Ngày 02-3-1919, tại Mát-xcơ-va, Quốc tế III (Quốc tế Cộng sản) - tổ chức cách mạng của giai cấp vô sản và các dân tộc bị áp bức trên thế giới - được thành lập. Chỉ tồn tại hơn 20 năm, song với những hoạt động sôi nổi và phong phú của mình, Quốc tế Cộng sản đã để lại những giá trị to lớn, không thể phủ nhận đối với phong trào cộng sản và công nhân quốc tế.
Thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga và sự ra đời, phát triển của nhiều đảng cộng sản trên thế giới là những tiền đề cơ bản, trực tiếp cho sự ra đời của Quốc tế Cộng sản, thể hiện yêu cầu khách quan, bức thiết của phong trào công nhân và cách mạng thế giới lúc bấy giờ. Quốc tế Cộng sản là sự kế tiếp hợp quy luật, phản ánh kết quả đấu tranh của phong trào cộng sản, công nhân quốc tế suốt hàng thế kỷ được soi sáng và dẫn dắt bởi học thuyết khoa học và cách mạng - chủ nghĩa Mác – Lê-nin. Sự ra đời và hoạt động của Quốc tế Cộng sản đã để lại những giá trị lịch sử không thể phủ nhận đối với phong trào cộng sản, công nhân quốc tế và phong trào cách mạng thế giới.
Tuy vậy, các thế lực thù địch và chủ nghĩa cơ hội, xét lại dưới mọi màu sắc vẫn ra sức xuyên tạc, công kích vào những tổ chức quốc tế của giai cấp công nhân - các tổ chức truyền bá, bảo vệ, phát triển và đưa chủ nghĩa Mác – Lê-nin vào thực tiễn cách mạng. Đặc biệt là, họ phủ nhận những giá trị của Quốc tế Cộng sản đối với phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Sự chống phá càng gia tăng sau khi chế độ xã hội chủ nghĩa theo mô hình Xô viết ở Liên Xô và các nước Đông Âu sụp đổ. Hiện nay, sự chống phá đó tiếp tục diễn ra quyết liệt khi các nước xã hội chủ nghĩa còn lại dù gặp nhiều khó khăn, thử thách, song vẫn kiên định con đường, mục tiêu chủ nghĩa xã hội, thực hiện đổi mới, cải cách và tiếp tục phát triển. Họ rêu rao rằng, Quốc tế Cộng sản cũng như chuyên chính vô sản ở Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa là chuyên chế cá nhân, là sự thống trị bằng bạo lực, tước đoạt quyền tự do cá nhân, vi phạm nhân quyền. Họ đổ lỗi cho Quốc tế Cộng sản đã đề ra chiến lược, sách lược sai lầm do dựa trên lý luận của chủ nghĩa Mác – Lê-nin, dẫn đến sự sai lầm của các đảng cộng sản và công nhân ở nhiều nước trong xác định đường lối đấu tranh và nhiệm vụ cách mạng. Họ cố tình phủ nhận tính cách mạng của Quốc tế Cộng sản, rằng đó không phải là tổ chức theo chủ nghĩa Mác – Lê-nin.
Vậy là, họ vừa đổ lỗi cho những sai lầm, hạn chế của Quốc tế Cộng sản vì tổ chức này là của chủ nghĩa Mác – Lê-nin; lại vừa đối lập về bản chất giữa Quốc tế Cộng sản với chủ nghĩa Mác – Lê-nin. Đây là sự xuyên tạc vô lối về bản chất, tính chất cách mạng của chủ nghĩa Mác – Lê-nin và Quốc tế Cộng sản, vì:
Thứ nhất, Quốc tế Cộng sản có công lao to lớn trong việc bảo vệ và phát triển chủ nghĩa Mác – Lê-nin. Ngay sau khi Ph. Ăng-ghen qua đời (năm 1895), các phần tử cơ hội, xét lại, phản bội chủ nghĩa Mác đã lên nắm quyền lãnh đạo và lũng đoạn Quốc tế II (1889 - 1914), đòi “hạ bệ chủ nghĩa Mác”; muốn thay chủ nghĩa Mác bằng hệ tư tưởng tư sản. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền hệ tư tưởng phản động trong phong trào cộng sản và công nhân; đưa ra luận thuyết ảo tưởng “hòa bình giai cấp” và chủ trương “chủ nghĩa tư bản hòa bình nhập vào chủ nghĩa xã hội”. Nguy hiểm hơn, họ còn công khai đứng về phía giai cấp tư sản - kẻ thù của giai cấp công nhân, ủng hộ cuộc chiến tranh đế quốc phi nghĩa, chống lại những người Bôn-sê-vích.
