2019/03/14

Thấy chuyện bất bình, chỉ quay... clip!

Thay vì can ngăn, tìm cách hỗ trợ nạn nhân trong các vụ bị hành hung, tai nạn giao thông... thì nhiều người chỉ đứng ngoài hoặc quay clip rồi tung lên mạng.

Công an TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương đang xác minh, làm rõ clip xuất hiện trên mạng xã hội vào tối 8-3 gây bức xúc cộng đồng mạng và dư luận xã hội. Trong clip này, một cô gái bị một người đàn ông đánh đập; cô gái kêu cứu thất thanh trên phố nhưng không ai tới gần can thiệp mà chỉ đứng nhìn. Không ít người lại lên án người quay clip là vô cảm.
Sợ bị vạ lây (?!)
Để làm rõ thực hư, qua nhiều nguồn tin, phóng viên Báo Người Lao Động đã tìm gặp được người quay clip kể trên. Đó là một thanh niên có thể hình tương đối cứng cáp, từ tỉnh khác đến thuê trọ tại khu vực xảy ra sự vụ trên để làm việc. Khi biết phóng viên tìm đến vì clip của mình tung lên mạng, thanh niên này tỏ ra khá lo lắng, bối rối. Theo anh này, hơn 23 giờ 30 phút ngày 8-3, anh thấy một cô gái chạy trên đường Huỳnh Văn Lũy (TP Thủ Dầu Một) liên tục kêu cứu. Một người đàn ông đuổi theo cô gái và liên tục đánh. Sau đó, người đàn ông kẹp cổ, đưa cô gái lên xe rồi chở đi. "Tối đó, tôi thấy cô gái kêu cứu và bị đánh khá lâu nhưng không dám can thiệp vì người đàn ông to lớn, hung dữ" - thanh niên quay clip giãi bày.
Ngoài thanh niên quay clip "làm lơ" tình cảnh của cô gái thì nội dung trong clip cũng cho thấy cô gái vừa chạy trên đường vừa kêu gào, van xin những người chạy xe máy trên đường hãy chở mình tẩu thoát. Cô nói: "Cô ơi chở con đi với!", "Cứu em với anh ơi!"… Thế nhưng, đáp lại lời kêu cứu thảm thiết của cô gái là nỗi lo sợ của nhiều người khi thấy đối tượng nam truy đuổi cô chạy xe máy áp tới. Vừa dựng xe máy xong, đối tượng này phi thẳng vào người cô gái và đánh cô. Khi nạn nhân nằm xuống đường, đối tượng chạy vào lề lấy vật cứng (nghi là cục đá - PV) ném về phía cô gái.
Chưa hết, ở một đoạn clip ngắn khác, đối tượng này liên tục dùng mũ bảo hiểm đánh cô gái và chửi tục, kèm theo đó là yêu cầu: "Ði về", "Mày đừng đùa với tao". Trong khi đó, cô gái thì liên tục kêu than: "Đừng đánh nữa mà", "Ðừng đánh em", "Em đau quá". Thấy tình cảnh cô gái tội nghiệp đến như vậy nhưng không ai dám can ngăn.
Cô gái bị đánh, kêu cứu trên phố nhưng không ai dám can ngăn hay cứu giúp. (Ảnh cắt từ clip)

Sau khi clip trên xuất hiện ở mạng xã hội và trên Báo Người Lao Ðộng, nhiều bạn đọc cho rằng những thanh niên cầm điện thoại quay clip quá vô cảm. Bạn đọc Lê Thanh Hà nói: "Sao không xông ra can ngăn cứu cô gái. Tại sao chỉ núp quay clip, có phải muốn tạo clip hot để kiếm like? Ảo quá. Vô cảm quá!". Bạn đọc Lê Quân nói: "Bức xúc với kẻ hành hung cô gái nhưng cũng giận sôi gan với người quay clip. Tại sao không ra tay cứu người mà đứng quay phim một cô gái bị đánh thậm tệ ngay ngày tôn vinh phụ nữ 8-3?".
Đừng quên lưu số công an
"Mấy ông cứ làm anh hùng bàn phím. Thử đặt vào hoàn cảnh đó, mấy ông có dám can thiệp không. Lớ ngớ bị đánh, bị giết chứ chẳng chơi" - bạn đọc Lê Văn Thành phản biện những ý kiến chỉ trích người quay clip trong vụ việc trên. Vậy ứng phó như thế nào là khôn khéo, hợp tình?
Anh Trần Phước Lộc (sống tại TP Thủ Dầu Một, từng hàng trăm lần ra tay nghĩa hiệp cứu người) nói trong trường hợp trên, thay vì quay clip, người thanh niên nên bấm máy gọi công an. Thực tế là rất nhiều người dân quên lưu số công an phường nơi mình cư trú nên gặp tình huống khẩn cấp không biết ứng phó thế nào cho khôn khéo. Ngoài ra, anh Lộc còn kể anh gặp rất nhiều người vô cảm trên phố. "Có nhiều vụ tai nạn giao thông, nạn nhân đang nguy kịch, tôi vẫy taxi, nhờ người có ôtô chở nạn nhân đi nhưng bị từ chối" - anh Lộc kể.
Theo luật sư Bùi Quốc Tuấn (Ðoàn Luật sư TP HCM), thực tế trên mạng có khá nhiều clip quay cảnh đánh nhau, thậm chí nạn nhân đang nguy kịch vì tai nạn giao thông nhưng người dân không ứng cứu mà chỉ đứng quay clip. "Sự vô cảm khiến con người ta thờ ơ, làm ngơ trước những điều xấu xa hoặc nỗi bất hạnh, không may của những người sống xung quanh mình. "Căn bệnh" này đang có chiều hướng lan rộng trong xã hội do nhiều nguyên nhân: môi trường sống, ích kỷ, sợ liên lụy..." - luật sư Tuấn nhận định.
Do đó, theo luật sư Bùi Quốc Tuấn, để tránh xảy ra những vụ việc đáng tiếc tương tự thì ngay từ bây giờ, gia đình, nhà trường và các cơ quan truyền thông cần tăng cường giáo dục về các kỹ năng sống, trong đó có việc đối phó với các tình huống diễn ra trên đường như khi gặp tai nạn thì báo cho ai, cách sơ cứu người bị nạn như thế nào là phù hợp. 
Không cứu người cũng có thể bị tù
Điều 132 Bộ Luật Hình sự hiện hành quy định người nào thấy người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, tuy có điều kiện mà không cứu giúp dẫn đến hậu quả người đó chết thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm... Phạm tội dẫn đến hậu quả 2 người chết trở lên thì bị phạt tù từ 3-7 năm...
Theo Luật Giao thông đường bộ, tổ chức, cá nhân không cứu giúp người bị tai nạn giao thông khi có yêu cầu, có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định 171/2013/NÐ-CP.
TRÚC LY (Người lao động)

1 comment:

  1. Chúng ta cần lên án mạnh mẽ những người vô cảm như vậy

    ReplyDelete