Loa Phường
Trong tuần qua, nhiều cá nhân chống đối đã tận dụng vụ bê bối ở chùa Ba Vàng, Quảng Ninh để công kích chính sách tôn giáo của Nhà nước.
Ngày 20/03/2019, báo Lao Động đăng 2 phóng sự về các hoạt động của chùa Ba Vàng ở Uông Bí, Quảng Ninh. Phóng sự đầu tiên phản ánh việc mỗi tháng, có khoảng 5000 -7000 người đến Chùa Ba Vàng để "thỉnh vong", và mỗi người bị vong "đòi" từ vài triệu đến hàng chục triệu đồng tiền "giải oan", mà họ phải nộp cho chùa dưới dạng tiền công đức. Phóng sự thứ hai phản ánh rằng trong buổi giảng pháp ngày 05/01/2019, được quay lại và đăng lên Youtube, với hơn 245 nghìn lượt xem, đệ tử chùa Ba Vàng là bà Phạm Thị Yến đã giảng rằng nữ sinh Cao Thị Mỹ Duyên bị xâm hại tình dục, sát hại dã man do "phạm tội trong kiếp trước", khiến nay bị "quả báo". Hai phóng sự này nhanh chóng thu hút sự chú ý của dư luận. UBND tỉnh Quảng Ninh ra công văn hỏa tốc về vụ việc ngay trong ngày 20/03; trong khi Bộ Văn hóa - Thể Thao & Du lịch, Ban Tôn giáo Chính phủ, Viện Nghiên cứu Tôn giáo, Giáo hội Phật giáo Việt Nam có công văn hỏa tốc hoặc phát ngôn trong ngày 21/03. Tối 21/03, trụ trì chùa Ba Vàng là ông Thích Trúc Thái Minh đã tổ chức một buổi pháp thoại được truyền hình trực tiếp, trong đó nhiều "nhân chứng", bao gồm một bác sĩ bệnh viện Bạch Mai, đã lên tiếng cảm ơn việc "gọi vong báo oán, giải nghiệp" của chùa. Dù vậy, trong hai ngày 22 và 23/03, báo Lao Động tiếp tục đăng 2 phóng sự về hoạt động của chùa Ba Vàng; trong khi Công an tỉnh Quảng Ninh vào cuộc điều tra vụ việc; và Ban Tôn giáo Chính phủ khẳng định rằng các hoạt động "gọi vong, gọi hồn" không có trong truyền thống Phật giáo, đồng thời vi phạm Luật Tín ngưỡng - Tôn giáo. Ngày 26/03, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đình chỉ mọi chức vụ trong Giáo hội của ông Thích Trúc Thái Minh, đồng thời buộc ông "phải sám hối Đại tăng, giao cho Thượng tọa Thích Thanh Quyết làm thầy giáo giới". Ngày 27/03, bà Phạm Thị Yến bị phạt hành chính 5 triệu VNĐ vì hành vi "Lợi dụng hoạt động thỉnh vong, gọi hồn để hoạt động mê tín dị đoan".
Trong 10 ngày cuối tháng 3, dư luận Việt Nam đã dành nhiều sự chú ý cho vụ việc này. Dù đa phần dư luận tức giận trước các phát ngôn của bà Phạm Thị Yến, và trước các hoạt động của chùa Ba Vàng mà họ cho là "lừa đảo, mê tín dị đoan", vụ việc đã gây tranh cãi nội bộ trong nhiều nhóm dư luận trên Internet với điểm chung là các tranh cãi đều xoay quanh việc có hay không nên "đánh Ba Vàng", hoặc nên "đánh" ở mức độ nào.
Cụ thể, phần đông dân chúng cho rằng nên công kích các biểu hiện "lừa đảo, mê tín dị đoan" của chùa Ba Vàng, trong khi số khác phản đối, vì cho rằng việc này sẽ khiến họ "rơi vào kế hoạch đánh phá Phật giáo một cách bài bản của bọn phản động".
