2017/04/09

THÁNG TƯ VỀ VÀ CHUYỆN "TÔN VINH" CỰU BINH MỸ TRONG CHIẾN TRANH VIỆT NAM

Minh Trị

42 năm trước, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 của quân dân ta đã đánh bại hoàn toàn cuộc chiến tranh xâm lược dài 21 năm của đế quốc Mỹ, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Chiến công đó không chỉ có ý nghĩa với dân tộc Việt Nam, mà còn mang tầm quan trọng quốc tế to lớn và tính thời đại sâu sắc, đánh dấu sự phá sản của chế độ thực dân kiểu mới mà Mỹ xây dựng nhằm ngăn chặn phong trào cách mạng giải phóng dân tộc ở Đông Nam Á. Nhiều năm sau ngày 30/4/1975, “hội chứng Việt Nam” vẫn để lại nhiều nỗi nhức nhối trong lòng xã hội Mỹ, đặc biệt là những cựu chiến binh từng tham chiến ở Việt Nam.

Ấy vậy mà, nhậm chức chưa được 100 ngày, hôm 28/3, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký dự luật S.305 thành luật, khuyến khích việc treo quốc kỳ Mỹ vào ngày 29/3 hàng năm để tôn vinh “Ngày Cựu chiến binh Việt Nam”; kèm theo đó là những phát biểu đáng phải suy nghĩ.

Vốn là một người “cuồng” mạng xã hội, Tổng thống Trump viết trên Twitter: “Tối nay tôi rất tự hào đã ký dự luật S.305, khuyến khích trưng bày quốc kỳ Hoa Kỳ vào Ngày cựu chiến binh Việt Nam hàng năm, ngày 29/3”.

Thông báo do Thượng nghị sĩ Donnelly công bố sau khi dự luật do ông tiến cử trở thành luật, có đoạn viết:“Vào cuối cuộc chiến, rất nhiều cựu chiến binh của chúng ta trở về từ chiến trường Việt Nam đã không được giang tay chào đón, những cống hiến của họ không được công nhận. Dự luật lưỡng đảng này sẽ giúp đất nước chúng ta vinh danh thế hệ cựu chiến binh đã dạy chúng ta thế nào là lòng yêu nước và phụng sự Tổ quốc. Họ xứng đáng được tôn vinh về cống hiến và hy sinh của họ. Tôi vui mừng được làm việc với Thượng nghị sĩ Toomey để cổ vũ cho Ngày cựu chiến binh Việt Nam”. Những quyết định, tuyên bố của giới chức Mỹ được bè lũ “cờ vàng” hải ngoại hưởng ứng nhiệt liệt.

Ngược dòng lịch sử, có thể thấy tiến hành cuộc chiến xâm lược Việt Nam, đế quốc Mỹ đã huy động một bộ máy chiến tranh với quy mô khổng lồ. Một lực lượng lớn gồm các nước đồng minh và phụ thuộc đã được Mỹ sử dụng cho mục đích tham chiến của mình. Trong đó có tới 5 nước tham gia trực tiếp và 29 nước tham gia gián tiếp. Bên cạnh đó, Mỹ đã huy động tới 6 triệu lượt binh sĩ (riêng lính Mỹ chiếm khoảng 3 triệu người) chiếm 68% bộ binh, 60% lính thủy đánh bộ, 32% không quân chiến thuật, 50% không quân chiến lược, 40% hải quân... chỉ để phục vụ cho riêng chiến tranh Việt Nam. Tuy nhiên, đi cùng với thất bại, Mỹ đã chịu thiệt hại nặng nề với gần 58.000 lính chết và hàng trăm ngàn bị thương. Lầu Năm Góc cũng thừa nhận có đến 20.000 người Mỹ chắc chắn đã nhiễm chất da cam ở Việt Nam. Ngoài ra còn có gần 350.000 cựu binh khác (15% tổng số) bị giải ngũ một cách không vinh dự, không được bảo đảm việc làm, không được tôn trọng và tin cậy sau khi về nước. Hầu hết lính Mỹ tham chiến ở Việt Nam đều nghiện một chất gì đó ví dụ: rượu, thuốc lá,… thậm chí cả heroin. Theo số liệu thống kê có khoảng 1/5 số lính Mỹ từng tham gia chiến tranh Việt Nam trong những năm 70 đã nghiện ma túy. Tổng thiệt hại về vật chất trong 21 năm xâm lược Việt Nam là 920 tỉ USD.

