Cổ kim đông tây từng đúc kết, những người có chức sắc, vị thế xã hội mà bỏ ngoài tai những lời trung thực, khảng khái và lại ưa thích những lời người khác tâng bốc, tung hô, nịnh nọt mình thì rất dễ bị ảo tưởng về quyền lực, từ đó có những hành xử thiếu minh mẫn, nhân văn. Nếu thời xưa, người dân luôn “dị ứng” và oán ghét những tên quan nịnh thần làm nhiễu nhương triều chính, thì thời nay, chúng ta cũng không thể làm ngơ trước một bộ phận cán bộ, đảng viên “thích được đề cao, ca ngợi”-một trong những biểu hiện suy thoái về đạo đức lối sống mà Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII của Đảng đã chỉ ra.
Từ những lời cảnh báo thói đời siểm nịnh của người xưa
Nhìn lại lịch sử cho thấy, xu nịnh là cách sống “vào luồn, ra cúi” của một bộ phận quan nịnh thần trong các triều đại phong kiến thuở trước. Những kẻ nịnh thần này thường tài hèn đức mọn, nhưng lại khéo ăn khéo nói, biết vuốt ve, “vỗ về” vua chúa đúng lúc, đúng chỗ bằng những lời nói mỹ miều, ngọt ngào, cốt là để lấy lòng bề trên. Nếu bề trên (ông vua, bà chúa, ông quan) nào tỉnh táo, sáng suốt và kiên quyết lánh xa, loại trừ thói xu nịnh vờ vĩnh, giả tạo thì giữ được tư thế, tác phong, nhân cách chân chính của bậc quang minh chính đại, góp phần bảo đảm cho triều chính được uy nghiêm, sơn hà xã tắc được bình an. Ngược lại, những người ở ngôi cao chức trọng và nắm giữ nhiều quyền bính mà dễ ngả lòng, a dua, thậm chí “đắm chìm” trong những lời bợ đỡ, ton hót của những kẻ “ngồi lê đôi mách” thì dễ làm cho các mối quan hệ trong triều chính trở nên rối ren, mọi người sống nghi kỵ, oán thán lẫn nhau và khiến lòng dân thêm bất an, ly tán.
Danh nho Chu Văn An (1292-1370), một vị quan thanh liêm đời Trần, tận mắt chứng kiến cảnh nhiễu nhương, suy đồi từ trong triều chính có nguyên nhân sâu xa là do những quan nịnh thần gây ra. Vì vậy, Chu Văn An đã dâng “Thất trảm sớ”, đề nghị vua Trần Dụ Tông (1336-1369) xử chém 7 tên nịnh thần để góp phần lấy lại sự nghiêm minh trong vương triều và củng cố niềm tin cho thần dân. “Thất trảm sớ” của Chu Văn An dù không được nhà vua chấp thuận, nhưng mãi là lời cảnh báo, cảnh tỉnh muôn đời đối với hậu họa khôn lường của thói gian thần, nịnh bợ.
Ảnh minh họa
Hoàng giáp Nguyễn Khắc Niêm (1889-1954) là một đại thần triều Nguyễn. Khi thi đỗ đại khoa, ông được cùng các vị tiến sĩ đồng khoa triều kiến vua Thành Thái (1879-1954). Khi nhà vua đề nghị mỗi vị đề xuất góp ý kế sách để phục hưng quốc gia, Hoàng giáp Nguyễn Khắc Niêm đã đọc 4 câu: “Tôn tộc đại quy/ Tôn lộc đại nguy/ Tôn tài đại thịnh/ Tôn nịnh đại suy”. Bốn câu này được hiểu là: “Tôn trọng nòi giống ắt đại hòa hợp/ Tôn trọng bổng lộc ắt đại nguy nan/ Tôn trọng tài năng ắt đại phồn thịnh/ Tôn trọng siểm nịnh ắt đại suy vong”.
