2021/08/24

GÓP PHẦN CỦNG CỐ NỀN VĂN HÓA DÂN TỘC NƯỚC NHÀ

Một quốc gia, một dân tộc muốn tồn tại thì phải đảm bảo xây dựng và bảo tồn nền văn hóa của dân tộc mình, của đất nước mình, để khi nhìn vào nếp văn hóa cụ thể nào đó, thế giới nhận biết được những người đang thể hiện nếp sống văn hóa ấy thuộc dân tộc nào, quốc gia nào. Hẳn, không phải không có lý do khi người ta cho rằng “muốn thay đổi một dân tộc thì chỉ cần thay đổi văn hóa của dân tộc đó”, bởi chỉ cần quan thay đổi được thói quen trong ẩm thực, thời trang, tập quán… của một dân tộc theo một xu hướng khác của dân tộc khác thì lẽ dĩ nhiên, lối sống mới sẽ biến đổi dân tộc ấy thành “truyền nhân” của dân tộc khác.

Có thể dễ dang nhận thấy, biểu hiện của giới trẻ – rường cột của nước nhà trong thời gian dài nhiều Đài Truyền hình chiếu phim của Hàn Quốc, từ cách ứng xử đến tiếng nói, ngôn ngữ, ăn mặc, bề ngoài… người ta thấy không khác gì một thanh niên Hàn Quốc, thậm chí, một số còn đi học tiếng Hàn để “giống người Hàn”. Ý thức về lòng tự hào và tự tôn dân tộc mất đi qua việc tiếp nhận văn hóa thiếu chọn lọc, nguyên nhân có nhiều, nhưng yếu tố giáo dục truyền thống dân tộc và hướng dẫn sự phát huy truyền thống đó của tuổi trẻ chưa đúng tầm, chưa đủ, chưa phù hợp dẫn đến thiếu hiệu quả. Dù trong các chương trình giáo dục phổ thông, thông qua môn học lịch sử, ngữ văn – các tác phẩm thơ, văn học nước nhà hay giáo trình giáo dục công dân, chương trình rèn luyện Đội viên, Đoàn viên… có nhiều nội dung giáo dục truyền thống, lòng tự hào dân tộc… nhưng chưa có cách tiếp cận hiệu quả, chưa “đánh” được vào “lòng” của người học, người tiếp nhận những truyền thống của dân tộc, làm họ chưa thấy tự hào, chưa thấy tự tôn, từ đó thiếu ý thức gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc mình.

Để đề kháng được những yếu tố văn hóa ngoại lai làm tổn hại đến văn hóa dân tộc, cần thiết phải có đủ các yếu tố: am hiểu về văn hóa dân tộc và văn hóa khác, đó là để hiểu rõ văn hóa dân tộc mà cảm thấy tự hào và đó là để hiểu rõ văn hóa dân tộc khác là để tham khảo, là để học hỏi và ứng dụng phù hợp, là để biết đâu là văn hóa dân tộc Việt Nam và đâu là văn hóa của dân tộc khác.

I. Thực trạng:

Thời gian gần đây, hiện tượng người làm trong lĩnh vực văn hóa – nghệ thuật có hành vi, lời nói đi người lại các giá trị văn hóa – nghệ thuật, làm cho quần chúng nhân dân cảm thấy mất thiện cảm, niềm tin vào hoạt động văn hóa của một số nghệ sĩ nói riêng và nghệ sĩ nước nhà nói chung. Chuẩn mực đạo đức và tiêu chuẩn của nghệ sĩ đang được đặt ra, thách thức trực tiếp đến cơ quan quản lý nhà nước nói chung về văn hóa, đến sự lãnh đạo của Đảng trong chiến lược “xây dựng nền văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc”. Nghị quyết Đại hội XIII khẳng định: “… Gắn kết chặt chẽ và triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, trong đó phát triển kinh tế – xã hội là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần; bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên”. Nếu xem “văn hóa là nền tảng tinh thần” của quốc gia thì khi nền tảng tinh thần ấy đang có những biểu hiện tiêu cực, cần thiết phải có sự chỉnh đốn, có sự đánh giá và giải pháp cần thiết để điều chỉnh cho phù hợp với quan điểm về phát triển văn hóa mà Đảng đã đề ra.

