Trong vòng bốn năm, tập đoàn Pôn Pốt - Iêng Xari đã tàn sát gần 3 triệu người dân Campuchia vô tội, xóa bỏ hầu hết cơ sở vật chất và đẩy dân tộc Khmer trước thảm họa diệt vong.
Đối với Việt Nam, chúng xuyên tạc lịch sử, kích động thù hằn dân tộc, huy động hàng chục sư đoàn chủ lực cùng nhiều trung đoàn địa phương tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược biên giới nước ta. Đi đến đâu, chúng cũng tàn phá làng mạc, cướp bóc, giết hại dã man người dân, kể cả người già, phụ nữ, trẻ em; xâm phạm nghiêm trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam…
Kí ức đau thương…
Từ những năm 1972, tập đoàn phản động Pôn Pốt - Iêng Xari bắt đầu đánh chiếm rải rác vào một số địa phương vùng biên giới Tây Nam và đến năm 1977, 1978 chúng tập trung nguồn lực đánh dữ dội vào địa bàn tỉnh An Giang và Kiên Giang.
Với phương châm “giết sạch, đốt sạch, phá sạch”, chỉ tính riêng trong đêm 30-4, rạng sáng 1-5-1977, quân Pôn Pốt đã tấn công vào 14 xã biên giới của tỉnh An Giang, bắn chết trên 200 người, làm bị thương trên 600 người; đốt cháy trên 600 ngôi nhà, cướp phá trên 33.000 giạ lúa, hàng trăm trâu, bò, gia súc, hàng trăm máy móc, tàu ghe của nhân dân.
Nhà mồ Ba Chúc ở huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang – chứng tích tội ác diệt chủng của Pôn Pốt Iêng-Xari.
Trong những ngày đầu năm 2019, PV Báo CAND có dịp trở lại thị trấn Ba Chúc, tại đây nhà nhà treo cờ Tổ quốc để tưởng nhớ, biết ơn những CBCS đã hy sinh trong cuộc chiến bảo vệ biên cương Tổ quốc và những người dân vô tội bị giết hại bởi quân Pôn Pốt.
Ngược dòng thời gian, vào những ngày tháng 3 âm lịch năm 1978, bọn Pôn Pốt phát động cuộc chiến tranh cho quân tràn qua biên giới, trong đó Ba Chúc (cách biên giới Campuchia 7km - đường chim bay) là trọng điểm đánh phá của chúng.
Ông Nguyễn Văn Mến nhớ như in cuộc thảm sát đau thương cách nay 40 năm: “Vào ngày 16-3-1978 âm lịch (tức ngày 16-4 dương lịch - PV), khi lính Pôn Pốt tràn vào Ba Chúc, bà con nơi đây chỉ biết chạy vào chùa trú ẩn vì cứ ngỡ rằng chúng sẽ không giết người trước mặt Đức Phật. Một số khác lại nghĩ rằng, lính không giết dân thường. Thế nhưng, không ai có thể ngờ được rằng, loạt pháo vào chiều 17-3 (âm lịch) của lính diệt chủng Pôn Pốt đã nhắm thẳng vào hậu cung chùa Tam Bửu mà bắn. 50 người dân vô tội chết không toàn thây, gần 100 người khác bị thương nặng, máu loang đỏ cửa chùa, tiếng kêu la thảm thiết”.