“Tôn nịnh đại suy” hiểu rộng ra là bất cứ chỗ nào, thể chế nào, xã hội nào, nếu không loại bỏ mà lại coi trọng thói siểm nịnh thì sớm muộn chỗ đó, thể chế đó, xã hội đó cũng sẽ mục ruỗng, thối nát và đi đến bờ vực suy vong thảm hại.
Đến căn bệnh “thích được đề cao, ca ngợi” trong một bộ phận quan chức thời nay
Thực ra, đã sống trong cuộc đời này, ai cũng thích khen. Vì lời khen không chỉ là một trong những nghệ thuật giao tiếp để động viên, khích lệ nhau vươn lên trong cuộc sống mà còn là một phương thức giáo dục tinh tế, hiệu quả trong học tập, lao động, công tác. Nhưng điều quan trọng là phải khen đúng lúc, đúng chỗ, đúng mực, đúng đối tượng thì lời khen mới có giá trị. Còn nếu khen một cách tràn lan, gặp đâu khen đấy, khen không xuất phát từ tấm lòng chân thành, nhất là cấp dưới thường xuyên dành cho cấp trên những lời “ngọt như mía lùi” thì đó không phải là lời khen, mà thực chất là sự nịnh nọt, ton hót-một thái độ ứng xử không phù hợp với phẩm chất đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên.
Đến nhiều tổ chức, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp hiện nay, nếu ai tinh ý và chịu khó quan sát, lắng nghe thì trong các cuộc trò chuyện, có thể thấy một hiện tượng là quần chúng thích nói ý tứ cho vừa lòng lãnh đạo, cấp dưới hay “vuốt ve” cấp trên, nhân viên ưa nói tốt về thủ trưởng... Trong giao tiếp đời thường là vậy và trong sinh hoạt đảng, chính quyền, đoàn thể cũng như vậy.
Còn tồn tại hiện tượng trên một phần vì cấp dưới mang tâm lý cả nể những người có tuổi tác, chức sắc, vị thế công tác hơn mình; nhưng phần khác, cũng do tâm lý thích, thậm chí ham mê, ưa chuộng lời khen của những người có chức quyền. Mà khi cấp dưới khen thì nhiều khi là “khen cho được việc”, cố khen cho “mát mặt” cấp trên, chứ chưa hẳn là khen đúng lòng mình. Hay nói cách khác, đó là những lời khen mang tính chất “hối lộ tinh thần” hơn là lời khen thật sự ý nghĩa.
Không những vậy, một số quan chức còn lợi dụng báo chí, truyền thông để ca ngợi, tung hô mình vào những thời điểm "nhạy cảm", như: Đại hội, bầu cử, được bổ nhiệm chức vụ mới… Tinh vi hơn, có quan chức bỏ ra những khoản kinh phí “không hề nhỏ” để duy trì, “nuôi dưỡng” một bộ phận làm truyền thông chuyên nghiệp chỉ để “lăng xê”, đánh bóng tên tuổi cá nhân mình trong xã hội.
Cán bộ, đảng viên cần giữ đạo khiêm nhường, tự trọng, cương trực
Trong những năm tháng bao cấp, dư luận vẫn râm ran câu nói “Thật thà thường thua thiệt/ Lươn lẹo lại lên lương” nhằm ám chỉ những kẻ “mồm năm miệng mười", "đầu môi chót lưỡi” ngon ngọt với cấp trên thì dễ bề được ưu tiên thăng tiến, lên cấp, nâng lương. Nhưng cha ông ta cũng có câu “Mật ngọt chết ruồi” với hàm ý khuyên răn, cảnh tỉnh ai đó chỉ thích nghe những lời lẽ quyến rũ, giọng điệu ngọt ngào mà giả dối của người khác thì tự mình sa vào tình thế nguy hiểm lúc nào không hay.
