2018/10/15

Xây nhà hát 1.500 tỷ ở Thủ Thiêm: Số tiền không quá lớn sao người dân sôi sục phản ứng?

Một kỳ họp Hội đồng nhân dân (HĐND) bất thường bàn về chuyện rất bình thường là xây nhà hát giao hưởng, 100% đại biểu đồng tình thông qua Nghị quyết nhưng lòng dân sục sôi phản ứng, mạng xã hội tràn ngập lời giễu cợt, tranh biếm họa.

Ai cũng biết số tiền 1.500 tỷ đồng không phải lớn so với ngân sách TP HCM, nhà hát là thiết chế văn hóa cần thiết cho đô thị nhưng sự phản ứng tập trung vào 2 vấn đề là thời điểm và cách làm. Thủ Thiêm vẫn đang tan hoang đổ nát, những kiến nghị của thanh tra, những bức xúc của người dân khiếu nại vẫn còn nguyên đó. Nhìn rộng hơn, toàn thành phố, kẹt xe, ngập nước, bệnh viện Nhi quá tải vỡ trận đang là thời sự… thì ra Nghị quyết xây nhà hát là chưa hợp lý. 
Nhà hát 1500 tỷ sẽ được xây dựng tại Thủ Thiêm?

Nhiều nghệ sĩ đồng tình
Sau những phản ứng về phát biểu hớ hênh trước đây thêm Nghị quyết xây nhà hát giao hưởng ở Thủ Thiêm lần này có lẽ bà Nguyễn Thị Quyết Tâm đã ghi thêm điểm tuyệt đối để giữ kỹ lục là Chủ tịch HĐND bị người dân TP HCM phản ứng, phê phán. Thật ra, bà Quyết Tâm không phải là người đặt ra chủ trương mà chỉ thực hiện vai trò công bố một chủ trương được 100% đại biểu nhất trí. 
Song không chỉ có dư luận phản đối, cũng có nhiều ý kiến đồng tình nhất là trong giới ca sĩ, nhạc sĩ. Không chỉ có ca sĩ Mỹ Linh, Thanh Thúy mà nhiều nghệ sĩ cũng lên tiếng đồng tình bênh vực việc xây nhà hát. Nhạc trưởng Trần Vương Thạch - Giám đốc Nhà hát giao hưởng, nhạc và vũ kịch TP HCM cho hay trong 3 ngày qua ông đã biết phản ứng trái chiều từ dư luận khi chủ trương đầu tư Nhà hát giao hưởng 1.500 tỷ ở Thủ Thiêm được thông qua.
Theo nhận định của ông, có một số người lập luận về sự phung phí, lãng phí… khi nhà hát đi vào hoạt động nhưng đây là sự nhầm lẫn bởi đây là những giá trị văn hóa, không phải giá trị kinh doanh.“Trong thiết kế đô thị thì phải có hạng mục nhà hát, cũng giống như cuộc sống có cuộc sống vật chất và cuộc sống tinh thần” – nhạc trưởng Trần Vương Thạch nhận định.
NSƯT Tạ Minh Tâm, Phó Giám đốc Nhạc viện TP HCM cho rằng dự án nhà hát là món nợ mà cấp lãnh đạo cần phải trả cho nền âm nhạc TP bởi chủ trương xây dựng nhà hát giao hưởng đã có hơn 20 năm trước. “Phải hiểu rằng nhà hát là công trình phúc lợi cả về mặt vật chất lẫn tinh thần chứ không phải xây nên để cho có hay lãng phí tiền của của nhân dân. Nếu có điều kiện, tôi khuyến khích không chỉ xây một mà cần nhân rộng nhiều nhà hát trên địa bàn TPHCM”.
“Trong nhiều năm chúng ta bỏ tiền để xây vài chục bệnh viện, vài trăm trường học thì việc bỏ ra 1.500 tỷ để có một bộ mặt văn hóa mang ý nghĩa để đời liệu có là nhiều? Cũng như vấn đề bắn pháo hoa, mọi người tranh cãi về việc có lãng phí hay không, nhưng thực tế mỗi dịp lễ Tết từ xưa tới nay bất cứ ai cũng đều vui vẻ khi thưởng thức nó”, NSƯT Minh Tâm chia sẻ.
