2019/03/04

Thắm đượm nghĩa tình quân dân nơi biên cương


Trên dãy Trường Sơn hùng vĩ qua huyện biên giới A Lưới (tỉnh Thừa Thiên - Huế) và huyện Kà Lùm, tỉnh Sê Kông (nước bạn Lào), thời gian qua những người lính mang quân hàm xanh luôn gắn bó keo sơn với người dân, cùng chung sức xây dựng biên cương hòa bình, hữu nghị.



Ðổi thay giữa đại ngàn
Chúng tôi cùng những cán bộ, chiến sĩ Ðồn Biên phòng Nhâm (huyện A Lưới) đến bản Sê Sáp, huyện Kà Lùm, tỉnh Sê Kông của nước bạn Lào vào một ngày đầu xuân. Trung tá Hồ Văn Hà, Ðồn trưởng Ðồn Biên phòng Nhâm cho biết: “Ở vị trí các anh đang đứng có thể nhìn thấy bản Sê Sáp nằm cheo leo ở bên kia núi. Từ đây sang đó khoảng 5 km, nhưng vì hôm qua mới mưa lớn, đường đất lầy lội nên không phương tiện nào đi lại được, chỉ còn cách đi bộ thôi”.
Theo con đường đèo núi, khe suối heo hút, chúng tôi lội bộ cả giờ đồng hồ mới có mặt tại bản Sê Sáp. Từ vùng đất khô cằn, nay bản Sê Sáp phủ một mầu xanh của những đồng lúa, ngô trải dài, những ngôi nhà mái tôn xanh mới mọc lên vững chắc, đèn điện đã sáng lên trong mỗi gia đình. Bà con dân bản đã tự lập hơn, biết chăn nuôi, trồng trọt, đời sống ngày càng nâng cao. Trưởng bản Sê Sáp, ông Sum Mây kể: “Trước đây dân mình khổ lắm, cứ du canh du cư, đốt nương làm rẫy, mà cái đói, cái rét cứ bám lấy. Từ khi các anh BÐBP Việt Nam sang xây nhà, dạy nhân dân cách trồng trọt, chăn nuôi, xây trường học, khám, chữa bệnh… cho nên cuộc sống của dân bản, giờ đã ổn định hơn nhiều”.

Chiến sĩ Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên - Huế tham gia xây dựng nông thôn mới tại huyện A Lưới