Thực tế cho thấy, những cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ có chức quyền mà luôn sống, sinh hoạt, làm việc trong sự “bủa vây” của những lời khen hào phóng, mỹ miều, giả tạo của những người xung quanh và cấp dưới, thì theo ngày ngày, tháng tháng, họ rất dễ bị ảo tưởng về chính mình. Từ đó, những biểu hiện gia trưởng, quan liêu, độc đoán cũng sẽ dần “lớn lên” trong thái độ, tư tưởng, tính cách của họ. Đó cũng là tiền đề để hình thành, tạo ra “uy tín giả”-một “cái bẫy” có thể làm quan chức tự sụp đổ ngay dưới chân mình!
Cổ kim đông tây đã đúc kết, những người có chức sắc, vị thế xã hội mà bỏ ngoài tai những lời trung thực, khảng khái và lại ưa thích những lời tâng bốc, tung hô, nịnh nọt thì rất dễ bị ảo tưởng về quyền lực, từ đó có những hành xử thiếu minh mẫn, nhân văn, thậm chí vùi dập những người cương trực. Thế nên, Tuân Tử-một trong những triết gia cổ đại lừng danh của Trung Quốc đã tự răn mình và cũng là nhắc nhớ các bậc quân tử đời sau: “Người chê ta mà chê phải là thầy của ta, người khen ta mà khen phải là bạn ta, những kẻ vuốt ve, nịnh bợ chính là kẻ thù của ta vậy”.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng rất lên án thói tâng bốc, xu nịnh. Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” viết tháng 10-1947, một trong những căn bệnh của một bộ phận cán bộ, đảng viên được Bác sớm chỉ ra và cảnh báo là: “Bệnh xu nịnh, a dua; ưa người ta tâng bốc, khen ngợi mình”. Bác cũng phê phán những cán bộ, đảng viên sống ba phải, không có lập trường, chính kiến rõ ràng: “Thấy xôi nói xôi ngọt, thấy thịt nói thịt bùi. Theo gió bẻ buồm, không có khí khái”. Những người như thế không xứng đáng là người lãnh đạo, dìu dắt, giáo dục quần chúng.
Để không mắc vào “cạm bẫy” ưa xu nịnh và chữa trị được căn bệnh “thích được đề cao, ca ngợi”, một trong những việc cần làm hiện nay là mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo các cấp phải giữ gìn đức tính cương trực, tự trọng, khiêm nhường. Cương trực để không bị "mê hoặc" bởi “cái bả” ca tụng của nhiều cán bộ, nhân viên cấp dưới lúc nào cũng có thể “rót lời đường mật” vào tai mình. Tự trọng để biết phân biệt đâu là điều hay lẽ phải cần lắng nghe, coi trọng, đâu là lời khen vờ vĩnh, giả tạo cần tránh xa, loại bỏ. Khiêm nhường để không tự ảo tưởng về mình mà luôn có ý thức học tập, rèn luyện, bồi đắp những phẩm chất giá trị tích cực, nhân văn, nhằm không ngừng hoàn thiện nhân cách bản thân và sống giản dị, gần gũi với tập thể nơi công tác và với cộng đồng nơi cư trú.
Một việc không thể không nhắc lại là các cấp ủy, tổ chức đảng nói chung, cán bộ lãnh đạo nói riêng cần tiếp tục coi trọng và duy trì thường xuyên, nghiêm túc chế độ tự phê bình và phê bình. Trong sinh hoạt tự phê bình và phê bình, mỗi người cần thể hiện rõ tinh thần trung thực, thẳng thắn, công tâm, đồng thời bày tỏ thái độ trân trọng, bảo vệ cái đúng, cái tốt; phê phán kịp thời cái xấu, cái sai; kiên quyết đấu tranh loại bỏ lề thói xu nịnh, a dua, “mũ ni che tai”, “mười lăm cũng ừ, mười tư cũng gật”, góp phần vừa giữ vững và nâng cao kỷ cương, kỷ luật của tổ chức đảng, vừa xây dựng môi trường văn hóa giao tiếp ứng xử lành mạnh trong tổ chức, cơ quan, đơn vị.
THIỆN VĂN (Quân đội nhân dân)
No comments:
Post a Comment