2021/03/29

VỀ VẤN ĐỀ HOÀNG DUY HÙNG VÀ NGHỊ QUYẾT 36

   

   

   

Ai cũng có thể rất dễ để tìm đọc toàn văn nghị quyết 36/NQ-TW trên internet. Như tên gọi  của nghị quyết nêu rất rõ là “Nghị quyết của Bộ Chính Trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài“.  


Nghị quyết này đánh giá tình hình người Việt đang sinh sống ở các nước trên toàn thế giới và định hướng công tác liên quan đến họ. Trong phần  đánh giá tình hình có đoạn “Một số ít người đi ngược lại lợi ích chung của dân tộc, ra sức chống phá đất nước, phá hoại mối quan hệ hợp tác giữa nước sở tại với Việt Nam”. Đây là một thực tế hiển nhiên, đánh giá này không mới và cũng  không sai.


Về đánh giá này, các anh chị chống cộng hải ngoại phản biện rằng họ không đi ngược lại lợi ích dân tộc và phá hoại quan hệ của nước sở tại và VN, họ chỉ chống lại chế độ độ do đảng CSVN cầm quyền. 


Vậy thì họ trả lời ra sao khi họ chống lại việc VN gia nhập WTO, chống lại việc VN tham gia vào hội đồng bảo an LHQ? Chống lại hàng hóa VN, Chống lại việc đầu tư vào đất nước họ, Chống lại việc mở rộng bang giao của VN và Hoa Kỳ v.v…? 


Tất cả những điều họ chống không ai phủ nhận được rằng sẽ mang lại lợi ích cho dân tộc VN!

Vì vậy, NQ36/NQ-TW là một văn kiện có tính định hướng chiến lược, một chủ truơng chính sách lâu dài về công tác người Việt ở nước ngoài. Nội dung của nghị quyết 36/NQ-TW tập trung vào việc tạo điều kiện thuận lợi nhất, dễ dàng nhất để hỗ trợ người Việt ở nước ngoài hướng về đất nước, đóng góp sức người sức của cho đất nước, bảo tồn văn hóa Việt ở nước sở tại, tăng cường liên kết cộng đồng để tương trợ nhau.

Có thể nói việc đưa ra Nghị quyết này là một động thái cởi mở, giang tay đón nhận những đứa con lạc lối về với quê hương đất nước của Đảng Cộng sản Việt Nam. Nhưng thực hiện công việc này cần phải có phân tích đánh giá, cần biết đâu là đối tượng đã quay đầu, đâu là đối tượng “trá hàng” lợi dụng chủ trương này để quay về phá hoại đất nước, chống phá chế độ công khai.

Việc nhiều người đang phản đối Hoàng Duy Hùng là việc đương nhiên và hợp lý. Bởi bản thân đối tượng này đã đề ra kế sách “cách mạng trắng”, một phương cách lật đổ chế độ bằng “diễn biến tư tưởng” theo hướng tiếp cận từ bên trong. Vì lẽ đó mà nghi vấn về con người này không thể nhỏ, niềm tin vào những thay đổi của ông ta thời gian qua là chưa đủ để “ca ngợi”.


Trong khi báo Nhân dân có bài bênh vực HDH trước những biểu hiện gần đây có lợi cho chế độ thì chính HDH vẫn còn đó những video clip xuyên tạc và bịa đặt về Đảng, về Chủ tịch Hồ Chí Minh và lãnh tụ Cộng sản Quốc tế... thậm chí những video đó là mới đây. Việc không gỡ bỏ những thông tin sai lệch đó với việc Báo Nhân Dân vẫn tiếp tục có bài ca ngợi HDH là việc làm không logic, thiếu thuyết phục và cần làm rõ động cơ “ca ngợi” này.

Hoà hợp và hoà giải là chiến lược rõ ràng và tốt đẹp của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhưng không phải bất chấp và hy vọng vào điều viển vông là có thể thay đổi được một số đối tượng chống đối chế độ cách cực đoan. Việc thực hiện Nghị quyết 36/NQ-TW cần được đánh giá thường xuyên, thay đổi cho phù hợp với thực tiễn và ngay cả đánh giá việc thực hiện nghị quyết với một đối tượng cụ thể.

Việc quần chúng nhân dân phản đối một chủ trương hay cụ thể là việc phản đối việc thực hiện một chủ trương với một đối tượng cụ thể là việc bình thường. Vì chỉ khi chủ trương hoặc việc thực hiện chủ trương với một đối tượng cụ thể sẽ gây hại đến an ninh quốc gia hay quyền và lợi ích hợp pháp của quần chúng, cụ thể trong trường hợp Hoàng Duy Hùng là cần thiết phải cẩn trọng và nghiêm túc lắng nghe quan điểm của quần chúng cách cầu thị, bởi quần chúng có căn cứ, cơ sở để phản đối rất cụ thể.

Đảng ra Nghị quyết hay Nhà nước ban hành một chủ trương, chính sách đều trên cơ sở mang lại ích lớn nhất cho nhân dân, đất nước, cho chế độ. Vì lẽ đó khi xuất hiện sự phản biện về chủ trương, chính sách thì thái độ lắng nghe và cầu thị luôn là thái độ “tôn trọng nhân dân”. Hành vi vội quy chụp “chống Nghị quyết 36” đối với quần chúng đang có nghi vấn về đối tượng Hoàng Duy Hùng (tác giả của chủ thuyết cách mạng trắng) như vừa qua của một số trang mạng mang danh quân nhân - quân đội là thái độ thiếu cầu thị và “xem thường nhân dân”, đó là thái độ “xa rời quần chúng” và “duy ý chí”. Bởi:

Trong một đất nước lấy xã hội chủ nghĩa làm nền tảng phát triển với duy nhất một Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo thì việc không lắng nghe quan điểm của quần chúng hay không chấp nhận một thành phần quan trọng nào của dân tộc vào trong tổ chức của mình, dù với lý do gì đi nữa, cũng hoàn toàn không có sức thuyết phục!

Mặt khác, việc lắng nghe cách cầu thị sự phản hồi của quần chúng về việc thực hiện một chủ trương hay nghị quyết của Đảng chính là cơ sở để xây dựng chủ trương, nghị quyết ấy hoàn thiện hơn, đạt hiệu quả hơn.

Tuy nhiên, việc phản đối một đối tượng cụ thể như HDH cần dựa trên các đánh giá khách quan, cụ thể và toàn diện, không được cảm tính. Bởi việc phản đối quá cực đoan sẽ làm con đường quay về của những người từng lầm lỗi khó khăn khiến họ mất niềm tin vào chế độ ta, từ đó khiến họ quay lại tiếp tục chống đối. Nếu quá cực đoan hẳn có thể chính chúng ta đang phá hoại chủ trương của Đảng, gây khó khăn cho việc thực hiện chủ trương đúng đắn này.

No comments:

Post a Comment