Ông Mến và một số ít người khác thoát chết do trốn sau nhà bếp của chùa. Chưa dừng lại, sáng hôm sau, khi mùi thuốc súng vẫn còn nồng nặc, một toán lính khác đã tấn công vào chùa, bắt hơn 800 người dân đang ẩn nấp tại đây và xua ra đến cánh đồng Cầu Sắt và giồng Ông Tướng để thảm sát tập thể. Ðối diện với chùa Tam Bửu là chùa Phi Lai. Tại đây, lính Pôn Pốt đã xả súng bắn chết tại chỗ 80 người, 100 người khác hoảng sợ bỏ chạy cũng bị chúng dùng báng súng và dùi cui gỗ đánh đến chết, 40 người khác nấp dưới bàn thờ Phật cũng bị ném lựu đạn vào, chỉ còn duy nhất 1 người sống sót…
Chỉ 13 ngày đêm, vùng đất Ba Chúc nhỏ bé đã phải chịu đựng 30 lần tấn công của quân Pôn Pốt. Câu chuyện mang kí ức đau thương về trận thảm sát gia đình ông Ba Lê, cả nhà khoảng 50 người (gồm vợ, con, cháu…) vẫn còn như in trong những người dân vùng Ba Chúc. Để lánh nạn, gia đình ông Ba Lê đã chạy vào hang đá trên núi trốn nhưng bị Pôn Pốt giết sạch. Sau này, hang đó được người dân Ba Chúc đặt tên là hang Ba Lê.
Còn ông Huỳnh Văn Quốc (52 tuổi) giờ đây chỉ biết tưởng nhớ cha, mẹ và 7 người anh em bằng chiếc bàn thờ không di ảnh và lấy ngày 16-3 (âm lịch) hằng năm làm ngày giỗ chung. Theo lời ông Quốc, khi hay tin Pôn Pốt tràn vào Ba Chúc, cha mẹ dẫn 8 anh em lên núi Dài trốn.
“Sau mấy ngày thấy có bộ đội về đánh, tình hình lúc này tạm ổn, ăn cơm chiều xong, tôi bảo anh hai ra khỏi hang đánh cờ tướng nhưng anh hai không chịu đi. Do vậy, tôi đi một mình và khoảng 5 phút sau, Pôn Pốt giội bom trúng hang gia đình tôi ẩn nấp, các anh em và mẹ tôi chết tại chỗ. Còn cha tôi được người dân đưa về Tri Tôn điều trị nhưng 4 tháng sau cũng qua đời…” – ông Quốc nhớ lại.
Cuộc chiến bảo vệ biên giới Tây Nam và nghĩa vụ quốc tế
Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, cho biết: “Trước hành động gây hấn và mở rộng chiến tranh của kẻ địch, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã kiềm chế và kiên trì thực hiện chính sách hoà bình, hữu nghị với Nhà nước Campuchia Dân chủ, nhưng chúng ta càng kiềm chế, thì tập đoàn Pôn Pốt - Iêng Xari càng lấn tới, chúng ta buộc phải thực hiện quyền tự vệ chính đáng là đứng lên chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc và cùng với quân dân Campuchia đập tan chế độ diệt chủng...”.
Với các CBCS Hải quân Vùng 5, cuộc chiến đấu anh dũng trong chiến dịch đổ bộ đường biển Tà Lơn cách đây 40 năm vẫn luôn in đậm trong tâm trí các cựu quân nhân. Những trận đánh oai hùng, quyết liệt, những chiến sĩ can trường, dũng cảm đã góp phần vào thắng lợi chung của quân tình nguyện Việt Nam trước quân diệt chủng Pôn Pốt.
