2021/04/14

Người lúc ngủ ai cũng hiền, Tỉnh dậy rồi mới biết lành hay hung! “Hiền dữ phải đâu là tính sẵn Phần nhiều do giáo dục mà nên”





Giáo dục là quá trình toàn vẹn hình thành nhân cách, được tổ chức có mục đích, có kế hoạch, thông qua hoạt động và quan hệ giữa nhà giáo dục và người được giáo dục nhằm chiếm lĩnh kinh nghiệm xã hội của loài người. 

Giáo dục là quá trình tác động tới thế hệ trẻ về đạo đức, tư tưởng, hành vi nhằm hình thành niềm tin, lý tưởng, động cơ, thái độ, hành vi, thói quen ứng xử đúng đắn trong xã hội. Khi bàn về vai trò yếu tố giáo dục trong sự phát triển nhân cách con người, Bác Hồ đã viết trong bài thơ “Nửa đêm” (Nhật ký trong tù). 

“Hiền dữ phải đâu là tính sẵn 

Phần nhiều do giáo dục mà nên” 

Theo quan niệm của Hồ Chí Minh con người ta khi mới sinh ra vốn bản chất là tốt, nhưng chỉ sau do ảnh hưởng của giáo dục và môi trường sống cùng sự phấn đấu, rèn luyện của mỗi cá nhân mà hình thành những con người thiện, ác khác nhau. Câu nói của người xưa trong Tam Tự Kinh: “Nhân chi sơ, tính bản thiện” đã từng được Người nhắc lại nhiều lần trong các bài viết, bài nói chuyện. 

Theo Người con người sinh ra bản chất là tốt, song trong xã hội luôn có thiện và có ác nên trong bản thân mỗi con người cũng có thiện và ác. Cái ác có là do ảnh hưởng của xã hội và sự biến đổi của mỗi người. Đối với mỗi chúng ta, sống trong xã hội mới nhưng cái ác vẫn còn là do ảnh hưởng của những tàn dư của xã hội cũ. 

Người viết: “Bản thân chúng ta đều chịu ảnh hưởng của xã hội cũ hoặc nhiều hoặc ít. Cho nên trong người chúng ta hoặc nhiều hoặc ít không tránh khỏi có cái ác, như tự đại, tự kiêu, tự tư, tự lợi”. Nhưng cũng do sự tác động của xã hội, của chế độ mới cùng sự cố gắng vươn lên của mỗi người thì cái ác sẽ mất dần. “Với sự giúp đỡ của Đảng và Chính phủ, sự cố gắng học tập và cải tạo của mọi người, thì cái ác trong con nguời chúng ta càng ngày càng biến đi, cái thiện càng ngày càng tăng. 

Theo Hồ Chí Minh chính sự tác động, sự giáo dục của xã hội cùng với khả năng và sự tiếp nhận của mỗi cá nhân, sự tác động đó đã làm nên bản chất thiện hay ác của mỗi con người trong xã hội. Có thể nói đây cũng chính là quan điểm cơ bản của Người về bản chất quá trình xã hội hoá cá nhân. Đó là quá trình tương tác qua lại liên tục giữa một bên là xã hội và một bên là cá nhân. Người không hoàn toàn tuyệt đối hoá vai trò tác động của xã hội hay vai trò tiếp nhận của cá nhân trong quá trình này. Điều quan trọng tuỳ từng điều kiện cụ thể với từng cá nhân cụ thể mà vai trò đó được thể hiện ở các mức độ khác nhau, thậm chí mâu thuẩn nhau. 

Khi nói về sự tác động của xã hội, Người đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò giáo dục của xã hội, nhất là với lớp người trẻ. Người cho rằng để mỗi con người trở thành một người thiện, một công dân tốt, có ích cho xã hội thì sự tác động của xã hội, đặc biệt là quá trình giáo dục có một ý nghĩa thật to lớn. Nội dung hai câu thơ trên đã thể hiện đầy đủ nhất những suy nghĩ của Người về tác động của xã hội và vai trò giáo dục trong quá trình phát triển nhân cách. 

Kẻ hiền, người dữ trên đời đều không phải khi sinh ra đã là như thế, mà đó là kết quả trực tiếp của sự giáo dục trong xã hội: “Phần nhiều do giáo dục mà nên”. Quan điểm này cũng hướng đến mục tiêu: nếu xã hội chúng ta muốn có nhiều người hiền tài, hạn chế những điều ác, thì xã hội cần quan tâm đến việc giáo dục, đến việc đào tạo thế hệ mai sau. 

Cũng hoàn toàn không phải ngẫu nhiên mà trong bài nói chuyện tại lớp học chính trị các giáo viên cấp II, cấp III toàn miền Bắc tháng 9 năm 1958, Hồ Chí Minh đã sử dụng thuật ngữ “trồng người”: 

“Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, 

vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”. 

Chúng ta phải đào tạo ra những công dân tốt và cán bộ tốt cho nước nhà. Điều này có nghĩa xã hội muốn có công dân tốt thì cần vun trồng, săn sóc, chăm bón đầy đủ cho thế hệ sau như chúng ta chăm bón cho cây non. Tuy nhiên, nếu chúng ta chăm bón, vun trồng cho cây non dễ bao nhiêu thì việc chăm bón vun trồng cho người hướng đến lợi ích của xã hội và dân tộc khó bấy nhiêu! 

Nhân cách không phải là cái bẩm sinh, mà chủ yếu được hình thành bằng con đường xã hội hóa. Với tiền đề vật chất là cơ thể sinh học phát triển tới mức cao nhất của giới hữu sinh, thì sự tác động biện chứng giữa yếu tố môi trường xã hội và cá nhân đóng vai trò quyết định trong sự hình thành và biến đổi nhân cách. 

Quá trình hình thành nhân cách nói riêng và hình thành con người nói chung đã được Marx chỉ ra từ lâu: “con người vừa là chủ thể vừa là sản phẩm của lịch sử” và “con người tạo ra hoàn cảnh tới mức nào thì hoàn cảnh cũng tạo ra con người tới mức đó”. Như vậy là con người với tư cách loài người đóng vai trò chủ động trong quá trình hình thành nhân cách của mình.

No comments:

Post a Comment