Chiều 23/10, trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, đại biểu Vũ Trọng Kim cho rằng, phát biểu tuyên thệ nhậm chức Chủ tịch nước của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa thể hiện bản lĩnh, vừa có tính khiêm tốn cũng vừa có sự quyết tâm cao, thể hiện trách nhiệm, tình cảm sâu nặng.
“Đại biểu Quốc hội chúng tôi đều thấy rất mừng khi Tổng Bí thư đồng thời là Chủ tịch nước. Điều này sẽ thuận lợi hơn trong việc lãnh đạo, điều hành và công tác đối ngoại”, ông Vũ Trọng Kim nói.
Theo ông Vũ Trọng Kim, mong muốn Tổng Bí thư làm Chủ tịch nước đã có từ lâu và bây giờ đã chín muồi. “Chúng ta nên giữ cơ chế này, nên thực hiện về mặt thể chế trong vấn đề vận hành guồng máy chung của quốc gia, tức là Đảng, Nhà nước kết hợp thống nhất”, ông Kim nêu quan điểm.
Đại biểu Lê Thanh Vân cho rằng, việc Đảng giới thiệu người đứng đầu Đảng làm Chủ tịch nước là công việc bình thường. Đảng chính trị cầm quyền ở các nước đều làm như vậy. Tuy nhiên, trong lịch sử Việt Nam, có những giai đoạn với đòi hỏi khác nhau, sự phân công của lãnh đạo cấp cao tham gia vào vị trí của Nhà nước cũng khác nhau.
Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đọc lời tuyên thệ
Theo đại biểu Vân, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng là người rất mẫu mực. “Cá nhân tôi có thời gian làm việc, tiếp xúc khi ông Nguyễn Phú Trọng còn làm Chủ tịch Quốc hội, tôi có thể khẳng định ông là người vô cùng liêm khiết, chính trực”, ông Vân cho hay.
Thông qua quan hệ bạn bè, người thân của của tân Chủ tịch nước, đại biểu Lê Thanh Vân được biết gia đình, vợ, con của ông cũng sống cuộc sống rất bình dị, không có khác biệt so với mọi người. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng không hề tác động nhằm làm có lợi cho gia đình, người thân của mình.
Ông Lê Thanh Vân tin tân Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng hội đủ những điều kiện ưu tú để đứng đầu Đảng, Nhà nước, là một tấm gương trong giai đoạn Đảng đang phải nhấn mạnh sự nêu gương của người lãnh đạo.
Về việc Tổng Bí thư đồng thời là Chủ tịch nước, đại biểu Lê Thanh Vân cho là có nhiều cái lợi. Trước hết, vai trò lãnh đạo Đảng và vai trò lãnh đạo Nhà nước hoàn toàn thuận lợi. Cụ thể, hiện nay Tổng Bí thư đang là Trưởng ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng. Khi Tổng Bí thư đồng thời là Chủ tịch nước sẽ có kết hợp sử dụng quyền hạn trách nhiệm của mình đầy đủ và có hiệu quả hơn.
Theo đại biểu Lê Thanh Vân, Tổng Bí thư đồng thời làm Chủ tịch nước thì việc xử lý những việc thuộc trách nhiệm, quyền hạn của mình sẽ rất nhanh, ứng phó được ngay, không phải trải qua các quy trình về nguyên tắc lãnh đạo, không cần triển khai nhiều thủ tục.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương cho rằng,việc Quốc hội bầu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng giữ chức vụ Chủ tịch nước là việc làm thỏa mong ước của cử tri và nhân dân cả nước.
Việc Tổng Bí thư làm Chủ tịch nước sẽ định hướng được vai trò lãnh đạo của Đảng và chỉ đạo của Chủ tịch nước, vừa tạo sự thống nhất về vai trò lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và vừa thuận lợi cho thực hiện nhiệm vụ chính trị.
“Đặc biệt, trong mở rộng quan hệ ngoại giao với các nước, Tổng Bí thư làm Chủ tịch nước sẽ phát huy được vai trò tốt hơn, tạo điều kiện thuận lợi hơn và cũng là cái lợi cho đất nước chúng ta”, ông Phương nói.
Với lời tuyên thệ, chia sẻ của Chủ tịch nước, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương hy vọng trong thời gian tới Chủ tịch nước sẽ có những biện pháp chỉ đạo được lòng dân, đưa đất nước vượt qua những thách thức và phát triển bền vững trong thời gian tới.
Quang Phong (Dân trí)
bài viết rất thực tế
ReplyDelete