Suy thoái đạo đức, lối sống có thể xảy ra và diễn biến ở mọi lúc, mọi nơi, ngay trong mỗi con người thông qua những hành vi bất minh. Nhưng để “điểm mặt, chỉ tên” nó lại là việc không dễ dàng. Phương thuốc hữu hiệu để phòng ngừa, khắc chế suy thoái đạo đức, lối sống là đề cao tự phê bình và phê bình, thực hiện hiệu quả, thực chất công tác kiểm tra, giám sát…
Mối nguy từ những hành vi bất minh
Những vụ việc vi phạm Điều lệ Đảng, vi phạm pháp luật Nhà nước của một số cán bộ, đảng viên (CB, ĐV), tổ chức đảng các cấp được xử lý nghiêm minh, công khai thời gian gần đây cho thấy, suy thoái đạo đức, lối sống không chỉ xảy ra ở phạm vi cá thể, cục bộ, mà nó thực sự là nguy cơ với mọi tổ chức đảng, đơn vị, địa phương. Nhiều vụ việc gây hậu quả nghiêm trọng đã được các cơ quan thực thi pháp luật từ Trung ương đến địa phương khởi tố vụ án, khởi tố bị can, xử lý nghiêm minh trước công luận. Thực tế này chứng minh tính nghiêm minh của kỷ luật Đảng, pháp luật Nhà nước, thể hiện quyết tâm phòng, chống tiêu cực, phòng, chống tham nhũng với tinh thần quyết liệt, không có vùng cấm của Đảng và Nhà nước ta. Tính nghiêm minh, quyết liệt và hiệu quả công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng góp phần chấn hưng văn hóa, đạo đức trong Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị, củng cố niềm tin trong nhân dân. Hiện thực ấy cũng chứng minh các nghị quyết, chỉ thị, quy định… của Đảng, nhất là Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng từng bước được hiện thực hóa, phát huy hiệu quả trong cuộc sống.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Theo dõi diễn biến các vụ việc vi phạm điều lệ và các quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước của một bộ phận CB, ĐV, tổ chức đảng, trong đó có những cán bộ từng giữ trọng trách trong Đảng, chúng ta đều thấy: Nguyên nhân sâu xa của những vụ việc đều bắt nguồn từ những hành vi bất minh. Đi từ không đến có, từ nhỏ đến lớn, từ ít đến nhiều, từ đơn lẻ đến hệ thống… Những hành vi bất minh là căn nguyên đưa các đối tượng trượt dần và trượt dài trong chuỗi suy thoái đạo đức, lối sống. Bắt đầu có thể là những món quà biếu, là những mối quan hệ qua lại không trong sáng, tiếp đến là sự nâng đỡ, thiên vị, bao che, hình thành lợi ích nhóm, cấu kết với nhau vi phạm pháp luật, gây tổn hại nghiêm trọng đến tài sản Nhà nước và nhân dân, đến uy tín của Đảng. Khi các hành vi bất minh phát triển thành hệ thống, các đối tượng vi phạm sẽ tìm mọi cách che dấu chứng cứ, dùng thủ đoạn đối phó với cơ quan chức năng. Từ lợi ích kinh tế, dần dần phát triển thành tư tưởng đối lập, đi ngược lại đường lối, chủ trương của Đảng. Nếu không bị phát hiện, xử lý nghiêm minh, những nhóm lợi ích này sẽ phát triển, chui sâu, trèo cao trong hệ thống chính trị, đe dọa sự tồn vong của chế độ.
Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII của Đảng đã chỉ rõ nguy cơ này: “Suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống dẫn tới "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" chỉ là một bước ngắn, thậm chí rất ngắn, nguy hiểm khôn lường, có thể dẫn tới tiếp tay hoặc cấu kết với các thế lực xấu, thù địch, phản bội lại lý tưởng và sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc…”. Nghị quyết cũng chỉ rõ 9 biểu hiện cụ thể của “căn bệnh” suy thoái đạo đức, lối sống. Soi chiếu những điều trong nghị quyết vào thực tiễn cuộc sống hiện nay, chúng ta thấy, ở bất cứ tổ chức đảng, đơn vị, địa phương nào, thậm chí ngay trong mỗi CB, ĐV cũng đều có nguy cơ xảy ra, mắc phải hoặc đã tồn tại một trong những biểu hiện ấy ở những mức độ khác nhau. Nói như vậy để thấy tính chất nguy hiểm của suy thoái đạo đức, lối sống và đòi hỏi cấp bách phải chấn hưng văn hóa, đạo đức trong Đảng.