Trong bài phát biểu khai mạc Đại hội lần thứ XIII, khi tổng kết về quan điểm, đường lối lãnh đạo của Đảng và thực tiễn phát triển văn hóa trong nhân dân, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ: “…văn hóa chưa được quan tâm tương xứng với kinh tế và chính trị, chưa thật sự trở thành nguồn lực, động lực nội sinh của sự phát triển bền vững đất nước. Vai trò của văn hóa trong xây dựng con người chưa được xác định đúng tầm, còn có chiều hướng coi trọng chức năng giải trí đơn thuần. Thiếu những tác phẩm văn hóa, văn học, nghệ thuật lớn phản ánh sinh động tầm vóc công cuộc đổi mới, có tác dụng tích cực đối với con người. Môi trường văn hóa, xã hội tiếp tục bị ô nhiễm bởi các tệ nạn xã hội, tham nhũng, tiêu cực. Chênh lệch về hưởng thụ văn hóa giữa các vùng, miền còn lớn; đời sống văn hóa ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý văn hóa còn nhiều lúng túng, chậm trễ trong việc thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về văn hóa. Đầu tư cho văn hóa chưa đúng mức, còn dàn trải, hiệu quả chưa cao. Chưa có giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn, đẩy lùi sự xuống cấp nghiêm trọng về một số mặt văn hóa, đạo đức, lối sống, gây bức xúc xã hội. Hệ thống thông tin đại chúng còn nhiều hạn chế; một số cơ quan báo chí xa rời tôn chỉ và có biểu hiện thương mại hóa; quản lý mạng xã hội còn bất cập. Chất lượng và số lượng đội ngũ cán bộ văn hóa chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển văn hóa trong thời kỳ mới. Việc giới thiệu, quảng bá văn hóa Việt Nam ra nước ngoài chưa mạnh; tiếp nhận tinh hoa văn hóa nhân loại có mặt còn hạn chế.”

Đánh giá trên của Tổng Bí thư, đã thay mặt Đảng nhìn nhận những khía cạnh tiêu cực trong quản lý văn hóa, biểu hiện văn hóa xa rời đường hướng phát triển văn hóa theo chủ trương và nghị quyết phát triển và bảo tồn văn hóa, buông thả quản lý chất lượng hoạt động văn hóa của người hoạt động trong lĩnh vực này, khiến ai cũng có thể tự xưng là nghệ sĩ nhưng hoạt động văn hóa phi nghệ thuật, phi văn hóa. Mặt khác, hoạt động tiếp thu văn hóa, “tiếp nhận tinh hoa văn hóa nhân loại” chưa phù hợp khiến việc định hướng nhu cầu, khả năng cảm thụ văn hóa của quần chúng còn bất cập, gây bức xúc trong nhiều trường hợp cụ thể. Ví dụ như trường hợp nhiều bộ phim về “chiến tranh” liên quan đến Việt Nam, nội dung phim mô tả thái quá về các đội quân tham gia “đánh thuê” trên lãnh thổ Việt Nam, biến những kẻ đánh thuê – khát máu – đầy tội ác với nhân dân Việt Nam thành anh hùng, thành những người chính nghĩa dù họ… giết đồng bào mình??? Bộ phim “Hậu duệ mặt trời” của Hàn Quốc trong mấy năm nay là sự bức xúc trong quần chúng, bộ phim này khiến giới trẻ Việt trở thành những người hâm mộ và cuồng “lính Đại Hàn”, đám lính giết hại đồng bào ta không gớm tay… Vậy mà, bộ phim được công chiếu và vẫn nhan nhãn trên các kênh truyền hình, truyền thông… với sự cho phép của cơ quan quản lý về văn hóa.

Về lịch sử, chúng ta luôn tự hào với truyền thống dân tộc như truyền thống “đánh giặc giữ nước”, “đánh giặc cứu nước”, “truyền thống yêu nước nồng nàn”, “truyền thống tương thân, tương ái lá lành đùm lá rách”… nhưng không ít những lần chúng ta chứng kiến những biểu hiện “ca ngợi, tôn vinh giặc – lính đánh thuê” trên đất nước chúng ta bởi các “hội yêu đồ lính” hoạt động nhan nhãn, công khai từ Bắc tới Nam mà cơ quan chức năng quản lý về văn hóa hay luật pháp chúng ta chưa hoặc không xử lý. Việc này chẳng những tạo sự mặc nhận với quần chúng và thế giới rằng: chúng ta thừa nhận tính chính danh và chính nghĩa của những đội quân đánh thuê này, vì không ai lại đi “yêu đồ lính đánh thuê” cả.