Đó là hình ảnh Tàu chiến 203 và 215 của Lữ đoàn 171 Hải quân, với những giờ phút chiến đấu ngoan cường, táo bạo, khiến các đợt phản kích của địch bị chặn đứng; Các Tiểu đoàn 863, 864, 863 thuộc Lữ đoàn 126 Hải quân, có những lúc bị địch bao vây, cô lập, nhưng vẫn kiên cường giữ vị trí, liên tục chiến đấu cả ngày lẫn đêm, giằng co với địch trên từng ụ súng... để đi đến thắng lợi; Hoặc hình ảnh của Trung úy Trần Văn Hóa, Ngành trưởng Tàu HQ - 07 bị thương nặng vẫn gượng dậy để chỉ huy bộ đội, trước lúc hy sinh, anh gửi gắm với đồng đội rằng: “Hãy chiến đấu để bảo vệ cho nhân dân”; Hay trường hợp của Khẩu Đội trưởng Nguyễn Văn Vĩnh bị mảnh đạn bắn xuyên vào chân và phải cắt bỏ nhưng vẫn ngồi trên mâm pháo chiến đấu cho đến trận cuối cùng; Binh nhất Bùi Văn Sáng mới chưa đầy một tuổi quân, một mình đánh lui và tiêu diệt hàng chục tên địch; Binh nhất Phạm Văn Đạm vừa làm nhiệm vụ vừa giữ vững thông tin liên lạc cho đơn vị, vừa chiến đấu tiêu diệt 6 tên địch, bảo vệ an toàn cho 21 đồng chí thương binh của ta…
Đại tá Đinh Quốc Khải, nguyên Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Kiên Giang (trước là Tỉnh đội Kiên Giang), nhớ lại: “Ngày 3-5-1975, tập đoàn phản động Pôn Pốt lợi dụng lúc ta vừa giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước còn nhiều khó khăn đã đưa quân đánh chiếm đảo Phú Quốc và sau đó một tuần lễ, chúng tiếp tục đánh chiếm đảo Thổ Chu, giết hơn 500 dân thường. Ngay sau đó, Tỉnh đội chủ động điều động lực lượng Bộ đội lên phòng thủ khu vực biên giới Hà Tiên và Tiểu đoàn 207 làm nhiệm vụ ở khu vực biên giới xã Vĩnh Điều (huyện Giang Thành) tiếp giáp với Campuchia. Và trận đánh đầu tiên của Bộ đội Kiên Giang với quân Pôn Pốt ngày 14-6-1975, chỉ trong một thời gian ngắn, quân ta đã giành thắng lợi, đẩy lùi ngay đợt tiến công của địch”.
Cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biên giới của quân dân Việt Nam vô cùng khốc liệt nhưng anh dũng. Cùng với đó, đáp lời kêu gọi của Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia, của nhân dân Campuchia, Đảng, Nhà nước, Quân đội và nhân dân Việt Nam đã thực hiện nghĩa vụ quốc tế cao cả cùng với các lực lượng vũ trang, nhân dân Campuchia đánh đổ chế độ diệt chủng Pôn Pốt, hồi sinh Vương quốc Campuchia.
Ông Nguyễn Hòa Hiệp (62 tuổi, hiện sinh sống tại ấp So Đũa, xã Vĩnh Hòa Hiệp, huyện Châu Thành, Kiên Giang) chia sẻ, những tháng ngày ở đất bạn Campuchia là những ngày khó quên và nhớ nhất trong cuộc đời quân ngũ của mình. Dù ngày 7-1-1979, là mốc lịch sử giải phóng thủ đô Phnôm Pênh, chiến thắng chế độ diệt chủng Pôn Pốt - Iêng Xari, ở Campuchia, thế nhưng tàn quân Pôn Pốt lui về các căn cứ dọc biên giới Thái Lan - Campuchia chốt giữ hòng xây dựng lực lượng đánh chiếm lại nên nhiệm vụ của quân tình nguyện Việt Nam là phải truy quét, tiêu diệt tận gốc mầm họa Pôn Pốt. Đây chính là thời gian ác liệt nhất và nhiều chiến sĩ, bộ đội quân tình nguyện, chuyên gia Việt Nam đã đổ xương máu trên chiến trường này.
Vùng “đất chết” hồi sinh
Nói về sự hồi sinh kì diệu của vùng đất Ba Chúc, ông Phan Văn Sương, Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn cho biết, trong chiến tranh biên giới Tây Nam, Tri Tôn có nhiều nơi bị thiệt hại 100% như: Lương Phi, Ba Chúc, Lạc Quới, Vĩnh Gia, Lê Trì… Khi đó giặc vào chiếm đóng nên dường như hủy hoại tuyệt đối cơ sở vật chất. Cuộc chiến đi qua, người dân Ba Chúc vẫn bám đất, giữ quê hương, mang sức người kiến thiết quê hương.
