2019/01/12

FACEBOOK VẪN CHƯA THỰC SỰ NGHIÊM TÚC TUÂN THỦ PHÁP LUẬT VIỆT NAM

Những tưởng từ khi bắt đầu xây dựng cho đến khi Luật an ninh mạng chính thức có hiệu lực thì các công ty công nghệ lớn như Google hay Facebook sẽ thể hiện sự thiện chí cao của mình, phối hợp cùng với nước chủ nhà. Nhưng có vẻ như thực tế lại không được như vậy. 
         
FACEBOOK VẪN CHƯA THỰC SỰ NGHIÊM TÚC TUÂN THỦ PHÁP LUẬT VIỆT NAM
Ngày 09/01/2019, thông tin từ Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử - Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, hiện nay trang mạng xã hội Facebook đang có những vi phạm trên 3 lĩnh vực là quản lý nội dung thông tin, quảng cáo online, thuế và thanh toán xuyên biên giới. Dẫn chứng cụ thể cho kết luận này, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cho biết: “trên mạng xã hội Facebook đang cho phép tồn tại rất nhiều tài khoản cá nhân, Fanpage, nhóm có nhiều bài đăng với nội dung vu khống, chống phá chính quyền, bôi nhọ các cá nhân, tổ chức và cả cơ quan Nhà nước, có những Fanpage được lập ra để nói xấu, gây ảnh hưởng đến việc kinh doanh, gây thiệt hại về kinh tế cho các doanh nghiệp ở Việt Nam.” Đặc biệt nguy hiểm là việc facebook để cho những Fanpage phản động tồn tại và phát triển như: Tổ chức Việt Tân, Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời, Đào Minh Quân… mặc dù những tổ chức trên đã được Bộ Công an, Chính phủ Việt Nam xác định là tổ chức khủng bố và nhiều lần yêu cầu Facebook ngăn chặn những hoạt động thông tin trên Fanpage của những tổ chức khủng bố này ở Việt Nam.
          Ngoài ra, cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cũng nhắc đến một thuật ngữ mới có tên "Quảng cáo chính trị" trên Facebook. Tính năng mới này của Facebook cho phép người dùng mua quảng cáo để phát tán thông điệp đến một nhóm đối tượng nhất định, ở nơi nhất định, tiền mua quảng cáo thì Facebook sẽ thu, và đổi lại họ sẽ cho phép người mua đăng tất cả lên Facebook bất chấp nội dung. Không những thế, Facebook còn tiếp tay cho các tài khoản hoạt động rao bán, quảng cáo kinh doanh sản phẩm, dịch vụ bất hợp pháp tại Việt Nam trên nền tảng của mình như quảng cáo mua bán tiền giả, mua bán vũ khí các vật liệu cháy nổ, dịch vụ buôn bán mại dâm,… trong khi đây rõ ràng đều là các hành vi vi phạm pháp luật Việt Nam.
Về nghĩa vụ nộp thuế của các doanh nghiệp này, theo tính toán năm 2018, mức độ chi tiêu cho quảng cáo trực tuyến tại Việt Nam ước đạt 550 triệu USD, nhưng trong đó quảng cáo chi tiêu cho Facebook chiếm đến 235 triệu USD, còn Google chiếm 152,1 triệu USD (tổng 2 công ty chiếm khoảng 66,7%), các công ty quảng cáo của Việt Nam như VCCorp, Zing, 24H, VnExpress… chỉ chiếm khoảng 150 triệu USD, tương đương 33,3%. Nguồn thu rất lớn, nhưng thực tế Google và Facebook lại không đóng thuế tại Việt Nam.
          Rất nhiều những sai phạm của Google, Facebook được chỉ ra, và thực tế, đay không phải lần đầu mà cơ quan chức năng Việt Nam yêu cầu sự phối hợp từ Facebook khi nhận thấy công ty này đang vi phạm nghiêm trọng các điều luật, nghị định, thông tư mà Nhà nước Việt Nam đã ban hành. Tuy nhiên, Facebook không có ý định tuân thủ pháp luật của Việt Nam và tất cả chỉ dừng lại ở mức hứa hẹn suông.
Một nguyên nhân chính dẫn đến việc cơ quan chức năng khó giải quyết tình trạng này là mạng xã hội này là họ không có văn phòng đại diện tại Việt Nam và trong các hợp đồng khi đặt máy chủ thông qua các doanh nghiệp viễn không có điều khoản cam kết tuân thủ các quy định pháp luật Việt Nam. Đó chính là kẽ hở để mạng xã hội như Facebook liên tục vi phạm về luật pháp Việt Nam.
          Như vậy đến nay có thể thấy, Google hay Facebook vẫn chưa thực sự bày tỏ thiện chí cao, chưa thực sự nghiêm túc phối hợp với nước chủ nhà để hướng đến một sự hợp tác lâu dài giữa hai bên. Một mặt họ vẫn hứa hẹn tuân thủ nhưng chỉ ở mức hình thức gọi là cho có, nhưng mặt khác các công ty này vẫn đang tìm cách trốn tránh các trách nhiệm của mình. Họ chỉ hướng đến quyền lợi, vẫn thu lợi cho mình nhưng lại cố ý quên đi những nghĩa vụ phải thực hiện. 
          Thiết nghĩ, hiện giờ khi luật an ninh mạng của chúng ta đã chính thức có hiệu lực, các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh, làm mạnh tay hơn nữa công tác kiểm tra, rà soát cũng như đề nghị phối hợp với các công ty công nghệ đang kiếm lợi trên lãnh thổ Việt Nam, trường hợp nước chủ nhà không nhận được sự phối hợp nghiêm túc, có thiện chí của các vị khác, chúng ta hoàn toàn có đủ cơ sở pháp lý và khả năng để đưa ra những chế tài nặng hơn đối với họ. Không chỉ vì vấn đề thuế, mà để giải quyết triệt để tận gốc các hoạt động quảng cáo, xuyên tạc tràn lan trên mạng thì sự phối hợp chặt chẽ từ hai phía là thực sự cần thiết. Không có chuyện tự nhiên có người lạ vào Việt Nam ung dung vừa làm ăn, thu lợi hàng trăm triệu đô đã không hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế, mà đồng thời lại còn dung túng, tiếp tay cho những kẻ xấu thực hiện các hành vi phá hoại./.
                                            AN THIÊN

1 comment:

  1. FB muốn tồn tại ở Việt Nam thì phái chấp hành Luật An ninh mạng

    ReplyDelete