Năm 1919, Quốc tế Cộng sản ra đời đã đập tan những ảo tưởng đó của bọn cơ hội, xét lại. Những quan điểm tiến bộ, cách mạng, đứng vững trên lập trường mác-xít khoa học và cách mạng của Quốc tế Cộng sản đã từng bước lấn át, đẩy lùi, khắc phục những quan điểm “lầm đường, lạc lối” của phái “tả khuynh”, cơ hội, xét lại; giảm bớt tác hại cho phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Điều đó không những làm trong sạch phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, mà còn tạo điều kiện cho sự phát triển mới và đúng hướng của phong trào. Lịch sử ra đời và tồn tại của Quốc tế Cộng sản cũng đồng thời là lịch sử đấu tranh không ngừng nghỉ chống các phần tử cơ hội, xét lại dưới mọi màu sắc, để khẳng định, bảo vệ và phát huy những giá trị của chủ nghĩa Mác – Lê-nin trong thực tiễn. Đó là công lao to lớn đầu tiên của Quốc tế Cộng sản.
Thứ hai, Quốc tế Cộng sản đã kết hợp chủ nghĩa Mác – Lê-nin với phong trào công nhân trên phạm vi toàn thế giới. Với sự hoạt động của Quốc tế Cộng sản và V.I. Lê-nin, khẩu hiệu “Vô sản toàn thế giới liên hiệp lại!” của C. Mác đã được phát triển thành “Vô sản toàn thế giới và các dân tộc bị áp bức đoàn kết lại!”. Đó không chỉ thể hiện sự phát triển về mặt lý luận, mà còn phản ánh sự lớn mạnh của các lực lượng cách mạng, tiến bộ trong thực tiễn. Điều đó làm cho Quốc tế Cộng sản ngày càng phát triển, trở thành người lãnh đạo, là lãnh tụ của giai cấp vô sản và các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới. Từ khi thành lập Quốc tế Cộng sản đến khi tuyên bố tự giải tán (năm 1943), phong trào cộng sản, công nhân quốc tế và phong trào giải phóng dân tộc phát triển mạnh mẽ, có bước tiến dài, vững chắc. Sự hình thành, phát triển, tiến bộ về chính trị, tư tưởng và tổ chức của các đảng cộng sản theo lập trường của chủ nghĩa Mác – Lê-nin là dấu ấn nổi bật, thể hiện công lao không thể phủ nhận của Quốc tế Cộng sản.
Trong hơn 20 năm tồn tại và phát triển, Quốc tế Cộng sản đã tổ chức 7 kỳ đại hội. Qua mỗi kỳ đại hội, cuộc đấu tranh của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế ngày càng tiến bộ, trưởng thành. Một loạt đảng cộng sản, đảng công nhân ở nhiều nước đã ra đời, trực tiếp lãnh đạo và đưa phong trào cộng sản và công nhân quốc tế phát triển ở mỗi nước. Năm 1919, chỉ có 10 đảng cộng sản tham gia Quốc tế Cộng sản, đến năm 1921, con số này đã lên đến 48. Quốc tế Cộng sản hoạt động theo những nguyên tắc của chủ nghĩa Mác – Lê-nin. Trong tổ chức cũng như khi thảo luận thông qua các văn kiện về nhiệm vụ chiến lược, cương lĩnh, luôn bảo đảm đoàn kết, nhất trí, ngăn ngừa những phần tử cơ hội, hữu khuynh, phần tử “phái giữa” chống phá và chui vào tổ chức; bảo vệ sự đoàn kết, thống nhất và bản chất cách mạng của Quốc tế Cộng sản. Đó là yếu tố đảm bảo chắc chắn cho sự trong sạch, vững mạnh của các đảng cộng sản để các đảng đủ sức làm tròn sứ mệnh tiên phong lãnh đạo cách mạng.
Thứ ba, Quốc tế Cộng sản định ra chiến lược, sách lược đúng đắn cho phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, cũng như phong trào giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa. Minh chứng cho điều này là, Đại hội VII của Quốc tế Cộng sản thông qua cương lĩnh, kêu gọi nhân dân toàn thế giới kiên quyết đấu tranh chống phát-xít, ngăn chặn bàn tay đẫm máu của chúng. Đồng thời, đề ra các đối sách bảo vệ Liên Xô, bảo vệ thành trì cách mạng và nền hòa bình thế giới trước sự tấn công hủy diệt của chủ nghĩa phát-xít và nguy cơ chiến tranh thế giới xảy ra. Sự đối mặt của Quốc tế Cộng sản với chủ nghĩa phát-xít đã làm nổi bật tính chất cách mạng, nhân đạo, hòa bình và sự dũng cảm của tổ chức quốc tế này. Quốc tế Cộng sản cũng góp phần quyết định đến chất lượng bồi dưỡng, giáo dục các thế hệ cán bộ lãnh đạo của các đảng cộng sản, nhất là các đảng cộng sản trẻ tuổi và làm cho các đảng đó trở thành đảng kiểu mới của giai cấp công nhân. Dưới sự lãnh đạo của Quốc tế Cộng sản, các đảng cộng sản phát triển và trưởng thành về chính trị, tư tưởng và tổ chức; tích lũy được nhiều kinh nghiệm, giá trị trong đấu tranh cách mạng, chống chiến tranh đế quốc và phát-xít, vạch mặt bọn cơ hội, xét lại; bảo vệ và phát triển chủ nghĩa Mác – Lê-nin.