Thiệt hại nặng nề là như vậy, người Mỹ cũng như người Việt ắt hẳn đều mong khép lại một chương đau buồn của mất mát, đau thương. Từ hơn 20 năm nay, với chủ trương khép lại quá khứ, hướng tới tương lai, trong xu thế bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ với quan hệ ngoại giao đã được nâng lên tầm đối tác toàn diện, chính phủ và nhân dân hai nước đều hướng tới việc mở rộng quan hệ hợp tác trên mọi lĩnh vực, quên đi ký ức của 21 năm chiến tranh. Tổng thống Donald Trump cũng từng tuyên bố trong nhiệm kỳ của ông, nước Mỹ không đi can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia khác. Thế nhưng, luật S.305 lại cho thấy ông Trump đã quên mất rằng, cuộc chiến tranh Việt Nam chính là đỉnh cao của chính sách can thiệp thô bạo của nhà cầm quyền Mỹ thời đó vào công cuộc đấu tranh giành độc lập, thống nhất của nhân dân Việt Nam. Việc “tôn vinh” cựu chiến binh Mỹ vì “cống hiến” và “hy sinh” của họ, liệu có hợp lý?

Một là, cuộc chiến tranh xâm lược thực dân kiểu mới của Mỹ gây thiệt hại to lớn cho nhân dân Việt Nam. Hàng triệu người (bao gồm cả dân thường và chiến sĩ) chết, mất tích hoặc bị thương, hàng chục ngàn người còn phải chịu di chứng của chất độc hóa học do quân đội Mỹ gây ra. Thiệt hại về kinh tế, cơ sở vật chất - kỹ thuật thì khó lòng ước tính cho đủ. Nên nhớ, với 1 lính Mỹ chết, thiệt hại của quân đội và người dân Việt Nam có thể lớn hơn rất nhiều. Lính Mỹ đến Việt Nam đã gây ra những vụ thảm sát kinh hoàng như ở Mỹ Lai, Điện Bàn... Liệu những tội ác trên của quân đội Mỹ có đáng là vết nhơ trong lịch sử của họ, có đáng để “tôn vinh”?

Hai là, cuộc chiến tranh của Mỹ dù có biện minh bằng cách nào cũng không thể khác hơn là một cuộc chiến xâm lược phi nghĩa. Ý nghĩa của nó không thể nào đánh đồng với cái gọi là “cống hiến”, “yêu nước” hay “phụng sự Tổ quốc”. Thực chất, khi thực dân Pháp thất bại năm 1954, Mỹ đã thay chân Pháp và biến miền Nam thành căn cứ quân sự, thuộc địa kiểu mới nhằm sử dụng nam vĩ tuyến 17 trở thành “con đê” ngăn chặn “làn sóng Cộng sản” lan xuống khu vực Đông Nam Á. Các chính quyền Sài Gòn dù dưới thời ông Diệm hay ông Thiệu đều lệ thuộc chặt chẽ vào Mỹ, đến mức Nguyễn Văn Thiệu từng nói: “Nếu Mỹ ngừng viện trợ cho chúng tôi thì không phải 1 ngày, 1 tháng hay 1 năm mà chỉ sau 3 giờ chúng tôi sẽ phải rời khỏi dinh Độc Lập”. Một chính quyền lệ thuộc, tay sai như vậy, tất nhiên “nhà tài trợ” không chỉ có chức năng “bảo trợ” mà còn ra lệnh, chỉ huy và như vậy thực chất cuộc chiến vẫn hoàn toàn do họ điều khiển, vì lợi ích của họ, diễn ra trên đất nước khác - đó là chiến tranh xâm lược, không thể khác. Chủ tịch Hồ Chí Minh trong “Lời kêu gọi chống Mỹ cứu nước” cũng nói: “Này, Tổng thống Giônxơn, ngươi hãy công khai trả lời trước nhân dân Mỹ và nhân dân thế giới: Ai đã phá hoại Hiệp định Giơnevơ, là Hiệp định bảo đảm chủ quyền, độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam? Phải chǎng quân đội Việt Nam sang xâm lược nước Hoa Kỳ và giết hại người Hoa Kỳ? Hay là chính phủ Mỹ đã đem quân đội Hoa Kỳ đến xâm lược nước Việt Nam và giết hại người Việt Nam?”