Bản Sê Sáp trước kia nằm trong rừng sâu. Ngày đó, nhân dân sống du canh, du cư. Ðói, nghèo, bệnh tật đe dọa đến sự tồn vong. Trước tình hình đó, năm 2014, BÐBP tỉnh Thừa Thiên - Huế phối hợp lực lượng chức năng nước bạn, đưa người dân bản Sê Sáp ra sống ở vị trí hiện nay. Hàng chục cán bộ, chiến sĩ BÐBP được điều động sang Sê Sáp cùng dân bản xây dựng 45 căn nhà, giúp 45 gia đình ổn định cuộc sống. BÐBP bám sát nhân dân, hướng dẫn kỹ thuật để bà con canh tác nông nghiệp cho năng suất cao hơn, từng bước đẩy lùi cái đói, cái nghèo, tuyên truyền để họ từ bỏ mê tín dị đoan, tập tục lạc hậu. “Từ khi có BÐBP Nhâm sang dựng nhà, cho con giống, vật nuôi, hướng dẫn bà con cách chăm sóc, đến nay bản mình đã khởi sắc. Bây giờ, bản mình đã có điện chiếu sáng, trẻ em được cắp sách đến trường...” - Chị Nang Tụt, người dân bản Sê Sáp tâm sự.
Rời bản Sê Sáp, chúng tôi đến bản Ka Lô, huyện Kà Lùm, tỉnh Sê Kông, nơi có 64 hộ gia đình đang sinh sống. Cây cầu bắc qua suối Ka Lô nối với con đường bê-tông chạy xuyên qua bản như dải lụa mềm. Hai bên đường là những ngôi nhà lợp tôn xanh, đường điện được Việt Nam giúp đỡ xây dựng. Vùng đất này đã có sự thay đổi lớn lao. Trưởng bản Kê Oil hồi ức về Ka Lô của 10 năm trước. Lúc đó, Ka Lô chỉ có hơn 40 hộ dân với gần 200 nhân khẩu thuộc đồng bào dân tộc Cơ Tu, nằm gọn giữa đại ngàn hoang vu. Bản làng được hình thành do những gia đình di cư ở nhiều nơi đến, nằm cách xa trung tâm huyện Sê Kông nhiều ngày đường. Cuộc sống người dân phụ thuộc hoàn toàn vào việc làm nương, làm rẫy, săn bắt thú rừng nên rất khó khăn, thiếu thốn. Họ phải sống trong những ngôi nhà tạm bợ, trẻ em không được học hành, thiếu ăn triền miên, bệnh tật hoành hành.
Theo Thượng tá Nguyễn Ðình Minh, Chính trị viên Ðồn Biên phòng Cửa khẩu A Ðớt, bản Ka Lô cách cửa khẩu A Ðớt, huyện A Lưới (Thừa Thiên - Huế) khoảng 9 km, đồng bào hai bên biên giới có mối quan hệ khăng khít. Những lúc thiếu đói, đồng bào thường đi lại chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau. Cán bộ, chiến sĩ BÐBP tại A Lưới đã vượt rừng, vận chuyển gần 70 tấn gạo sang giúp đỡ dân bản Ka Lô những mùa giáp hạt. Vấn đề xây dựng bản Ka Lô thoát nghèo bền vững được các cơ quan, ban, ngành tại hai tỉnh Thừa Thiên - Huế và Sê Kông đưa ra bàn luận trong những cuộc giao ban, hội đàm chung. Qua nhiều lần thảo luận, chính quyền tỉnh Sê Kông đã đề nghị tỉnh Thừa Thiên - Huế giúp đỡ, đưa bản Ka Lô thoát nghèo bền vững.
Xác định muốn nhân dân thoát nghèo, trước hết cần giúp họ có những ngôi nhà kiên cố để ổn định cuộc sống, phát triển trồng trọt và chăn nuôi. Với quan điểm đó, lãnh đạo Bộ Chỉ huy BÐBP Thừa Thiên - Huế tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện kiên cố hóa nhà ở cho toàn bộ nhân dân bản Ka Lô. Ðề xuất được lãnh đạo tỉnh và Bộ Tư lệnh BÐBP thống nhất cao và giao cho lực lượng BÐBP Thừa Thiên - Huế trực tiếp đảm nhiệm. Năm 2009, cùng với việc xây dựng “Mái ấm biên cương” cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn biên giới Việt Nam - Lào, BÐBP tỉnh cử một tổ thợ sang giúp nhân dân bản Ka Lô làm nhà. Ngày làm nhà, đêm đến, những người lính Biên phòng Việt Nam tổ chức lớp học, do giáo viên Biên phòng Lào đứng lớp dạy chữ cho trẻ em. Quân y BÐBP Việt Nam được cử sang giúp bạn vận động nhân dân ngủ màn, ăn uống sinh hoạt vệ sinh, phòng tránh bệnh tật...
Trải qua 10 năm kiên trì, bền bỉ chăm lo của chính quyền và các lực lượng bảo vệ biên giới hai nước, cuộc sống vật chất, tinh thần của nhân dân bản Ka Lô đã đổi thay, tiến bộ. Sự đổi thay của bản làng giữa đại ngàn nước bạn trở thành một trong những minh chứng cho tình đoàn kết, hữu nghị son sắt, thủy chung của hai dân tộc Việt Nam - Lào.
