2018/07/25

HRW LẠI XUYÊN TẠC TÌNH HÌNH NHÂN QUYỀN VIỆT NAM

Đắc Chí

Vừa qua, Tổ chức theo Nhân quyền (HRW) trong báo cáo đệ trình lên Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc đã cho rằng “Việt Nam không tuân thủ những cam kết về nhân quyền của mình trước Liên Hiệp Quốc - thể hiện ở trong cách hành xử trên thực tế lẫn trong việc xây dựng pháp luật”. HRW còn cho rằng, trong bảy tháng đầu năm 2018, Chính phủ Việt Nam đã kết tội và bỏ tù ít nhất 27 “blogger” và “nhà hoạt động nhân quyền”.
Chẳng biết dựa vào đâu, căn cứ nào mà HRW cho rằng, những người này chỉ “bày tỏ chính kiến ôn hòa” chứ không phạm pháp và đòi Việt Nam phải trả tự do cho họ. Để từ đó, HRW tự khoác lên mình chiếc áo “quan tòa” để “phán xét” rằng, chính quyền Việt Nam đã “không làm gì nhiều để thực hiện những khuyến nghị này (Tại phiên UPR cách nay bốn năm, Việt Nam đã chấp nhận 182 trong tổng số 227 khuyến nghị mà họ nhận được từ các nước thành viên Liên Hiệp Quốc) và trong một số trường hợp còn làm cho tình hình trở nên tồi tệ hơn”.
Tổ chức theo Nhân quyền (HRW)
 
Đến nước này thì không phải ai khác mà chính HRW đã cho thấy “màn diễn” vụng về, kệch cỡm của chính họ nhằm mục đích xuyên tạc trắng trợn tình hình nhân quyền tại Việt Nam.
Cần khẳng định, bảo đảm và thúc đẩy các quyền con người là chính sách nhất quán của Nhà nước Việt Nam, được thực hiện phù hợp với Hiến pháp và pháp luật Việt Nam cũng như các công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên. Từ năm 2014 đến nay, hàng chục văn bản luật quan trọng liên quan đến quyền con người, quyền công dân đã được thông qua, cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013, phù hợp với các công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên như: Công ước Chống tra tấn, Công ước về quyền của người khuyết tật, Công ước Liên hợp quốc về quyền con người. Việt Nam cũng tích cực thực hiện các nghĩa vụ và cam kết quốc tế về quyền con người như đang đảm nhận tốt vai trò thành viên Hội đồng Kinh tế - Xã hội Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2016 - 2018, Hội đồng Chấp hành Tổ chức Giáo dục, Văn hóa và Khoa học của Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2015 - 2019; tham gia tích cực và có trách nhiệm tại Ủy ban liên chính phủ ASEAN về quyền con người...
Trên thực tế, đời sống vật chất tinh thần của nhân dân phát triển ổn định, các tổ chức xã hội và người dân tham gia tích cực vào quá trình kiểm tra, giám sát việc thực thi luật pháp, chính sách của Nhà nước. Các tổ chức tôn giáo được tạo điều kiện thuận lợi để hoạt động. Báo chí, internet phát triển mạnh. Việt Nam hiện nằm trong số 20 quốc gia có số người dùng Internet nhiều nhất thế giới, đứng thứ 8 ở khu vực châu Á và đứng thứ 2 trong ASEAN. Khoảng 50 triệu người Việt Nam sử dụng Internet (chiếm khoảng 52% dân số) và dễ dàng thể hiện quyền tự do ngôn luận của mình thông qua các tài khoản mạng xã hội.
Việc nhà nước Việt Nam tôn trọng và bảo đảm quyền con người là sự thật không thể phủ nhận và đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận. Song để bảo vệ nhân quyền và lợi ích của người dân nói chung, Việt Nam cũng kiên quyết xử lý những kẻ vi phạm pháp luật, lợi dụng tự do báo chí, tự do ngôn luận, tự do Internet để gây mất ổn định xã hội, chống lại đất nước và nhân dân, đi ngược lại lợi ích của quốc gia, dân tộc.
Đây không phải lần đầu mà HRW lên tiếng xuyên tạc và vu cáo Việt Nam trong các vấn đề dân chủ, nhân quyền. Việc HRW cứ mãi “nhai lại” những luận điệu cũ rích, chẳng làm ai chú ý cho thấy tổ chức này đã quá lỗi thời, nên sớm tự đào thải.

No comments:

Post a Comment