Có thể thấy, hành vi bất minh trong các mối quan hệ của CB, ĐV giống như loại vi-rút nguy hiểm ký sinh trên cơ thể người. Nó phát triển và lây lan rất nhanh. Khi sức đề kháng của cơ thể yếu, nó sẽ gây ra những căn bệnh nan y, hủy hoại sự sống của chính chúng ta…
Tư duy “làng Vũ Đại” và vai trò tự phê bình, phê bình, kiểm tra, giám sát
Các biểu hiện và nguyên nhân của suy thoái đạo đức, lối sống được nghị quyết của Đảng chỉ ra, nhưng trên thực tế, để “điểm mặt, chỉ tên” nó lại không hề là việc dễ dàng. Đời sống văn học Việt Nam có câu chuyện cố nhà văn Nam Cao kể về anh Chí Phèo ở làng Vũ Đại. Chí Phèo chửi trời, chửi đời, chửi cả làng Vũ Đại nhưng chẳng ai quan tâm. Người làng Vũ Đại ai cũng cho là mình vô can, đứng ngoài cuộc...
Chuyện ở làng Vũ Đại trong văn học Việt xảy ra đã gần 7 thập kỷ, nhưng tư tưởng văn học của cụ Nam Cao thì vẫn nguyên tính thời sự. Xem ra trong cuộc sống, sinh hoạt, thực hiện chức trách, nhiệm vụ của CB, ĐV hiện nay, không ít người vẫn có tư duy rằng, suy thoái đạo đức, lối sống diễn ra ở đâu, ở ai đó chứ không phải mình, không phải tổ chức đảng nơi mình sinh hoạt. Dù Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII đã được quán triệt, triển khai đến các chi bộ, nhưng vẫn có kiểu tư duy phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” là việc của Trung ương, việc “quốc gia đại sự”, chả liên quan đến bản thân và gia đình mình. Khi hành vi, vụ việc sai trái chưa bị phát hiện, bản tự kiểm điểm đảng viên của những cá nhân sai phạm đó vẫn “sáng”, báo cáo tổng kết của tổ chức đảng nơi có CB, ĐV sai phạm vẫn đầy thành tích, còn khuyết điểm thì chỉ nêu chung chung. Chỉ khi các vụ việc tiêu cực bị đưa ra ánh sáng mới thấy, hóa ra những sai phạm ấy đã có từ lâu. Nếu những hành vi bất minh được phát hiện, ngăn chặn kịp thời, chắc chắn sẽ không xảy ra hậu quả đáng tiếc. Vấn đề này đã được Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII chỉ rõ, đó là tình trạng: “Che giấu khuyết điểm, thổi phồng thành tích, "đánh bóng" tên tuổi; thích được đề cao, ca ngợi; "chạy thành tích", "chạy khen thưởng", "chạy danh hiệu"…
Suy thoái đạo đức, lối sống không phải là những vấn đề trừu tượng mà nó biểu hiện thông qua hành vi, lối sống hằng ngày. Cái khó để phát hiện, xử lý là đối tượng có hành vi bất minh luôn tìm cách che giấu, ngụy trang bằng những hình thức, thủ đoạn tinh vi. Đảng viên trong chi bộ, tổ đảng dù biết nhưng vì kiểu tư duy “làng Vũ Đại” nên thường chọn cách im lặng, né tránh, không lên tiếng. Đó chính là thái độ: “Quan liêu, xa rời quần chúng, không sâu sát cơ sở, thiếu kiểm tra, đôn đốc, không nắm chắc tình hình địa phương, cơ quan, đơn vị mình; thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm…”.