“Trách nhiệm của các lãnh đạo là làm thế nào để chứng minh cho người dân thấy mọi công tác xây dựng, quản lý và điều hành đều phải thật sự minh bạch, đúng tiến độ. Có như thế mới khiến người dân đồng tình, cảm thông và chia sẻ”, ông nói thêm.
Giới kiến trúc sư và quy hoạch: Cần nhưng chưa đúng lúc
Giới kiến trúc sư (KTS) và quy hoạch có cách nhìn bình tĩnh hơn, họ khẳng định việc xây dựng là cần nhưng chưa đúng lúc. KTS Ngô Viết Nam Sơn (hậu duệ của KTS Ngô Viết Thụ Khôi Nguyên La Mã người thiết kế Dinh Độc lập) từng tham gia quy hoạch phố Đông Thượng Hải đã phân tích những điểm yếu cơ bản của đề án xây nhà hát hiện nay về chuyên môn quy hoạch thiết kế.
Theo KTS Nam Sơn, tổng kinh phí dự trù hơn 1.500 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách TP để làm nhà hát là số tiền không phải ít. Ông cũng đặt ra câu hỏi về tính hiệu quả, mức độ cấp thiết của công trình đã được tính đến chưa: “Như tôi biết, hiện nay TP đang gặp khó khăn trong nguồn vốn từ ngân sách. Trong khi đó, nhiều dự án dân sinh cấp thiết hàng đầu như xây dựng hạ tầng giao thông đô thị, các dự án chống ngập đang thiếu vốn trầm trọng, chưa kể y tế, giáo dục…nhiều nơi còn thiếu, chưa đạt chuẩn”- ông Sơn thẳng thắn.
Theo KTS Nam Sơn, TP HCM đã quá nóng vội khi thông qua chủ trương đầu tư dự án công trình Nhà hát Giao hưởng Nhạc vũ kịch. Hiện công năng, hiệu quả của nhiều nhà hát tại TP vẫn chưa khai thác hết và các công trình xuống cấp có thể cải tạo, nâng cấp được: “TP hiện nay chưa có một nhà hát nào đạt chuẩn quốc tế. Việc xây dựng nhà hát tầm cỡ là cần nhưng chưa nhất thiết phải làm sớm, làm gấp như vậy”- ông Sơn nhấn mạnh.
Về vị trí và quy hoạch, KTS Nam Sơn cho rằng quy mô nhà hát 1.700 chỗ ở một khu đất hẹp là không đúng tầm với TP.HCM. Theo ông, đô thị lớn như TP HCM cần diện tích từ 2-3 ha trở lên, tạo thành khu biểu diễn nghệ thuật cao cấp, có cả trong nhà, ngoài trời, có đủ các bộ môn nghệ thuật biểu diễn. Nên chăng, TP cần cân nhắc lại quy hoạch để có quần thể nhà hát đa năng.
Bên cạnh đó, vị chuyên gia KTS cho rằng, vị trí được đề xuất xây dựng nhà hát tọa lạc ở khu đô thị Thủ Thiêm, hiện nay cơ sở hạ tầng vẫn chưa hoàn thiện. Do vậy, tính hiệu quả sẽ chưa cao. “Tôi nghĩ, việc cần thiết bây giờ là TP nên đầu tư chỉnh trang dọc hai bờ sông Sài Gòn, phát triển đại lộ ven sông để nâng tầm phát triển khu đô thị Thủ Thiêm.
Khi đô thị này phát triển ở một tầm cao mới, lúc đó việc xây dựng nhà hát tầm cỡ cũng không muộn. Ngoài ra, khu đô thị Thủ Thiêm phát triển thì việc đầu tư nhà hát cũng dễ dàng vì có thể kêu gọi nguồn vốn xã hội hóa từ các doanh nghiệp chứ không nhất thiết phải sử dụng vốn từ ngân sách”- TS Ngô Viết Nam Sơn đề xuất giải pháp. 
“Thực hiện cơ chế đặc thù”