Ông Nguyễn Văn Sấm, Bí thư Đảng ủy thị trấn Ba Chúc chia sẻ, từ đống đổ nát, với nhiều nỗ lực của người dân, chính quyền địa phương, hiện nay Ba Chúc đã khởi sắc hơn về nhiều mặt.
Trong lĩnh vực giáo dục, từ một vùng quê miền núi có trình độ dân trí thấp, đến nay, thị trấn đã có Trường Mầm non đạt chuẩn phổ cập giáo dục cho trẻ 5 tuổi; Trường THPT Ba Chúc với tỷ lệ học sinh đậu tốt nghiệp 100% liên tục nhiều năm qua, khá nhiều học sinh đỗ vào các trường cao đẳng, đại học trong và ngoài tỉnh. Đến cuối năm 2018, số hộ nghèo của thị trấn chỉ còn 11% (469 hộ); thu nhập bình quân đầu người đạt gần 42 triệu/người/năm. Một thế mạnh khác của thị trấn trong tương lai là du lịch.
Hiện nay, Trung tâm Du lịch nông dân (thuộc Hội Nông dân tỉnh An Giang) đã phối hợp với địa phương tổ chức hình thức du lịch homestay tại thị trấn Ba Chúc. Cùng với đó, Ba Chúc được xem là vị trí “điểm nút” về giao thương hàng hóa, kết nối của các khu điểm du lịch nổi tiếng của miền Tây Nam bộ, như: TP Hà Tiên (Kiên Giang), khu du lịch Chùa bà Chúa Xứ Núi Sam, Núi Cấm (An Giang)… Vì thế, vùng đất này có đủ điều kiện để phát triển thương mại và kéo theo sự phát triển mạnh về dịch vụ…
Tại buổi Hội đàm cấp cao mới đây tại An Giang giữa hai Đoàn đại biểu cấp cao Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Mặt trận Đoàn kết phát triển Tổ quốc Campuchia, ngài Nhem Valy, Phó Chủ tịch thường trực, Tổng thư ký Hội đồng quốc gia Mặt trận Đoàn kết phát triển Tổ quốc Campuchia đã thay mặt Đoàn đại biểu cấp cao Hội đồng Quốc gia Mặt trận Đoàn kết phát triển Tổ quốc Campuchia nhắc lại quá trình đấu tranh của dân tộc Campuchia chống lại chế độ diệt chủng Pôn Pốt và biết ơn sự giúp đỡ của quân dân Việt Nam trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của Campuchia.
Ngài Nhem Valy khẳng định, thời gian tới, Mặt trận hai nước sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền để giúp các tầng lớp nhân dân hai nước nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa, tầm quan trọng của mối quan hệ thiêng liêng giữa hai dân tộc; nhất là Lễ kỷ niệm 40 năm Ngày chiến thắng chế độ diệt chủng tại Campuchia (7/1/1979-7/1/2019), để thấy rõ trách nhiệm gìn giữ và vun đắp hơn nữa cho quan hệ hai nước, góp phần cho sự ổn định và phát triển của 2 nước Việt Nam - Campuchia.
Trần Lĩnh (Công an nhân dân)
Tập đoàn Pôn Pốt - Iêng Xari đã tàn sát rất dã man người dân Campuchia vô tội, xóa bỏ hầu hết cơ sở vật chất và đẩy dân tộc Khmer trước thảm họa diệt vong; với Việt Nam, chúng xuyên tạc lịch sử, kích động thù hằn dân tộc, huy động hàng chục sư đoàn chủ lực cùng nhiều trung đoàn địa phương tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược biên giới nước ta. Do đó chúng ta phải chiến đấu bảo vệ những người dân vô tội
ReplyDelete