Riêng trong các nhóm zân chủ trên Internet, đa số lợi dụng việc "đánh" chùa Ba Vàng để công kích nhiều chính sách tôn giáo của Nhà nước Việt Nam, trong suốt chiều dài lịch sử từ năm 1975 đến nay. Số khác phản đối, vì cho rằng qua việc báo Lao Động, chính quyền Tỉnh và Giáo hội Phật giáo Việt Nam đồng loạt công kích chùa Ba Vàng, có thể thấy chùa này đang bị "đánh" bởi các "nhóm lợi ích" khác trong lĩnh vực tôn giáo, chính trị. Đặc biệt, một số người chịu ảnh hưởng từ Phật giáo Nam tông như Nguyễn Đức Thành đã hoàn toàn bênh vực chùa Ba Vàng, và tung tin rằng chùa này bị công kích bởi một kế hoạch của "chùa Phúc Khánh - đạo Mẫu - Phật giáo Bắc tông". Thành đưa ra 2 bằng chứng cho việc này - gồm một bài mà ông Thích Trúc Thái Minh từng viết để công kích dịch vụ "dâng sao giải hạn" của chùa Phúc Khánh, và bài báo cho thấy ông Thích Thanh Quyết (trụ trì chùa Phúc Khánh) đang được chọn làm thầy giáo giới cho ông Minh. Khi Thành ám chỉ rằng chùa Phúc Khánh đang dùng báo Lao Động làm "công cụ" trong vụ này, một phóng viên báo Lao Động comment phản đối, và đưa ra bằng chứng cho thấy báo Lao Động cũng là báo đầu tiên công kích dịch vụ "dâng sao giải hạn" của chùa Phúc Khánh.
Do vụ việc diễn ra trong bối cảnh phức tạp và nhiều ẩn số, như vừa mô tả, khi giới chống đối lợi dụng vụ việc để tuyên truyền, các thông điệp của họ cũng phân hóa theo nhiều hướng khác nhau. Ngoài một thiểu số bênh vực chùa Ba Vàng như Nguyễn Đức Thành, đa số còn lại cùng thực hiện một hoạt động chung, là lợi dụng việc "đánh" chùa Ba Vàng để công kích nhiều chính sách tôn giáo của Nhà nước. Hầu hết các công kích nhắm vào 3 chính sách - là việc "cài" tình báo Công an, Quân đội vào tôn giáo; việc kiểm soát Phật giáo thông qua khẩu hiệu "Đạo Pháp - Dân tộc - Xã hội Chủ nghĩa" cùng các sinh hoạt Đảng; và việc kiểm soát tôn giáo thông qua các tổ chức chính thống như Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Giới chống đối tuyên truyền rằng 3 chính sách này đã tạo ra một tầng lớp "sư quốc doanh", được Nhà nước "bao che" để trục lợi, dẫn đến những hiện tượng như việc "phá rừng làm chùa" và "lừa đảo phi pháp" ở chùa Ba Vàng, hoặc như dịch vụ "dân sao, giải hạn" ở chùa Phúc Khánh".
Bên cạnh thông điệp tuyên truyền chung vừa kể, một số nhóm chống đối còn đưa ra các thông điệp riêng, để phục vụ cho khuynh hướng chính trị, tôn giáo riêng của mình. Chẳng hạn, Tôn Phi và Bạch Hoàn kêu gọi bài xích Phật giáo, do đó nhận nhiều lời phản đối của độc giả. Mạnh Kim, Tuấn Khanh ca ngợi nền học thuật phong phú của Phật giáo miền Nam trước năm 1975; công kích việc Nhà nước "thủ tiêu" những di sản của nền Phật giáo này; và ca ngợi các hoạt động của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất trong thời điểm hiện tại. Hoàng Hải Vân cũng công kích những nỗ lực "thủ tiêu" vừa nêu, rồi nhân đó ca ngợi chính sách hòa hợp tôn giáo thời hai ông Nguyễn Văn Linh và Võ Văn Kiệt...
Khi đề xuất giải pháp quản lý để hạn chế các hiện tượng như ở chùa Phúc Khánh, chùa Ba Vàng, giới chống đối cũng đưa ra các quan điểm khác nhau. Do chịu ảnh hưởng từ truyền thống Nho giáo của Việt Nam, đa số cho rằng Nhà nước cần ngăn cấm, xử phạt hành vi "thương mại hóa" Phật giáo, mà họ gọi là "buôn thần bán thánh". Chẳng hạn, Hoa Nghi viết trên Việt Nam Thời báo rằng Việt Nam nên "chấn chỉnh" sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng theo cách làm của Trung Quốc - bao gồm phi lợi nhuận hóa mọi điểm thờ tự; tách rời hoạt động tôn giáo với việc phát triển kinh tế của địa phương; cấm xây các tượng Phật lớn ngoài trời; chỉ cho phép dùng các khoản thu nhập từ tôn giáo cho mục đích từ thiện, bảo trì; và coi các nhóm tôn giáo như những chủ thể phải nộp thuế.