Ba là, trước sau như một, Việt Nam luôn thể hiện thiện chí hòa bình, nhưng 5 đời Tổng thống Mỹ (từ Aixenhao, Kennơđi, Giônxơn, Níchxơn, Pho) đã khước từ. Việt Nam yêu cầu tổng tuyển cử tự do thống nhất đất nước sau 2 năm (20/7/1956), Mỹ phá vì sợ rằng ít nhất 80% dân Việt Nam sẽ bầu cho chính phủ kháng chiến của Cụ Hồ. Việt Nam yêu cầu Mỹ ngừng ném bom, Mỹ khước từ, tàn phá các công trình kinh tế, cơ sở văn hóa, làng mạc, chùa chiền, nhà thờ, trường học, bệnh viện ở miền Bắc. Việt Nam yêu cầu Mỹ không đưa quân viễn chinh và chư hầu vào nhằm leo thang chiến tranh, Mỹ triển khai tới hơn nửa triệu binh lính. Việt Nam yêu cầu đàm phán hòa bình, hình thức đàm phán 4 bên ở Paris, Mỹ liên tục ngăn trở. Đặc biệt, khi Hiệp định sắp được ký, Mỹ tráo trở mở cuộc tập kích bằng không quân chiến lược B52 vào Hà Nội, Hải Phòng (18 - 29/12/1972) rồi lập cầu hàng không khẩn cấp, giữ hệ thống cố vấn quân sự tiếp tục duy trì chính quyền Sài Gòn sau ngày rút quân năm 1973. Với tất cả sự hung hãn, hiếu chiến nêu trên, liệu 21 năm “chiến đấu” của “cựu chiến binh Hoa Kỳ ở Việt Nam” có đáng được “tôn vinh”?

Bốn là, lịch sử Hoa Kỳ hơn 200 năm cũng là lịch sử đấu tranh giành độc lập, thống nhất. Tổng thống Washington thế kỷ XVIII từng đánh bại thực dân Anh giành độc lập, hình thành nên Hợp chúng quốc Hoa Kỳ. Tổng thống Lincoln thế kỷXIX từng đánh bại cuộc chiến tranh ly khai của các bang miền Nam (1861 - 1865), chấm dứt chế độ nô lệ da đen và đặc biệt là tái thống nhất nước Mỹ. Khát vọng của mỗi quốc gia dân tộc được độc lập, thống nhất từ Nam chí Bắc chính Hoa Kỳ đã hiểu từ sớm, vậy tại sao nhà cầm quyền Mỹ còn tiến hành chiến tranh xâm lược, ngăn cản nguyện vọng “Nam Bắc một nhà” của hàng chục triệu người Việt Nam (cũng như ở Đức, Triều Tiên, Trung Quốc suốt thời kỳ “Chiến tranh lạnh”). Quân Anh chống lại một Hoa Kỳ độc lập, thống nhất thì bị lên án là thực dân, vậy quân đội Hoa Kỳ đến Việt Nam ngăn cản đất nước Việt Nam nối liền một dải, liệu có phải là “chính nghĩa”, là đáng “vinh danh”?

Năm là, Việt Nam với tinh thần nhân đạo, khép lại quá khứ, hướng tới tương lai, đã rất tích cực trong các chương trình tìm kiếm người Mỹ mất tích ở chiến trường Việt Nam (MIA) và nhiều dự án khắc phục hậu quả chiến tranh khác. Trách nhiệm của nhà cầm quyền Mỹ trong việc để cho hàng triệu lượt thanh niên Hoa Kỳ phải dấn thân vào một cuộc chiến tranh xâm lược phi nghĩa, mất đi 58.000 thanh niên ưu tú, hàng trăm ngàn chịu thương tật, di chứng tâm lý, cuộc sống khó khăn... thì giờ cũng đi liền với trách nhiệm của họ trong việc hàn gắn vết thương, khép lại quá khứ. Tốt nhất, nhà cầm quyền Mỹ hiện đại nên sửa lỗi lầm trước bằng việc có chế độ tốt cho họ, thay vì những “tôn vinh” nặng về hình thức như sắc lệnh vừa rồi của ông Trump.

Tóm lại, quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ đang trong xu thế phát triển quan hệ rất tích cực trên tinh thần đối tác toàn diện, cởi mở, tôn trọng và tin cậy lẫn nhau. Việc khép lại một chương buồn trong quan hệ giữa hai nước là việc cần làm, chứ đừng có những cái nhìn thiển cận để khơi lại nỗi đau của nhân dân cả hai nước.

No comments:

Post a Comment