2021/08/12

KÊU GỌI PHÓNG THÍCH CÁC “TÙ NHÂN LƯƠNG TÂM” DO TÌNH HÌNH DỊCH COVID-19: ĐÒI HỎI PHI LÝ VÀ LỐ BỊCH

 Đắc Chí

Tin từ VOA cho biết: “Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 đang lây lan ở các trại giam, gia đình các tù lương tâm bày tỏ sự lo ngại về việc chăm sóc y tế trong chốn lao tù ở Việt Nam. Ngoài ra, các gia đình kêu gọi chính quyền phóng thích tất cả các tù nhân chính trị và tôn giáo vì họ vô tội”.

Theo đó, thân nhân một số phạm nhân phạm tội xâm phạm an ninh quốc gia đã lên tiếng bày tỏ sự lo ngại về tình hình dịch bệnh Covid-19 sẽ có những ảnh hưởng tới sức khỏe của những phạm nhân; đồng thời đưa ra lời kêu gọi chính quyền phóng thích tất các phạm nhân mà họ gọi là “tù nhân lương tâm”, “tù nhân chính trị, tôn giáo”, “nhà bất đồng chính kiến” với lý do cực kỳ vô lý rằng đây là những phạm nhân “vô tội” (?!). 

Nguyễn Thị Chương, vợ của Trần Đức Thạch, đối tượng đang thụ án 12 năm tù về tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” nói với VOA như sau: “Tôi rất lo ngại. Dịch bệnh ở ngoài tôi còn lo, còn ở trong tù chắc chắn là họ không lo được như ở ngoài. Hiện giờ ông Thạch có bốn thứ bệnh, toàn là bệnh nền. Tôi yêu cầu nhà cầm quyền trả ông Trần Đức Thạch về chứ tôi không yên tâm."

Trong khi đó, Lê Thị Thập, vợ của Lưu Văn Vịnh, đối tượng đang thụ án 15 năm tù về tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” cũng bày tỏ sự “lo ngại”: Hiện giờ ở đấy an tâm, nhưng chưa biết một lúc nào đó bùng phát dịch bệnh, mà bị lây nhiễm trong môi trường trại tù thì rất là nguy hiểm, còn nguy hiểm hơn ở bên ngoài nhiều.”

Chưa dừng lại, Nguyễn Thị Thanh, vợ của Trương Minh Đức, đối tượng đang thụ án 12 năm tù cùng về tội danh “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền như Lưu Văn Vịnh, Trần Đức Thạch còn phát đi lời kêu gọi trên FB rằng: “Yêu cầu nhà cầm quyền Việt Nam thả tất cả các tù nhân chính trị ra khỏi các trại giam và trở về với gia đình...vì chồng và con của chúng tôi vô tội, không đáng phải chết oan ức trong các trại giam.”

Bài viết trên VOA (Ảnh chụp màn hình)

Thực ra dưới góc độ cá nhân, việc Nguyễn Thị Chương, Lê Thị Thập hay Nguyễn Thị Thanh lo ngại cho sức khỏe của chồng mình trong trại giam, nhất là trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp, tiềm ẩn những nguy cơ xâm nhập dịch bệnh vào các cơ sở giam giữ, trại giam là điều hết sức bình thường, thậm chí có thể cảm thông và không có gì phải bàn luận. Nhưng điều đáng nói ở đây, họ đã lợi dụng sự “lo ngại” đó để đưa ra những đòi hỏi, yêu sách hết sức vô lý, không những vậy còn xuyên tạc trắng trợn về tình hình nhân quyền tại Việt Nam. 

Trong vấn đề này, cần thấy rõ: Việt Nam không có cái gọi là “tù nhân lương tâm”, “tù nhân chính trị, tôn giáo”. Tù nhân là cụm từ dành cho những người có hành vi vi phạm pháp luật, bị toà án tuyên là có tội và phải chịu hình phạt tù theo quyết định có hiệu lực của toà án. Việc một người bị phạt tù là hậu quả tất yếu khi người đó có hành vi phạm tội, xâm phạm các quan hệ xã hội được quy định trong Bộ luật Hình sự. Trần Đức Thạch, Lưu Văn Vịnh, Trương Minh Đức cũng vậy, đây là những đối tượng có hành vi chống phá nhà nước, bị toàn án tuyên phạm tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” theo quy định tại Điều 79 Bộ luật Hình sự năm 1999 và đang phải chịu hình phạt tù theo quyết định có hiệu lực của toà án. Do đó, việc tự phong, gắn mác cho các đối tượng là ‘“tù nhân lương tâm”, “tù nhân chính trị, tôn giáo” rồi đưa ra kêu gọi trả tự do là đòi hòi hết sức phi lý và lố bịch. 

Còn về vấn đề phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tại các cơ sở giam giữ, trại giam thực tế chỉ ra rằng đây là vấn đề đã được các cơ quan chức năng lưu tâm và có những giải pháp phù hợp. Qua báo chí phản ánh có thể thấy rõ nhiều giải pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 đã được các cơ sở giam giữ, trại giam áp dụng một cách hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tiễn như chủ động lên phương án cách ly khi có các F xảy ra trong trại giam; đảm bảo lương thực, thực phẩm, thuốc men để phục vụ chống dịch; hạn chế việc thăm nuôi và kiểm soát y tế thường xuyên với tù nhân; giữ khoảng cách cần thiết và hạn chế các hoạt động lao động, cải tạo tập trung; mở tài khoản để nhận tiền lưu ký do các gia đình phạm nhân gửi; đưa phạm nhân đi khám chữa bệnh tại bệnh viện; xây dựng phương án dựng lều lán, lều dã chiến để thực hiện cách ly, chữa bệnh khi có yêu cầu… Điều đó cho thấy sự quan tâm, thể hiện tính nhân văn trong công tác giam giữ và giáo dục phạm nhân trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn ra.

Với những gì được chỉ ra thì việc lợi dụng tình hình dịch bệnh Covid-19 để đưa yêu sách trả tự do cho các “tù nhân lương tâm” thực chất là một trò hề mà thôi./.

No comments:

Post a Comment