Nhiều việc làm thiết thực
Ðồn Biên phòng Hương Nguyên đóng quân trên địa bàn biên giới huyện A Lưới, có nhiệm vụ quản lý, bảo vệ 22,54 km đường biên giới trải dài qua hai xã A Roàng và Hương Nguyên với tám cột mốc, 997 hộ dân, hơn 4.100 nhân khẩu, chủ yếu là dân tộc thiểu số. Ðời sống người dân còn gặp rất nhiều khó khăn do thời tiết, khí hậu khắc nghiệt. Thời gian qua, mô hình “Ao cá quân - dân”, “Cụ già neo đơn”, chương trình “Hũ gạo tình thương”, “Nâng bước em đến trường” được cán bộ, chiến sĩ tích cực hưởng ứng. Hiện nay, đơn vị đã hỗ trợ tám em học sinh có hoàn cảnh khó khăn được tiếp bước đến trường. Mỗi em được hỗ trợ 500 nghìn đồng/tháng, kéo dài từ lớp 1 đến lớp 12; sáu gia đình được hỗ trợ trong mô hình “Hũ gạo tình thương” với mức hỗ trợ 60 kg gạo/ tháng.
Trung tá Hồ Viết Hải, Chính trị viên Ðồn Biên phòng Hương Nguyên chia sẻ: “Chúng tôi xác định, muốn hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới trong mọi tình huống, phải dựa vào dân, phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân. Vì thế, chúng tôi giao cụ thể cho từng đội rà soát từng hộ dân có hoàn cảnh khó khăn, qua đó đề xuất những phương án hỗ trợ kịp thời để đồng bào phát triển kinh tế, ổn định đời sống. Ðó cũng là một trong những tiêu chí quan trọng trong phong trào thi đua của đơn vị”.
Chúng tôi đến thăm mô hình “Ao cá quân - dân” của ông Quỳnh Ninh ở thôn Ka Lô, xã A Roàng, huyện A Lưới. Ðôi tay vẫn thoăn thoắt thả từng nắm cỏ cho cá, ông Ninh cho biết: “Cách đây vài năm, gia đình tôi là một trong những hộ khó khăn nhất của thôn. Vợ chồng tôi già yếu, đất để hoang, không trồng trọt được. Năm 2014, Ðồn Biên phòng Hương Nguyên hướng dẫn, giúp gia đình chuyển đổi gần một héc-ta đất bỏ hoang thành ao nuôi cá, hỗ trợ ngày công, con giống và kỹ thuật nuôi. Một năm tôi thu hoạch hai đợt, gia đình tôi không còn lo bị đói vào những lúc giáp hạt nữa”.
Với phương châm “bốn cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc, cùng nói tiếng đồng bào các dân tộc vùng biên giới), lực lượng BÐBP đã đóng vai trò chủ đạo trong việc giúp đỡ người dân vùng biên giới. Bằng kiến thức và sự am hiểu địa bàn, thực hiện khẩu hiệu “Ðồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”, cán bộ chiến sĩ Ðồn Biên phòng Hương Nguyên thường xuyên kiểm tra, rà soát số hộ nghèo trên địa bàn, tìm nguyên nhân dẫn đến đói nghèo, từ đó đưa ra giải pháp giúp người dân vươn lên xóa đói, giảm nghèo bền vững. Ông Căn Níu ở thôn A Roàng 2, xã A Roàng là một trong sáu gia đình được Ðồn Biên phòng Hương Nguyên hỗ trợ. Ông Níu chia sẻ: “Tôi năm nay ngoài 80 tuổi, đau ốm triền miên. BÐBP đã hỗ trợ tiền, gạo và khám, cấp thuốc thường xuyên nên tôi không phải lo từng bữa ăn, sức khỏe ngày càng ổn định”.
Cùng với sự quan tâm của chính quyền địa phương, sự đồng lòng của nhân dân, những việc làm thiết thực của các chiến sĩ Ðồn Biên phòng Hương Nguyên đã giúp đời sống của đồng bào trên địa bàn đơn vị quản lý ngày càng ổn định. Phó Chính ủy BÐBP tỉnh Thừa Thiên - Huế, Thượng tá Phạm Tùng Lâm chia sẻ, trong thành tích chung của lực lượng biên phòng, có đóng góp quan trọng từ việc nhân dân đã nêu cao tinh thần cảnh giác, tích cực đấu tranh tố giác tội phạm và tham gia tự quản đường biên giới. Tình cảm giữa những người lính mang quân hàm xanh với đồng bào vùng biên giới ngày càng keo sơn. Trên mảnh đất biên cương, người dân và các chiến sĩ biên phòng đang gắn bó, sát cánh ngày đêm bảo vệ vững chắc chủ quyền của Tổ quốc.
Bài và Ảnh: Công Hậu-Võ Tiến (Nhân dân)

1 comment: