2017/04/12

Khi luật sư ảo tưởng và cực đoan


Ở quốc gia nào cũng vậy, hoạt động của luật sư có ảnh hưởng lớn đến vai trò của nhà nước pháp quyền và bảo đảm, bảo vệ các quyền của công dân. Vì thế, để có thể thực thi trách nhiệm xã hội của mình, cùng với việc nắm vững pháp luật, luật sư còn phải là công dân gương mẫu…
Trong thế giới hiện đại, một số nguyên tắc pháp lý có tính phổ quát ra đời từ các nước phát triển đã được nhiều quốc gia trên thế giới tiếp nhận, vận dụng phù hợp với hoàn cảnh lịch sử, điều kiện chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội,… của mình. Tuy nhiên từ thời chiến tranh lạnh đến nay, từ tính nhân loại phổ biến của một số nguyên tắc pháp lý mà ở phương Tây, một số người lại coi các quan niệm, hệ thống luật pháp của họ là chuẩn mực cho toàn nhân loại! Thậm chí, họ lập luận rằng, nước nào ít luật sư hoạt động thì ở đó, tính nhà nước pháp quyền ít được bảo đảm, rồi họ đưa ra tỷ lệ số luật sư theo dân số để chỉ trích những nước bị họ coi là "thiếu dân chủ", bị họ gán cho tên gọi chế độ toàn trị (một định danh mập mờ mà họ sử dụng để chỉ chế độ độc tài, hoặc chế độ xã hội do Ðảng Cộng sản lãnh đạo!). Trong chừng mực nhất định, tỷ lệ luật sư trên số dân có thể phản ánh sự phát triển hệ thống pháp luật của một quốc gia, song nếu coi tỷ lệ này là chuẩn mực để đánh giá một cách tuyệt đối thì lại hết sức phi lý. Nhất là khi thực tế cho thấy nhiều thủ tục xét xử ở Mỹ và nhiều nước phương Tây đã gây ra tranh cãi gay gắt, thậm chí đẩy tới làn sóng phản đối, vì người phản đối cho rằng bên giành phần thắng trong một phiên tòa là người giàu có cho nên họ có thể đổ tiền bạc thuê "thầy cãi tài ba", như vụ xét xử O.J Simpson (O.J Sim-sơn) - cựu cầu thủ và diễn viên Mỹ bị nghi tội giết người, hoặc vụ án M.J Jackson (M.J Giắc-sơn) bị tố cáo lạm dụng tình dục trẻ em...
Chân dung luật sư Lê Văn Luân với những ảo tưởng viển vông, ngông cuồng và cực đoan

Một thực tế là ở phương Tây hiện nay, số lượng luật sư hành nghề quá lớn và sự chen chân hành nghề gây ra một số vấn đề nan giải cho xã hội nói chung, và cho hệ thống tư pháp nói riêng. Theo Statista.com - trang mạng thống kê trực tuyến, đến cuối năm 2016 ở Ðức, có 163.779 luật sư trên khoảng 82 triệu dân. Ngày 3-10-2013, tạp chí Spiegel Online (Tấm gương điện tử) có bài Dư thừa luật sư - Ðưa luật sư đi đâu cho hết? với lời dẫn: khách hàng keo kiệt, lợi nhuận sụt giảm, các văn phòng luật sư kinh tế trước đây quen với thành công nay rơi vào khủng hoảng. Thay vì được thưởng thức rượu sâm-panh trong các công ty luật, nay luật sư trẻ đang bị khó khăn đe dọa. Trong thời gian từ năm 1994 đến 2011, doanh thu trung bình của một luật sư giảm từ 116.311 euro (ơ-rô) còn 97.002 euro. Nhiều luật sư trẻ có mức thu nhập trước thuế chỉ 30 nghìn euro một năm. Ngày 22-6-2014, tờ Welt (Thế giới) có đăng bài Sự chênh lệch chất lượng rất lớn giữa các luật sư Ðức, với lời dẫn: tại Ðức có quá nhiều luật sư; nhiều luật sư được đào tạo kém và đó là rủi ro đối với khách hàng, rồi tư vấn tồi tệ đã dẫn đến tình trạng lừa đảo. Tác giả bài báo - ông J.Wagner (J.Vác-nờ, Tiến sĩ luật, trước đây đã giảng dạy luật hình sự ở Trường đại học Tổng hợp Berlin (Béc-lin), ông cũng là một nhà báo nổi tiếng, giữ chức vụ quan trọng ở một số đài truyền hình công cộng) cho biết, trong lĩnh vực luật hình sự, sự chênh lệch chất lượng giữa các luật sư là rất lớn, "khó khăn tài chính, thói tham tiền là nguồn gốc dẫn tới vi phạm quy định nghề nghiệp, sai phạm đạo đức, và là nguyên nhân của tiến trình phát triển lệch lạc. Thí dụ, muốn thắng trong thủ tục xét xử, nghĩa vụ tôn trọng sự thật đối với luật sư bị vi phạm hàng loạt... Có luật sư, chỉ đóng một con dấu "khiếu nại" là đã thu của khách hàng 309 euro". Thế nên, để chống sự lạm dụng pháp luật của luật sư, trong 12 năm qua, ở Ðức đã ban hành chín luật mới. Với 336 trang và nhiều dẫn chứng cụ thể, cuốn sách nhan đề Hãy cẩn thận với luật sư - một nghề nghiệp giữa tiền tài và đạo đức của J.Wagner đã được dư luận chú ý, vì cuốn sách chỉ ra rằng sự gia tăng số lượng luật sư, sự cạnh tranh quyết liệt ở mọi bậc thang của mức thu nhập, và sự thương mại hóa đã làm thay đổi sâu sắc hình ảnh nghề nghiệp của họ. Một phần đáng kể trong số họ không còn cảm thấy mình là một phần của hệ thống tư pháp mà chỉ là người đại diện quyền lợi đơn phương hoặc chỉ là nhà tư vấn kinh doanh. Nghề luật sư vẫn hấp dẫn với luật sư giỏi, nhưng ở phạm vi rất lớn, đó lại là nơi tập trung nhiều luật gia kém cỏi và họ là mối nguy hiểm cho công dân mỗi khi muốn tìm kiếm hỗ trợ pháp lý; như cựu Chủ tịch Hiệp hội Luật sư CHLB Ðức từng ước tính, "đối với khoảng một phần ba các luật sư, tồn tại nguy cơ bị tư vấn với chất lượng tồi tệ". Cuối cùng cuốn sách đưa ra yêu cầu cần phải có một tổng tái thiết thẩm quyền chuyên nghiệp của các luật sư.
Việc tranh giành khách hàng giữa các luật sư ở Ðức cũng diễn ra quyết liệt dẫn tới một số việc làm bất thường, khiến ngày 7-11-2016, Tòa án Liên bang (BGH) phải ra một quyết định có tính chất định hướng. Sự việc bắt đầu từ việc một luật sư muốn xuất hiện trước tòa với áo choàng (y phục mầu đen bắt buộc đối với luật sư trong các thủ tục xét xử, trừ trường hợp ngoại lệ là phiên tòa cấp huyện và trong tranh chấp theo luật dân sự) có thêu địa chỉ trang mạng của văn phòng mình với ý định quảng cáo. Hội đoàn luật sư phụ trách đã cấm điều này. Mặc dù tự do hành nghề được pháp luật bảo đảm, nhưng đây là lạm dụng tự do hành nghề, cho nên cuối cùng tòa đã xác nhận sự chuẩn xác trong quyết định của Hội đoàn luật sư. Năm 2015, cũng có một quyết định tương tự khi một văn phòng luật sư muốn in lên những cốc sứ hình ảnh phụ nữ lõa thể một phần, với địa chỉ liên lạc văn phòng luật sư của mình. Quan điểm của luật sư cho rằng, đây là tự do ngôn luận, tự do nghệ thuật, tự do hành nghề được ghi trong Hiến pháp, và đã không được tòa án cao nhất ở Ðức chấp