Trong khi đó, một số người chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa tự do phương Tây, như Kiến Minh (Luật khoa Tạp chí), lại cho rằng nhà nước không nên can thiệp vào tôn giáo dưới mọi hình thức, kể cả để “chống mê tín dị đoan”. Họ cho rằng nên để tăng ni, Phật tử chùa Ba Vàng thực hành tín ngưỡng theo cách riêng của họ, vì mọi người có quyền tự do tín ngưỡng. Nhà nước chỉ nên xử lý việc chùa lấn chiếm đất rừng trái phép, hoặc việc bà Yến xúc phạm nhân phẩm nữ sinh bị sát hại, theo các thủ tục tố tụng thông thường.
Sau khi xem xét vụ việc phức tạp này, chúng tôi xin đưa ra 4 ý kiến.
Thứ nhất, khác với ông Nguyễn Đức Thành, chúng tôi không biết "vong" có thích tiêu tiền của người sống hay không, sư có thể chuyển tiền giữa hai cõi hay không, và chùa Ba Vàng có đánh nhau với chùa Phúc Khánh hay không. Chúng tôi chỉ biết rằng những ngôi chùa thích thu tiền, và thích đánh nhau, thường mất đi không khí thanh tịnh mà con người tìm kiếm nơi cửa Phật. Vì vậy, thay vì tranh cãi lý thuyết với ông Thành, hoặc chọn theo chùa này để "đánh" chùa nọ, có lẽ người dân chỉ cần tìm đến những ngôi chùa yên tĩnh hơn.
Thứ hai, bê bối ở nơi thờ tự là một di sản chung của nhân loại, thay vì của riêng Nhà nước Việt Nam. Vatican thu tiền nhiều hơn chùa Ba Vàng, và gần đây cũng có không ít bê bối liên quan đến xâm hại tình dục. Ở Việt Nam, tình trạng "buôn thần bán thánh" đã tồn tại từ nhiều thời đại, chứ không riêng gì thời nay. Chẳng hạn, nhà thơ Phạm Thái đã viết như sau để mô tả sinh hoạt tôn giáo trong triều Tây Sơn - một triều đại được nhiều vị cờ vàng ca ngợi":
"Nhà tranh đua đều khấn bụt cầu ma, đường Quan thánh khéo lăng nhăng lít nhít;
Chợ xao xác những buôn hùm bán quỷ, mái Trương Lương nghe lếu láo y o."
Tóm lại, dù dưới chế độ quân chủ, độc đảng hay đa đảng, ở đâu con người tham lam đến mức lãng quên các giá trị tinh thần, ở đó sẽ có nạn "buôn thần bán thánh".
Thứ ba, sự phát triển của Phật giáo miền Nam trước năm 1975 đến từ những nhà sư coi trọng học thuật như Tuệ Sĩ, chứ không đến từ chính sách tôn giáo của chế độ Việt Nam Cộng hòa. Một chế độ thiên vị Công giáo và đàn áp Phật giáo một cách triệt để, dẫn đến vụ Thích Quảng Đức tự thiêu, không có tư cách lên lớp Nhà nước Việt Nam hiện nay về chính sách quản lý tôn giáo. Nếu Mạnh Kim muốn đóng góp phục hồi nền Phật học của nước nhà, hãy tham gia xây dựng các thư viện tôn giáo - triết học trên Internet, để tiếp tục công trình cũ của Tuệ Sĩ và nhiều tu sĩ Việt Nam hiện tại, thay vì ngồi than thở, trách móc những biến cố lịch sử đã xảy ra.
Thứ tư, nếu tăng ni chùa Ba Vàng đóng cửa tu hành, cắt đứt hẳn với cõi tục, thì họ sẽ không làm ảnh hưởng đến ai khác ngoài mình, và Nhà nước không cần can thiệp vào những hoạt động thuần túy tôn giáo của họ. Nhưng vì chùa này ảnh hưởng mạnh đến túi tiền và văn hóa của một lượng lớn người dân, đương nhiên Nhà nước sẽ phải quản lý những ảnh hưởng mang tính trần tục đó. Bởi vậy, chúng tôi không đồng ý với quan điểm của Kiến Minh, rằng quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng không cho phép Nhà nước can thiệp vào hoạt động của chùa Ba Vàng.
Tuy nhiên, qua cuộc tranh luận quanh các vụ việc ở chùa Phúc Khánh và chùa Ba Vàng, có thể thấy phương thức quản lý tôn giáo hiện nay có nhiều điểm chưa ổn, cần nghiên cứu kỹ lưỡng để cải thiện.
Bài viết rất hay, xin cảm ơn
ReplyDelete