Lý giải về sự việc này, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cho biết Kỳ họp HĐND TP thứ 10 vừa qua chủ yếu để đưa ra các Nghị quyết về cơ chế đặc thù theo Nghị quyết 54 của Quốc hội. Theo ông Phong, Nghị quyết 54 cho phép TP HCM được thực hiện các dự án đầu tư nhóm A. Đáng lý ra, những dự án như thế phải xin ý kiến Thủ tướng nhưng Nghị quyết đã giao quyền này cho HĐND TP. Trong các dự án nhóm A vừa rồi đã được thông qua có dự án đầu tư xây dựng công trình nhà hát giao hưởng.
Liên quan đến nhiều ý kiến cho rằng TP HCM nên dành 1.500 tỉ đồng để đầu tư các công trình phúc lợi cấp bách hơn như bệnh viện, chống ngập, xây cầu đường để giảm kẹt xe..., ông Phong khẳng định các công việc đó với xây nhà văn hóa hoàn toàn khác nhau. TP HCM là trung tâm kinh tế. Từ trước đến giờ, TP đã đầu tư rất nhiều vào hạ tầng giao thông cầu, đường, trường học, bệnh viện... nhưng về lĩnh vực văn hóa thì gần như không đáng kể. “Việc đầu tư như vậy chưa tương xứng giữa kinh tế và văn hóa” - ông Phong đánh giá.
Lãnh đạo TP HCM khẳng định tiếp: “Không phải vì đầu tư nhà hát mà TP phải dừng lại các công việc cấp bách nêu trên. Trước giờ, TP vẫn nỗ lực để đầu tư, cải thiện các vấn đề mà một đô thị lớn như TP HCM đang phải đối diện như kẹt xe, ngập nước, quá tải bệnh viện... nên nếu so sánh như vậy là thiếu khách quan”.
Ông Phong thông tin thêm, Thủ tướng cũng vừa đồng ý cho TP HCM xây 3 bệnh viện tại huyện Hóc Môn, huyện Củ Chi và quận Thủ Đức với tổng mức đầu tư 5.664 tỉ đồng. Ba công trình này vốn đầu tư từ ngân sách của TP HCM, dự kiến sẽ đưa vào sử dụng năm 2023 nhằm giảm tình trạng quá tải bệnh viện.
Lời bênh vực của các nghệ sĩ cũng như cách giải thích của ông Chủ tịch UBND TP bị đánh giá chưa ổn, chưa giải đáp được sự bức xúc của dư luận. Không ai phản đối chủ trương đầu tư cho văn hóa nhưng vấn đề là đầu tư lúc nào, ở đâu? Bước đi như thế nào? Hiện nay, sau kết luận của Thanh tra Chính phủ, Thủ Thiêm vẫn đang ngổn ngang những câu hỏi chưa lời đáp, sai phạm trong giải tỏa đền bù tới đâu? Ai chịu trách nhiệm về những sai phạm này? Đơn khiếu nại của hàng trăm người dân mất đất sẽ giải quyết ra sao? Quy hoạch Thủ Thiêm đang bị băm vụn, việc đột ngột đầu tư xây nhà hát như đổ dầu vào lửa, như là sự thách thức lòng dân.
Trên góc độ rộng hơn, việc ngập lụt, giao thông ách tắc, bệnh viện quá tải chưa được cải thiện, người dân TP đang phải sống trong điều kiện hết sức kém văn minh, kém an toàn. Cái người dân cần là một chương trình toàn diện cải thiện có hiệu quả những yếu kém tệ hại ấy trước khi tính đến những thiết chế văn hóa hàn lâm, xa vời với cuộc sống người dân. Không nên kể lể lê thê về những giá trị, những số tiền đã đầu tư như một công lao vì chất lượng của hoạt động đầu tư ấy quá kém so với chi phí bỏ ra.
Cơ chế đặc thù là một ưu quyền để chính quyền TP cải thiện đời sống cơ cực của người dân chứ không phải để lấp che bộ mặt thành phố bằng những mảng màu lòe loẹt.
Anh Kiệt  (Pháp luật Việt Nam)

No comments:

Post a Comment