2017/03/17

LÍ DO PHẬT GIÁO VẪN ĐỨNG NGOÀI CUỘC

"Công giáo đã cất cao tiếng nói. Phật giáo ở đâu trong lòng dân tộc?". FB Chu Vĩnh Hải đã viết như thế sau sự thất bại của cuộc Tổng biểu tình đầu tiên (05/3/2017) khi chứng kiến nhiều giáo xứ Công giáo địa phận Vinh như Đông Yên (Hà Tĩnh); Song Ngọc và Phú Yên (Nghệ An) xuống đường tuần hành biểu tình phản đối Formosa! 

Rất hoan ngênh Chu Vĩnh Hải bởi anh ta đã phát hiện ra một sự thật mà xem chừng không có nhiều người để ý đến! Và với câu hỏi của Chu Vĩnh Hải thì không quá khó để trả lời. Với tâm tình chia sẻ với băn khoăn của Hải, xin được nói đôi điều xung quanh lí do của việc đứng ngoài cuộc của Giáo hội Phật Giáo sau sự cố ô nhiễm môi trường do công ty Formosa gây ra. 

Có một thực tế  dễ thấy là cùng với đạo Công giáo và nhiều tôn giáo khác, Phật Giáo có mặt ở 63/63 tỉnh, thành phố của Việt Nam. Và sau sự cố vừa qua cũng có không ít những tín đồ của tôn giáo này gặp khó trong đời sống kinh tế! Cho nên, lí do nếu ai đó nói rằng, do các tín đồ của đạo Phật không chịu thiệt hại nên tôn giáo này không hoàn toàn đúng. Đó là chưa nói, đường hướng xuyên suốt và chủ đạo của tôn giáo này được xác định từ năm 1982 đến nay là: Đạo Pháp - Dân tộc và chủ nghĩa xã hội, nghĩa là với đạo Phật không có gì là ngoài phận sự của mình. 

Ở một góc nhìn có phần cực đoan hơn, có người đã cho rằng, chính giáo thuyết của đạo Công giáo với nhiều điểm có tính cổ vũ và khuyến khích nên nó thúc đẩy việc xuống đường biểu tình của chức sắc và giáo dân bất chấp đã được chính quyền, nhà nước khuyến cáo, khuyên ngăn! Nền tảng để những người có ý nghĩ này chính là đường hướng khuyến khích tín đồ dấn thân vào đời sống chính trị - xã hội của giáo hoàng Phanxico. Tuy nhiên, suy nghĩ này cũng nhanh chóng bị bác bỏ bởi, Giáo thuyết của đạo Phật cũng có những điểm này và sự trùng hợp là sự "dấn thân" của cả đạo Phật và Công giáo đều mang hàm nghĩa tích cực, nó không cổ súy cho chủ trương, hành động chống lại chính quyền! Suy nghĩ này vì thế cũng đã bị bác bỏ! 

Lật lại vấn đề và toàn cảnh của 2 cuộc "Tổng biểu tình" vừa qua theo lời kêu gọi của Linh mục Nguyễn Văn Lý và "Tập hợp Quốc dân Việt" thì chúng ta thấy rằng: Lời kêu gọi được phát ra từ một chức sắc cực đoan của đạo Công giáo (Linh mục Lý). Vì vậy có thể chính tinh thần đồng đạo đã khiến nhiều chức sắc, tín đồ các giáo xứ đạo Công giáo hưởng ứng! Đó là lí do tại sao đạo Công giáo thì tham gia khá tích cực mà không thấy bất cứ một tổ chức Phật giáo nào từ cơ sở đến Trung ương tham gia! 

Phân tích sâu hơn vấn đề này chúng ta cũng sẽ thấy thêm: Đúng là Giáo hội Công giáo đã tham gia xuống đường tuần hành, biểu tình theo lời kêu gọi. Nhưng thử hỏi rằng, nó có đồng loạt ở 26 Giáo phận không, có phải tất cả các giáo xứ thuộc 26 Giáo phận cùng xuống đường không... thì câu trả lời là không. Nó chỉ xảy ra ở Giáo phận Vinh nơi có những chức sắc cực đoan và những giáo dân cuồng tín, tin theo một cách mù quáng, không cần suy xét; là ở TP Hồ Chí Minh, nơi có những Linh mục xuất thân từ cái nôi chống đối - Dòng chúa cứu thế Việt Nam. Thực trạng này cho thấy, không hề có sự đồng loạt và thống nhất trong việc tham gia biểu tình, tuần hành của Giáo hội Công giáo! 

Do vậy, cũng hãy đừng vội vàng nói rằng, "Công giáo đã cất cao tiếng nói" bởi đó có thể là những tiếng nói nhược tiểu, là từ một bộ phận không chính danh của Giáo hội Công giáo. Hãy đừng vội quy kết một vài giáo xứ nhỏ lẻ ở Giáo phận Vinh hay Dòng chúa cứu thế ở TP Hồ Chí Minh là Giáo hội Công giáo bởi chúng không có sức để đại diện cho toàn thể Giáo hội Công giáo tại Việt Nam! 

Trò lố kích bác của những kẻ như Chu Vĩnh Hải vì thế sẽ khó lòng mà thành hiện thực! 

An Chiến

No comments:

Post a Comment