2019/05/25

Phương hướng đổi mới, cải cách trong Đại hội Đảng lần thứ XIII có giống những gì dư luận “lề trái” đồn đại?


Trong tuần qua, một phần dư luận “lề trái” đã đồn đại về vấn đề thay đổi chủ trương, đường lối đặt ra trong Hội nghị Trung ương 10, khóa XII của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam. Họ bình luận về chủ đề này trên 2 khía cạnh, là nhu cầu thay đổi đặt ra cho Hội nghị 10 và Đại hội XIII, cùng những biểu hiện cho thấy Hội nghị đang đặt vấn đề thay đổi.
Ở khía cạnh thứ nhất, Phạm Quý Thọ nói với BBC rằng “sau một thời gian khủng hoảng của nhiệm kỳ trước, kể cả về mặt kinh tế, xã hội, kể cả về mặt nhân sự, ý thức hệ”, có nhiều nhu cầu thay đổi đặt ra với Hội nghị Trung ương 10 trong bối cảnh hướng đến Đại hội XIII. Chúng bao gồm nhu cầu thay đổi pháp luật, thể chế để thích ứng với chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và EVFTA; và nhu cầu bỏ chính sách phát triển kinh tế nhờ các doanh nghiệp nhà nước “quả đấm thép”, để thay bằng chính sách “tư nhân hóa”. Ông Thọ nói rằng nếu những thay đổi vừa nêu không xuất hiện trong các văn kiện của Hội nghị, thì “e là vẫn giữ nguyên như thế thôi”.

Ở khía cạnh thứ hai, hầu hết dư luận phi chính thống bình luận rằng các phát biểu tại hội nghị vẫn nhàm chán, khuôn sáo như mọi khi, không có điểm nào đáng chú ý. Trong khi đó, Trần Đình Thu bình luận rằng qua việc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đặt ra 3 câu hỏi “lạ”, “mang tính gợi mở” và “chưa bao giờ được hỏi” tại hội nghị – là “Có nên xóa bỏ thành phần kinh tế nhà nước hay không?”, “Đổi mới chính trị có phải là đổi mới chế độ chính trị không?”, và “Có cần phải sửa đổi điều lệ của Đảng Cộng sản Việt Nam hay không?” – có thể thấy hội nghị này mang đến nhiều cơ hội “thay đổi”.
Tóm lại, khi đồn đại về nhu cầu thay đổi đặt ra trong Hội nghị Trung ương 10 và Đại hội XIII, dư luận lề trái chủ yếu nhắm đến 2 câu hỏi. Câu hỏi một, là Đại hội có bàn về những biến chuyển lớn trong môi trường quốc tế; về chính sách phát triển kinh tế cùng mô hình quan hệ sản xuất; và về chuyện đổi mới chính trị hay không. Câu hỏi hai, là nếu có bàn thì bàn đến giới hạn nào, có hay không đặt ra vấn đề “thay đổi thể chế” mà họ đang chờ đợi.
Về câu hỏi đầu tiên, lãnh đạo Đảng đã khẳng định rằng Đại hội XIII sẽ bàn về những vấn đề đó. Cụ thể, trong phát biểu bế mạc Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói các văn kiện trình Đại hội XIII phải “tập trung làm rõ và xử lý thật tốt các mối quan hệ lớn: quan hệ giữa đổi mới, ổn định và phát triển; giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị; giữa tuân thủ các quy luật của kinh tế thị trường và bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa; giữa phát triển lực lượng sản xuất và xây dựng, hoàn thiện quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa; giữa Nhà nước, thị trường và xã hội; giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hoá, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; giữa xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa; giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế; giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và Nhân dân làm chủ”. Ngoài ra, “về quốc phòng, an ninh, đối ngoại: trước những diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường trên thế giới, trong khu vực, cần quan tâm đặc biệt…”.
Đoạn trích vừa nêu cũng cho thấy các văn kiện trình Đại hội XIII sẽ hướng đến việc đảm bảo định hướng xã hội chủ nghĩa trong lĩnh vực kinh tế và chính trị, sao cho hài hòa với những biến chuyển trong nước, ngoài nước, và với nhu cầu phát triển của quốc gia. Ngoài ra, diễn văn bế mạc cũng lưu ý rằng “về xây dựng Đảng và hệ thống chính trị: đặc biệt chú trọng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, phòng, chống suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hoá"; công tác bảo vệ chính trị nội bộ…”. Qua đó, có thể thấy Đại hội XIII có đặt ra vấn đề đổi mới chính trị, nhưng không ở tầm lơ lửng như ông Trần Đình Thu đang tưởng tượng.

1 comment:

  1. Những nhà dân chủ cuội luôn tìm mọi cách xuyên tạc để chống phá đất nước; chúng ta phải cảnh giác

    ReplyDelete