2018/09/16

TỔ CHỨC HRW LẠI CAN THIỆP VÀO CÔNG VIỆC NỘI BỘ CỦA VIỆT NAM


Đắc Chí
Sau khi có thông tin về việc, ngày 14/9/2018, TAND cấp cao tại Hà Nội mở phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” đối với bị cáo Nguyễn Văn Túc (58 tuổi, ngụ thôn Cổ Dũng, xã Đông La, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình), thông qua một vài trang mạng ở nước ngoài, Tổ chức theo dõi nhân quyền Human Rights Watch (HRW) đã đưa ra những thông tin không đúng về tính công khai, dân chủ của phiên tòa cũng như hành vi vi phạm pháp luật của Nguyễn Văn Túc. Họ cho rằng bản án dành cho Nguyễn Văn Túc “mang động cơ chính trị”, đồng thời kêu gọi Việt Nam “hủy bản án và lập tức phóng thích Nguyễn Văn Túc vô điều kiện”.
Bị cáo Nguyễn Văn Túc tại phiên tòa phúc thẩm (Ảnh Internet)
Là một tổ chức được cho là có vai trò “nghiên cứu nhân quyền”, đáng lẽ trước khi phát đi lời kêu gọi trên, HRW phải tìm hiểu kỹ lưỡng về hành vi vi phạm pháp luật của Nguyễn Văn Túc. Nhưng tiếc thay, họ đã không làm như vậy.
Theo cáo trạng: sau khi tham gia nghĩa vụ quân sự và xuất ngũ năm 1985, Nguyễn Văn Túc về địa phương. Năm 1997, khi có các hoạt động khiếu kiện ở Thái Bình, Nguyễn Văn Túc tham gia và bị các đối tượng phản động lôi kéo và có những hành động nhằm lật đổ chính quyền. 
Cụ thể, từ năm 2006, Nguyễn Văn Túc tham gia các tổ chức phản động và được các tổ chức này hỗ trợ vật chất để tiến hành các hoạt động chống phá nhà nước. Tháng 12/2007, Nguyễn Văn Túc tham gia biểu tình tại Hà Nội và tán phát bài viết có nội dung xấu lên mạng internet. Ngày 16/8/2008 và ngày 7/9/2008, Nguyễn Văn Túc cùng một số đối tượng treo khẩu hiệu và rải truyền đơn phản động ở Hải Phòng và Hải Dương.
Ngày 10/9/2008, Nguyễn Văn Túc bị CQANĐT Bộ Công an khởi tố bị can, bắt giam về tội “tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam”, sau đó bị Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại Hà Nội xét xử và tuyên án 4 năm tù giam và quản chế 3 năm tại địa phương.
Tháng 9/2012, Nguyễn Văn Túc trở về địa phương, thực hiện án quản chế 3 năm, nhưng lại tiếp tục sử dụng mạng internet để liên lạc, hội luận, đăng tải tài liệu có nội dung xấu, gặp gỡ các đối tượng chống đối chính trị và tham gia biểu tình ở Hà Nội. Tháng 2/2014, Nguyễn Văn Túc tham gia hoạt động trong “Hội anh em dân chủ”, là tổ chức phản động, có mục đích là thay đổi thể chế chính trị ở Việt Nam. Trong tổ chức này, Nguyễn Văn Túc được phân công làm Trưởng nhóm ở Thái Bình, sau đó làm Phó Ban đại diện, rồi Phó chủ tịch thứ nhất của tổ chức này.
Rõ ràng, hành vi lợi dụng quyền tự do dân chủ để “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” của Nguyễn Văn Túc Như vi phạm Điều 79 BLHS năm 1999 là rất rõ ràng. Việc các cơ quan bảo vệ pháp luật Việt Nam bắt giữ, khởi tố, điều tra và đưa ra xét xử bị cáo Nguyễn Văn Túc về tội “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” là hoàn toàn đúng người, đúng tội, đúng luật pháp Việt Nam và phù hợp với công ước quốc tế. Do đó, những “kêu gọi” được nêu trong thông báo phát đi của Tổ chức HRW là vô lý và không thể chấp nhận được. Thực chất, với hành động đó, HRW đã trắng trợn can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam./.

No comments:

Post a Comment