Vệ quốc… Ngày ấy báo chí của ta cũng đăng tin lại y nguyên, làm cho nhân dân ta, cả cán bộ đảng viên từ chỗ rất tôn trọng Stalin, một lãnh tụ tài giỏi có công lao rất lớn trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của nhân dân Liên Xô cũng có cái nhìn khác đi, thậm trí có người còn khinh bỉ. Sau khi Liên Xô tan rã, tôi sang Nga 3 lần, đều đến thăm lăng Lê Nin, được nghe giới thiệu khá kỹ. Khi Xtalin mất, thi hài của ông được đưa vào lăng đặt cạnh thi hài Lê nin. Năm 1961 thời kì xét lại họ định đưa thi hài ông ra khỏi lăng mai táng ở vùng nông thôn xa xôi. Do sự đấu tranh của những người cộng sản, cuối cùng thi hài ông bị đưa ra khỏi lăng và đặt tại cạnh bức tường điện Kremli cùng với các nhà lãnh đạo Liên Xô khác. Tôi đã đến thăm viếng mộ Xtalin.

Tháng 3-1988, báo Nước Nga Xô-viết đăng bức thư của Nina Andreyeva, nữ giảng viên ở Học viện Khoa học kỹ thuật Leningrad lên án trào lưu suy ngẫm lại lịch sử, chỉ rõ nó thực chất là dòng nước ngược, bôi đen Liên Xô xã hội chủ nghĩa (XHCN).

Thế nhưng, thay vì ủng hộ ý kiến tâm huyết này, Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Liên Xô triệu tập hội nghị khẩn cấp để đáp trả “thế lực chống đối cải tổ”. Ngày 5-4-1988, Báo Sự Thật đăng bài phản kích Nina Andreyeva. Sau đó, các cơ quan báo chí đồng loạt phản kích. Toàn bộ lịch sử Liên Xô có cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại, một nước XHCH hùng cường bị miêu tả như một mớ đen ngòm. Sang năm 1989, trào lưu chuyển sang phê phán, phủ định Cách mạng Tháng Mười, Chủ nghĩa Mác Lênin và chính Lênin, họ bãi bỏ môn học Chủ nghĩa Mác-Lênin trong trường học. Cơn lốc xét lại lịch sử ngày càng lan rộng và bùng lên mạnh mẽ, lôi cuốn toàn bộ xã hội. Một số tờ báo và tạp chí cấp tiến, như: Họa báo, Tia lửa và Tin tức Moscow công khai phủ định quá khứ, phủ định lịch sử Đảng Cộng sản Liên Xô, phủ định thành quả của cách mạng Tháng Mười, phủ định CNXH.

Sau này vào năm 1994, nhà văn Boldarev đã nhìn lại: “Trong 6 năm, báo chí đã thực hiện được mục tiêu mà quân đội châu Âu có trang bị tinh nhuệ nhất cũng không thể thực hiện được khi xâm lược nước ta bằng lửa và kiếm vào những năm 40. Quân đội đó có thiết bị kỹ thuật hàng đầu nhưng thiếu một thứ. Đó là hàng triệu ấn phẩm mang vi trùng”. Những cuộc hội thảo rầm rộ nhằm xem xét lại vai trò của V.I.Lênin và Hồng quân trong chiến tranh vệ quốc, xuyên tạc, bóp méo lịch sử, bôi nhọ các gương anh hùng cách mạng. Khi hình tượng V.I.Lênin bị đánh sụp, tượng đài Lênin ở một số nơi bị kéo đổ, họ đòi đưa thi hài Lê nin ra khỏi lăng, thì Đảng cũng tự đào hố chôn mình và đó cũng là lúc Gỏbachev kẻ phản bội tuyên bố giải tán Đảng Cộng sản Liên Xô dẫn đến sự tan rã của Liên bang Cộng hòa XHCN Xô viết. Một sự kiện sau này được Tổng thống Nga Vladimir Putin thừa nhận đó là cơn địa chấn khủng khiếp, là thảm họa của thế kỷ 20.

Đau xót, cay đắng trước sự công phá khủng khiếp của trào lưu xét lại lịch sử, năm 1991 nhà thơ Tố Hữu đã viết bài thơ có đoạn:

“Cả đàn sói chồm lên, cắn vào lịch sử
Cào chiến công, xé cả xác anh hùng
Ôi! Nỗi đau này là nỗi đau chung
Lương tâm hỡi, lẽ nào ta tự sát?
Lũ phản bội, điên cuồng, hèn nhát
Và cả bay quân cướp nước, giết người
Chớ vội cười! Chân lý vẫn xanh tươi …”.

Ngẫm lại trào lưu xét lại lịch sử ở Liên Xô trước đây để thấy, ở Việt Nam chúng ta mấy năm nay manh nha xuất hiện trào lưu này và ngày càng táo tợn hơn của một nhóm các nhà sử học có vị thế . Nhiều kẻ mang danh là nhà khoa học, người có uy tín lên mạng công khai phủ nhận thành quả của cuộc Cách mạng tháng 8, hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Càng đau xót hơn khi nhiều người trong giới trẻ hiện nay nhìn nhận cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của chúng ta là cuộc chiến “nồi da nấu thịt”, gọi chiến thắng 30/4 là “tháng tư đen”; phủ nhận sự hi sinh của hàng triệu anh hùng liệt sỹ và đồng bào cả nước nhằm giành quyền độc lập, tự do cho dân tộc.