thuận. Nhưng có lẽ điều làm cho dư luận xã hội lo ngại hơn cả là hiện tượng luật sư vi phạm pháp luật, chà đạp lên quyền lợi khách hàng. Về vấn đề này, ngày 14-2-2016, tờ Welt đăng bài Ông ta là luật sư và cần tiền với lời dẫn: công chứng viên và luật sư không chỉ là người cung cấp tư vấn pháp lý, mà còn là người được giao phó một lượng tiền rất lớn. Nhiều người trong số họ đã chiếm đoạt một cách trắng trợn. Bài báo cho biết trong 13 trường hợp, một luật sư đã lợi dụng lòng tin của khách hàng và chiếm đoạt 80 nghìn euro và tới năm 2014, bị tòa án tiểu bang Aachen (A-chen) tuyên phạt hai năm án treo. Tháng 2-2015, tòa án tiểu bang ở Dortmund (Ðoóc-mun) tuyên án một luật sư 20 tháng án treo vì đã sử dụng 450 nghìn euro của khách hàng. Tháng 1-2016, Tòa án tiểu bang Oldenburg (Ơ-đen-bua) tuyên án một luật sư 33 tháng tù vì đã tham ô 113 nghìn euro của khách hàng… Ở các thành phố lớn, số lượng đơn khiếu nại đối với luật sư tăng liên tục, thí dụ ở Munich (Mu-ních), từ năm 2012 đến năm 2014, hằng năm có khoảng 27 đến 50 đơn khiếu nại; cùng thời gian ở Dresden (Ðrét-sđen) đã có khoảng 34 đến 54 đơn khiếu nại. Tờ báo phân tích 800 thủ tục thu hồi chứng chỉ hành nghề luật sư mà Tòa án liên bang (BGH) xem xét trong thời gian từ năm 2000 đến năm 2014 vì liên quan bê bối tiền bạc. Trong đó, 12% thủ tục thu hồi dẫn đến việc tuyên phạt qua tòa hình sự, bị điều tra hình sự vì ăn chặn tiền của khách hàng.
Ngày 10-10-1945, ngay sau khi Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký ban hành Sắc lệnh số 46/SL quy định về hoạt động của luật sư Việt Nam. Sau đó, do hoàn cảnh chiến tranh, việc đào tạo luật gia để sau này họ đảm nhận công việc của luật sư gặp nhiều khó khăn, nên trong thời gian dài, đội ngũ luật sư của nước nhà khá ít ỏi. Nhưng khi chính sách đổi mới của Ðảng và Nhà nước đi vào cuộc sống, việc xây đựng đội ngũ luật sư đã có nhiều chuyển biến đáng kể cả về số lượng và chất lượng. Cơ sở pháp lý cho hoạt động của luật sư là Luật Luật sư số 65/2006/QH11 do Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam (Quốc hội) ban hành ngày 29-6-2006, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2007. Và do nhu cầu hội nhập kinh tế quốc tế, tiến trình cải cách tư pháp đã và đang được thực hiện trong bối cảnh đó. Ngày 20-11-2012, Quốc hội ban hành Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư số 65/2006/QH11, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2013. Với hơn 10 nghìn thành viên, Liên đoàn Luật sư Việt Nam có mạng lưới rộng khắp cả nước. Ðiều đáng mừng là các đoàn luật sư, luật sư ngày càng khẳng định được vị trí, vai trò quan trọng trong đời sống xã hội, và nghiêm túc thực hiện Ðiều 3 Luật Luật sư: "Hoạt động nghề nghiệp của luật sư góp phần bảo vệ công lý, các quyền tự do, dân chủ của công dân, quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức, phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh". Song đáng buồn là, có một số luật sư lại vi phạm nguyên tắc, đạo đức nghề nghiệp, mà nổi lên trong đó là hiện tượng có luật sư đã có những phát biểu tiêu cực, để rồi BBC, RFA, VOA… phát tán; có luật sư đăng tải thông tin bịa đặt, bôi nhọ danh dự lãnh đạo Ðảng, Nhà nước; thậm chí công khai chỉ trích hội đồng xét xử sau khi tuyên án. Vì thế, cần phải đặt ra câu hỏi: Những luật sư này yếu kém chuyên môn, hay họ lợi dụng nghề nghiệp xã hội để về hùa với kẻ chống phá chính quyền? Trong tiến trình hoàn thiện hệ thống pháp lý và tư pháp, để khẳng định vai trò của nhà nước pháp quyền và bảo đảm, bảo vệ các quyền của công dân, chúng ta cần chú trọng đào tạo đội ngũ luật sư để không phát triển lệch lạc, bị lợi dụng như ở một số nước phương Tây. Ưu tiên hàng đầu là chất lượng, nhất là nghiệp vụ chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp. Một luật sư có uy tín phải có sự kết hợp chặt chẽ giữa năng lực chuyên môn với tư cách công dân gương mẫu.
THANH HẢI (Báo Nhân dân điện tử)

No comments:

Post a Comment