Sau sự kiện Ban chấp hành Trung ương Đảng thống nhất 100% giới thiệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để Quốc hội bầu giữ chức vụ Chủ tịch nước, một số ý kiến gọi đây là "nhất thể hóa", tuy nhiên, TS. Nguyễn Sĩ Dũng cho rằng gọi "nhất thể hóa" là chưa chính xác, đang có sự nhầm lẫn.
Tại Hội nghị Trung ương 8 Khóa XII, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã thống nhất rất cao (100%) giới thiệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để Quốc hội bầu giữ chức vụ Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XIV khai mạc vào ngày 22.10 tới đây.
Tại Hội nghị Trung ương 8 Khóa XII, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã thống nhất giới thiệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để Quốc hội bầu giữ chức vụ Chủ tịch nước (Ảnh IT)
Ngày 6.10, chia sẻ về sự kiện này, TS. Nguyễn Sĩ Dũng - nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, việc giới thiệu Tổng Bí thư làm Chủ tịch nước là một bước tiến rất dài ở nước ta, để vượt qua mô hình tự chủ, kết hợp được những điều Hiến pháp quy định và những điều trên thực tế.
“Tôi thấy rằng việc Tổng Bí thư làm Chủ tịch nước là một xu thế lành mạnh và đi đúng hướng" – TS. Nguyễn Sĩ Dũng nói.
Theo TS. Nguyễn Sĩ Dũng, sau sự kiện Ban chấp hành Trung ương Đảng thống nhất 100% giới thiệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để Quốc hội bầu giữ chức vụ Chủ tịch nước, một số ý kiến gọi đây là "nhất thể hóa", tuy nhiên, ông Dũng cho rằng gọi "nhất thể hóa" là chưa hoàn toàn chính xác, đang có sự nhầm lẫn nhất định.
"Trong trường hợp Tổng Bí thư làm Chủ tịch nước, có nghĩa một người giữ cùng lúc hai chức vụ. Một lãnh đạo nhưng thực hiện đồng thời quyền hạn và trách nhiệm của Tổng Bí thư về mặt Đảng, đồng thời thực hiện quyền hạn và nhiệm vụ của Chủ tịch nước về mặt nhà nước. Do đó, trường hợp này không phải gộp quyền hạn, nhiệm vụ đó vào làm một"- TS. Nguyễn Sĩ Dũng bày tỏ.
Nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Sĩ Dũng cho rằng: Tổng Bí thư làm Chủ tịch nước là một xu thế lành mạnh, đúng hướng. Ảnh: Thành An
Bên cạnh đó, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, hiện chúng ta đang triển khai Bí thư Tỉnh ủy kiêm Chủ tịch HĐND; Bí thư huyện ủy, Bí thư Đảng ủy xã kiêm Chủ tịch UBND. Trên thực tế đây là tinh gọn bộ máy và có lẽ là bước đầu tiên để tiến tới nhất thể hóa. Đây là bước đi quan trọng.
“Tài năng đôi khi nằm ở chỗ vạch ra bước đi từ bên này sang bên kia sông chứ không phải là biết ở bên kia sông có gì. Tổng Bí thư được giới thiệu là Chủ tịch nước là một bước đi quan trọng và hợp thời” - nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nhấn mạnh.
Theo dòng chia sẻ, TS. Nguyễn Sĩ Dũng cho hay, trước khi mất, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã có lần mời ông và một số người trong ban nghiên cứu đến chơi và hỏi về “vấn đề lớn nhất của nước ta bây giờ là gì”, TS. Nguyễn Sĩ Dũng lúc đó đã trả lời: “vấn đề lớn nhất là hai nhà nước trong một nhà nước”.
Theo ông Dũng, thường ở các nước, quy trình chính trị để cầm quyền là quy trình của Đảng, quy trình lập pháp là của nhà nước. Đảng đưa ra đường lối để nhà nước theo đường lối đó. Khi giành được quyền rồi nhà nước định ra chính sách để theo đường lối của Đảng. Không thể lẫn lộn, nếu không sẽ có hệ lụy”.
Nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội bày tỏ, những lợi ích của việc Tổng Bí thư làm Chủ tịch nước là quá rõ, thể hiện cả trong Hiến pháp, vừa làm công tác lãnh đạo của Đảng, vừa làm công việc quản lý điều hành của nhà nước.
"Đây không phải là lần đầu tiên ở Việt Nam Tổng Bí thư làm Chủ tịch nước. Ở nước ta, sau khi ra đời Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ tối cao của Đảng đồng thời là Chủ tịch nước cho đến khi từ trần vào tháng 9.1969" - TS. Nguyễn Sĩ Dũng cho hay.
Thành An (Dân Việt)
No comments:
Post a Comment