Bên cạnh đó, trong lĩnh vực báo chí, không ít các báo chính thống còn tạo dư luận xã hội trái chiều, phỏng vấn những người có quan điểm đánh đồng xương máu các anh hùng liệt sĩ, như việc thừa nhận “lính ngụy VNCH cũng có tinh thần yêu nước như người Cộng sản”, mặt khác còn đăng tải ý kiến cá nhân của nhiều người kêu gọi “đừng hiểu lầm người lính VNCH” hay “ghi nhận – tôn vinh lính VNCH có tinh thần yêu nước chống ngoại xâm”, nhất là việc đăng tải các ý kiến thừa nhận “VNCH là chính quyền chính danh” khiến dẫn ý trong dư luận quần chúng rằng “Chính quyền miền bắc xâm lược chính quyền miền nam”, điều này đánh vào tính chính danh của Cách mạng Việt Nam trong cuộc chiến “giải phóng miền nam thống nhất đất nước là cuộc chiến “xâm lược” và “huynh đệ tương tàn”…

Gần đây, một bộ phận nghệ sĩ, trong hoạt động của mình đã thể hiện sự thiếu chuẩn mực về văn hóa, đạo đức… gây bức xúc trong quần chúng. Có nghệ sĩ lợi dụng hoạt động từ thiện mưu lợi riêng, có nghệ sĩ lợi dụng sự kiện gây rối trật tự xã hội nhằm tạo Scandal đánh bóng bản thân… có người từng nói “giờ chỉ cần biết hát là thành ca sĩ”??? Chính sự dễ dãi của quần chúng, mà sâu xa trong đó là trình độ cảm thụ nghệ thuật của quần chúng, sự lỏng lẻo trong công tác quản lý của cơ quan chức năng đã khiến giới nghệ sĩ trở nên náo loạn, loạn về danh hiệu nghệ sĩ, loạn về nội dung hoạt động nghệ thuật: nhiều người tự xưng là nghệ sĩ nhưng hoạt động không xứng tầm tạo ra các giá trị nghệ thuật kém cỏi, dung tục, thiếu văn hóa, phản cảm, làm nhận thức về các lĩnh vực văn hóa trong quần chúng bị sai lệch, xuống cấp.

II. Giải pháp:

Với nội dung “Phát huy sức mạnh văn hóa và con người Việt Nam trong sự phát triển bền vững đất nước”, đại biểu Nguyễn Ngọc Thiện, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhận định rằng “…văn hóa Việt Nam trong thời gian tới phải giải quyết mâu thuẫn giữa các mục tiêu nhân văn của văn hóa với những quy luật khắc nghiệt của kinh tế thị trường; giữa những đòi hỏi rất cao về mục tiêu xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam với sự đầu tư nguồn lực có hạn của Nhà nước; giải quyết mối quan hệ giữa truyền thống và hiện đại, bảo tồn và phát huy, giữ gìn và phát triển… để có thể hội nhập quốc tế thành công và đứng vững, tỏa sáng trong cơn lốc toàn cầu hóa.”. Đúng vậy, chính mâu thuẫn giữa văn hóa với thực trạng thương mại hóa văn hóa chính là nguyên nhân sâu xa của sự xuống cấp về hoạt động văn hóa, nghệ thuật. Đáng lẽ, người nghệ sĩ, người hoạt động văn hóa cần đề cao vai trò sáng tạo văn hóa dựa trên nền tảng văn hóa dân tộc với mục đích lưu giữ, truyền bá, giáo dục văn hóa dân tộc cho quần chúng, định hướng hưởng thụ văn hóa cho quần chúng nhằm bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Theo tôi, cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:

– Cần xác định, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo cùng với văn hóa, con người là nhân tố quan trọng bậc nhất để phát triển nhanh và bền vững. Do đó, tập trung phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, thúc đẩy phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong quản lý và hoạt động văn hóa. Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc, ý chí tự lực, tự cường và khát vọng xây dựng nền văn hóa đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc trong chính những người quản lý văn hóa và người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa – nghệ thuật, chỉ như vậy mới làm cho sự nghiệp phát triển văn hóa và con người Việt Nam mang giá trị tinh thần tiêu biểu, động lực quan trọng quyết định cho sự phát triển đất nước và dân tộc.

