2021/03/31

BẢN CHẤT CỦA MỘT NỀN DÂN CHỦ CÓ PHỤ THUỘC VÀO CHẾ ĐỘ “ĐA NGUYÊN, ĐA ĐẢNG”?

 

Hiện nay nhiều “nhà dân chủ” cho rằng, đất nước Việt Nam phải “đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập” thì mới có dân chủ. Thậm chí họ còn cao giọng khẳng định những nước có thể chế chính trị đa đảng đều là những nước phát triển, là “quốc gia dân chủ”, người dân được sống với đầy đủ “quyền còn người” của mình . Vậy điều đó có đúng không? Tác giả xin đưa ra một vài ví dụ như sau:

Nước Mỹ hiện có 112 đảng, nhưng thực chất chỉ có Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ thay nhau cầm quyền. Tuy bề ngoài là chế độ đa đảng đối lập, nhưng xét về bản chất thì đảng nào cầm quyền cũng là đại diện cho quyền lợi của giai cấp tư sản –  giai cấp chiếm số ít trong xã hội, nhưng lại nắm phần lớn tài sản của đất nước. Chính phong trào “Chiếm phố Uôn” ở nước Mỹ năm 2011 đã vạch trần thực chất nền dân chủ của Mỹ là nền dân chủ phục vụ cho 1%, của 1%, vì 1% dân Mỹ; đó là các nhà tư bản tài phiệt.


Thái Lan là đất nước có thể chế chính trị đa đảng từ khá lâu ở Đông Nam Á. Nhưng nổi tiếng là đất nước của các cuộc đảo chính bởi sự tranh giành quyền lực giữa các đảng đối lập, gây bất ổn chính trị - xã hội không ngừng. Biểu tình một cách hòa bình để người dân thể hiện ý chí, nguyện vọng của mình là quyền được coi là dân chủ, được pháp luật bảo đảm ở quốc gia này. Nhưng thực tế tình hình ở Thái Lan có phải như vậy không, hay do các tổ chức chính trị đối lập đã lạm dụng quyền đó lôi kéo quần chúng, tổ chức biểu tình, gây bạo loạn để thực hiện mưu đồ chính trị, lật đổ chính phủ hợp hiến, hợp pháp, mà họ cho rằng hiện không còn phù hợp. Đó là “Nghịch lý dân chủ” được biểu hiện ở Thái lan, cũng như phổ biến ở các nước “dân chủ đa đảng” lâu nay.

Đối với U-crai-na, kịch bản “nghịch lý dân chủ” diễn ra ở quốc gia này tương tự như Thái Lan, nhưng quy mô, tính chất phức tạp và hậu quả thì tệ hại hơn nhiều. U-crai-na nằm giữa Nga và phần còn lại của châu Âu, có vị thế địa – chính trị đặc biệt quan trọng. Để tranh giành địa – chính trị, một số cường quốc luôn tìm mọi cách can thiệp vào U-crai-na. Đặc biệt, các nước phương Tây ra sức giúp đỡ, hỗ trợ mọi mặt cho phe đối lập tổ chức cuộc “cách mạng cam”, “cách mạng đường phố” theo học thuyết “phản kháng phi bạo lực” – còn gọi là một “công nghệ chính trị” chuyên để lật đổ những chính quyền không tuân thủ “quỹ đạo” của họ. Chính vì lẽ đó mà “nghịch lý dân chủ” ở U-crai-na diễn ra khốc liệt, và hậu quả của nó cũng ghê gớm hơn ở Thái Lan rất nhiều cả về kinh tế, chính trị, xã hội và sinh mạng, đời sống con người. Dư luận đang nói nhiều đến những gì xảy ra ở U-crai-na thực sự là một thảm họa, không chỉ cho đất nước này mà cho cả hoà bình, an ninh ở khu vực và thế giới. U-crai-na đang đứng bên bờ suy sụp về kinh tế, chia rẽ sâu sắc và hỗn loạn về chính trị, xã hội, chia cắt về lãnh thổ. U-crai-na đang là tiêu điểm dư luận quốc tế, ám ảnh toàn nhân loại.

Xét về lịch sử ở Việt Nam đã từng có chế độ đa đảng để phục vụ cho yêu cầu chính trị lúc bấy giờ, nhưng rồi chính lịch sử đã phủ định, đào thải đa nguyên, đa đảng như một lựa chọn tất yếu, tự nhiên. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, xã hội Việt Nam đã có giai đoạn tồn tại nhiều đảng phái, với những xu hướng chính trị khác nhau. Năm 1946, trước yêu cầu của cách mạng, đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, Đảng Cộng sản Việt Nam đã tuyên bố tự giải tán để thành lập Chính phủ đoàn kết dân tộc do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu với sự tham gia của nhiều đảng phái đối lập, như: Việt Nam Quốc dân đảng (Việt Quốc), Việt Nam Cách mạng đồng minh hội (Việt Cách)…, với mục tiêu chung là chống thực dân Pháp xâm lược, xây dựng hòa bình, độc lập và thống nhất đất nước. Nhưng khi quân Tưởng Giới Thạch rút khỏi Việt Nam, thì hai đảng đó cũng cuốn gói chạy theo, chỉ còn Đảng Cộng sản Việt Nam là trung thành với lý tưởng của mình, lãnh đạo nhân dân phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc đánh đuổi thực dân Pháp, sau đó là đánh thắng đế quốc Mỹ xâm lược, mang lại độc lập, tự do cho Tổ quốc, đưa cả nước đi vào kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

Công cuộc đổi mới toàn diện đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng đã thu được nhiều thành tựu to lớn, làm thay đổi căn bản bộ mặt kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của đất nước. Đời sống của nhân dân từng bước được nâng cao; dân chủ xã hội ngày càng được bảo đảm… Điều đó một lần nữa khẳng định vai trò lãnh đạo to lớn của Đảng Cộng sản Việt Nam trong công cuộc giải phóng dân tộc trước kia, cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. 

Vậy là cả Mỹ, Thái Lan và U-crai-na đều là những quốc gia “dân chủ đa đảng”, nhưng thực tế những quyền dân chủ cơ bản nhất về chính trị, kinh tế, đời sống của người dân ở đó đã và đang bị xâm phạm, bị tước đoạt bởi chiến dịch biểu tình, bạo loạn lật đổ hay vì lợi ích cá nhân của các nhà tư bản. Từ hiện thực trên cho thấy rõ: một nền dân chủ thực sự không phụ thuộc vào thể chế chính trị đa đảng hay một đảng, mà cốt yếu là phụ thuộc bản chất của chế độ đó được thể hiện qua đường lối, chủ trương, chính sách của đảng cầm quyền. Đảng cầm quyền thực sự tiêu biểu cho tinh hoa trí tuệ, đại diện cho ý chí, nguyện vọng, quyền lợi của toàn thể nhân dân, dân tộc là nhân tố quyết định một nền dân chủ thực sự và sự ổn định, phát triển bền vững của đất nước./.

 

No comments:

Post a Comment