Chiến thắng 30 tháng 4 là kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước thần thánh của dân tộc ta, sau ba mươi năm kháng chiến chống ngoại xâm vô cùng oanh liệt. Người trước ngã người sau đứng lên, cả dân tộc đứng lên giành độc lập tự do, thống nhất đất nước. Nay họ đang phủ nhận và gieo nọc độc cho lớp lớp thế hệ trẻ trong tương lai. Ngẫm lại mới thấy hậu quả tai hại của thế hệ trẻ ghét lịch sử, yêu văn hóa lai căng lớn như thế nào!

Cuộc kháng chiến thần thánh vĩ đại nhất trong lịch sử dân tộc mới chỉ kết thúc có hơn 40 năm, vết tích của cuộc chiến vẫn còn đọng lại trên đôi mắt, trong tâm trí và trên cánh tay của hàng chục vạn thương binh trên khắp mọi miền tổ quốc này, mà họ đã dám phát ra những ý kiến như vậy. Thử hỏi vài năm nữa đây, khi những cựu chiến binh thế hệ chống Mỹ ra đi, liệu còn ai đứng ra bảo vệ lịch sử, chống lại đám xét lại đang hoành hành ngày càng lớn trên báo chí hiện nay!

Còn với cách nhìn của ông Giang là phó chủ tịch Hội KHLS, quyền TBT bộ quốc sử 30 tập đã phát biểu, hỏi xem các ông viết sử cho ai? Phục vụ chế độ nào, dân tộc nào?. Nếu viết cho dân tộc Việt Nam sao ông không bàn đến chuyện ta thắng Mỹ, không bàn đến chuyện Mỹ thua Việt Nam thì các ông viết cái gì?
Cũng cách lập luận như vậy, họ có dám nói từ nay truyền thông cũng không bàn đến chuyện thắng - thua khi nói đến Chiến thắng Điện Biên Phủ, đánh bại Thực dân Pháp, đến Đại thắng quân Xiêm ở Rạch Gầm, Xoài Mút; đến Đại thắng quân Thanh ở Đống Đa Ngọc Hồi, đến Đại thắng quân Nguyên, quân Minh, quân Tống... Nếu ông cùng Hội KHLS dám nói và khẳng định các ông nói đúng thì các ông sẽ còn gì để viết sử và viết sử như các ông có cần cho Dân Tộc này nữa không. Viết sử phải đúng lịch sử diễn ra, chứ không phải sáng tác ra sử theo ý muốn chủ quan của một nhóm người muốn lật sử.

Hãy xâu chuỗi những sự kiện gắn với các bài nói, bài viết, các bộ sử đã và đang viết của các nhà nghiên cứu lịch sử trong mấy năm gần đây cho thấy, xu hướng xét lại lịch sử là có thật, nó là một nguy cơ diễn biến hoà bình đang trở thành hiện thực.

Với cán bộ, đảng viên, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã chỉ rõ: “Hạ thấp, phủ nhận những thành quả cách mạng; thổi phồng khuyết điểm của Đảng, Nhà nước. Xuyên tạc lịch sử, bịa đặt, vu cáo các lãnh đạo tiền bối và lãnh đạo Đảng, Nhà nước” là 1 trong 9 biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ. Từ thực tế hiện nay cho thấy sự nguy hiểm của biểu hiện này được phát ra từ những nhà sử học.

Không được coi nhẹ mối hiểm họa này!

• Vấn đề tôn vinh cho 74 binh sĩ Việt Nam cộng hoà chết ở Hoàng Sa.

Trong những năm hoạt động, các con tàu không số vượt biển đi qua khu vực biển Hoàng Sa, nhiều tàu chiến của hải quân ngụy từ căn cứ Đà Nẵng, từ quần đảo Hoàng Sa đã ra ngăn chặn, bắn chìm một số tàu, giết hại nhiều cán bộ chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam. Trong đó con tàu mang số hiệu HQ10 của hải quân ngụy Sài Gòn đã bị bắn chìm tại Hoàng Sa ngày 17/1//1974 cùng với 74 binh sĩ tử trận, con tàu và những binh sĩ này đã gây ra rất nhiều tội ác với các chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam. Trong trận hải chiến Hoàng Sa, lực lượng hải quân của quân ngụy Sài Gòn mạnh hơn rất nhiều so với Trung Quốc. Do sự bạc nhược hèn nhát đã tự bắn vào nhau, bỏ chạy nên để mất hoàn toàn quần đảo Hoàng Sa.

Hiện nay có một số người, báo Thanh niên, kênh truyền hình VTC14 đang tuyên truyền đòi tôn vinh cho 74 binh sĩ ngụy này. Những binh sĩ ngụy này đã làm gì để được tôn vinh. Ngay chính người trong cuộc cũng không ca ngợi mà còn phê phán cơ mà.

Họ đòi tôn vinh 74 binh sĩ ngụy bạc nhược, hèn nhát với mục đích gì. Đây chính là một sự đồng điệu với mưu mô công nhận chế độ Việt Nam cộng hoà, bỏ cụm từ “ngụy quân“, “ngụy quyền”.

Ngụy sử đang lật sử nằm trong âm mưu lật đổ chế độ là một âm mưu nguy hiểm đang hiện hữu, nhưng chưa được quan tâm ngăn chặn kịp thời và đúng mức .
Hãy xem bài học Liên Xô trước đây.

Hà Nội ngày 5/5/2019
Nguồn: Facebooker Kien Hoang (Thiếu tướng Hoàng Kiền)

No comments:

Post a Comment