– Lĩnh vực văn hóa còn chưa phát triển, chưa có nhiều đột phá và hiệu quả chưa cao (Nghị quyết Đại hội XIII) một phần là do sự xuống cấp về đạo đức xã hội trong một bộ phận nhân dân, nhất là lớp trẻ; đó là sự thờ ơ, vô cảm, thiếu quan tâm, chia sẻ với cộng đồng, thiếu trách nhiệm với xã hội. Đó còn là tư tưởng ngại lao động, thích hưởng thụ, đua đòi, chạy theo lối sống thực dụng, tuyệt đối hóa giá trị đồng tiền. Đó còn là sự lợi dụng văn hóa để hoạt động mê tín dị đoan; lợi dụng các giá trị trong hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng để chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa… Những hạn chế, thiếu sót này là do công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ phát triển văn hóa, phát huy các giá trị tốt đẹp của văn hóa dân tộc của các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền các cấp, các ban, ngành chưa tốt, chưa hiệu quả, nếu không thừa nhận trách nhiệm và thể hiện trách nhiệm của mình thì chắc chắn sẽ không thực hiện được mục tiêu xây dựng nền văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc được.

– Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã định hướng phát triển của đất nước giai đoạn 2021-2030: “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Tăng đầu tư cho phát triển sự nghiệp văn hóa. Xây dựng, phát triển, tạo môi trường và điều kiện xã hội thuận lợi nhất để khơi dậy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; tài năng, trí tuệ, phẩm chất của con người Việt Nam là trung tâm, mục tiêu và động lực phát triển quan trọng nhất của đất nước”. Điều này cho thấy, Đảng nhận định “còn văn hóa là còn dân tộc, mất văn hóa là mất tất cả”, phát triển văn hóa, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc là nhiệm vụ chính trị, là trách nhiệm chung của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của cả hệ thống chính trị và mọi người dân. Phát triển văn hóa chính là giữ cho được cái gốc, cái còn lại cuối cùng của một quốc gia dân tộc. 

– Hoàn thiện công tác quản lý văn hóa, cụ thể bằng các quy phạm pháp luật, hướng việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng, phát triển văn hóa gắn với trách nhiệm của lãnh đạo Đảng, Chính quyền các cấp. Mặt khác, cần các quy phạm pháp luật quản lý về hoạt động văn hóa của giới nghệ sĩ, giới hoạt động nghệ thuật, các hoạt động nghệ thuật có tổ chức hoặc tự phát từ quần chúng… cần thiết phải có có thiết chế về tiêu chuẩn dành cho nghệ sĩ, tiêu chuẩn về nội dung các hoạt động nghệ thuật. Chỉ như thế mới thể phát huy được nền văn hóa đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc có định hướng, có quản lý, có nội dung phù hợp… và đặc biệt là có thiết chế răn đe nhằm hạn chế những hoạt động văn hóa phi văn hóa, xa rời văn hóa dân tộc.

– Cuối cùng, cần thường xuyên và tích cực phản bác các quan điểm sai trái, thù địch về văn hóa dân tộc và công tác quản lý văn hóa của chính quyền các cấp. Như đã nói ở trên, vấn đề sùng bái nước ngoài, coi thường những giá trị văn hoá dân tộc, chạy theo lối sống thực dụng, cá nhân vị kỷ,… đang gây hại đến thuần phong mỹ tục của dân tộc. Do đó, trong sáng tác và lý luận, phê bình văn hóa, nghệ thuật, đã có lúc hình thành tư tưởng phủ nhận các giá trị văn hóa – văn nghệ trong cách mạng hay có lúc mang nặng tính đối lập văn nghệ với chính trị tạo cho quần chúng cái nhìn xã hội với thái độ bi quan, v.v. Chính vì vậy, cần tổ chức đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái – thù địch làm tổn hại đến văn hóa dân tộc, phát huy sức mạnh tổng hợp từ các lực lượng từ chính quy đến sức mạnh quần chúng, nhất là trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật, báo chí, xuất bản,… đấu tranh với quan điểm sai trái và mưu đồ đen tối của các thế lực thù địch lợi dụng văn hóa để chống Đảng và chế độ ta.    

Qua những gì đã phân tích, có thể khẳng định: “Xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân – thiện – mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. Văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”./.

  • Nguyễn Trọng Nghĩa

No comments:

Post a Comment