Để khắc phục tình trạng trên, trong các nhóm nhiệm vụ, giải pháp, Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII đã nhấn mạnh công tác tự phê bình và phê bình và vai trò kiểm tra, giám sát: “Xây dựng quy định tự phê bình và phê bình, khắc phục tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm và bảo vệ người thẳng thắn, dám đấu tranh”. Đó là những yêu cầu bắt buộc phải làm trong thực hiện nền nếp, chế độ sinh hoạt Đảng. Những hành vi bất minh, biểu hiện tiêu cực cần phải được phát hiện, ngăn chặn thông qua sinh hoạt tự phê bình và phê bình. Để sinh hoạt đi sâu vào chất lượng thực chất, nghị quyết yêu cầu cách làm, phải: “Cấp trên gợi ý kiểm điểm và trực tiếp dự, chỉ đạo ở những nơi có vấn đề phức tạp, nơi có biểu hiện suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa". Đây chính là bước đột phá nhằm khắc phục tình trạng khoán trắng cho cấp dưới, sinh hoạt qua loa, chiếu lệ, đối phó, làm cho có. Tự phê bình và phê bình là hai mặt của một vấn đề. Muốn phê bình đi vào thực chất thì tự phê bình phải trung thực. “Chìa khóa” để tự phê bình trung thực chính là: “Hằng năm, người đứng đầu và từng CB, ĐV có cam kết rèn luyện, giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống, không suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa".
Tự phê bình và phê bình theo các giải pháp nêu trên sẽ giúp CB, ĐV, tổ chức đảng “điểm mặt, chỉ tên” các hành vi bất minh, biểu hiện tiêu cực ngay từ gốc. Triển khai nghiêm túc giải pháp này giúp CB, ĐV không thể đứng ngoài cuộc, không được phép im lặng, thờ ơ trước các biểu hiện tiêu cực, sai trái. Cùng với đó, Đảng ta đề cao vai trò kiểm tra, giám sát. Trước hết, công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện cam kết của CB, ĐV ở địa phương, cơ quan, đơn vị mình.
“Chặt cành để cứu cây, chặt cây để cứu rừng”
Một trong những giải pháp được Đảng ta thực hiện nghiêm túc, kịp thời và hiệu quả trong thời gian qua chính là việc xử lý kỷ luật, kiên quyết loại bỏ những thành phần suy thoái đạo đức, lối sống, gây hậu quả nghiêm trọng ra khỏi Đảng. Giải pháp: “Kiên quyết sàng lọc, miễn nhiệm, thay thế, cho từ chức đối với cán bộ làm việc kém hiệu quả, không hoàn thành nhiệm vụ, yếu về năng lực, kém về phẩm chất đạo đức, tín nhiệm thấp mà không chờ hết nhiệm kỳ, hết tuổi công tác, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý và người đứng đầu” đã được Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII nêu gương thực hiện. Quá trình sàng lọc với phương châm “Chặt cành để cứu cây, chặt cây để cứu rừng” đã góp phần làm trong sạch nội bộ Đảng, nâng cao tính chiến đấu và sức mạnh răn đe, củng cố kỷ luật trong Đảng, được nhân dân đồng tình, tin tưởng. Trong Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII, Đảng ta đã đề cập sâu sắc vai trò kiểm tra, giám sát của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức, đoàn thể, báo chí, nhất là sự giám sát của nhân dân; tận dụng thành tựu của khoa học công nghệ, thông tin truyền thông để nâng cao hiệu quả giám sát. Nhiều vụ việc tiêu cực liên quan đến một bộ phận CB, ĐV bị điều tra, xử lý thời gian qua có phần đóng góp to lớn từ vai trò giám sát, phát hiện của nhân dân.
Thói quen bắt nguồn từ hành vi. Thói quen xấu nếu để lâu ngày sẽ là vết nhơ của văn hóa, làm trì trệ, kìm hãm sự phát triển. Tư duy kiểu “làng Vũ Đại” không còn phù hợp với hiện thực cuộc sống và sự phát triển của đất nước trong thời hội nhập. Đạo đức, lối sống của CB, ĐV là tấm gương phản ánh diện mạo văn hóa dân tộc, văn hóa nhân dân. Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII và Quy định số 08/QĐi-TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng là hệ thống những giải pháp mang tính khoa học, biện chứng, từ tư tưởng đến hành động trong thực tiễn công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay. Hơn lúc nào hết, mỗi CB, ĐV, nhất là người đứng đầu ở các cấp, cần thấy rõ tính cấp thiết của việc chấn hưng văn hóa, đạo đức trong Đảng để đổi mới tư duy, tạo bước đột phá và chuyển biến ngay trong mỗi hành vi ứng xử và thực hiện nhiệm vụ, chức trách hằng ngày.
PHAN TÙNG SƠN (Quân đội nhân dân)
PHải xử lý nghiêm các cán bộ có sai phạm
ReplyDelete