Quốc tế Cộng sản đã phát triển toàn diện vấn đề dân tộc, thuộc địa, vạch ra con đường, chiến lược đấu tranh cho các dân tộc thuộc địa, lệ thuộc; phối hợp hành động giữa phong trào cộng sản, công nhân quốc tế với cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc; tích cực giúp đỡ các dân tộc trong đấu tranh vì độc lập, tự do. Trọng tâm trong sự nghiệp của mình là Quốc tế Cộng sản đã rất quan tâm đến vấn đề cách mạng thuộc địa, nhìn rõ mối quan hệ giữa phong trào cộng sản, công nhân quốc tế và phong trào giải phóng dân tộc; ủng hộ phong trào đấu tranh của các dân tộc thuộc địa ở châu Á, châu Phi, châu Mỹ La-tinh, trong đó có Việt Nam; qua đó, góp phần làm gắn bó giữa cách mạng vô sản ở chính quốc với cách mạng thuộc địa. Cùng với sự chiếu rọi từ ánh sáng của Cách mạng Tháng Mười, sự quan tâm giúp đỡ của Quốc tế Cộng sản là nhân tố rất quan trọng làm thức tỉnh nhân dân các dân tộc thuộc địa, bị áp bức đứng lên chống đế quốc, thực dân, giành độc lập, đưa đất nước phát triển theo xu hướng mới. Đó vừa là thành tựu về thực tiễn, vừa là giá trị về tư tưởng, lý luận của Quốc tế Cộng sản.
Thứ tư, công lao, vai trò to lớn và giá trị trường tồn của Quốc tế Cộng sản trong lịch sử hiện đại sau Cách mạng Tháng Mười là không thể phủ nhận. Không thể lợi dụng sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội theo mô hình Xô viết mà cho rằng chủ nghĩa Mác – Lê-nin đã lỗi thời, lạc hậu; Quốc tế Cộng sản đã mất đi giá trị. Chính học thuyết này đã tạo nên những hiện thực làm biến đổi thế giới, thúc đẩy sự phát triển, tiến bộ của lịch sử hiện đại và có sức lôi cuốn, tầm ảnh hưởng sâu rộng toàn nhân loại. Sự tổn thất to lớn của chủ nghĩa xã hội từ gần 3 thập niên trước đã chứng minh rằng, đảng nào kiên định và đứng vững trên lập trường của chủ nghĩa Mác – Lê-nin, vận dụng sáng tạo vào thực tiễn, thì cách mạng thành công, đảng đó giữ được vai trò lãnh đạo. Mọi sự vi phạm những nguyên tắc cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lê-nin, thực hiện sai đường lối mà Quốc tế Cộng sản đã vạch ra, thì đều dẫn đến hậu quả nguy hại đối với chính sự tồn vong của đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa.
Cách mạng Việt Nam sớm trở thành một bộ phận của cách mạng thế giới do có sự ảnh hưởng và đóng góp to lớn của Quốc tế Cộng sản. Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tìm thấy con đường cứu nước đúng đắn cho nhân dân Việt Nam, thông qua đường lối và chương trình hành động của Quốc tế Cộng sản; tạo điều kiện thuận lợi cho những người Cộng sản Việt Nam nghiên cứu, khảo sát thực tế, học tập kinh nghiệm của các đảng cộng sản và phong trào cách mạng ở các nước. Đồng thời, tích cực giúp đỡ, chuẩn bị các điều kiện thuận lợi cho việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam; đào tạo cho cách mạng Việt Nam đội ngũ cán bộ vững vàng,… là những đóng góp to lớn của Quốc tế Cộng sản đối với cách mạng Việt Nam.
Kỷ niệm 100 năm Ngày thành lập Quốc tế Cộng sản, chúng ta một lần nữa khẳng định giá trị trường tồn của Quốc tế Cộng sản; tiếp tục phát triển chủ nghĩa Mác – Lê-nin và vận dụng sáng tạo vào thực tiễn, thúc đẩy cách mạng tiến lên, thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới. Đó là câu trả lời rõ ràng của chúng ta trước mưu đồ của các thế lực thù địch mưu toan chống phá, phủ định chủ nghĩa Mác – Lê-nin và giá trị to lớn của Quốc tế Cộng sản.
PGS, TS. NGUYỄN MẠNH HƯỞNG, ThS. NGUYỄN VĂN QUÝ (Tạp chí Quốc phòng toàn dân)
Bài viết rất hay và ý nghĩa
ReplyDelete