2021/04/15

Đừng cổ xúy bệnh háo danh



Háo danh đang là một trong những “căn bệnh” trong xã hội. Với sứ mệnh định hướng dư luận, bồi đắp giá trị chân - thiện - mỹ cho công chúng, đáng ra báo chí, truyền thông phải có trách nhiệm góp một tiếng nói để phòng ngừa, giảm thiểu “căn bệnh” này. Tuy nhiên, không hiểu vô tình hay hữu ý, một số cơ quan báo chí, truyền thông thời gian gần đây lại sử dụng từ ngữ so sánh không chuẩn mực để định vị cho một số nhân vật trong bài viết.


1. Trên một tờ báo có số lượng bạn đọc khá lớn phát hành vào những ngày cuối tháng 12-2019, có một bài báo viết về một cựu cán bộ từng có những hành động và phát ngôn gây sự chú ý của dư luận. Xin không luận bàn về tính cách của người cán bộ này, mà chỉ trao đổi đôi điều về cách dùng cụm từ “ngôi sao dẹp loạn vỉa hè” khi tác giả nói về nhân vật.


Từ “ngôi sao”, về nghĩa đen, là tên chung gọi các thiên thể nhìn thấy những những điểm sáng lấp lánh trên bầu trời vào ban đêm; về nghĩa bóng, “ngôi sao” thường để ví von những người đạt thành tích xuất sắc, nổi bật trong lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật và thể thao, được công chúng hâm mộ. Họ được ví như những vì sao sáng rực rỡ trên bầu trời. Chẳng hạn, “ngôi sao ca nhạc”, “ngôi sao điện ảnh”, “ngôi sao sân cỏ”…


Còn từ “dẹp loạn” có nghĩa gốc là “làm tan rã những cuộc nổi dậy chống chính quyền”. Hiểu theo nghĩa hiện nay, “dẹp loạn” là dùng những biện pháp hành chính mạnh mẽ, cương quyết nhằm ngăn chặn, giảm thiểu một tình trạng lộn xộn nào đó trong thực tế cuộc sống, qua đó góp phần thiết lập trật tự an toàn, kỷ cương xã hội. “Dẹp loạn vỉa hè” nghĩa là sử dụng biện pháp mạnh tay để chấn chỉnh những lộn xộn, sắp xếp lại việc buôn bán, kinh doanh của người dân trên hè phố trong khu vực đô thị.


Với hai từ “ngôi sao” và “dẹp loạn” không tương đồng về mặt ngữ nghĩa như vậy, việc gán ghép thành cụm từ “ngôi sao dẹp loạn vỉa hè” để nói về nhân vật trong bài viết là không phù hợp, thiếu logic, chưa chuẩn mực về văn phong tiếng Việt. Việc gán ghép này không những có thể khiến người trong cuộc tự ảo tưởng về mình, mà khiến cho việc nhìn nhận của độc giả về hình ảnh nhân vật trong bài viết cũng dễ hướng lái theo một nghĩa khác.   


2. Không chỉ viết “ngôi sao dẹp loạn vỉa hè”, truyền thông còn gọi một nữ ca sĩ khá nổi hiện nay là “Nữ hoàng văn học dân gian”, “Nữ hoàng văn học Vpop”, vì ca sĩ này đã đưa các nhân vật văn học điển hình của một số tác giả văn học nổi tiếng và khá nhiều yếu tố dân gian vào các sản phẩm MV ca nhạc của mình. Quả thật, các MV của nữ ca sĩ được phối khí, thể hiện theo phong cách mới, trẻ trung, sôi động, vì thế có thời điểm nó trở thành “cơn sốt” của giới trẻ và thu hút hàng chục triệu lượt người xem trên Youtube.


Dù không phủ nhận thông điệp khá ý nghĩa mà MV này chuyển tải tới người xem và mong muốn mọi người, nhất là giới trẻ quan tâm hơn đến các tác phẩm văn học kinh điển của nước nhà thế kỷ XX; nhưng ví nhân vật chính của MV như “Nữ hoàng văn học” là thái quá, không phù hợp với bản chất vấn đề định danh. Vì trên thực tế, nữ ca sĩ và ê kíp làm MV này chủ yếu cóp nhặt các nhân vật văn học điển hình cho vào tác phẩm MV của mình rồi để họ hội ngộ với nhau và nhảy nhót tưng bừng, chứ hoàn toàn không phải là hoạt động sáng tạo phái sinh nhằm làm mới, làm hay hơn các nhân vật điển hình nói riêng, các tác phẩm văn học kinh điển nói chung


Nghĩa gốc từ “Nữ hoàng” để chỉ một người phụ nữ làm hoàng đế cai trị một đế quốc. Ở nghĩa rộng hơn, “nữ hoàng” được hiểu là người có quyền lực tối cao hay có khả năng nổi bật, năng lực xuất chúng về một lĩnh vực/một mặt nào đó. Những người được gắn, trao danh hiệu “nữ hoàng” phải thực sự tài năng, đức độ và có nhiều đóng góp, cống hiến cho xã hội, thì mới xứng đáng với danh hiệu giàu ý nghĩa này.


Khi nói đến “Nữ hoàng văn học” là nói đến một tài năng đặc biệt, có sáng tạo đặc biệt, đóng góp đặc biệt trên lĩnh vực văn học và mang ý nghĩa xã hội. Ví như, phải là nữ thi sĩ nổi đình nổi đám rất đặc biệt trên văn đàn và có những bài thơ nôm bất hủ, độc đáo, vô tiền khoáng hậu như Hồ Xuân Hương mới được gọi “Bà chúa thơ Nôm”. Hay phải sáng tạo ra những bài thơ tình mới lạ, khác biệt, ấn tượng như thi sĩ Xuân Diệu thì mới được ví là “Ông hoàng thơ tình”!


Nhà báo sử dụng từ ngữ ví von, so sánh, liên tưởng trong một tác phẩm báo chí cũng không ngoài mục đích làm cho vấn đề, sự kiện, nhât vật, chi tiết, thông tin trở nên phong phú, nhiều màu sắc và hấp dẫn hơn với công chúng. Điều quan trọng là sự so sánh phải hướng tới đích “lột lả” được bản chất vấn đề và tạo được sự mới mẻ, riêng biệt trong góc độ so sánh, liên tưởng mà không được phép đi quá giới hạn cho phép. Còn mọi sự khoa trương, ngoa ngôn, lộng ngữ… khi dùng hình ảnh so sánh, nhất là so sánh các nhân vật còn nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận, không những dễ làm cho người trong cuộc tưởng mình “cao siêu như thần thánh”, mà còn làm cho “căn bệnh” háo danh càng có nguy cơ lan rộng ra xã hội, làm nhiễu loạn các giá trị văn hóa./.


Phúc Nội/Tạp chí Tuyên giáo.

No comments:

Post a Comment